Bài viết của Thư Đồng và Song Bai
[MINH HUỆ 10-05-2020] Một số người ở xã hội Tây phương hiểu sai về tư tưởng bãi bỏ quyền tư hữu của chủ nghĩa cộng sản và hướng tới chủ nghĩa bình quân. Rốt cuộc thì có gì sai khi đảm bảo mọi người đều có cơ hội bình đẳng như nhau?
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, người ta sẽ thấy cách mạng bạo lực thường được sử dụng để tước đoạt tài sản tư hữu và làm lợi cho quan chức cấp cao có đặc quyền và gia đình họ. Cái gọi là “chủ nghĩa bình quân” chỉ là lời hứa suông của những người cộng sản.
Khi càng có nhiều người nhận ra sự độc hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong đại dịch virus corona, thì một việc hữu ích nên làm là nhìn lại những gì mà ĐCSTQ đã làm kể từ khi nó lên nắm quyền cách đây mấy thập kỷ, kể cả những lần tước đoạt tài sản tư hữu, phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc, và giết hại người dân vô tội.
Cướp đoạt và trộm cắp tài sản
Tước đoạt tài sản tư hữu là bản tính cố hữu của ĐCSTQ, ngay từ những ngày đầu của nó. Ví dụ, trong những năm 1930, ĐCSTQ ban hành các sắc lệnh sát hại địa chủ, đốt nhà và lấy đi tài sản của họ, ông Cung Sở, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ thời bấy giờ, nhớ lại. Không chịu nổi sự tàn bạo đó thêm nữa, ông Cung đã bỏ đảng vào năm 1935.
Cuộc giết hại địa chủ ở nông thôn cực kỳ tàn bạo. Ông Cung giải thích: “Đầu tiên, các quan chức dùng đủ loại hình tra tấn địa chủ để moi tiền của họ, rồi giết hại họ – ngay cả trẻ nhỏ cũng không tha. Từ “nhân tính” không tồn tại trong từ điển của ĐCSTQ”.
“Hãy để một số người làm giàu trước”
Sau Cách mạng Văn hóa, lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó là Đặng Tiểu Bình, lại phát động một sáng kiến mới: “Hãy để một số người làm giàu trước”, mà hóa ra lại là làm lợi cho con cháu của các quan chức cao cấp. Trần Vân, quan chức quyền lực thứ hai của ĐCSTQ khi ấy và những người khác đã thống nhất một thỏa thuận rằng: mỗi quan chức tối cao sẽ có một con được kế thừa quyền lực cấp cao, một con khác sẽ được phép kiếm tiền bằng các mối quan hệ chính trị mà không phải lo bị buộc tội tham nhũng.
Thỏa thuận này, dân thường khó mà biết được, đã cho phép các quan chức cao cấp và gia đình họ tích lũy tài sản. Chu Vĩnh Khang, bí thư của Ủy Ban Chính trị và Pháp luật (2007-2012), đã bị tố giác sở hữu khối tài sản 90 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 14 tỷ Đô la Mỹ) trong năm 2012. Gia đình Giang Trạch Dân, nguyên tổng bí thư ĐCSTQ, bị tố giác có tài sản ở nước ngoài trị giá khoảng 500 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ Đô la Mỹ).
Theo một “Báo cáo thường niên về cuộc khảo sát về kế sinh nhai của người dân ở Trung Quốc năm 2015” do Đại học Bắc Kinh công bố thì 1% những gia đình giàu có nhất Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 tổng tài sản của nước này, trong khi 25% những gia đình nghèo nhất chỉ sở hữu 1% tài sản.
Một phần lớn số tài sản đó khi phân bổ lại thì lại dựa vào quan hệ họ hàng. Tháng 4 năm 2012, Deutsche Welle, một đài phát thanh công cộng của Đức, đưa tin 2.900 công tử Trung Quốc sở hữu tài sản trị giá khoảng 2.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 320 tỷ Đô la Mỹ tại thời điểm đó). Họ thống trị nhiều nghành nghề, đặc biệt là tài chính, ngoại thương và bất động sản. Bản tin cho hay: “Trong 3.200 người Trung Quốc có tài sản hơn 100 triệu Nhân dân tệ, chỉ có 288 người không phải là con cháu của các quan chức cấp cao.”
