Bài viết của Đồng Căn, Cổ Kim và Vô Huyền

[MINH HUỆ 22-07-2020] Đại dịch virus corona đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia, dẫn đến hàng chục triệu ca nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn ca tử vong. Hàng chục công ty đã và đang nghiên cứu về vắc-xin với hy vọng kiềm chế được dịch bệnh.

Tuy nhiên, những khám phá gần đây chỉ ra rằng từ các loại đột biến gen đến con đường lây lan, và từ các triệu chứng đến sức phá hoại hệ thống miễn dịch, virus corona không phải là bệnh thông thường, mà là một thách thức lớn cho nghiên cứu vắc-xin.

Gần 200 đột biến gen

Bệnh do virus corona là bệnh về đường hô hấp, nhưng nó không chỉ phát bệnh ở phổi. “Nó có thể phát bệnh ở hầu hết mọi bộ phận trong thân thể với sức tàn phá khủng khiếp”, bác sỹ tim mạch Harlan Krumholz của Đại học Yale cho biết trong bài báo “Virus corona giết người như thế nào? Các bác sỹ lâm sàng theo dõi cơn cuồng nộ chạy khắp thân, từ não đến ngón chân” (How does coronavirus kill? Clinicians trace a ferocious rampage through the body, from brain to toes) trên Tạp chí Science (Khoa học).

Ngày 5 tháng 5 năm 2020, trên trang BioRx (www.biorxiv.org), các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đã công bố báo cáo dự thảo có tiêu đề “Đường dẫn đột biến thể gai tiết lộ sự xuất hiện của một dạng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn” (Spike mutation pipeline reveals the emergence of a more transmissible form of SARS-CoV-2), tuyên bố 14 thể đột biến của virus corona mà họ đã xác định được có liên quan đến protein bề mặt gọi là gai. D614G, một trong những thể đột biến được phát hiện là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng virus corona thông thường.

Sau đó, báo cáo hoàn thiện công bố trên Tạp chí Cell (Tế bào) ngày 3 tháng 7 năm 2020, với tiêu đề “Theo dõi các thay đổi ở gai SARS-CoV-2: Bằng chứng rằng D614G làm tăng khả năng lây nhiễm của virus COVID-19” (Tracking Changes in SARS-CoV-2 Spike: Evidence that D614G Increases Infectivity of the COVID-19 Virus). Bài báo cho biết đột biến D614 là dạng phổ biến nhất trong đại dịch toàn cầu, thường thấy ở cấp quốc gia, khu vực và tỉnh thành.

Phân tích sâu hơn chỉ ra rằng biến thể này phát triển nhanh chóng trong phòng thí nghiệm trong khi đường hô hấp trên của người bị nhiễm bệnh cũng có lượng virus cao hơn.

Một bài báo khác, có tiêu đề “Sự xuất hiện của sự đa dạng bộ gen và các đột biến tái phát trong SARS-CoV-2” (Emergence of genomic diversity and recurrent mutations in SARS-CoV-2), sẽ được các nhà khoa học của Đại học University College London (UCL) xuất bản trên tạp chí Infection, Genetics and Evolution (Truyền nhiễm, Gen và Tiến hóa) vào tháng 9 năm 2020. Bằng cách phân tích hơn 7.600 tập hợp gen của công chúng, các tác giả đã xác định được 198 thể đột biến tái phát. Mặc dù tất cả những đột biến này đều có chung một tổ tiên vào cuối năm 2019, nhưng chúng xảy ra ở các khu vực khác nhau của bộ gen, bao gồm cả các protein phi cấu trúc và protein gai.

Tình hình vẫn tiếp tục biến đổi. “Các bác sỹ Trung Quốc đang thấy virus corona biểu hiện khác nhau ở các bệnh nhân trong cụm ca bệnh mới ở khu vực Đông Bắc so với đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, cho thấy mầm bệnh có thể đang thay đổi không cách nào xác định được, càng khiến nỗ lực dập dịch phức tạp”, Bloomberg đưa tin hôm 20 tháng 5 năm 2020, trong một bài báo có tiêu đề “Đợt bùng phát mới của Trung Quốc cho thấy dấu hiệu virus có thể đang biến đổi“ (China’s New Outbreak Shows Signs the Virus Could Be Changing).

Cụ thể là, các thể đột biến của virus dường như có thời gian ủ bệnh lâu hơn trước khi phát ra triệu chứng, và xem ra sẽ tồn tại dai dẳng hơn sau đó.

Các triệu chứng bất thường

Các triệu chứng điển hình của virus corona bao gồm ho, sốt, đau nhức cơ, đau đầu và khó thở. Nhưng cũng có những triệu chứng bất thường như phát ban trên da, tiêu chảy, thận có biểu hiện bất thường, và xuất hiện cục máu đông nguy hiểm, điều hiếm thấy ở virus đường hô hấp, tạp chí Time đưa tin trong bài báo “Các triệu chứng bất thường của virus corona: Điều chúng ta biết cho đến nay” (Unusual Symptoms of Coronavirus: What We Know So Far) ngày 19 tháng 5 năm 2020.

