Bài viết của Tân Châu

[MINH HUỆ 06-05-2020] Trong đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thờ ơ, thậm chí là tàn nhẫn với người dân Trung Quốc sống ở nước ngoài. Ngược lại, một nhà ngoại giao Nigeria tại Trung Quốc lại đứng lên bảo vệ công dân Nigeria đang bị ngược đãi ở Trung Quốc. Sự tương phản rõ rệt này khẳng định sự xem thường mạng người của ĐCSTQ.

Bảo vệ hay đổ lỗi cho người dân

Một video trên mạng ngày 11 tháng 4 cho thấy Tổng Lãnh sự Nigeria, ông Anozie Maduabuchi Cyril, đã phản đối đội cưỡng chế kiểm soát virus corona của Trung Quốc vì đã tịch thu hộ chiếu của ba người Nigeria sống ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Những người Nigeria này âm tính với virus nhưng vẫn bị yêu cầu cách ly.

Ông Cyril đã tức giận và giật lấy hộ chiếu từ tay các quan chức Trung Quốc rồi đưa lại cho công dân của ông: “Các ông hãy nghe đây, hộ chiếu của người dân Nigeria thuộc về chính phủ Nigeria. Hiệp ước quốc tế có điều cấm quốc gia khác tịch thu hộ chiếu!”

“Nếu muốn thực thi chính sách cách ly của các ông, thì các ông phải áp dụng với tất cả mọi người chứ. Đóng tất cả cửa và yêu cầu người dân ở trong nhà, cả người Trung Quốc và người Nigeria, kể cả các ông nữa! Các ông không được phân biệt đối xử với bất kỳ ai!”

Sau đó, một quan chức Trung Quốc toan đe dọa ông: “Nếu ông còn nói nữa, tên của ông sẽ được cả thế giới biết đến.”

“Tôi không quan tâm nếu tôi có bị bêu tên đi nữa! Tên của ông cũng sẽ bị bêu thôi! Theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, là một lãnh sự nước ngoài, tôi có quyền bảo vệ công dân của tôi. Việc tôi đang làm tối nay là để bảo vệ tất cả công dân Nigeria. Họ không phải là tội phạm. Tại sao các ông lại sách nhiễu họ?”

Video này được nhiều người xem và nhận được nhiều “Like”.

So với cách ông Cyril bảo vệ công dân nước mình, thì cách ĐCSTQ phản ứng khi công dân Trung Quốc bị ngược đãi ở nước ngoài khiến người ta phải sửng sốt.

Theo truyền thông Trung Quốc, có khoảng 150.000 người Trung Quốc ở Nga, trong đó có 27.000 sinh viên, còn lại là thương nhân và công nhân. Trong đại dịch, chính quyền Nga đã đối xử hà khắc với họ. Ngày 10 tháng 4, thành phố Moscow đã trục xuất mấy chục người Trung Quốc vì vi phạm các quy định kiểm dịch. Ngày 14 tháng 4, “Bản tin Y tế 8 giờ sáng” của Trung Quốc đưa tin chính quyền Nga đã phong tỏa khách sạn Hữu nghị ở Moscow, nơi nhiều người Trung Quốc đang ở, còn tịch thu hộ chiếu của họ và cách ly họ trong 14 ngày. Chính phủ Nga cũng đã đưa nhiều người Trung Quốc tới biên giới Trung-Nga, yêu cầu họ quay trở lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, ĐCSTQ không thể hiện sự thông cảm với công dân của mình. Đầu tiên, chính phủ cắt giảm các chuyến bay, khiến những người Trung Quốc này gần như không thể quay lại. Từ ngày 26 tháng 3, mỗi hãng hàng không ở Trung Quốc chỉ được phép thực hiện một chuyến bay ra nước ngoài mỗi tuần; còn các hãng hàng không nước ngoài chỉ được phép thực hiện một chuyến bay đến Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc đã đóng tất cả các cửa khẩu giữa Trung Quốc và Nga. Ngày 13 tháng 4, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã ban hành công văn kêu gọi người dân báo cáo bất kỳ người nào qua biên giới bất hợp pháp. Mỗi người báo cáo cho chính quyền sẽ được thưởng 3.000 Nhân dân tệ. Người nào bắt được người trốn qua biên giới và giao nộp cho chính quyền sẽ được thưởng 5.000 Nhân dân tệ.

Ngày 17 tháng 4, Trương Hán Huy, Đại sứ Trung Quốc tại Nga đã có cuộc thảo luận trực tuyến với một số đại diện người Hoa tại Nga. Trương gọi những người Trung Quốc muốn quay trở lại Trung Quốc là “virus chính trị”, những người muốn mang “chất độc” vào Trung Quốc. Ông chỉ trích họ vì “hưởng lợi từ mối quan hệ Trung-Nga nhưng lại phá hoại mối quan hệ Trung-Nga”, và mắng họ vì “không có đạo đức tối thiểu”.

