Bài viết của Chương Trọng Dân
[MINH HUỆ 27-06-2020] Mùa hè năm nay, các khu vực dọc sông Dương Tử, con sông dài nhất Châu Á, đã trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng. Tỉnh Hồ Bắc, dù vẫn đang quay cuồng với hậu quả của sự bùng phát đại dịch virus corona, đã bị lũ lụt vào cuối tháng 6; tỉnh Giang Tây đã phải nâng mức ứng phó phòng chống lũ lụt từ cấp II lên cấp I, mức cảnh báo lũ lụt cao nhất vào ngày 11 tháng 7, xa hơn về phía hạ lưu, đập Tân An Giang ở tỉnh Chiết Giang đã phải mở cả 9 cửa xả lũ vào ngày 8 tháng 7 để thoát nước khiến 300.000 người lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Tình hình càng thêm phức tạp khi vào ngày 9 tháng 7, trang Đài Loan News đưa tin về việc xả lũ cứu đập Tam Hiệp với 3 cửa xả lũ được mở. Từng được coi là một dự án chính trị cao cấp, đập Tam Hiệp được tuyên bố là có thể ứng phó với trận lũ lớn 10.000 năm mới xảy ra một lần, theo Tân Hoa xã đưa tin hôm 1 tháng 6 năm 2003.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm, chức năng của nó đã được đánh giá thấp đi. Tháng 5 năm 2007, chính quyền Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng con đập này có thể chịu được những trận lũ 1.000 năm xảy ra một lần. Tháng 10 năm 2008, thông tin này đã được âm thầm rút xuống còn mỗi 100 năm một lần.
Những thay đổi trong giọng điệu này nêu bật những lợi ích được thổi phồng của công trình so với kinh phí to lớn dành cho nó. Được xây dựng từ năm 1994 đến 2003, Đập Tam Hiệp đã tiêu tốn hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 32 tỷ USD) cùng với việc hàng triệu người phải di dời. Bất chấp sự hy sinh to lớn của người dân Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc gần như không đề cập đến nhược điểm nào của dự án, chưa nói đến những rủi ro lâu dài về kinh tế, xã hội và sinh thái.
Ông Lý Nhuệ, cựu Thứ trưởng Bộ Bảo tồn Tài nguyên Nước, là người kiên quyết phản đối dự án này. Bài viết cuối cùng của ông về dự án được viết vào tháng 4 năm 1996, hai năm sau khi dự án bắt đầu. Sau đó, ông được lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời đó là Giang Trạch Dân yêu cầu giữ im lặng về vấn đề này.
Khi cuốn sách Dự án Đập Tam Hiệp được xuất bản ở Hồng Kông, ông đã viết: “Tôi đã nói tất cả những gì tôi có thể nói. Cả Thần và người đều có thể nhận thấy tấm lòng thành của tôi.” Lo lắng về tương lai của con đập, ông cũng nói với cháu gái của mình: “Nếu một ngày nào đó, Đập Tam Hiệp gây ra các vấn đề lớn, cháu hãy nhớ rằng ông của cháu đã luôn liên tiếng phản đối việc xây dựng nó.”
Một ngoại lệ trong Phong trào Đại nhảy vọt
Một trong những đánh giá toàn diện nhất về dự án này là bài báo của ông Lý Nhuệ có tiêu đề “Lịch sử của Đập Tam Hiệp mà tôi biết”.
Năm 1953, khi Mao Trạch Đông đi thăm sông Dương Tử, ông Lâm Nhất Sơn từ Bộ Tài nguyên Nước đã đề xuất việc xây dựng một con đập lớn để giải quyết vấn đề lũ lụt trong khu vực. Mao đồng ý với ý tưởng này và khi bơi trên sông Dương Tử vào tháng 6 năm 1956, ông đã viết một bài thơ về việc chặn sông bằng những con đập cao để tạo nên một “hồ nước phẳng trên cao”. Tờ Nhân dân Nhật báo đã theo sát ý tưởng này và đề xuất việc hoàn thiện các kế hoạch cho Giai đoạn 1 của dự án vào ngày 1 tháng 9 năm 1953.
