Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Nhật Bản

[MINH HUỆ 07-08-2020] Trên Minh Huệ Net có đăng một bài chia sẻ với tiêu đề “Cải biến phương thức tư duy”, sau khi đọc xong tôi cũng có nhiều cảm nhận muốn chia sẻ một chút với đồng tu. Chúng ta tham gia trong nhiều hạng mục trợ Sư chính Pháp, hoặc là trong tu luyện cá nhân đều gặp đủ dạng đủ loại khó khăn và mâu thuẫn, đôi khi công việc vẫn chưa tiến hành được bao nhiêu, thì bản thân chúng ta đã bị mâu thuẫn và khó khăn làm cho sức cùng lực kiệt rồi. Tôi nhận thấy trong số đó có rất nhiều đồng tu đều đang nỗ lực tu, đồng thời cũng đang cố gắng bù đắp ở các phương diện còn thiếu sót, tuy nhiên vẫn không thể đạt đến một trạng thái tốt đẹp nhất định. Vậy vấn đề là ở đâu? Chắc hẳn phải có rất nhiều nhân tố can nhiễu. Thông qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số phương diện mà bản thân có thể nhìn thấy.

I. Mâu thuẫn xuất hiện không phải chỉ đơn thuần là tăng sự dung chứa

Trong một hạng mục, tôi nhận thấy sau khi mâu thuẫn xảy ra từ những tranh chấp hoặc ý kiến không được thống nhất, một số đồng tu sẽ hiểu sai, đơn giản cho rằng: Mình đã tăng dung chứa, điều này giúp mình tu nhẫn.

Tất nhiên khi cùng làm một hạng mục, nên phối hợp, giúp đỡ và bao dung lẫn nhau, thậm chí đôi khi cũng nên nhẫn nại. Nhưng nếu chỉ suy nghĩ giới hạn rằng bản thân nên nhẫn, nên tăng sự dung chứa, như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề, và mâu thuẫn tương tự vẫn xảy ra. Khi mà chúng ta cảm thấy đã nhẫn đến cực hạn rồi, thì xuất hiện tiêu cực trong phối hợp, điểm nghiêm trọng chính là sẽ không tham gia nữa, hoặc sẽ làm theo cách khác hoặc làm lại từ đầu, hơn nữa từ tận đáy lòng sẽ sinh ra một kiểu suy nghĩ, ấy là hy vọng đối phương làm không tốt. Đây chính là tâm tật đố.

Kỳ thực tất cả hạng mục mà chúng ta làm đều là vì trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh, vì vậy làm tốt hạng mục vốn dĩ là điều rất quan trọng. Thường khi mâu thuẫn xuất hiện, ấy là vì một số cách làm của chúng ta chưa thỏa đáng, hoặc cách nghĩ không thực tế, hoặc không đứng ở vị trí chúng sinh được cứu mà suy xét vấn đề, hoặc vì suy nghĩ theo thói quen dẫn đến chủ quan cho rằng nên làm như thế mà nhấn mạnh bản thân v.v.. Cùng nhiều nhân tố khác tạo thành nữa. Là một người tu luyện, dĩ nhiên là chúng ta phải nhẫn, phải tăng sự dung chứa, tuy nhiên chúng ta càng cần lý trí tìm xem bản thân việc cấu thành nên mâu thuẫn đó là gì, chúng ta đứng trên cơ điểm nào để suy xét sự việc này.

Tôi nhận thấy nhiều khi chúng ta làm việc hoặc suy nghĩ vấn đề, đều là làm theo quán tính và tư duy theo quán tính, nếu kiểu tư duy theo quán tính này mà lệch khỏi Pháp, vậy rất có thể sự việc được thực hiện cũng lệch khỏi Pháp, hơn nữa khó cảnh giác được. Trong tu luyện xuất hiện kiểu mâu thuẫn quán tính lặp đi lặp lại.

Sư phụ giảng:

“Những quan niệm và những thứ bất hảo được dưỡng thành khi người ta ở trong cuộc sống hiện thực là rất khó có thể lập tức làm cho kiền tịnh; những thứ có tính thói quen cần phải bỏ thói quen đó đi. Phương thức tư duy đã là như thế rồi, vậy từ trên tư duy phương thức ấy mà uốn nắn nó cho chính, thì mới có thể không xuất vấn đề.” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên [2009], Giảng Pháp tại các nơi X)

Tôi cảm thấy chúng ta nhất định phải xem xét lại tư duy của bản thân, liệu mình có kiểu tư duy theo thói quen này không. Cụ thể trong phối hợp hạng mục, tôi nghĩ tối thiểu có bốn điểm sau đây mà chúng ta cần lưu ý:

1. Chúng ta có hoàn toàn đứng trên cơ điểm của Pháp không, có ẩn chứa tâm chấp trước ở phía sau không, ví như tâm chứng thực bản thân hoặc tâm hiển thị v.v..