ĐCSTQ không chỉ chối bỏ người Hoa ở Nga, mà cả hàng trăm nghìn người Hoa ở các nước khác khi họ cắt các chuyến bay. Đối với những người tìm cách về nhà, ĐCSTQ có một “khẩu hiệu chào mừng” đối với họ: “Các vị ở nước ngoài khi đất nước gặp nạn, rồi các vị lại là những người đầu tiên bay hàng nghìn dặm về để đầu độc đất nước (khi tình hình được cải thiện).”

Việc ĐCSTQ bỏ rơi người Hoa ở Nga hoàn toàn trái ngược với việc nhà ngoại giao Nigeria bảo vệ công dân của ông, và việc nhiều quốc gia bổ sung các chuyến bay để sơ tán công dân của họ ra khỏi khu vực đại dịch.

Một chính phủ có trách nhiệm cần kịp thời giúp đỡ công dân của mình khi họ phải đối mặt với sự đối xử bất công hoặc bị ức hiếp. Đây là điều bắt buộc, cho dù đứng từ góc độ cảm xúc, đạo đức, pháp lý hay trách nhiệm dân sự. Tại sao một nhà ngoại giao Nigeria có thể làm điều đó mà “nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” lại không làm được? Chẳng phải ĐCSTQ tuyên bố đón nhận mọi người Trung Quốc về nước sao?

Một số người có thể nói đây là một ngoại lệ tại một thời điểm đặc biệt. Nhưng, có phải đây là một ngoại lệ?

Bài học lịch sử: ĐCSTQ từng thờ ơ với Hoa kiều

Từ năm 1975 đến năm 1979, Đảng Cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) bắt đầu thảm sát hàng loạt trên toàn quốc. Người Trung Quốc và người Việt Nam ở đó cũng bị nhắm đến.

Nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng Hoa kiều đã đến Đại sứ quán Trung Quốc để tìm kiếm sự trợ giúp, nhưng các quan chức Trung Quốc đã nạt nộ họ, yêu cầu họ “tuân theo tiến trình của cuộc cách mạng Campuchia”. Không có lựa chọn nào khác, nhiều Hoa kiều ở Campuchia đã chạy đến các làng để trốn. Một số bị giết, một số bị tống vào tù, một số tìm cách trốn sang Thái Lan và trở thành người tị nạn của Liên Hợp Quốc.

Trong thời kỳ thống trị, Khơ me Đỏ đã giết chết 2 triệu người, một phần tư dân số nước này. Số Hoa kiều tại Campuchia đã giảm từ 600.000 xuống còn 300.000, phần lớn những người đã mất là bị tra tấn đến chết. Trớ trêu thay, chính ĐCSTQ đã dạy cho Khmer Đỏ cách giết người.

Ở Việt Nam, mặc dù cũng là một quốc gia cộng sản, nhưng đã đưa quân đến Campuchia để chấm dứt chế độ Khmer Đỏ sau khi nghe tin người dân của họ bị giết. Không có biên giới chung với Campuchia nên ĐCSTQ không thể phái quân đội của mình bảo vệ chính quyền Campuchia tàn bạo, nhưng sau đó, nó xâm chiếm Việt Nam để trả thù cho Khmer Đỏ.

Một trường hợp khác là cuộc bạo loạn bài Trung ở Indonesia vào tháng 5 năm 1998. Hơn 2.000 Hoa kiều đã bị giết, hàng trăm phụ nữ bị hãm hiếp, và vô số tài sản bị cướp mất. Đám đông đã hãm hiếp phụ nữ Trung Quốc trên đường phố hoặc trước mặt người thân, chặt đàn ông Trung Quốc ra thành nhiều mảnh, thậm chí là các bé gái.

Nhiều quốc gia và nhiều người, đặc biệt là Hoa kiều, lên án mạnh mẽ cuộc bạo loạn này. Tuy nhiên, ĐCSTQ tuyên bố không “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Indonesia”. Nó cũng cấm truyền thông Trung Quốc đưa tin về vụ việc này ở trong nước, và cấm sinh viên Trung Quốc tổ chức biểu tình.

Mỹ đã lên án mạnh mẽ và giúp chấm dứt bạo loạn. Mỹ cử một con tàu để đưa công dân Mỹ và một số Hoa kiều trở Mỹ. Khi con tàu cập cảng Mỹ, người Trung Quốc trên thuyền đã giương cao biểu ngữ “Chúng tôi thà làm chó ở Mỹ còn hơn làm người Trung Quốc”.

