Bài viết của Hoa Kiếm

[MINH HUỆ 17-08-2020] Bài thơ nổi tiếng của Martin Niemoeller tại Đài tưởng niệm Holocaust (tưởng niệm những nạn nhân trong các cuộc thảm sát của Đức Quốc xã) ở Boston có nội dung như sau:

BAN ĐẦU HỌ TỚI SÁT HẠI những người Cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là Cộng sản.

RỒI HỌ SÁT HẠI người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái.

RỒI HỌ SÁT HẠI các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.

RỒI HỌ SÁT HẠI người Công giáo, và tôi im lặng vì tôi là người theo đạo Tin lành.

ĐẾN KHI HỌ SÁT HẠI tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa.

Đó là một lời nhắc nhở rằng người ta phải lên tiếng vì công lý và không được giữ thái độ “trung lập” giữa thiện và ác.

Câu chuyện về Hoàng đế Khang Hy: Cái giá của sự “trung lập”

360 năm trước, ở Trung Quốc, Khang Hy, vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại nhà Thanh, đã lên ngôi khi mới sáu tuổi, sau khi vua cha băng hà.

Vì còn nhỏ tuổi, việc triều chính của hoàng đế được điều hành bởi bốn vị đại thần phụ chính từ triều đại trước: Sách Ni, Tô Khắc Tát Cáp, Át Tất Long và Ngao Bái. Sau khi Sách Ni chết, Ngao Bái đã xử tử Tô Khắc Tát Cáp dưới một tội danh vu cáo, khiến Hoàng đế chỉ còn lại hai đại thần phụ chính. Ngao Bái đã đưa người của mình vào những vị trí quan trọng và bịt miệng bất cứ ai muốn chống lại ông ta. Tuy nhiên, Át Tất Long đã làm ngơ trước hành vi của Ngao Bái.

Lên 13 tuổi, khi bắt đầu tham gia vào việc triều chính, Hoàng đế Khang Hy đã phong nhiều chức tước cho Át Tất Long, ban cho ông nhiều quyền lực hơn Ngao Bái nhằm hạn chế quyền lực của Ngao Bái. Nhưng Át Tất Long luôn cố tỏ ra trung lập giữa Hoàng đế và Ngao Bái. Ông ta không bao giờ khiển trách Ngao Bái trước mặt Hoàng đế, cũng không cố gắng ngăn cản Ngao Bái. Đôi khi, ông ấy thậm chí còn đứng về phía Ngao Bái.

Cuối cùng, hoàng đế 15 tuổi đã bắt giữ Ngao Bái trong một vụ mưu phản. Hoàng đế cũng đã bắt cả Át Tất Long.

Khang Hy cho rằng Át Tất Long đã khiến mọi việc tồi tệ đi khi giữ im lặng dù biết Ngao Bái đã giết hại nhiều đại thần và có thái độ ngạo mạn, khinh thường đối với Hoàng đế. Át Tất Long chết một năm sau đó.

Đạo lý của câu chuyện trên là giữ thái độ trung lập hay thờ ơ không nhất thiết sẽ mang lại sự an toàn cho người ta.

Trong Thế Chiến II, các nước như Luxembourg, Bỉ và Hà Lan đều tuyên bố trung lập, nhưng vẫn bị quân đội Đức xâm lược; tương tự, sự trung lập ban đầu của Hoa Kỳ đã không ngăn được Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.

Ngày 28 tháng 10 năm 2018, một chiếc xe buýt đã lao xuống sông Dương Tử ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. 15 người, gồm cả tài xế và hành khách, đã chết trong vụ tai nạn. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do một hành khách bỏ lỡ điểm dừng của cô ấy và yêu cầu tài xế dừng xe để cho cô xuống. Tài xế từ chối vì không có điểm dừng xe buýt ngay lúc đó. Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã dẫn đến một cuộc xô xát; tài xế mất lái khiến xe buýt rơi xuống sông.

Tuy nhiên, cuộc điều tra cho thấy trong 5 phút đầu xung đột giữa hành khách và tài xế, không ai khác trên xe tìm cách can thiệp. Họ chỉ đứng ngoài, im lặng nhìn cuộc xung đột và để cho thảm kịch diễn ra.

“Đồng lõa với cái ác”

Bà Hannah Arendt, nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng đã đặt ra cụm từ “sự tầm thường của cái ác” để mô tả cách Adolf Eichmann, một quan chức chủ chốt của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Nazi), dùng kỹ trị để thực thi các việc mà không cân nhắc đến mục đích của chúng. Eichmann là một trong những người tổ chức chính của vụ Đại đồ sát người Do Thái (Holocaust). Ông ta phụ trách công tác hỗ trợ và quản lý hậu cần trong việc đưa hàng loạt người Do Thái vào các trại hành quyết trong suốt Thế Chiến II.

Trong phiên xét xử ở Jerusalem năm 1961, Eichmann liên tục tuyên bố rằng ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh và các quyết định không phải do ông ta đưa ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn bị kết tội là tội phạm chiến tranh và bị xử tử bằng cách treo cổ.

