Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2020] Một cư dân 75 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm 2019 vì sức khỏe suy yếu sau khi bị bắt giữ và sách nhiễu liên tục vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà đã viết về trường hợp của mình trước khi qua đời một năm:

Tôi tên là Thạch Chấn Hoa. Tôi từng làm việc tại một trung tâm mua sắm ở Giai Mộc Tư. Do nhiều năm làm việc nặng nhọc, tôi đã bị nhiều căn bệnh, bao gồm vấn đề về tim, loét dạ dày, động mạch não dày lên và thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 sau khi được một người bạn giới thiệu và sức khoẻ của tôi đã sớm hồi phục.

Bị ép ký tên vào tuyên bố từ bỏ tu luyện

Sau khi chính quyền ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, chúng tôi đã mất đi môi trường học Pháp và luyện công chung.

Quản lý của tôi tại nơi làm việc đã yêu cầu tất cả nhân viên tu luyện Pháp Luân Công phải ký vào một tuyên bố từ bỏ đức tin của họ. Tôi đã bị ép ký vào tuyên bố trái với ý nguyện của mình.

Lần bắt giữ thứ nhất

Ngày 27 tháng 11 năm 2000, tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Tôi bị nhốt trong một cái lồng sắt tại Đồn Công an Tiền Môn. Hơn 40 học viên bị đưa đến đó vào buổi sáng. Chúng tôi bị công an lục soát túi xách, chụp hình, hỏi tên và địa chỉ.

Ban đầu tôi từ chối cho họ biết tên, nhưng sau đó đã phải tiết lộ sau khi bị một nữ công an giật hết các nút ở áo lót và quần của tôi.

Sau khi tôi bị đưa về Giai Mộc Tư vào ngày 5 tháng 12 năm 2000, chính quyền đã ép tôi ký vào một tuyên bố hứa không được đến Bắc Kinh nữa. Tôi bị giam tại Trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư trong 16 ngày và gia đình tôi bị công an ép phải ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công thay cho tôi. Họ cũng bị ép phải trả 2.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh tôi.

Lần bắt giữ thứ hai

Tôi bị bắt lần thứ hai vào ngày 22 tháng 11 năm 2001 trong khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trong một tiểu khu. Công an đã lục soát túi xách và lấy đi tài liệu của tôi.

Họ còng tôi vào một cái ghế sắt tại đồn công an sau đó thẩm vấn và lăng mạ tôi.

Tôi đã bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư. Tôi rất sợ sau khi bị bắt đến nỗi cơ thể bắt đầu co giật và tay chân lạnh cóng. Tôi khó thở và liên tục đổ mồ hôi. Sợ tôi có thể chết trong trại tạm giam, công an đã đưa tôi đến bệnh viện và bác sỹ phát hiện tôi bị bệnh động mạch vành. Công an đã quyết định thả tôi vào tối hôm đó.

Lần bắt giữ thứ ba

Tôi bị bắt lần thứ ba vào ngày 12 tháng 5 năm 2006 sau khi bị tố giác vì treo một biểu ngữ về Pháp Luân Công. Tôi bị công an ép đưa đến nơi ở tạm thời của mình. Tôi cảnh báo họ rằng tôi đang sống với một người thân hơn 80 tuổi đang có vấn đề về tim và bị huyết áp cao, và họ không nên nói chuyện quá to tại nhà tôi. Nhưng họ không nghe. Họ xông vào nhà và lục soát khắp nơi để tìm kiếm tài liệu Pháp Luân Công. Một số vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công và một vài cuốn sách bị lấy đi.

Công an đã đưa tôi về lại đồn công an và tiếp tục thẩm vấn. Sau đó họ đưa tôi vào một xe cảnh sát, lái đến một nơi ngẫu nhiên rồi dừng lại và thả tôi xuống đường. Tôi phải tìm một chiếc xe taxi để quay về nhà. Khi về đến nhà là đã 2 giờ sáng. Việc công an đột kích nhà đã khiến người thân của tôi bị tổn thương đến nỗi bà bắt đầu run lên mỗi khi nghe tiếng ai đó gõ cửa.

Lần bắt giữ thứ tư

Tôi bị bắt giữ lần cuối vào ngày 4 tháng 11 năm 2010 vì tìm kiếm công lý cho một học viên là bà Tôn Lệ Bân, người đã qua đời sau nhiều năm bị bức hại vào tháng 3 năm 2019.

Tôi bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Giai Mộc Tư vào buổi tối. Tôi bắt đầu tuyệt thực để phản đối bức hại vào ngày thứ tư. Tôi cũng từ chối cho một y tá lấy mẫu máu vào ngày thứ năm.

Đến ngày thứ tám, tôi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ và chính quyền đã phải thả tôi. trại tạm giam và công an mỗi bên đã tống tiền gia đình tôi 1.000 nhân dân tệ.

Lương hưu bị cắt và sách nhiễu không ngừng

Tôi đã cố gắng làm mới căn cước từ năm 2009 nhưng công an viện đủ mọi cớ để từ chối. Sau đó nhân viên an sinh xã hội bắt đầu kiểm tra căn cước của tôi khi phát lương hưu. Vì tôi gặp rắc rối khi làm mới căn cước nên họ đã ngừng trả lương hưu cho tôi. Tôi không có bất kỳ thu nhập nào khác và việc đình chỉ lương hưu khiến tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2015, tôi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công, sau đó tôi bị công an sách nhiễu và buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.

Tôi liên tục yêu cầu một căn cước mới sau khi trở về nhà. Năm 2016, sau nhiều nỗ lực và được em dâu bảo lãnh, cuối cùng công an đã cấp cho tôi một thẻ căn cước mới.

Nhưng khi tôi mua một vé xe lửa vào tháng 5 năm 2017 để tham dự đám tang của một người thân ở thành phố khác, nhân viên bán vé nói rằng căn cước của tôi đã bị đánh dấu và tôi không được rời thị trấn. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra rằng mình đã bị đưa vào danh sách đen của công an.

Sau nhiều năm bị bức hại và sách nhiễu, tôi đã sống trong sợ hãi mỗi ngày. Áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôi. Tôi bắt đầu có một số vấn đề về sức khoẻ và tình trạng đó ngày càng trở nên tệ hơn.

Đầu năm 2018, tôi đã chuyển đến ở với chị mình vì chị muốn chăm sóc tôi. Công an đã tìm kiếm tôi khắp nơi và sách nhiễu nhiều người thân trong gia đình tôi. Cuối cùng họ tìm thấy tôi ở nhà chị tôi.

Thiệu Côn Hải, trưởng Đồn Công an Tây Lâm, đã sách nhiễu tôi vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 và cố gắng chụp hình tôi. Tại thời điểm đó tôi bị liệt giường và mất mọi khả năng. Sau khi tôi từ chối cho ông ta chụp hình, ông ta đã hỏi số điện thoại của chị tôi và gọi cho chị nhiều lần sau đó để sách nhiễu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/12/407593.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/16/185543.html

Đăng ngày 01-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share