Bài viết của Nhân Thanh

[MINH HUỆ 02-05-2020] Một trong những ấn phẩm giáo dục phổ biến nhất ở Trung Quốc, Trung học Sinh Đạo Báo, đã phát hành một bài thơ vào tháng Tư vừa qua:

Nước mắt của virus corona

Tôi sẽ quay về Mỹ Quốc,

Đó là nhà của tôi—là nơi tôi thuộc về;

Tới Trung Quốc là một sai lầm,

Bởi cuộc sống ở đây không dễ dàng với tôi

….

Chính phủ Trung Quốc quá mạnh [trong việc kiểm soát dịch bệnh],

Và các bác sỹ ở đây làm việc cật lực [để tiêu diệt virus],

Nhiều bậc phụ huynh đã choáng váng bởi thông điệp được truyền tải trong bài thơ này và lo lắng không biết con cái họ sẽ trở thành kiểu người như thế nào với những tuyên truyền ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kích động hận thù đối với Hoa Kỳ cùng những quốc gia mà ĐCSTQ coi là mối đe dọa và kẻ thù.

Chủ nghĩa dân tộc bị biến thành vũ khí

Việc công bố bài thơ này không phải là lần đầu cho thấy ĐCSTQ biến chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước thành vũ khí để đạt được mục đích của nó. Trên thực tế, kiểu tuyên truyền này đã tồn tại từ khi hệ tư tưởng cộng sản xâm nhập vào Trung Quốc từ những năm 1920.

Vào thời điểm đó, một cuộc tranh luận diễn ra giữa Lương Sấu Minh và Hồ Quát, hai học giả Trung Quốc nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh. Ông Lương, người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản, đã coi chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến là kẻ thù của Trung Quốc. Mặt khác, ông Hồ lại coi nghèo đói, bệnh tật, dân trí thấp, tham nhũng và bạo loạn là những mối quan tâm hàng đầu của đất nước.

Khi ông Lương hỏi lý do tại sao thì ông Hồ đáp lời rằng những vấn đề nội tại của Trung Quốc phần lớn bị tác động bởi các vấn đề trong nước. Ví dụ, trong khi chủ nghĩa tư bản giúp Nhật Bản trở nên hùng cường thì nó lại khiến nha phiến xuất hiện trên khắp Trung Quốc. Vì vậy, ông khuyến nghị không nên dùng chủ nghĩa dân tộc làm cớ để bỏ qua những vấn đề trong nước. Ông chủ trương dùng triết học thực tiễn đối với ý thức hệ.

Tuy nhiên, mối quan hệ của ông Lương với chủ nghĩa cộng sản đã không mang lại đặc ân cho ông. Chưa đầy bốn năm sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, vào tháng 9 năm 1953, ông đã bị Mao Trạch Đông phê bình vì không đồng thuận với Đảng. Sau nhiều tháng bị công kích công khai, năm 1955, ông một lần nữa lại bị phê bình trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa vì không thuận theo các cuộc vận động của Đảng nhằm công kích Nho giáo. Hàng loạt những bi kịch này không những làm hại ông Lương mà còn khiến vợ ông bị rối loạn tâm thần.

Những câu chuyện tương tự cũng đã xuất hiện trong quá trình đi đến hôm nay. Sau khi một chuyên gia y khoa Thượng Hải khuyến cáo người dân nên dùng nhiều trứng và sữa hơn thay vì cháo gạo trong đại dịch virus corona thì ông đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới và bị gọi là phần tử phản cách mạng.

Sự bùng phát virus corona cũng đã dạy cho người Trung Quốc ở hải ngoại một bài học lớn. Khi các ca lây nhiễm bùng nổ ở các quốc gia phương Tây thì ĐCSTQ mới báo cáo một vài trường hợp bắt đầu vào đầu tháng 3, tạo thành ấn tượng giả rằng dịch bệnh này đã kết thúc tại Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài đã quyết định quay trở lại Trung Quốc khi nước này tuyên bố “là quốc gia an toàn nhất thế giới” trong đại dịch.

Nhưng họ đã sốc, thay vì được chào đón thì họ lại bị đối xử thô bạo, bị cáo buộc là “bay hàng ngàn dặm về để đầu độc quê hương” và không yêu nước. Thậm chí những người Trung Quốc ở hải ngoại không kịp mua vé về nước nhận thấy còn khó quay về hơn khi ĐCSTQ công khai khuyến cáo hoặc cấm người Trung Quốc ở hải ngoại về nước bắt đầu vào cuối tháng 3.

Tương tự, sau khi nhiều người Trung Quốc ở Nga tin tưởng con số của ĐCSTQ rằng số ca lây nhiễm thấp và quyết quay về Trung Quốc—lại bị chặn ngay tại biên giới. Ngay cả buôn lậu cũng bị chặn“, theo bài báo trên Thời báo Moscow ngày 14 tháng 4 có tựa đề “Trung Quốc trao thưởng bắt những người vượt biên giới giáp Nga” (“China Offers Reward for Catching Russian Border Crossers.”).

