[MINH HUỆ 25-05-2020] Giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong trận chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm củng cố quyền kiểm soát người dân. Thực ra, nó quan trọng đến mức Mao Trạch Đông đã từng nhấn mạnh: “Giáo dục phải phục vụ chính trị của giai cấp vô sản.”

Nói cách khác, nó phải phục vụ lợi ích của ĐCSTQ.

Gần đây, “giáo dục đỏ” đã thâm nhập vào chương trình giảng dạy của các trường công lập trên khắp Trung Quốc, bắt đầu từ bậc mẫu giáo và tiểu học. Dưới đây là một vài ví dụ.

Một nhà trẻ ở Hà Bắc đã phát cho mỗi học sinh một “huy hiệu Chủ tịch Mao” để tưởng nhớ “vị cứu tinh vĩ đại của người dân Trung Quốc”, kẻ thực chất đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu người dưới thời ông ta nắm quyền.

Các học sinh ở một trường mẫu giáo thuộc huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây còn phải tập trung tại lễ chào cờ, và theo hướng dẫn của giáo viên, các em phải tuyên thệ trung thành tuyệt đối với ĐCSTQ và các lãnh đạo Đảng.

Một người từ Mỹ trở về Trung Quốc cho biết ông cũng hơi thất vọng với kiểu tẩy não trẻ em ở trường. Con trai ông sinh ra ở Mỹ, đến khi gia đình ông trở về Trung Quốc, cháu là học sinh tiểu học.

Trường mới của con trai ông ở Trung Quốc bắt toàn bộ học sinh phải xem những thước phim như “Chiến tranh địa đạo” và “Chiến tranh bom mìn” để củng cố lòng yêu nước yêu Đảng, đồng thời căm ghét những kẻ ngoại xâm. Trẻ em cũng bị bắt phải học thuộc lòng các bài thơ ca ngợi ĐCSTQ.

Người đàn ông này cho biết: “Trong vòng chưa đầy hai năm, tư tưởng của con trai tôi đã giống hệt như những đứa trẻ Trung Quốc khác.”

“Khi cháu nghe tôi chia sẻ quan điểm về virus corona Vũ Hán (hơi khác với những gì tuyên truyền trên truyền thông nhà nước), cháu quay sang mẹ hỏi: ‘Sao ba lại không yêu nước vậy mẹ?’ Tại trường, các cháu được dạy rằng nói tốt về Mỹ là không yêu nước.”

Một trường mẫu giáo khác ở tỉnh Giang Tây còn yêu cầu toàn bộ học sinh mặc đồng phục “Hồng quân” hay “Bát lộ quân” trong một sự kiện. Cha mẹ các em cũng phải mặc quân phục hoặc trang phục của công, nông dân để khôi phục tinh thần cuộc vận động sản xuất quy mô lớn tại Diên An (một thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây, từng là căn cứ đầu não của ĐCSTQ trong những năm 1935 – 1947).

Nhà trường tuyên bố những hoạt động này nhằm giáo dục các em nghe theo Đảng và đi theo Đảng từ khi còn nhỏ.

Những chiến dịch “giáo dục đỏ” thế này đang được đẩy mạnh khắp Trung Quốc để cho trẻ nhỏ thấm nhuần lòng “yêu nước” của ĐCSTQ.

Trong một ngày hội phụ huynh được tổ chức ở Nhà trẻ Kim Sơn, tỉnh Giang Tây, các bậc cha mẹ đã bị sốc khi chứng kiến một bé trai cầm khẩu súng gỗ và hét to: “Ta sẽ giết hết bọn Nhật.”

Một phụ huynh lo ngại nói: “Những đứa trẻ được dạy căm thù từ tuổi còn nhỏ thế này. ‘Giáo dục đỏ’ kiểu này chẳng có lợi gì cho chúng cả.”

Một phụ huynh khác nói: “’Lòng yêu nước’ cực đoan này là hình thức tẩy não độc ác nhất.”

Đáng buồn thay, cho dù nhiều phụ huynh không ủng hộ kiểu giáo dục này, nhưng để tách con khỏi môi trường giáo dục đó là rất khó đối với một gia đình bình thường. Do vậy, tư tưởng của những đứa trẻ này ngày càng cực đoan, dần dần sẽ mất khả năng tư duy phản biện, tư duy độc lập.

Trong xã hội Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát ngày nay, nhiều người tin rằng virus corona là do Mỹ mang đến, bởi đó là những gì mà truyền thông của Đảng tuyên bố.