Ngày 18 tháng 5 năm 2020, Tạp chí Scientific American công bố một bài báo có tiêu đề “Từ đau đầu đến ‘ngón chân COVID’, các triệu chứng của virus corona là một hỗn hợp kỳ lạ” (From Headaches to ‘COVID Toes,’ Coronavirus Symptoms Are a Bizarre Mix); bài báo suy đoán có hai cơ chế chính dẫn đến các vấn đề ở hầu hết các cơ quan, gồm cả não, tim, thận, đường tiêu hóa, và da. Một trong hai cơ chế này liên quan đến phản ứng miễn dịch, và cơ chế kia là quá trình đông máu.

Các biến chứng liên quan đến đông máu như tắc nghẽn động mạch phổi và đột quỵ đã được phát hiện ở 30% bệnh nhân nặng. Điều khiến các nhà khoa học khó hiểu là nó có thể xảy ra ngay cả với những người trung niên và tại những vị trí bất thường trên cơ thể người.

“Phân tích trình tự gen cho thấy một số bệnh nhân có các biến thể gen có liên quan đến phản ứng miễn dịch thái quá khi bị nhiễm virus, cho ra một manh mối có thể giải thích vì sao một số người sinh ra các biến chứng nghiêm trọng”, theo các bác sỹ tại Trung tâm Y tế Irving của Đại học Columbia trong bài báo ngày 7 tháng 5 của Wall Street Journal có tiêu đề “Virus corona tấn công cơ thể từ đầu đến chân, khiến các bác sỹ bối rối” (Coronavirus Hijacks the Body From Head to Toe, Perplexing Doctors).

Các nhà khoa học khác cũng đồng ý với điều này. “Nó chạy khắp như một căn bệnh toàn thân, mà biểu hiện ban đầu là bệnh hô hấp”, Mark Poznansky, Giám đốc Trung tâm vắc-xin & Liệu pháp Miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết trong một bài báo hồi tháng 5 trên Axios có tiêu đề “Virus corona là một đối tượng di động” (The coronavirus is a moving target). Chẳng hạn, như bài báo đề cập, chưa rõ nguyên nhân có phải do bản thân virus này, do phản ứng của hệ thống miễn dịch với virus, hay do phương pháp trị liệu hay không.

Sức tàn phá đối với hệ miễn dịch

Danny Altmann, nhà miễn dịch học đến từ London nói với CNBC hôm 6 tháng 7, bình thường, một người nhiễm một mầm bệnh nào đó thì có thể sinh ra các kháng thể để ngăn chặn mầm bệnh khi bị nó tấn công lại. Nhưng đối với virus corona, chỉ có khoảng 10% đến 15% số người bị nhiễm đã sinh ra miễn dịch. Ông giải thích: “Nó là một chủng virus rất xảo trá, và miễn dịch đối với nó là rất khó hiểu và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.”

Mặt khác, nghiên cứu bổ sung đã chỉ ra rằng một lượng nhỏ kháng thể, ngược lại, còn có thể hỗ trợ sự xâm nhập của virus vào tế bào, càng gây nguy hiểm hơn cho cơ thể. Hiện tượng này được gọi là tăng cường kháng thể phụ thuộc hoặc tăng cường miễn dịch. Điều này được quan sát thấy ở virus sốt vàng da, virus Zika, HIV, và nay là virus corona.

Tình trạng này đã được các nhà phát triển vắc-xin xác nhận, Nature đưa tin ngày 5 tháng 6 trong bài báo có tiêu đề “Các nhà phát triển vắc-xin virus corona cảnh giác với các kháng thể trôi dạt” (Coronavirus vaccine developers wary of errant antibodies). Cụ thể hơn, bài báo cho biết, “vắc-xin tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2 có thể liên kết với virus này mà không vô hiệu hóa nó. Nếu điều này xảy ra, các kháng thể không trung hòa được virus còn có thể tăng cường sự xâm nhập của virus vào tế bào và nhân bản virus, cuối cùng làm tình trạng nhiễm bệnh còn nặng hơn chứ không phải là bảo vệ.”

Ngoài vấn đề tăng cường miễn dịch, các yếu tố khác cũng góp phần gây tổn hại. Bài báo ngày 16 tháng 6 của tạp chí Frontiers in Immunology mang tiêu đề “Cơn bão Cytokine trong COVID-19; Những gì chúng ta đã biết” (The COVID-19 Cytokine Storm; What We Know So Far) cho hay, COVID-19 gây ra viêm phổi ở hầu hết các ca nhiễm và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) ở khoảng 15% số ca nhiễm.

Bài báo giải thích, “Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 có liên quan đến sự hiện diện của cái gọi là ‘cơn bão cytokine’ là do virus gây ra. Sự sản sinh quá mức các dẫn xuất cytokine gây viêm (proinflammatory cytokines) làm chứng ARDS càng nặng thêm và vùng tổn thương mô lan rộng dẫn đến suy đa nội tạng và tử vong.”

