Bài viết của Thanh Âm
[MINH HUỆ 09-04-2020] Trưa ngày 13 tháng 8 năm 2011, toàn bộ thành phố Berlin chìm vào im lặng. Giao thông bế tắc, người đi bộ dừng bước, chỉ có tiếng chuông nhà thờ vang vọng trong không trung.
Đó là lúc Berlin tưởng niệm 50 năm việc xây dựng Bức tường Berlin khét tiếng và mặc niệm một phút cho những nạn nhân thiệt mạng vì cố gắng trèo qua bức tường để được tự do.
Trước khi xây dựng bức tường này, biệt hiệu “Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc II”, đã được đặt cho dự án, thể hiện rằng bức tường sẽ không thể bị phá hủy như Vạn Lý Trường Thành cổ đại của Trung Quốc.
Nhưng 28 năm sau, Bức tường Berlin mà thế giới phương Tây miêu tả là biểu tượng của chế độ độc tài cộng sản đã sụp đổ vào năm 1989, chủ yếu là do phản ứng dây chuyền của hàng loạt cuộc cách mạng ở các nước cộng sản khối Đông Âu, đặc biệt là Hungary và Ba Lan.
Không lâu sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu thầm lặng xây thêm một “Bức tường Berlin” khác vô hình ở Trung Quốc – “Vạn Lý Tường Lửa” (Great Firewall) với mục đích điều tiết và kiểm duyệt việc dùng Internet của người Trung Quốc và chặn truy cập tới các trang web nước ngoài, công cụ Internet và ứng dụng di động.
Mấy chục năm qua, vô số cảnh sát mạng đã thực thi nhiệm vụ của họ hàng ngày để tẩy não công dân Trung Quốc bằng cách tung tin giả và che đậy những dối trá của ĐCSTQ. “Vạn Lý Tường Lửa” vô hình đã ngăn chặn hiệu quả người Trung Quốc tiếp cận sự thật tận cho đến ngày nay.
Xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản
Các nước khối Đông Âu cũ đã trải qua một hành trình dài và gian khổ để xóa bỏ sự hiện hữu của chủ nghĩa công sản sau khi Liên Xô tan rã. Người ta thấy khó chịu khi vẫn còn thấy nhiều sự vật gợi nhớ về chủ nghĩa cộng sản trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như tên đường, tượng đài, tòa nhà, và huy hiệu.
Lenin từng được ca ngợi là “vị lãnh tụ vĩ đại” và là người thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, và bức tượng của ông ta được xuất khẩu ồ ạt tới các quốc gia khác dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Có tới 7.428 bức tượng Lenin đã được dựng lên ở khắp thế giới.
Khi ngày càng có nhiều tài liệu được giải mật, những sự thật gây sốc về việc Lenin tàn sát người dân Nga đã bị đưa ra ánh sáng.
Việc vội vã kéo đổ tượng Lenin xảy ra như một phản ứng tự nhiên của những người từng sống trong bóng tối và lầm tưởng ông là “tổ phụ” của nước mình. Ước tính có hơn 6.000 bức tượng Lenin đã bị dỡ xuống. Đồng thời, các tượng đài và bảo tàng đã được dựng lên để nhắc nhở mọi người về những thảm họa do chủ nghĩa cộng sản gây ra.
Bức tượng của Lenin ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ bị dỡ xuống
Một người Litva ngồi trên bức tượng Lenin bị đổ
Ông Victor Bugaichuk, thống đốc Poltava, Ukraine, đã ra lệnh rằng đến ngày 24 tháng 11 năm 2014, phải dỡ bỏ xong tất cả các tượng đài và tượng Lenin trong nước.
Bugaichuk coi việc tiếp tục giữ lại các bức tượng của những kẻ áp bức cộng sản của họ là một sự sỉ nhục đối với người dân Ukraine và yêu cầu cả nước “dọn sạch mọi biểu tượng của chế độ độc tài toàn trị Cộng sản Liên Xô cũ trên đường phố, quảng trường, trường học và các nơi công cộng khác trên toàn quốc.” Ukraine, khi còn thuộc Liên Xô, có đến hàng ngàn tượng đài về chủ nghĩa cộng sản và tượng Lenin.