Bà Arendt đã tham dự phiên tòa và nhận định rằng ngoại hình và tính cách của Eichmann đều bình thường. Do đó, bà cho rằng tội ác có thể là những hành động khác thường của những người bình thường. Khi người ta chỉ biết phục tùng hay giữ “thái độ trung lập” trong một chế độ toàn trị mà không suy nghĩ gì, họ đã trở thành một phần của chế độ đó, họ chấp nhận những hành vi vô đạo đức của chính quyền đó, và họ đồng loãi với tội ác, giống như Eichmann vậy thôi. Cho dù họ có bị cắn rứt lương tâm, họ vẫn dựa vào những giáo điều mà chế độ đó công nhận để bao biện cho mình, theo đó mà xua đi mọi cảm giác tội lỗi của bản thân.

Đáng tiếc là, sau 70 năm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản ở Trung Quốc, văn hóa Trung Hoa truyền thống và niềm tin vào đạo đức đã bị thay thế bằng thuyết vô thần và các học thuyết của Đảng Cộng sản về đấu tranh giai cấp, bạo lực và lừa dối. Để được yên thân, nhiều người ở Trung Quốc ngày nay đã chọn cách im lặng trước nỗi đau của người khác. Một số thậm chí còn đồng lõa với cái ác như những gì Eichmann đã làm.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng và virus Trung cộng

Vào tháng 7 năm 2006, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và ông David Matas, luật sư nhân quyền người Canada, đã công bố một báo cáo điều tra, trong đó kết luận rằng “… từ năm 1999, chính quyền Trung Quốc và các cơ quan của họ ở nhiều tỉnh thành, các bệnh viện, và cả các trại tạm giam và ‘toà án nhân dân’ đã hành quyết không biết bao nhiêu tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Nội tạng của họ như tim, thận, gan và giác mạc hầu như đều bị lấy hết cùng lúc để bán với giá cao, đôi khi là bán cho người nước ngoài vốn phải chờ rất lâu ở nước họ mới tìm được người hiến tạng.“

Báo cáo đề cập đến tội ác mà chính quyền Trung Quốc gây ra là “một loại tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này.”

Báo cáo cũng cho biết bệnh nhân từ gần 20 quốc gia và khu vực đã sang Trung Quốc để cấy ghép nội tạng vì thời gian chờ đợi ngắn (từ một tuần đến ba tháng). Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức truyền thông, dưới ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã im lặng. Trong một cuộc phỏng vấn với Minghui.org, ông David Matas cho biết: “Đối với rất nhiều người trên thế giới, chỉ vì thuận lợi cho chính trị và kinh tế mà hợp tác với nó.”

Tuy nhiên, khi mọi người thờ ơ trước những hành vi vô đạo đức hay mang tính phá hoại để tỏ vẻ “trung lập”, thì rốt cuộc sẽ chẳng có ai được an toàn. Ông Matas tin rằng đại dịch hiện nay là hậu quả của việc làm ngơ trước những hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Ông nói, “Nếu như các nước trên thế giới quyết liệt hơn trong việc chống lại mọi sự bóp méo, che đậy và phủ nhận, và đối diện với thông tin thực tế trước nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng; nếu như cả thế giới kiên quyết yêu cầu tính minh bạch và giải trình trách nhiệm trước nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng; và nếu như Trung Quốc chịu áp lực toàn cầu về tính minh bạch và giải trình trách nhiệm về hệ thống y tế của nước này về nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng, thì giờ đây, chúng ta đã không có chủng virus corona này. Và giờ, chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả vì đã nhắm mắt làm ngơ trước nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng.”

Lời kêu gọi thức tỉnh

Người ta có thể làm gì để tránh một thảm kịch như vậy? Chúng ta phải lên tiếng vì công lý và chọn không trung lập giữa thiện và ác.

Đồ Long, cư dân Vũ Hán, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng đại dịch virus corona đã thay đổi mong muốn trở thành một công dân ngoan ngoãn của anh. Anh cho biết, “Nếu không có mấy người bạn ở nước ngoài nói với tôi sự thật [về đại dịch], thì giờ đây, tôi có thể đã chết.”

Ngẫm lại bản thân trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, anh cho biết:

“Khi họ trục xuất những người lao động nhập cư ở Bắc Kinh, tôi tự nhủ: ‘Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi không phải là người nhập cư, tôi sẽ không bị trục xuất.’

“Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương [dành cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi], tôi đã nghĩ, ‘Tôi không phải là người dân tộc thiểu số, tôi không có tín ngưỡng tôn giáo nào, tôi sẽ không gặp rắc rối.’

“Tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của người dân Hồng Kông, nhưng tôi nghĩ, ‘Tôi sẽ không ra ngoài biểu tình [vì dân chủ] – điều đó không liên quan gì đến tôi.”

“Lần này nó ập đến quê hương tôi. Nhiều người tôi biết đã bị bệnh và một số đã chết – tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.”

Thông thường, mọi người chỉ thức tỉnh khi họ gặp nguy hiểm đến tính mạng, và đại dịch hiện tại thực sự dường như đã thức tỉnh nhiều người, giúp họ bắt đầu nhận ra bản chất của ĐCSTQ. Giữa thiện và ác, không có “sự trung lập”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/17/410576.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/5/186632.html

Đăng ngày 09-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share