Ông Lý Nhuệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy điện, phản đối ý tưởng này vì kế hoạch xây một con đập cao 235 mét của ông Lâm sẽ nhấn chìm khoảng 10 thành phố bao gồm cả Trùng Khánh cùng với việc phải di dời hơn hai triệu cư dân. Ông cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này, và họ cũng đã xác nhận những quan ngại của ông.
Năm 1956, ông Lý Nhuệ viết một bài báo và gửi tới tờ Nhân dân Nhật báo, nhưng sau đó thủ tướng Chu Ân Lai không cho phép xuất bản nó với lý do dự án này được Mao ủng hộ. Song, ông Lý Nhuệ và một số chuyên gia khác đã xuất bản một số bài báo ít thu hút sự chú ý hơn về vấn đề này.
Tháng 1 năm 1958, trong một cuộc họp cấp cao ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, cả ông Lâm Nhất Sơn và ông Lý Nhuệ đều trình bày ý tưởng của họ với Bộ Chính trị. Sau khi ông Lâm thể hiện quan điểm ủng hộ đối với dự án xây đập, ông Lý đã chia sẻ những quan ngại của mình. Dưới đây là những quan ngại chính của ông:
* Sông Dương Tử có lưu lượng nước lớn và chảy xiết nên khả năng tự làm sạch rất mạnh. Nếu một con đập được dựng lên, nó sẽ làm giảm khả năng tự làm sạch của con sông này và có thể dẫn đến hậu quả là lũ lụt tồi tệ hơn.
* Sông Dương Tử có nhiều nhánh sông, đặc biệt là ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây, với khoảng 50% lượng nước đến từ hạ lưu của vị trí đề xuất cho Đập Tam Hiệp. Theo đó, ngay cả khi con đập được xây dựng thành công, nó chỉ có thể giúp ngăn một phần lũ lụt rất nhỏ ở phía hạ lưu của đập.
* Ông Lâm lập luận rằng con đập sẽ giúp ngăn chặn và kiểm soát lũ lụt, chẳng hạn như trận lũ lớn nhất trong lịch sử gần đây xảy ra vào năm 1870 ở thượng nguồn sông Xuyên ở tỉnh Tứ Xuyên. Ông Lý phản đối cho rằng kè đê vẫn là biện pháp ngăn lũ chính, và ngay cả khi có con đập vào năm 1870, bởi do vị trí của nó, nó cũng không thể ngăn được trận lũ lớn nhất ở thượng nguồn sông Xuyên.
* Việc xây một con đập cao 200 mét hoặc cao hơn sẽ cần phải di dời hơn một triệu người dân, vốn không phải là một vấn đề nhỏ.
* Một con đập cao có thể dễ dàng trở thành mục tiêu trong thời chiến.
Mao đã ủng hộ lập luận của ông Lý Nhuệ, đặc biệt là lập luận cuối cùng, và bác bỏ ý tưởng về con đập. Tại các cuộc họp sau đó của Bộ Chính trị cùng năm đó, như cuộc họp ở Thành Đô vào tháng 3 và một cuộc họp khác ở Bắc Đới Hà vào tháng 8: “Hàng loạt nghị quyết đã được thông qua cho phong trào Đại nhảy vọt, chỉ riêng nghị quyết liên quan đến Tam Hiệp [không xây đập] là ngoại lệ duy nhất. Đó có lẽ là một quyết định đúng đắn được đưa ra trong các cuộc họp hồi đó,” ông Lý Nhuệ hồi tưởng.
Tuy nhiên, năm 1959, khi phong trào chính trị lên cao, ông Lý Nhuệ và một số quan chức khác bị nhắm đến vì không theo kịp đường lối của Đảng. Ông Lý Nhuệ bị tước bỏ mọi danh hiệu và bị đưa đến các vùng nông thôn để lao động khổ sai. Vì ông từng bị coi là kẻ thù của đất nước, con gái ông ban đầu đã bỏ rơi cha mình, nhưng rồi cô đã giúp đỡ ông sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc năm 1976.