2. Chúng ta có lý trí xuất phát từ thực tế không, có xem xét vấn đề dựa trên chỉnh thể không. Chúng ta không thể thoát ly hiện thực, muốn làm gì liền làm nấy, cho rằng hiển nhiên nó là như thế, sẽ dễ khiến người khác thấy phi lý, hoặc cảm giác rằng chúng ta đang nói chuyện trời ơi đất hỡi, sẽ khởi tác dụng tương phản. Trong một hạng mục chắc chắn sẽ có những người khác nhau phát huy những tác dụng khác nhau, suy xét dựa trên chỉnh thể ấy là suy xét đến mọi mặt của tất cả các nhân tố càng nhiều càng tốt, không phải chỉ vì cá nhân muốn làm gì đó mà xem nhẹ chỉnh thể.

3. Nếu hạng mục đã quyết định cách làm cụ thể rồi, tuy nhiên chúng ta nhìn thấy có những chỗ chưa phù hợp, vậy hãy âm thầm lặng lẽ bổ sung.

4. Nếu chúng ta hoàn toàn đứng trên cơ điểm của Pháp mà nhận thấy chỗ nào đó trái ngược với Pháp, chúng ta nên thiện ý chia sẻ với đồng tu một cách có lý trí, và tin tưởng rằng đồng tu cũng đang đứng trên cơ điểm duy hộ Pháp, thật sự có chỗ nào hiểu sai cũng nhất định có thể thay đổi cho phù hợp.

Dĩ nhiên đây cũng là nhận thức dựa trên tầng thứ hiện tại của bản thân, và nhận thức của tôi cũng có tính giới hạn, nếu đồng tu cho rằng có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong đồng tu chỉ rõ. Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể dưỡng thành thói quen đứng trên cơ điểm của Pháp mà xem xét kỹ từng ý từng niệm.

II. Nghĩ rằng mình duy hộ Pháp mà xem nhẹ tu luyện bản thân

Trong hạng mục chứng thực Đại Pháp, đặc biệt là rất nhiều hạng mục quan trọng như Shen Yun, Minh Huệ, Tân Đường Nhân, Epoch Times v.v.. Vì quan trọng nên chúng ta cũng có tâm duy hộ hạng mục khá mạnh mẽ. Khi đồng tu phối hợp với nhau cũng khó tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn, trong lúc giải quyết mâu thuẫn, tôi phát hiện một số hiện tượng như: Một số đồng tu vì có tâm duy hộ hạng mục khá mạnh, nên khi xảy ra mâu thuẫn đã dùng kiểu bài xích, khiển trách, thậm chí dùng cách thức tranh đấu để giải quyết vấn đề, dùng kiểu áp đảo đối phương hết sức mạnh mẽ; trong mắt của vị đồng tu này, thì xem đồng tu đối phương như kẻ phá hoại Pháp, nên tuyệt đối không thể dung nhẫn.

Sư phụ giảng:

“Chừng nào chư vị là một người tu luyện, bất kể là ở hoàn cảnh hoặc bất kể tình huống nào, thì tất cả những việc rắc rối và không vui gặp phải, thậm chí cả công tác vì Đại Pháp nữa, dẫu chư vị nhận thức rằng đó là việc tốt đến mấy, việc thần thánh đến mấy, tôi thảy đều lợi dụng để trừ bỏ tâm chấp trước của chư vị, bộc lộ ma tính của chư vị, và trừ bỏ nó đi.” (Nhận thức tiếp nữa, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi nghĩ rằng tâm duy hộ Pháp của vị đồng tu này là tốt, nhưng đồng thời cũng xen lẫn tâm tranh đấu và tâm lý tự ngã. Bởi vì chỉ xem trọng bản thân duy hộ Pháp ra sao mà xem nhẹ tu bản thân. Có lẽ đây cũng là một kiểu tư duy theo thói quen.