Anh Vương, một du học sinh viết: “Trung Quốc có lẽ là quốc gia duy nhất cấm công dân nước mình trở về. Các ông [ĐCSTQ] không thể cứ huênh hoang đã chiến đấu với virus corona thế nào trong khi bỏ rơi công dân của mình như thế.”

Không tiếp thu phê bình

Bất kỳ ai dám lên tiếng quan ngại về tình hình Trung Quốc cũng có thể bị dán nhãn là kẻ phản bội hoặc thế lực nước ngoài chống Trung Quốc. Thậm chí khi một số Hoa kiều đăng bài trên mạng nói họ được an toàn ở các quốc gia tiếp nhận họ thì lập tức bị đội quân mạng của ĐCSTQ công kích. Theo cách lý luận của ĐCSTQ thì yêu Trung Quốc nghĩa là phải đối xử với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ như kẻ thù.

ĐCSTQ thường hay tuyên truyền với người dân rằng “đừng vạch áo cho người xem lưng”, có nghĩa là khuyến cáo người Trung Quốc không được chỉ trích Đảng. Nhưng khi mà sự tàn bạo của Đảng vẫn chưa bị người ngoài biết đến thì người dân có thể bị lạc lối bởi tuyên truyền của nó; khi dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện bị che đậy thì toàn thế giới sẽ có thể lãnh hậu quả nghiêm trọng, như chúng ta đang thấy.

Quần đảo Gulag (The Gulag Archipelago), một xuất bản của nhà văn và sử học Xô-viết Aleksandr Solzhenitsyn, đã miêu tả hệ thống trại lao động cưỡng bức dưới thời Liên Xô. Sau khi được xuất bản vào năm 1973 và Solzhenitsyn đã trốn ra nước ngoài, cuốn sách vẫn bị giữ kín cho tới khi Liên Xô tan rã.

Sự kiểm duyệt ở Trung Quốc thậm chí còn gắt gao hơn khi mấy thập kỷ đã trôi qua mà các nhà văn Trung Quốc vẫn không dám vạch trần rằng ĐCSTQ đã gây ra nhiều thảm kịch, từ Đại Nhảy vọt cho tới Thảm sát Thiên An Môn và cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan dẫn tới giết chóc

Từ thời cổ đại, Trung Quốc và người Trung Quốc vẫn được biết là rộng lượng và bao dung. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, tất cả những điều đó đã thay đổi. Thay vì coi trọng đạo đức, người dân bị tẩy não để tin rằng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước là đi theo đường lối của ĐCSTQ.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những sự việc như vậy. Vào thời Đức quốc xã, chủ nghĩa yêu nước bị đánh đồng với chủ nghĩa bài Do Thái. Những người trung lập hoặc đồng tình với người Do Thái bị dán nhãn là kẻ phản bội. Điều này góp phần vào cuộc đại thảm sát khoảng 6 triệu người Do Thái.

Hermann Göring, người sáng lập lực lượng Gestapo và được chọn làm người kế vị Hitler, ban đầu không bài Do Thái mạnh mẽ, còn cấp phó của ông ta là Erhard Milch thực ra còn có cha mẹ là người Do Thái. Tuy vậy, vì tham vọng chính trị của bản thân, Göring đã theo chân Hitler và thực thi các chính sách bài Do Thái. Do vậy, Göring đã ủng hộ luật Nuremberg năm 1935. Sau đó, ông ta yêu cầu phải đăng ký toàn bộ tài sản của người Do Thái và áp mức phạt nặng đối với họ. Vào năm 1941, ông ta ban hành bản ghi nhớ về “Giải pháp Cuối cùng” là sát hại người Do Thái.

Những bi kịch như vậy cũng đã xuất hiện ở Trung cộng. Mượn danh nghĩa của chủ nghĩa dân tộc, ĐCSTQ đã tham gia vào Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, sau đó lại phát động Chiến tranh Trung-Việt. Sau khi mối quan hệ với Liên Xô xấu đi, ĐCSTQ đã đặt ra những mục tiêu phi thực tế trong cả trong lĩnh vực công nghiệp lẫn nông nghiệp, ví dụ như tăng gấp đôi sản lượng thép trong vòng một năm. Sự sốt sắng như vậy đã không làm nên kỳ tích, mà đã dẫn tới sự che đậy và tung tin thất thiệt khiến 45 triệu người chết trong Nạn đói lớn (1959-1961).

Khoảng 80 triệu người đã mất mạng trong các cuộc vận động chính trị do ĐCSTQ phát động. Khi dư luận chuyển sang không gian kỹ thuật số thì chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc cũng nhanh chóng tràn ngập trong các bài báo và diễn đàn trực tuyến, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội. Bằng sự phối hợp tổng lực của các cơ quan chính phủ, các phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của nhà nước, và đội quân mạng khổng lồ của ĐCSTQ thì sự bùng phát virus corona đã bị che đậy, đến nay đã gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ đã gây tác hại cho người Trung Quốc như thế nào? Chỉ thời gian mới có thể trả lời, nhưng lịch sử đã dạy chúng ta rằng những bi kịch đó sẽ còn tiếp diễn khi chính quyền cộng sản này vẫn tiếp tục nắm quyền.

Bài viết có liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/7/404834.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/2/404636.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/17/185559.html

Đăng ngày 21-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share