Một bức tượng Lenin bị đập phá ở Kiev, Ukraine
Điều thú vị là theo biểu đồ do các nhà xã hội học công bố trên truyền thông Ukraine, những nơi có nhiều tượng Lenin có tỷ lệ tội phạm cao hơn và nhiều vấn đề kinh tế hơn, trong khi ở khu vực miền Trung và miền Tây, nơi có rất ít hoặc không có những bức tượng như vậy thì nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và ít bất ổn xã hội hơn.
Ngày 9 tháng 4 năm 2015, Nghị viện Ukraine đã thông qua luật cấm quảng bá các biểu tượng của những chính quyền độc tài xã hội chủ nghĩa quốc gia và cộng sản trong thời kỳ Xô-viết, kể cả quốc kỳ, quốc huy và quốc ca cũ; búa liềm; ngôi sao năm cánh; và v.v. Pháp luật còn cấm các dấu hiệu mang dư âm của Đảng Cộng sản cũng như các câu trích dẫn của lãnh đạo đảng cộng sản. Tên đường phố và thành phố mang màu sắc cộng sản sẽ bị xóa bỏ và thay đổi.
Từ Lenin đến Stalin, các nhà độc tài cộng sản đều đã gây ra bao đau khổ khôn xiết ở Liên Xô. “Hơn 60 triệu người Nga đã thiệt mạng do chiến tranh, đói khát và đàn áp trong thời Xô-viết,” ông A.N. Yakovlev, một ủy viên của Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời là một nhà sử học viết trong cuốn sách Bitter Cup của ông, xuất bản năm 1994.
“Bức tường thống khổ” (“Wall of Grief” hay “Wall of Sorrow”), một đài tưởng niệm quốc gia dành cho các nạn nhân của cuộc bức hại chính trị của Stalin, đã được khánh thành tại Moscow vào ngày 30 tháng 10 năm 2017, công khai tuyên bố với toàn thế giới rằng lịch sử phạm tội tùy tiện thảm sát những người vô tội của Đảng Cộng sản Liên Xô nhất định phải bị lên án, và “Cách mạng Tháng 10” và tư tưởng cộng sản là đáng bị khinh miệt và bị xóa bỏ hoàn toàn.
Tàng Thư Mật bị phơi bày ra công chúng
Người dân ở Đông Đức đã chịu sự giám sát cực kỳ chặt chẽ dưới chính quyền cộng sản, trung bình cứ 6,5 người Đức thì có một người mật thám.
Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ, cảnh sát mật (Stasi) ở Đông Đức đã hoảng loạn và cố gắng hủy các tài liệu mật nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, cư dân địa phương đã nhận ra những gì đang xảy ra trong những tòa nhà lớn màu xám đó, nên đã xông vào tịch thu thành công “hồ sơ hoàn chỉnh” về nhiều thập kỷ cai trị của chính quyền độc tài chuyên chế.
Chỗ tài liệu lưu trữ ấy, nếu trải ra thì phải dài tới 180 km, cộng thêm 39 triệu chỉ số thẻ, hàng chục ngàn hình ảnh và các tập tin âm thanh, cùng 15.600 bao tải các tài liệu bị xé tay, mà sau đó đã được cẩn thận phục hồi.
Số tài liệu lưu trữ này được công khai với công chúng, và mọi cá nhân, tổ chức hay các cơ sở đều có quyền xem. Cho đến nay, tổng cộng đã có 1,7 triệu người, khoảng 10% dân số Đông Đức, xem tài liệu lưu trữ của họ. Bà Marianne Birthler (từng là một nhà hoạt động dân quyền Đông Đức, đã trở thành giám đốc của BStU, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ và truy cập hồ sơ Stasi) cho biết: “Rất nhiều người quyết định phá vỡ sự im lặng để biết sự thật, bởi họ muốn biết những gì đã xảy ra với họ trong quá khứ.”