Thực ra các đồng tu có thể tham gia những hạng mục này đều có tâm duy hộ Pháp, nếu thấy đồng tu có chỗ nào không thỏa đáng thì nên chỉ ra cho họ biết, đều có thể phối hợp. Nếu thực sự không thể phối hợp được nữa thì tìm người quản lý tương ứng, cũng có thể giải quyết được. Kỳ thực, kiểu phương thức xử lý mạnh mẽ này sẽ mang lại những ảnh hưởng phụ diện trong công việc về sau. Chúng ta kiên định duy hộ Pháp không đồng nghĩa với việc sử dụng phương thức kịch liệt, chúng ta dùng phương thức bình hòa, tâm thái bình hòa cũng có thể đạt được trạng thái kiên định duy hộ Pháp kia mà.

III. Tất cả những trạng thái và cảm xúc biểu hiện ra trong quá trình tu luyện

Trong cuộc sống, con người hình thành rất nhiều quan niệm, nếu những quan niệm này rất mạnh có thể sẽ điều khiển con người ta, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, là một người tu luyện, chúng ta phải xem nhẹ những quan niệm này, thậm chí loại bỏ nó đi. Nhưng với một số quan niệm, bản thân không dễ mà ý thức được.

Ví như trong chúng ta có một vị đồng tu rất cố gắng tu luyện, cũng rất tinh tấn, nhưng quan gia đình khá lớn, cô ấy hy vọng có thể bài trừ trạng thái này nên đã phát chính niệm trong một thời gian dài. Nhưng cô luôn cảm thấy không hiệu quả, từ đó tạo cho bản thân một cảm giác sai, nghĩ rằng năng lực phát chính niệm của bản thân mình yếu, và dường như những quan nạn gặp phải không có hồi kết, nên sau đó đã rơi vào trạng thái tiêu trầm.

Trên Minh Huệ Net có rất nhiều bài chia sẻ của các đồng tu mới, mặc dù họ tu luyện chưa lâu, nhưng phát chính niệm có uy lực rất lớn, những bài viết như vậy khá nhiều. Vì sao có thể được như vậy? Tôi nghĩ rằng chỉ cần chúng ta tu luyện chân chính, chúng ta sẽ có năng lực rất lớn, nếu không phát huy tác dụng là vì có quá nhiều quan niệm hoặc tư duy theo thói quen cản trở chúng ta, khiến năng lực của chúng ta không phát huy được.

Như vị đồng tu nói trên, cô ấy cảm thấy phát chính niệm không có hiệu quả, bản thân của việc cảm giác không hiệu quả này đã là vấn đề rồi. Trước tiên, có hiệu quả hay không là thể hiện ở không gian khác, không nhất định lập tức phản ánh đến bề mặt con người này của chúng ta. Lần sau, chúng ta cảm thấy không có kết quả, thuyết minh rằng khi chúng ta phát chính niệm có tâm truy cầu trong đó, chính là truy cầu kết quả; nghĩ rằng, mình phát chính niệm phải thấy được kết quả, nếu không có kết quả thì không tín tâm, đây là tâm truy cầu (tâm chấp trước), bản thân tâm ấy đã ảnh hưởng đến việc phát chính niệm. Cựu thế lực nhìn thấy bạn có cái tâm này sẽ làm cho nó trở nên nghiêm trọng hơn, khiến bạn càng cảm thấy không có kết quả. Thực ra thì ngay lúc này đã rơi vào cái bẫy của cựu thế lực rồi. Bởi vì không có kết quả nên bạn cho rằng năng lực phát chính niệm của bản thân yếu, vậy năng lực phát chính niệm của bạn sẽ thật sự trở nên yếu, vô hình trung đã kéo dài quan nạn này, cho nên mới cảm giác nhìn không thấy hồi kết, và rơi vào trạng thái tiêu trầm. Đây là một cái vòng luẩn quẩn của nó. Và vị đồng tu này cũng muốn đột phá trạng thái này, nên nỗ lực học Pháp, cảm thấy bản thân có thể dần dần vượt qua, rồi lại tiếp tục phát chính niệm.

Tôi cảm thấy vị đồng tu này không thuận theo tiêu trầm mà tiêu trầm, cô ấy thông qua nỗ lực học Pháp khiến bản thân bước ra khỏi trạng thái tiêu trầm, đây là cách làm rất tốt. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy ngay lúc đó đồng tu không ý thức được vấn đề này, mà mang phương thức tư duy là làm việc phải nhìn thấy kết quả. Cái cảm giác vô vọng đó, cùng trạng thái tiêu trầm, vốn là những thứ nên loại bỏ đi trong tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Cần ‘vô sở cầu nhi tự đắc’” (Học Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Chúng ta chỉ quan tâm chiểu theo yêu cầu của Pháp mà làm, trong quá trình này không ngừng tu sửa bản thân, khi đạt đến tiêu chuẩn, tự nhiên sẽ có kết quả tốt thôi.