Tháng 1 năm 1979, khi Lý Nhuệ trở lại Bắc Kinh, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước và Điện lực. Sau đó, ông được biết một dự án khác trên sông Dương Tử là đập Cát Châu Bá đã được xây dựng vào năm 1970. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề lớn, nó đã bị trì hoãn hai năm và mãi đến năm 1988 mới được hoàn thành.
Một dự án chính trị
Tháng 7 năm 1980, Đặng Tiểu Bình đến thăm Tam Hiệp sau khi giành lại quyền lực, và một quan chức nói với ông rằng xây một con đập ở đó sẽ cho phép những con tàu nặng 10.000 tấn đến Trùng Khánh từ đại dương. Ông Lý Nhuệ viết trong hồi ký của mình: “Điều này là gian trá vì ngay cả những cây cầu ở hạ lưu Vũ Hán và Nam Kinh cũng chỉ cho phép tàu nặng 5.000 tấn.“
Tuy nhiên, tháng 2 năm 1984, ông Đặng đã nói Thủ tướng Lý Bằng khởi động dự án này. Ông Tôn Việt Khi từ Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và các quan chức khác đã tiến hành thăm dò khảo sát khu vực này nhiều lần và viết nhiều báo cáo để phản đối dự án này. Những báo cáo này được tổng hợp trong một cuốn sách và xuất bản vào đầu năm 1989, nhưng quyển sách đã nhanh chóng bị cấm khi Sự kiện thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vài tháng sau đó.
Sau đó, nhóm dự án Tam Hiệp đã sản xuất một bộ phim tài liệu và trình chiếu cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng vào năm 1991. Ông Vương Chấn, một trong những tướng lĩnh kỳ cựu và là Phó Thủ Tướng Trung Quốc đương thời, đã liên hệ với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng để khởi công dự án. Kể từ đó, những người phản đối dự án này đã bị loại khỏi hầu hết các hình thức trao đổi và thảo luận.
Cuối cùng, dự án đã được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua năm 1992 bằng quy trình đóng dấu cao su. Những người phản đối đã bị cấm tham gia các cuộc họp và các buổi thảo luận tập trung vào cách xây dựng nó thay vì đánh giá rủi ro và lợi ích của nó. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo hàng đầu bao gồm cả Giang Trạch Dân đặc biệt yêu cầu những người tham dự ủng hộ dự án chính trị này. Tuy nhiên, chỉ có 67% những người tham gia bỏ phiếu đồng ý cho dự án.
Thiếu cơ sở khoa học
Các học giả phản đối dự án Tam Hiệp cũng phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Ông Hoàng Vạn Lý, người nhận bằng thạc sỹ thủy văn của Đại học Cornell đồng thời là tiến sỹ kỹ thuật của Đại học Illinois tại Urbana-Champaign vào những năm 1930, đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về con sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Bốn năm sau khi trở thành giáo sư của Đại học Thanh Hoa vào năm 1953, ông bị Mao Trạch Đông coi là thuộc phe cánh hữu và bị nhắm đến vì không sẵn sàng tuân theo đường lối của Đảng.
Ông Hoàng phát hiện ra rằng dưới lòng sông Xuyên, một nhánh của sông Dương Tử, có đá cuội và sỏi. Nếu một con đập cao được xây dựng, nó sẽ chặn sự di chuyển của đá cuội, khoảng 100 triệu tấn mỗi năm, khiến chúng bị giữ lại và trải dài ngược lên thượng nguồn. Điều này sẽ hủy hoại đất canh tác lân cận và biến những khu vực rộng lớn ở tỉnh Tứ Xuyên thành đầm lầy, chưa kể đến những thiệt hại không thể phục hồi về mặt sinh thái và sự suy giảm giao thông đường sông.
Dù có uy tín, ông Hoàng vẫn bị ngược đãi trong nhiều chiến dịch chính trị. Mãi đến năm 1998, khi ông Hoàng đã 87 tuổi, ông mới được phép dạy nghiên cứu sinh ở Thanh Hoa, chỉ ba năm trước khi ông qua đời.
