Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Chiết Giang

[MINH HUỆ 28-06-2020] Bà Lâm Vận Quyên, một cư dân ở thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, đã bị bắt vào tháng 5 năm 2007 chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị kết án 3 năm và bị giam ở Nhà tù Nữ tỉnh Chiết Giang, nơi bà đã bị tra tấn tàn bạo. Bà được trả tự do trước thời hạn vì lý do sức khỏe trong tình trạng nguy kịch vào năm 2008 và qua đời vào tháng 1 năm 2009 khi bà 66 tuổi.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, một lượng lớn học viên đã bị bắt giam, tra tấn và bỏ tù.

Một báo cáo trước đây vào tháng 1 năm nay đã tóm tắt lại cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở quận Liên Đô, thành phố Lệ Thủy, nơi bà Lâm đã sống. Dưới chỉ thị từ Phòng 610 Liên Đô, một cơ quan đứng ngoài vòng pháp luật được thành lập để tiêu diệt Pháp Luân Công, hơn 30 học viên địa phương ở quận này đã bị bắt giam tại các Trại tạm giam, trại lao động, và nhà tù trong những năm qua.

Bị các quan chức sách nhiễu ngay cả trong những ngày cuối đời

Tám học viên ở quận Liên Đô đã bị bắt vào ngày 27 tháng 5 năm 2007, bao gồm bà Lâm Vận Quyên, bà Chu Trường Minh, bà Chu Ái Trân, bà Diệp Cúc Vân, bà Quan Thục Phân, bà Lại Sương Nam, bà Hướng Vân Hiền, và bà Đan Thúy Phong.

Cảnh sát đã lục soát nhà của những học viên này và đưa họ đến một trung tâm tẩy não ở làng Thủy Đông, nơi họ không được phép ngủ trong 3 ngày liên tiếp.

Những học viên này sau đó bị chuyển đến trại tạm giam Lệ Thủy ở Tam Nham Tự. Trong những ngày đó, bà Lâm đã bị tra tấn tàn bạo, khiến cho bà không thể ăn ngon ngủ yên. Sức khỏe của bà giảm sút và bà bị nhiều bệnh tật.

Viện kiểm sát Liên Đô sau đó đã buộc tội 8 học viên này và một phiên xét xử bí mật đã diễn ra ở Tòa án Liên Đô vào cuối tháng 12 năm 2007. Bà Lâm bị kết án 3 năm và bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Chiết Giang vào tháng 1 năm 2008.

Việc liên tục bị ngược đãi ở trong tù đã khiến sức khỏe của bà Lâm ngày càng yếu. Bà bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy và phải tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện trong tù. Để chối bỏ trách nhiệm, nhà tù đã trả tự do trước thời hạn cho bà vì lý do sức khỏe vào đầu năm 2008.

Gia đình bà Lâm đã chăm sóc bà chu đáo sau khi đưa bà về nhà, tuy nhiên đặc vụ Phòng 610 Liên Đô thường xuyên sách nhiễu họ tại nhà. Khi tình trạng của bà xấu đi, bà đã được đưa vào bệnh viện. Những đặc vụ này vẫn tiếp tục sách nhiễu bà tại bệnh viện cho đến khi bà chết vào tháng 1 năm 2009.

Những trường hợp bị bức hại khác

Giống như bà Lâm, nhiều học viên khác ở quận Liên Đô cũng đã phải chịu đựng thống khổ rất lớn vì tín ngưỡng của mình nơi Pháp Luân Công. Sau khi bà Lưu Hải Yến buộc phải rời nhà vào năm 2007 để tránh bị bắt vì tập Pháp Luân Công, các đặc vụ của Phòng 610 và cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu người mẹ già 80 tuổi của bà là cụ Chu Nguyệt Vinh.

Có lần họ đến vào ban đêm và cậy cửa làm hỏng cửa nhà bà Chu. Bà Chu sau đó không thể đóng được cửa nên hôm sau bà phải gọi một người thợ sửa khóa đến sửa chữa. Cảnh sát cho bà Chu tại ngoại 1 năm, nghĩa là bà sẽ bị xét xử sau 1 năm tại ngoại. Việc cảnh sát thường xuyên sách nhiễu đã khiến sức khỏe của bà xấu đi, và bà Chu phải nhập viện. Con gái bà cũng bị bắt giam trong khi bà nằm viện, và bà Chu đã chết ở trong viện vào năm 2015 ở tuổi 88.

Ông Vương Nghĩa Huy bị theo dõi gắt gao kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, là ngày Pháp Luân Công bắt đầu bị đàn áp, cho đến tháng 2 năm 2000. Ông phải đi làm vào ban ngày và ban đêm thì bị thẩm vấn và chỉ được ngủ rất ít. Điện thoại nhà ông đã bị cắt, và ông không được phép liên lạc với bất cứ ai. Cho đến tháng 2 năm 2004, nhà ông đã bị cảnh sát lục soát 9 lần. Sau một lần bị bắt vào tháng 12 năm 2012, ông đã bị kết án và bị đưa vào Nhà tù Số 4 tỉnh Chiết Giang vào tháng 8 năm 2013. Ông đã bị tra tấn và không được sử dụng nhà vệ sinh. Nhà tù đã bắt ông phải nội soi dạ dày khiến cho ông bị chảy máu nặng. Ông bị bất tỉnh và bị sốc. Sau 9 tiếng hồi sức cấp cứu, ông đã bị đưa vào nhà xác của bệnh viện. Khi một người khác bị đưa vào đó, một nhân viên đã thấy tay ông Vương động đậy và đưa ông ra.

Sau khi bà Trần Tố Anh buộc phải rời nhà vào năm 2007, chồng bà đã phải sống trong sức ép và phải đối mặt với sự đe dọa và sách nhiễu thường xuyên của cảnh sát. Cuối cùng, ông đã chết trong đau khổ vào năm 2008. Sau khi bà Trần bị bắt vào tháng 9 năm 2009, bà đã bị kết án 4 năm và bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Chiết Giang vào tháng 6 năm 2010. Sự tra tấn tàn bạo trong nhà tù đã hủy hoại sức khỏe của bà và ảnh hưởng đến thị lực của bà, khiến cho bà đọc sách rất khó khăn cho đến tận bây giờ.

Bà Diệp Cúc Vân, một nhân viên kế toán ở bệnh viện đã nghỉ hưu, bị bắt vào tháng 5 năm 2007 và sau đó bị kết án 3 năm tù. Các đặc vụ Phòng 610 Liên Đô và cảnh sát đã lục soát nhà bà vào tháng 10 năm 2012 và lại kết án bỏ tù bà 3 năm rưỡi. Lương hưu và tất cả những phúc lợi khác của bà Diệp cũng không được chi trả từ tháng 5 năm 2007 chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Ngay khi được trả tự do, bà đã phải bán căn hộ nhỏ mà bà có. Hiện bà đã 80 tuổi, và không có khoản thu nhập nào để nuôi bản thân mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/28/400429.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/2/185716.html

Đăng ngày 21-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share