Thách thức đối với nghiên cứu vắc-xin

Sản xuất vắc-xin COVID-19 không phải là việc đơn giản. Một lý do là virus corona là một loại virus RNA, vốn có tỷ lệ đột biến cao hơn nhiều so với virus DNA.

Một ví dụ về virus cúm. Trong vài thập niên qua, vắc-xin cúm đã được cung cấp cho công chúng, nhưng căn bệnh này vẫn cướp đi sinh mạng của khoảng 50.000 người mỗi năm, chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 2017, một bài báo trên tạp chí Science với tiêu đề “Tại sao vắc-xin cúm thường thất bại” cho biết, “Các liều tiêm phòng cúm được sử dụng phổ biến nhất chỉ bảo vệ chưa đến 60% số người được tiêm; có những năm, hiệu quả chỉ thấp ở mức 10%.”

Từ những năm 1940 đến những năm 1960, người ta tin rằng vắc-xin có hiệu quả 70%-90% dựa trên mức kháng thể. Bằng những phương pháp chính xác hơn, chẳng hạn như phản ứng chuỗi polymerase (PCR), đã phát hiện ra số ca nhiễm bệnh trong nhóm người đã được tiêm chủng còn cao hơn nhiều.

Arnold Monto, một nhà dịch tễ học của Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Michigan, giải thích về một số yếu tố góp phần vào sự thất bại của vắc-xin. Một là sự đột biến của dòng vắc-xin đang lưu hành, hay “thể đột biến trốn thoát” (escape mutant); còn lại là đột biến của bản thân dòng vắc-xin trong quá trình sản xuất.

Nghiên cứu vắc-xin cho virus corona cũng có những thách thức khác. Các kháng thể kháng protein gai (Anti-spike antibodies, S-IgG) liên kết với protein gai trên bề mặt virus đã được chứng minh là gây tổn thương cấp ở phổi ( acute lung injury, ALI) bằng cách phá vỡ hệ thống miễn dịch, như đã đề cập ở trên. Vào tháng 2 năm 2019, trong bài báo được công bố trên tạp chí JCI Insight có tiêu đề “IgG kháng potein gai gây tổn thương cấp tính nghiêm trọng ở phổi bằng cách làm sai lệch các phản ứng của đại thực bào trong quá trình nhiễm SARS-CoV cấp tính” (Anti–spike IgG causes severe acute lung injury by skewing macrophage responses during acute SARS-CoV infection), các nhà khoa học nhận thấy các phản ứng viêm tương tự cũng tồn tại ở những bệnh nhân chết vì virus corona. Nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể lây nhiễm mạnh hơn và nhân bản mạnh hơn SARS-CoV.

Một chủng bệnh với nhiều điều chưa biết

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về virus corona. Bài báo “Thoát khỏi chiếc hộp Pandora — Một chủng virus corona mới” (Escaping Pandora’s Box—Another Novel Coronavirus) đăng trên Tạp chí Y học New England hồi tháng 4 cho biết, đại dịch cúm năm 1918 cho đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử loài người với số người chết lên tới 50 triệu người trở lên.

Bài báo cho hay những bệnh như đại dịch có liên quan mật thiết đến hành vi của con người; những bệnh như vậy có thể tăng tốc đột ngột. “Bằng chứng cho thấy, cho dù bệnh xuất phát từ đâu, nó sẽ âm thầm lan rộng ra khắp thế giới, gây ra hầu hết các ca nhiễm nhẹ, nhưng cũng có tỷ lệ tử vong ở mức 0,5 đến 1% hoặc cao hơn—một tỷ lệ ban đầu quá thấp để có thể phát hiện so với tỷ lệ tử vong cao thường thấy ở các bệnh đường hô hấp không liên quan [đến chủng virus này]. Sau đó, nó đột nhiên bùng phát đồng loạt ở gần như khắp nơi ở các trung tâm đô thị, mở ra một giai đoạn đầy kịch tính sau một thời gian dài âm ỉ ủ bệnh.” Không may thay, COVID-19 giống với đại dịch cúm năm 1918 về nhiều mặt, kể cả tốc độ phát triển nhanh và sự lây lan trên diện rộng.

Không ai biết tiếp theo sẽ xảy ra điều gì. Altmann từ Đại học Imperial College London cho biết, ông cho rằng sẽ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai và tình hình vẫn “rất, rất đáng sợ”. Ông nhấn mạnh rất khó mà dự đoán có hay không, hay khi nào mới xác định được loại vắc-xin hiệu quả cho COVID-19. Ông nói thêm: “Ma quỷ nằm ở những tiểu tiết, vắc-xin không dễ dàng như vậy” (The devil is in the details, vaccines aren’t that easy).

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che đậy vụ bùng phát dịch SARS năm 2003, và nó cũng làm vậy khi COVID-19 bùng phát. Nhiều mô hình phân tích cho thấy những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của ĐCSTQ đều có số ca nhiễm cao. Với lưu ý này, việc loại bỏ chế độ độc tài của ĐCSTQ và tìm lại các giá trị truyền thống sẽ đưa chúng ta đến một con đường an toàn hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/22/409392.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/17/186388.html

Đăng ngày 25-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share