Khi được Đài tiếng nói Hoa Kỳ phỏng vấn vào tháng 7 năm 2019, con gái ông Hoàng là Tiếu Lỗ cho biết cha cô đã viết 6 bức thư phản đối việc xây dựng con đập này. Ông Hoàng có lần nói: “Nếu họ cho tôi nửa giờ, tôi sẽ có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo hàng đầu rằng tại sao chúng ta không nên xây dựng nó.” Nhưng ĐCSTQ không bao giờ cho ông cơ hội đó.
Ông Lý Nhuệ đã quan sát thấy sự đen tối tương tự trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ, mà ông mô tả là “những ý kiến đúng đắn bị bác bỏ trong khi những ý kiến sai lại được ủng hộ. Tương tự, những người có năng lực bị đàn áp và những người không có khả năng thì được thăng quan tiến chức.”
Coi thường tự nhiên
Ông Phan Gia Tranh, cựu Phó Chủ tịch Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, từng là một người phản đối mạnh mẽ dự án Đập Tam Hiệp. Ông từng liệt kê 20 tác hại của dự án như: nhấn chìm đất và rừng, di dời một số lượng lớn cư dân, nguy cơ động đất, đánh mất di sản văn hóa, suy giảm chất lượng nước và khả năng sập đập.
Thế nhưng, ông Phan sau đó lại trở thành giám đốc kỹ thuật của dự án này. Ông đưa ra ba lý do, đều mang ý nghĩa chính trị, để giải thích vì sao ông từ một người phản đối trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ dự án xây đập. Thứ nhất: “Khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề và nhân loại sẽ chinh phục được tự nhiên.” Thứ hai, 20 nhược điểm của con đập không thể là cái cớ cho việc không tuân theo đường lối của Đảng. Thứ ba, những lời phản đối dự án xây đập chủ yếu đến từ cái gọi là lực lượng chống Trung Quốc. “Thay mặt cho người dân Trung Quốc,” ông Phan tuyên bố “Tôi sẽ không bao giờ cho phép dòng sông này được chảy theo ý muốn cũa nó mà không bị chế ngự.”
Ông Vương Duy Lạc, một chuyên gia về Đập Tam Hiệp, đã tiết lộ trong cuốn sách của mình rằng dự án này là một thỏa thuận giữa các cựu lãnh đạo ĐCSTQ: Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Năm 1989, Lý đã giúp Giang trở thành lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ trong cuộc Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, đáp lại, Giang sẽ ủng hộ dự án này thay cho Lý, người đang phụ trách ngành điện lực ở Trung Quốc.
Ngay sau khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, Giang đã đến thăm Tam Hiệp để khảo sát dự án và khiến cả Lý Nhuệ lẫn Hoàng Vạn Lý phải im lặng vì họ đã bày tỏ những ý kiến khác nhau. Năm 1992, dưới ảnh hưởng của Giang, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua dự án này, nhưng với tỷ lệ chấp thuận thấp chưa từng có.
Dữ liệu do Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 6 năm 2013 cho thấy có ít nhất 76 trường hợp tham nhũng liên quan đến dự án đập Tam Hiệp. Có 113 người liên quan với số tổng số tiền là 3,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 490 triệu USD). Các quan chức thanh tra và Văn phòng Kiểm toán Quốc gia thừa nhận rằng dự án đã trở thành một công cụ để các quan chức cấp cao biến đất công và các nguồn lực khác thành nguồn lợi riêng.
Hơn nữa, con đập tạo ra lượng điện trị giá khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,9 tỷ USD) mỗi năm, đã được tư nhân hóa mặc dù khoản đầu tư trước đó của nó là từ quỹ công. Điều đó có nghĩa là sau khi đã đóng góp rất nhiều cho dự án, bao gồm cả việc bị buộc phải di dời, những người dân thường không những không được giảm giá điện như đã được hứa trước đó, mà họ còn phải trải qua những đợt hạn hán, nhiệt độ cao, lũ lụt, và động đất thường xuyên hơn.