Gần đây, “Sổ tay hướng dẫn học sinh trung học”, một tạp chí lưu hành toàn quốc dành cho học sinh, đã đăng một bài thơ. Trong đó, “virus” được nhân cách hoá nói rằng nó rất hối hận vì đã đến Trung Quốc nên đã quay lại Mỹ, bởi nó thấy nó không hợp với Đảng và các nhân viên y tế Trung Quốc.

Nhìn lại “Cách mạng Văn hoá”

Những gì đang diễn ra trong hệ thống giáo dục Trung Quốc khiến nhiều người nhớ lại phong trào “Hồng vệ binh” dưới thời “Cách mạng Văn hoá”. Lãnh đạo ĐCSTQ lúc đó là Mao Trạch Đông đã chào mừng hàng triệu hồng vệ binh trên Quảng trường Thiên An Môn và kêu gọi họ đi theo ông với tư cách là “Tổng tư lệnh đỏ” trong giai đoạn mới của cuộc cách mạng vô sản. Hồng vệ binh bấy giờ tôn thờ Mao một cách cuồng nhiệt đến mức chưa từng có, mù quáng tin rằng Mao sẽ lãnh đạo họ tiến vào một cuộc cách mạng mới và đưa Trung Quốc thành một xã hội cộng sản thực thụ trong vòng 15 năm.

Vậy mà, chỉ mấy năm sau, Mao đã đổi giọng và kêu gọi các tri thức trẻ, kể cả hồng vệ binh đến nông thôn, lên miền núi để được “nông dân nghèo tầng lớp hạ trung lưu giáo dục lại”.

Sự thay đổi môi trường đột ngột đã cho những thanh niên này cơ hội suy ngẫm và nhìn nhận lại vấn đề từ một góc độ khác.

Một người hồi tưởng lại về “cú sốc lớn” mà ông đã trải qua khi nghe bí thư đảng ủy đội sản xuất trong làng bảo họ: “Cày ruộng là cho bản thân chúng ta thôi.”

“Tôi đã rất sốc khi nghe vậy, nghĩ bụng: mọi thứ chúng tôi làm, kể cả đi học, là để phục vụ ‘cách mạng’, sao ông có thể nói cày ruộng là cho bản thân chúng tôi được!”

Một người khác kể: “Chúng tôi bắt đầu thắc mắc: ‘Chúng tôi thực ra có thể làm được gì khi làm đồng ở nông thôn đây? Chúng tôi có nên bám trụ ở nông thôn đến hết đời không? Chúng tôi thấy mông lung, không biết nên làm gì.”

Mãi mấy năm sau, khi một số tài liệu mật bị lộ, họ mới biết Chủ tịch Mao đưa họ về vùng quê là để “cải tạo lao động”.

Những trí thức trẻ đã bị Mao Trạch Đông và ĐCSTQ lợi dụng trong “Cách mạng Văn hoá” như một công cụ bạo lực nhằm loại bỏ các đối thủ của họ và phá hủy các giá trị đạo đức cùng văn hoá truyền thống; một khi ĐCSTQ đã đạt được mục đích, những thanh niên này lại bị đẩy về vùng sâu vùng xa để được “cải tạo” nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt việc làm do biến động chính trị và sự tàn phá kinh tế xã hội trên diện rộng trong thời Cách mạng Văn hóa.

Quả là một bài học cay đắng. Cả một thế hệ đã phải trả giá cho thảm họa thảm khốc mà ĐCSTQ gây ra cho người dân Trung Quốc bằng chính tuổi trẻ của họ.

Thật không may, “Cách mạng Văn hóa”, từng được công nhận là “tai họa” của những năm 1980, nay lại lặp lại, lại được thúc đẩy, và lên men trong các trường học, nhà trẻ trên khắp Trung Quốc, và người dân Trung Quốc lại một lần nữa bị đặt vào tình huống nguy hiểm.

Từ chối “giáo dục đỏ” và trân quý sự thật

Mặc dù có những người đã trở thành nạn nhân của nền giáo dục đỏ của ĐCSTQ mấy thập kỷ qua, nhưng vẫn có một nhóm người ở Trung Quốc đã thoát khỏi gọng kìm của ĐCSTQ và dùng chính sinh mạng để giữ vững các nguyên tắc của mình.

Đó là các học viên Pháp Luân Đại Pháp, những người không chịu hát bè với ĐCSTQ, mà tư duy độc lập, đi tìm sự thật và ý nghĩa nhân sinh khi hành xử theo nguyên lý phổ quát “Chân – Thiện – Nhẫn”, đồng thời cải thiện sức khỏe và tố chất tinh thần.