Hủy hoại văn hóa và sát hại nhân dân
Văn hóa truyền thống Trung Hoa chú trọng sự hài hòa giữa Thiên, Địa, Nhân. Trong khi đó, lý luận của chủ nghĩa cộng sản lại cổ xúy đấu tranh giai cấp. Để ý thức hệ này thâm nhập sâu rộng hơn ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phát động rất nhiều cuộc vận động chính trị nhằm xúi bẩy nhóm người này chống lại nhóm người kia.
Điều này có thể thấy rõ trong cuộc Cách mạng Văn hóa, một cuộc tàn phá từ năm 1966 tới 1976. Theo tài liệu Hồ sơ mật về Cách mạng Văn hóa ở Quảng Tây (Secret archives about the Cultural Revolution in Guangxi), trong một cuộc họp năm 1974, các quan chức chủ chốt của tỉnh Quảng Tây đã họp bàn cách đẩy mạnh các cuộc vận động chính trị. Ngoài các quan chức chính phủ từ tất cả các thành phố của tỉnh Quảng Tây còn có các tướng lĩnh quân đội và trưởng ban tuyên giáo cũng tham gia cuộc họp này.
Bên cạnh các thủ đoạn tẩy não truyền thống như cổ xúy chế độ cai trị của cộng sản và cách mạng văn hóa, các quan chức cũng đề xuất một chuỗi các bước: đầu tiên là tìm ra một cá nhân trệch khỏi những tuyên truyền chính thức, thứ hai là dùng bằng chứng ngụy tạo để quy chụp cho những cá nhân đó những tội danh nghiêm trọng, và thứ ba là công kích các sách văn hóa truyền thống Trung Hoa mà người dân đã quen thuộc.
Tại Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, có khoảng 18.000 người đã tham gia thảo luận cách thực thi những chính sách này. Trong đó, hơn 2.600 nhóm nghiên cứu đã được thành lập với số người tham gia là trên 74.500 người. Ngoài hơn 2.700 bài viết, còn có hơn 2.000 bài diễn thuyết được thực hiện trước gần 250.000 người tham dự.
Ngay cả trẻ nhỏ cũng bị ép tham dự. Chỉ tính riêng trong một trường tiểu học, đã có đến 74 học sinh kể chuyện về Nho giáo và các văn hóa truyền thống Trung Hoa khác.
Dối trá đi đôi với sự tàn bạo. Theo nhà sử học Diêm Lập Bổn, chỉ riêng trong Cách mạng Văn hóa, đã có khoảng 140.000 người ở tỉnh Quảng Tây bị giết hại. Vi Quốc Thanh, bí thư tỉnh Quảng Tây, đã có lần tiết lộ tổng số người chết ở tỉnh Quảng Tây rơi vào khoảng 150.000 người.
Sự tàn bạo như vậy vẫn chưa được dân chúng biết đến rộng rãi bởi sự kiểm duyệt gắt gao của ĐCSTQ cũng như đội quân mạng khổng lồ đang định hướng dư luận. Theo hãng thông tấn BBC ngày 7 tháng 4 năm 2015, ngoài những nhân viên được trả lương, còn có khoảng 10 triệu tình nguyện viên được tuyển mộ để giám sát không gian mạng. Trích dẫn theo một tài liệu của Đoàn Thanh niên Cộng sản [tháng 9 năm 2015], khoảng 4 triệu trong số những tình nguyện viên đó là sinh viên đại học.
Bức hại dựa trên tín ngưỡng
Ngoài việc tước đoạt tài sản cá nhân, hủy hoại văn hóa và sát hại người dân vô tội, ĐCSTQ còn phát động nhiều hình thức bức hại đối với các nhóm tín ngưỡng khác nhau. Trong đó, Pháp Luân Công là nhóm bị đàn áp tàn khốc và sâu rộng nhất.
