Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trường Xuân, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-06-2020] Tôi đã nhiều lần xem bộ phim “50 phút vĩnh hằng”. Những cảnh tượng diễn ra cách đây 18 năm lại tràn về đầy sống động trong tôi.
Tối ngày 5 tháng 3 năm 2002, tôi nhận được một cuộc điện thoại khẩn cấp từ một học viên. Anh ấy nhờ tôi giúp phát chính niệm và nói rằng họ đang làm một việc quan trọng. Vào thời điểm đó, hầu hết các học viên không biết đến việc chèn sóng truyền hình TV. Từ giọng nói nghiêm túc của anh, tôi hiểu đó phải là một việc gì đó rất quan trọng và khẩn cấp. Tôi ngay lập tức ngồi xuống và phát chính niệm. Tôi cảm thấy mình đang phát ra luồng năng lượng rất mạnh và toàn bộ cơ thể tôi được bao bọc trong đó. Sau này tôi mới biết điều quan trọng mà anh ấy đề cập đến là “Sự kiện chèn sóng truyền hình ngày 5 tháng 3 ở Trường Xuân”, sự kiện đã gây chấn động cho tất cả mọi người ở Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Trùng hợp là vào ngày 5 tháng 3, ngoài sự kiện chèn sóng truyền hình, các học viên địa phương ở Trường Xuân còn phải đối mặt với phiên tòa tại Tòa án Quận Nam Quan xét xử 13 học viên Pháp Luân Đại Pháp bị bắt giữ trước đó. Phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày hôm sau, ngày 6 tháng 3. Các học viên chúng tôi đã phối hợp cùng nhau như một chỉnh thể, và tôi cần phải tham dự phiên tòa này. Tiếng còi cảnh sát vang lên suốt đêm ngày 5 tháng 3 càng làm tăng thêm bầu không khí căng thẳng. Tôi cảm thấy vô cùng áp lực.
Hôm mùng 6 tháng 3, tôi dậy từ rất sớm và dâng hương cho Sư phụ để tỏ lòng thành kính của mình. Tôi làm nhiều việc nhà nhất có thể, giao tiền và các việc khác mà tôi đang đảm nhận cho người thân trong gia đình. Tôi nhìn mẹ già đã ngoài 80 tuổi gần như mù lòa và nhìn đứa con còn chưa vị thành niên. Sau đó, tôi mở cửa và bước ra ngoài.
Khi tôi xem cảnh anh Lưu Thành Quân nhìn ảnh con trong phim, anh Hải Ba nói lời từ biệt với vợ, và các học viên khác làm thế hợp thập và chào tạm biệt nhau trước khi rời khỏi phòng, nước mắt tôi lại tuôn trào. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy như thể tôi là một thành viên trong số họ.
Vào đêm ngày 5 tháng 3, sau khi sóng truyền hình TV bị chặn, trong khi cảnh sát đang điên cuồng truy lùng và bắt giữ những học viên có liên quan, một số học viên khác ở thành phố Trường Xuân đã treo nhiều biểu ngữ chân tướng gần Tòa án Quận Nam Quan. Nhiều cư dân địa phương đã xem chương trình phát sóng của các học viên trên TV. Khi họ bước ra và nhìn thấy các biểu ngữ về Pháp Luân Đại Pháp trên đường phố, họ đã bị sốc và nói: “Danh dự của Pháp Luân Đại Pháp đã được phục hồi!”
Trên đường đến tòa án, tôi nhìn thấy những biểu ngữ treo dọc con đường. Đường phố chật kín cảnh sát, xe cảnh sát, và các sỹ quan mặc thường phục. Họ nhìn chằm chằm vào từng người qua đường. Khi nhìn thấy một học viên nữ đi trước tôi bị bắt mà không có lý do, tôi nhanh chóng rẽ vào một con hẻm. Tôi nghe thấy những người dân trên đường bàn luận về sự kiện chèn sóng truyền hình TV và các tấm biểu ngữ. Một người dân vừa chỉ tay vào một ô cửa vừa nói: “Đêm qua tôi đã thấy những tấm biểu ngữ treo trên ô cửa này, một tấm bên trái, một tấm bên phải và một tấm giăng ngang ở giữa, giống như những câu đối chúng ta treo trong dịp Tết Nguyên đán”.
Bởi vì cảnh sát đang truy lùng chúng tôi khắp nơi, nhiều đồng tu cũng đã rẽ vào con hẻm đó, và chúng tôi cùng nhau phát chính niệm. Tôi đã gặp anh Lưu Hải Ba cùng vợ anh ở đó; anh nói với tôi rằng bản ghi âm sẽ được phát lúc 9 giờ sáng, khi phiên tòa bắt đầu theo dự kiến.
Anh Lưu Hải Ba và tôi đã tránh được cảnh sát và đến tòa án. Trước tòa án, chúng tôi trông thấy một sự cố khác. Một phụ nữ trẻ mang theo đứa con khoảng ba hoặc bốn tuổi đang cố gắng tiến vào tòa. Cô đã bị các bảo vệ chặn lại và xô đẩy. Đứa trẻ sợ hãi và khóc lớn. Nhưng người phụ nữ quyết không rời đi, và vẫn cố gắng tiến vào.