Sau khi thống nhất hai bang của Đức vào tháng 7 năm 1990, trụ sở đồ sộ của Bộ An ninh Quốc gia Đông Đức (Stasi) đã được biến thành đài tưởng niệm và bảo tàng để nhắc nhở mọi người về nỗi đau và sự thống khổ của người dân dưới tay Stasi, dưới thời chính quyền cộng sản ở Đông Đức. Mỗi câu chuyện cá nhân, triển lãm, và các ấn phẩm đều là bằng chứng.
Trụ sở đồ sộ của Stasi cũ của Đông Đức
Giải trừ tuyên truyền tại Ba Lan
Tháng 1 năm 1990, Đảng Cộng sản ở Ba Lan, với số đảng viên 3 triệu người, đã bị giải tán sau 42 năm cầm quyền Ba Lan. Người dân Ba Lan đã từ bỏ hệ thống chủ nghĩa cộng sản và thực hiện một loạt thủ tục “giải trừ tuyên truyền” trên mạng xã hội để giải thể tàn dư của hệ tư tưởng, tổ chức, văn hóa và tâm lý của chủ nghĩa cộng sản.
Tám năm sau, vào tháng 12 năm 1998, Quốc hội Ba Lan đã thông qua luật thành lập “Viện Tưởng niệm Quốc gia”, để điều tra và truy tố các tội ác chống lại Quốc gia và nhân dân Ba Lan từ tháng 11 năm 1917 đến cuối tháng 7 năm 1990, gồm cả Thế chiến II và thời kỳ cộng sản.
Đến năm 2015, Viện đã thu thập được 90 km tài liệu lưu trữ, xuất bản 1.794 cuốn sách và bài báo, tổ chức 453 cuộc triển lãm, tổ chức 817 cuộc họp, và thành lập 30 trang web giáo dục. Đồng thời, các nhà điều tra của họ đã phỏng vấn 103.000 nhân chứng, thẩm vấn 508 người bị buộc tội và đóng góp vào 137 vụ truy tố tư pháp.
Tháng 5 năm 2016, Tổng thống Ba Lan đã ký một đạo luật về việc giải trừ tuyên truyền nhằm cấm tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản và các chính quyền độc tài khác, đồng thời xóa bỏ và thay tên các tòa nhà, đường phố và các đối tượng mang yếu tố cộng sản.
Luật này đã được sửa đổi vào ngày 22 tháng 6 năm 2017, yêu cầu tất cả tượng và tượng đài ở nơi công cộng mang biểu tượng và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản và chính quyền độc tài phải bị phá hủy vào năm sau.
Trong một tuyên bố, Quốc hội Ba Lan đã khẳng định luật giải trừ tuyên truyền của họ đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng Ba Lan cấm và phản đối bất kỳ chính quyền độc tài nào và lên án sự truyền bá tư tưởng đó. Họ còn tuyên bố rằng nếu bảo tồn các tác phẩm điêu khắc và/hoặc tượng đài về những kẻ phạm trọng tội là tạo cơ hội cho những kẻ ủng hộ chính quyền độc tài truyền bá tư tưởng lệch lạc và tác động tiêu cực đến xã hội.
Các quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu đã phải mất hơn 20 năm mới giải thể được những tàn dư cộng sản và loại bỏ những biểu tượng về chủ nghĩa cộng sản khỏi những nơi công cộng. Trong quá trình đó, người ta đã suy xét lại những gì đã trải qua dưới chính quyền cộng sản, hiểu rõ hơn về sự tà ác của chủ nghĩa cộng sản, và vạch ra các biện pháp hữu hiệu để tránh bị nó làm hại một lần nữa.
Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ
Ngày nay, Trung Quốc vẫn nằm trong gọng kìm của ĐCSTQ, nơi chân dung của Mao và cờ Đảng vẫn tràn ngập khắp nơi, còn các kênh truyền thông do chính quyền kiểm soát và internet vẫn ra rả hát bài ca ngợi “chính quyền đỏ”.