Bài học lịch sử: ĐCSTQ vốn có bản chất phản bội

Tại sao ĐCSTQ lại tàn nhẫn với người dân như vậy? Nhìn lại lịch sử ĐCSTQ, chúng ta có thể thấy ngay từ đầu, ĐCSTQ đã hành động như một kẻ phản quốc.

Khi ĐCSTQ vừa được thành lập, nó là “Chi bộ Viễn Đông”, một chi bộ của Quốc tế Cộng sản Đệ tam, dưới sự chỉ huy của Liên Xô cũ. Mục tiêu của nó là “sử dụng vũ lực để bảo vệ Liên Xô”.

Trong Thế chiến II, khi chính phủ chính thức của Trung Quốc chiến đấu quyết liệt với quân đội Nhật Bản, ĐCSTQ, đang ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, đã ký một hiệp ước bí mật với quân đội Nhật Bản: Quân đội Nhật Bản đã trao sáu quận cho ĐCSTQ quản lý và ĐCSTQ không tấn công quân đội Nhật. Do đó, gần như không có cuộc đụng độ quân sự nào giữa quân đội ĐCSTQ và quân đội Nhật Bản.

Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, nó đã giết chết 80 đến 100 triệu người Trung Quốc, và phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua nhiều phong trào chính trị.

Năm 1989, ĐCSTQ công khai nổ súng và sử dụng xe tăng để tiêu diệt những người biểu tình đòi dân chủ và chấm dứt nạn tham nhũng của chính quyền.

Chiến tranh Kosovo bắt đầu vào ngày 24 tháng 3 năm 1999. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo đã phát động cuộc không kích chống lại chính phủ Nam Tư. Giang Trạch Dân, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, đã cung cấp tên lửa đất đối không để giúp Nam Tư chiến đấu với máy bay của NATO. Ông ta cũng cho phép ba đơn vị tình báo nòng cốt Nam Tư vào tầng hầm của Đại sứ quán Trung Quốc để phát triển ăng-ten ra đa dải sóng mét.

Tổng thống Hoa Kỳ Clinton đã gọi cho Giang Trạch Dân và đưa ra tối hậu thư: Hoa Kỳ sẽ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc nếu Trung Quốc không dừng lại. Giang đã không dừng lại, cũng không thông báo cho đại sứ quán. Sau đó, ngày 8 tháng 5 năm 1999, Hoa Kỳ thả bom xuống Đại sứ quán Trung Quốc, phát nổ dưới tầng hầm. Ba phóng viên Trung Quốc đã bị giết. Ít nhất 14 kỹ sư khác cũng bị giết, nhưng ĐCSTQ đã không tiết lộ cho công chúng.

Giang không dám phản ứng trước vụ đánh bom của Mỹ. Ông ta chỉ yêu cầu Hồ Cẩm Đào, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, bấy giờ chưa có quyền lực gì lớn, phản đối tượng trưng trên truyền hình. Giang cũng nhân cơ hội đó để chuyển hướng sự chú ý trong nước khỏi sự kiện 10.000 học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa tại Trung Nam Hải ngày 25 tháng 4 năm đó sang mối quan hệ Trung-Mỹ. Ông ta đã lợi dụng vụ đánh bom của Hoa Kỳ để kích động chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và lòng căm thù đối với Hoa Kỳ của người dân Trung Quốc.

Vài tháng sau, Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ xưa của Phật gia vào tháng 7 năm 1999. Hàng triệu học viên đã bị bắt, bị giam cầm, và người thân và bạn bè của họ đã bị liên lụy. Hàng nghìn người đã bị tra tấn đến chết. Và ít nhất hàng chục nghìn người đã bị giết để thu hoạch nội tạng sống.

Bây giờ, trong đại dịch virus corona, cũng chính ĐCSTQ đã che đậy thông tin và để virus lây lan đến mọi nơi trên thế giới, khiến hơn 6 triệu người nhiễm virus và hơn 370.000 người bị thiệt mạng, tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2020.

Ngày 16 tháng 4 năm 2020, một luật sư người Argentina, ông Alejandro Sanchez Kalbermatten đã đệ đơn kiện hình sự lên Tòa án Hình sự và Cải huấn Số 12, cáo buộc ĐCSTQ đã phát động một “cuộc diệt chủng bằng virus”.

Đã đến lúc để mọi người cần nhìn rõ bản chất giết chóc thực sự của ĐCSTQ và tránh xa nó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/6/404835.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/3/185345.html

Đăng ngày 12-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share