Chính bởi sự độc lập đó mà Pháp Luân Đại Pháp và các học viên đã bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999. Vô số học viên, không kể già trẻ, nam nữ, đã bị bắt giữ và giam cầm phi pháp, bị tra tấn và bỏ tù. Nhiều người đã chết dưới tay cảnh sát.

Nhưng ngay cả khi đối mặt với sự độc tài chưa từng có này, các học viên Pháp Luân Công vẫn đáp lại bằng lòng khoan dung.

Lấy một ví dụ, cô Liu Zixuan, một học viên Pháp Luân Công 27 tuổi, bị mất mẹ và được ông bà nuôi dưỡng, đã lớn lên mà không chịu sự tẩy não bởi nền giáo dục đỏ này.

Ngày 7 tháng 8 năm 2019, cô Liu và người bạn cùng phòng của mình, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị cảnh sát bắt giữ phi pháp. Nơi ở của họ bị lục soát và tài sản cá nhân cũng bị tịch thu.

Cảnh sát đã ép họ ký vào biên bản tuyên bố từ bỏ đức tin và cho biết có người đã tố giác họ vì camera an ninh đã ghi được lúc họ tới các khu dân cư phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Khi ông của cô Liu tới đồn cảnh sát, ông đã khóc và nói với các cảnh sát: “Cháu tôi là một người tốt. Nó tốt nghiệp từ một trường đại học uy tín và luôn cố gắng để trở thành một người tốt hơn theo nguyên lý ‘Chân-Thiện-Nhẫn’. Bức hại Pháp Luân Công là sai. Tôi hy vọng các anh phân biệt được đúng sai; các anh không thể bỏ tù người tốt.”

Cô Liu nói với ông và bố cô: “Xin đừng lo cho con, cũng đừng hận người đã tố giác con. Họ làm vậy bởi họ không biết sự thật. Xin hãy khoan dung với họ.”

Mới đây, 10 học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi đã đăng một bài trên trang web Minh Huệ với nhan đề: “Chúng tôi là thế hệ 9x, tất cả chúng tôi đều tu luyện”. Trong bài viết, họ chia sẻ về quá trình thay đổi từ những đứa trẻ ích kỷ, coi mình là trung tâm thành những người biết quan tâm và đối xử với người khác bằng sự khoan dung, cởi mở.

Họ viết: “Chúng tôi đều được sinh ra trong những năm 1990, và giống như hầu hết các bạn trẻ ở độ tuổi chúng tôi, chúng tôi từng luôn coi mình là trung tâm và thích cạnh tranh. Chúng tôi cũng từng thích đi xem phim và đắm chìm trong các trò chơi điện tử; cũng từng sợ mất mặt trước người khác và muốn chứng tỏ bản thân, và tất nhiên, chúng tôi cũng từng chạy theo mốt thời thượng và diện mạo mới. Chúng tôi có thể đứng lên chiến đấu vì bạn bè và cãi lại bố mẹ, chất chứa rất nhiều oán hận với bất cứ ai theo kiểu của chúng tôi.”

“Tuy nhiên, ở những hoàn cảnh khác nhau của chúng tôi, chúng tôi đều biết được sự thật về Pháp Luân Công và biết rằng Pháp Luân Công là tốt!”

Khi những thanh niên này biết được sự thật từ một giáo viên mà họ yêu mến, hay phát hiện ra người bạn tốt nhất của họ chính là học viên Pháp Luân Công, họ đã bắt đầu nhìn lại bản thân và những gì đang diễn ra xung quanh trong xã hội.

Cuối cùng, họ đã quyết định tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ đó, họ đã hoàn toàn thay đổi, có được sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, và nhận được phúc lành khi tuân theo “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Họ viết: “Khi virus corona bùng phát, toàn bộ xã hội trải qua những biến đổi chưa từng có, nhưng chúng tôi không lo sợ, buồn bã hay tuyệt vọng như nhiều người, mà chỉ tiếp tục làm những gì mà chúng tôi làm một cách bình tĩnh và thiết thực.”

Kết luận

Thế hệ trẻ là hy vọng của một quốc gia. Khi ĐCSTQ tiêm nhiễm “giáo dục đỏ” vào thế hệ trẻ của Trung Quốc từ bậc mẫu giáo, nó đang biến những đầu óc non trẻ này thành những chiến binh thánh chiến bảo vệ chế độ. Những người trẻ này sẽ vào đời với lòng thù hận các dân tộc, mà không có được những giá trị phổ quát và khả năng phân biệt tốt xấu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/25/406743.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/11/185468.html

Đăng ngày 15-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share