An toàn trở thành mối quan ngại lớn
Ông Hoàng Vạn Lý, người hiểu rõ những hạn chế của con đập, đã từng tiên đoán 12 hậu quả từ việc xây dựng con đập. 11 tiên đoán đầu tiên là: lở vỡ các bờ hạ lưu, ảnh hưởng giao thông đường sông, vấn đề di dời dân cư, các vấn đề tích ứ bùn cát, chất lượng nước kém, sản xuất điện thấp hơn, khí hậu thất thường, động đất thường xuyên, lây lan bệnh sán máng, suy thoái môi trường sinh thái, và lũ lụt ở thượng nguồn. Tất cả những tiên đoán này sau đó đều trở thành hiện thực. Tiên đoán cuối cùng là: khi lợi bất cập hại, con đập sẽ bị nổ tung.
Bản đồ của Google về đập Tam Hiệp: hình bên trái chụp năm 2009, hình bên phải chụp năm 2018
Mới đây, một so sánh trên bản đồ của Google về ảnh chụp con đập năm 2009 và năm 2018 đã được chia sẻ trên mạng internet, thu hút nhiều sự quan tâm. Hình chụp năm 2009 cho thấy con đập bình thường, nhưng hình chụp sau đó vào năm 2018 cho thấy cấu trúc bị biến dạng nghiêm trọng. Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra một số giải thích, nhưng không có giải thích nào hợp lý. Tình hình trở nên đáng nghi ngờ hơn khi xem xét những gì chính quyền Trung Quốc đã nói vào năm 2010: “Con đập có khả năng xử lý lũ lụt hạn chế. Tốt hơn hết là đừng trông cậy quá nhiều vào nó”.
Cũng cần lưu ý rằng mặc dù là một dự án cao cấp, nhưng không có lãnh đạo tối cao nào của ĐCSTQ tham dự buổi lễ khánh thành con đập sau khi nó được hoàn thành vào năm 2009. Cũng không có chứng nhận hoàn thành dự án chính thức nào được cấp cho dự án này. Cư dân mạng cho rằng điều này là do không ai muốn phải chịu trách nhiệm cho quả bom hẹn giờ này.
Ở một mức độ nào đó, những sự che đậy như thế của các quan chức ĐCSTQ tương tự như những gì đã xảy ra trong đợt bùng phát virus corona ở Trung Quốc. Sau một loạt các chiến dịch chính trị nhắm vào giới trí thức (những năm 1950), phá hủy các nền văn hóa (những năm 1960-1970), đàn áp phong trào dân chủ (những năm 1980), và bức hại các nhóm tôn giáo (chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công), ĐCSTQ đã không tha cho đất đai của Trung Quốc, kể cả hệ thống sông ngòi.
Đập Tam Môn Hiệp, một dự án lớn trên sông Hoàng Hà, cũng dựa trên cơ sở chính trị và bắt đầu vào năm 1957. Vì phản đối dự án này, ông Hoàng Vạn Lý đã bị ĐCSTQ chỉ trích trong nhiều thập kỷ. Còn người ủng hộ mạnh mẽ cho dự án này là ông Trương Quan Đấu, người đã điều chỉnh các con số để dự án này được thông qua, lại liên tục được thăng quan tiến chức. Chỉ trong vòng hai năm sau khi con đập được hoàn thành, các vấn đề xuất hiện vào năm 1962 khiến Mao Trạch Đông thất vọng đến mức ông ta đã nói về việc cho nổ tung con đập. Tuy nhiên, những sự thật được chứng minh không thể hoán đổi số phận của ông Hoàng và ông Trương, và mãi cho đến năm 2004, ĐCSTQ mới công khai thừa nhận về sai lầm của dự án này.
Bên cạnh các con đập, ông Phan và ông Trương cũng theo sát các phương diện khác trong đường lối của Đảng. Ông Phan là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống Giáo phái của Trung Quốc (một tổ chức của ĐCSTQ trợ giúp cho cuộc bức hại Pháp Luân Công) trong khi ông Trương cũng là một thành viên chủ chốt của tổ chức này.
ĐCSTQ không ngừng gây hại cho người dân Trung Quốc, và bây giờ là người dân trên thế giới trong đại dịch virus corona, có thể thấy việc nói không với ĐCSTQ là một bước quan trọng khiến xã hội của chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường.
Bài viết liên quan bằng tiếng Hán:
https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/17/408923.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/5/408595.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/12/186307.html
Đăng ngày 21-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.