Chúng ta tu luyện trong người thường, mang thân thể của con người, có cảm nhận của con người, nên sẽ xuất hiện các dạng các loại cảm xúc và trạng thái, chỉ cần nó không khởi tác dụng can nhiễu chúng ta, thì đều là bình thường. Tuy nhiên nếu nó làm chủ chúng ta, khiến chúng ta chìm trong cảm xúc và trạng thái này, thì đó chính là vấn đề rồi.

Bởi vì chúng ta tu “Chân-Thiện-Nhẫn”, nên tất cả đều là tốt đẹp. Khi chúng ta xuất hiện cảm xúc hay trạng thái nào đó, thông qua “Chân-Thiện-Nhẫn“ mà đo lường sẽ biết được trạng thái này có đúng hay không. Nếu không đúng thì cần thanh trừ nó đi. Trong khi tôi tiêu trừ những thứ này, tôi nhận thấy nó từ bên ngoài ép nhập vào trong, cho nên nó có thể lưu lại trong con người tôi, vì nó có thể móc nối với các tâm chấp trước hoặc tư duy không chính nào đó, nên nhất định phải thanh trừ loại cảm xúc này, do đó đầu tiên cần thanh trừ tâm chấp trước và những cách nghĩ không tốt của bản thân. Vì vậy những cảm xúc hoặc trạng thái không tốt cùng tâm chấp trước và quan niệm của chúng ta đều có liên quan với nhau.

Kỳ thực, nếu chúng ta cảm thấy những cảm xúc mạnh mẽ như phẫn nộ, đau buồn, sợ hãi, chán ghét, áy náy trong lòng, tiêu trầm, kích động, cao hứng v.v.. Thì chúng ta nên loại bỏ nó đi, tối thiểu cũng nên xem nhẹ nó. Nếu nó làm chủ chúng ta, vậy phải nghiêm túc đối đãi, rất có thể là nhân tố tà ác ở không gian khác đang khởi tác dụng. Chúng ta thanh trừ can nhiễu từ không gian khác, bỏ đi chấp trước của bản thân, quy chính bản thân, như vậy mới có thể làm tốt hơn trong việc trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh.

Lời kết

Chúng ta tu Đại Pháp vũ trụ, Sư phụ của chúng ta là vĩ đại nhất.

Sư phụ giảng:

“Gốc của tôi gắn trên vũ trụ, ai có thể động tới chư vị, người ấy có thể động đến tôi; nói thẳng ra, người ấy có thể động đến vũ trụ này.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Vậy chúng ta còn lo lắng gì nữa? Phía sau chúng ta có Sư phụ, có Đại Pháp, nếu chúng ta quy chính tư tưởng và tâm của chúng ta, thì liệu ai có thể động đến chúng ta được chứ? Ngược lại mà nói, nếu chúng ta gặp ma nạn, vậy nhất định có tồn tại những thứ bất thuần và bất chính trong bản thân chúng ta.

Biểu diễn Shen Yun năm nay có một tiết mục, nói về một vị tướng quân không còn hứng thú với chiến trường nên quyết định tu đạo, tướng quân đã bái một vị Chân Nhân làm thầy. Trước đây vị Chân Nhân này đã thu nhận rất nhiều đệ tử, vị tướng quân này là người cuối cùng nhập môn. Đến phút cuối, vị Chân Nhân khảo nghiệm đệ tử, ông ấy bèn nhảy xuống vách núi dựng đứng. Các đệ tử của ông đều nhìn Đông nhìn Tây không biết nên làm thế nào, chỉ có vị tướng quân này dám nhảy theo. Sau đó vị Chân Nhân đã cưỡi mây đưa người tướng quân này bay lên, trong tất cả đệ tử, chỉ có duy nhất vị tướng quân nhập môn cuối cùng này là tu thành.

Tiết mục này khiến tôi cảm khái vô cùng, nhất niệm Thần Tiên, nhất niệm phàm nhân. Nếu chúng ta không ý thức chủ động xem xét tư duy của bản thân, có lẽ đến thời khắc then chốt sẽ lựa chọn sai mà không tự biết, từ đó mất đi cơ duyên, vậy sẽ lưu lại thống hận vô tận trong mỗi sinh mệnh chúng ta.

Đây là một chút nhận thức trong tầng thứ hiện tại, nếu có chỗ này không đúng mong đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/7/再谈改变思维方式-410090.html

Đăng ngày 11-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share