Vào tháng 7 năm 1999, lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch chống Pháp Luân Công trên toàn quốc. Ông ta đã huy động bộ máy tuyên truyền của nhà nước để phỉ báng Pháp Luân Công, trong khi ra lệnh giam giữ, tra tấn và tẩy não các học viên nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Sự tuyên truyền này thâm nhập vào hầu như mọi ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là truyền thông tin tức và hệ thống giáo dục cũng như tuyên truyền ở hải ngoại.
Ở Trung Quốc, có khoảng 2.000 tờ báo, 8.000 tạp chí, 1.500 đài phát thanh và truyền hình, cộng với vô số trang web. Dưới sự kiểm duyệt nghiêm ngặt và đội quân mạng hùng hậu, gần như tất cả nội dung đều bị thao túng để chỉ đưa những thông điệp mà ĐCSTQ muốn dân chúng biết.
Nhân dân Nhật báo, một tờ báo chính thức quan trọng của ĐCSTQ, đã đăng 347 bài viết trong vòng một tháng sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, trung bình khoảng trên 11 bài viết mỗi ngày.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đài truyền hình chính thức của ĐCSTQ, đã sản xuất 332 chương trình phỉ báng Pháp Luân Công chỉ tính riêng từ tháng 4 năm 2002 tới cuối tháng 3 năm 2003.
Ngoài ra, một lượng lớn phim ảnh, áp phích, sách báo, DVD và vô số tài liệu được sản xuất ra để dẫn dắt dư luận.
Bên cạnh các kênh thông tấn, hệ thống giáo dục cũng là một lĩnh vực mà ĐCSTQ chú trọng trong suốt cuộc vận động. Trần Chí Lập, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã ban hành chỉ thị cho giáo dục đại học phải tiến hành nghiên cứu để kiểm duyệt và thao túng sâu rộng hơn thông tin trực tuyến có liên quan tới Pháp Luân Công.
Trong một chiến dịch ngày 6 tháng 2 năm 2001, khoảng 8 triệu thanh niên ở 100 thành phố lớn đã dựng lên 500.000 áp phích và phân phát hơn 10 triệu tài liệu tuyên truyền lệch lạc về Pháp Luân Công. Khoảng cuối tháng đó, các quan chức đã tung ra màn tự thiêu dàn dựng để phỉ báng Pháp Luân Công. Kể từ đó, vụ việc này đã được đưa vào sách giáo khoa và nhiều tài liệu giáo dục khác để vu khống các học viên vô tội.
Có tin cho hay, từ năm 2001, tỉnh Tứ Xuyên đã phân bổ 1 triệu Nhân dân tệ mỗi năm để phục vụ việc nghiên cứu các thủ đoạn tẩy não chống Pháp Luân Công. Khi những nỗ lực này được triển khai tới nhiều địa phương khác trên khắp Trung Quốc, hàng nghìn diễn đàn đã được lập nên để tuyên truyền phỉ báng.
Tại hải ngoại, ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều tiền để sở hữu hoặc thao túng các kênh thông tin của cả người Hoa và của phương Tây. Trở lại năm 2001, một báo cáo của Quỹ Jamestown cho thấy chính quyền cộng sản đã thao túng trực tiếp hoặc gián tiếp bốn tờ báo chính của người Hoa tại hải ngoại.
Để phát tán những tuyên truyền ra khắp thế giới, ĐCSTQ cũng đã tăng cường ảnh hưởng của mình qua truyền hình vệ tinh. Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 4 năm 2011, có tin tiết lộ rằng “riêng CCTV-4 đã có 26 vệ tinh trên khắp thế giới, trong đó có 8 vệ tinh rải khắp Bắc Mỹ”.
Một báo cáo của Freedom House năm 2020 có tựa đề “Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên truyền thông từ năm 2017” (“The Expansion of Chinese Communist Party Media Influence since 2017”) cho biết khi ĐCSTQ gia tăng các phương tiện truyền thông truyền thống để xâm nhập vào xã hội phương Tây, nó cũng phát tán thêm tuyên truyền thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như WeChat và TikTok trong khi kiểm duyệt thông tin liên quan tới những chủ đề như Pháp Luân Công.
Bài viết có liên quan bằng tiếng Trung:
https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/2/404631.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/10/405151.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/19/185574.html
Đăng ngày 24-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.