Anh Lưu Hải Ba và tôi nhìn nhau. Sau đó chúng tôi hỏi các bảo vệ: “Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao các anh có thể đánh một người phụ nữ đang bế một đứa con nhỏ?“ Những bảo vệ này nhìn thấy có nhiều người tụ tập ở cổng tòa án nên đã bỏ qua người phụ nữ và đi giải tán đám đông. Anh Lưu Hải Ba và tôi cùng rời đi.
Ít lâu sau, tôi nghe nói anh Lưu Hải Ba đã bị bắt và bị bức hại đến chết khi bị cảnh sát giam giữ. Tôi cảm thấy vô cùng đau đớn. Tôi chỉ gặp anh Lưu Hải Ba đúng hai lần. Sự phối hợp của chúng tôi trong việc vạch trần cái ác trước tòa án là một trong những lần chúng tôi gặp nhau. Tôi tin rằng sự phối hợp của chúng tôi ngày hôm đó cũng là lời hứa từ tiền sử của chúng tôi!
Sau này, từ trang web Minh Huệ, tôi biết được tên của người phụ nữ bế con nhỏ. Cô ấy là Thẩm Kiếm Lợi, vợ của anh Trịnh Vỹ Đông, một trong 13 học viên bị bắt. Tôi cũng đọc được tin cô bị bắt trước Tòa án Quận Nam Quan, và bị bức hại đến chết hai tháng sau đó! Ít nhất hai học viên tôi gặp ngày hôm đó đã bị bức hại đến chết: anh Lưu Hải Ba và cô Thẩm Kiếm Lợi!
Sau ngày hôm đó, cảnh sát đã triển khai một đợt lục soát quy mô lớn và bắt giữ mọi học viên Pháp Luân Đại Pháp mà họ có thể tìm thấy.
Cảnh sát đã cố gắng xét xử 13 học viên bị bắt trước ngày 6 tháng 3 năm 2002, nhưng không thành công. Trước đó, cảnh sát đã từng lên kế hoạch xét xử họ vào ngày 14 tháng 1 năm 2002, nhưng các học viên địa phương đã hay tin và liên tục gọi điện đến tòa án, gửi cho tòa tài liệu giảng chân tướng, và phát chính niệm. Ngày 14 tháng 1, gần một nghìn học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tập trung trên tất cả các tầng và trong sân tòa án, cũng như trên con đường gần tòa. Họ trực tiếp giải thích sự việc với các nhân viên tòa án và cảnh sát.
Một cảnh tượng vô cùng ấn tượng đã diễn ra vào ngày hôm đó:
Các quan chức đã hủy bỏ phiên tòa xét xử. Nhân viên tòa án đã đuổi các học viên chúng tôi ra khỏi chiếc cổng sắt của tòa và buộc 13 học viên bị giam giữ lần lượt lên xe chở tù nhân của nhà tù. Tất cả 13 học viên đều vững vàng bước ra. Các học viên chúng tôi đang đợi bên ngoài cổng đã làm thế hợp thập với họ. 13 học viên cũng làm thế hợp thập và nhìn chúng tôi với vẻ mặt trang nghiêm.
Bỗng nhiên, giữa chúng tôi có một cháu gái tuổi thiếu niên gọi lớn: “Bố ơi! Bố… ”Một nam học viên bị đẩy lên xe quay đầu nhìn lại. Tay anh giữ chặt cửa xe, cố gắng không vào. Nghe giọng nói trìu mến và đau lòng của cháu gái và chứng kiến cảnh tượng đó, ai trong chúng tôi cũng không khỏi xúc động.
Cánh cổng sắt mở ra, và chiếc xe chở tù nhân từ từ chạy qua. Những học viên bên trong xe và những người đứng ngoài cổng vẫy tay với nhau và làm thế hợp thập. Khung cảnh nặng nề, trang nghiêm và vĩ đại. Đột nhiên, một trong số các học viên hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Tất cả các học viên khác đều hô theo: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo… ”
Những sự cố được mô tả trên đây đã xảy ra trước và sau “Sự kiện chèn sóng truyền hình ngày 5 tháng 3” ở Trường Xuân. Dù đã 18 năm trôi qua, nhưng những cảnh tượng đó vẫn rõ ràng và sống động. Khi xem bộ phim, tôi cảm thấy như thể tất cả chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng những lời mà học viên Kim Học Triết đã nói trong phim:
“18 năm đã trôi qua. Mặc dù nhiều học viên phối hợp với tôi vào thời điểm đó đã qua đời, nhưng chúng tôi vẫn có thể bước tiếp con đường của họ, để cho cả thế giới có thể nghe được sự thật về Pháp Luân Đại Pháp.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/19/407802.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/13/186332.html
Đăng ngày 20-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.