Các hoạt động tưởng niệm công cộng bị cấm ở Trung Quốc, kể cả tưởng nhớ đến những thảm họa mà chính ĐCSTQ đã thừa nhận, như “Cách mạng Văn hóa”, huống hồ là những thảm họa tàn khốc, thanh trừng chính trị và sát hại mà ĐCSTQ đã ra sức bưng bít. Bất kỳ hoạt động tưởng niệm nào như vậy đều bị dán nhãn là “lật đổ chính quyền”, và những người chủ chốt có liên quan sẽ bị cảnh sát theo dõi sát sao.
7 giờ tối hàng ngày, CCTV bắt đầu chương trình tin tức hàng ngày “Tân Văn Liên Bá” của họ để tán dương ĐCSTQ và tẩy não hàng trăm triệu người, biến họ thành “những con robot” mà ĐCSTQ có thể lừa dối và thao túng theo ý muốn.
Tư duy độc lập và phê phán bị trấn áp, văn hóa truyền thống và các giá trị đạo đức bị hủy hoại. Vì thế mà đạo đức ở Trung Quốc ngày nay đã nhanh chóng suy thoái dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản.
ĐCSTQ cấm mọi người tin vào bất cứ điều gì khác ngoài các học thuyết cộng sản vô thần và không dừng lại ở sự tà ác của việc bức hại những người có tín ngưỡng chính đáng, như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, thành viên của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, và, tàn bạo hơn hết là cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, những người sống theo Chân-Thiện-Nhẫn.
Một người phương Tây nói với một học viên Pháp Luân Công rằng gia đình cô cũng đã từng chịu thống khổ dưới tay chính quyền cộng sản, nên cô hoàn toàn hiểu nỗi đau và sự thống khổ của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Cô bày tỏ hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm chấm dứt.
ĐCSTQ đã gây ra vô số thảm họa ở Trung Quốc kể từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949, khiến hàng chục triệu người thiệt mạng.
Tuy vậy, ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận bất kỳ sai lầm nào. Nó cố gắng che giấu tội ác của mình bằng cách tước đoạt quyền tự do xuất bản và tự do ngôn luận, nhồi nhét dân chúng bằng tin giả và lừa dối trong sách giáo khoa và qua các cơ quan tuyên truyền.
Sau một thảm họa, ĐCSTQ có thể nói rằng “chúng ta cần phải học một bài học”, nhưng nó chưa từng và sẽ không bao giờ suy xét lại bản thân. Bởi vậy, người Trung Quốc cứ phải chịu thảm họa hết lần này tới lần khác, chủ yếu là do sự bưng bít của ĐCSTQ, từ trận động đất Đường Sơn tàn khốc năm 1975 đến trận động đất kinh hoàng ở Mân Xuyên năm 2008, từ dịch SARS năm 2003 đến dịch virus corona chết người hiện nay ở Vũ Hán, hiện đã trở thành đại dịch, lây nhiễm cho hàng triệu người trên thế giới và đã sát hại hàng chục ngàn người.
Hy vọng cho nhân loại
Lịch sử không thể bị xóa nhòa hay đi vào lãng quên. Hành vi vô đạo đức của ĐCSTQ và tham vọng lâu dài của nó là thống trị toàn thế giới đã khiến ngày càng nhiều người nhận ra rằng chúng ta không được có thêm bất kỳ ảo tưởng nào về ĐCSTQ; chúng ta phải dứt khoát cắt đứt chủ nghĩa cộng sản như người dân ở Đông Âu đã làm và hoàn toàn gột sạch ảnh hưởng độc hại của chủ nghĩa cộng sản trong cộng đồng quốc tế.
Trong Chín Bài bình luận về Đảng Cộng sản do Thời báo Đại Kỷ Nguyên đăng vào cuối năm 2014, có viết:
“Chúng ta phải vứt bỏ mọi ảo tưởng, suy xét thật tỉnh táo, không để cho thù hận, tham lam và dục vọng chi phối. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thoát khỏi sự khống chế như ác mộng của tà linh phụ thể ĐCSTQ trong 50 năm qua. Là một quốc gia tự do, chúng ta có thể tái lập nền văn minh Trung Hoa với nền tảng tôn trọng giá trị nhân văn, và thiện lành đối với tất cả mọi người.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/9/403586.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/1/185313.html
Đăng ngày 14-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.