Bài viết của Lương Tâm
(Tiếp theo Phần 1)
[MINH HUỆ 03-08-2019] Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện mà người học chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để hành xử. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt và giam giữ.
Sau khi bị đưa tới các cơ sở giam giữ và nhà tù, nhiều học viên đã bị bóc lột như phải lao động không công và phải làm việc từ 12 đến 19 tiếng mỗi ngày. Các sản phẩm họ sản xuất gồm có tăm, đũa, kẹo, bánh quy và băng vệ sinh. Một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Ngoài việc bị giao những công việc với mức chỉ tiêu cao, những người bị giam giữ, tuổi từ 16 đến 70, còn thường xuyên bị cấm ngủ và bị tước đoạt các nhu cầu cơ bản. Nhiều người còn phát sinh bệnh do môi trường làm việc độc hại và mất vệ sinh.
Dưới đây là khái quát về các sản phẩm được sản xuất tại nhiều trại lao động khác nhau ở Trung Quốc, cũng như việc lính canh đã bức hại các học viên Pháp Luân Công như thế nào chỉ vì họ kiên định đức tin của mình.
Phần 1 báo cáo về các cơ sở ở tỉnh Hắc Long Giang.
Phần 2 báo cáo về các cơ sở ở tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Cát Lâm.
Phần 3 báo cáo về các địa khu khác.
Nhà tù Nữ Liêu Ninh
Nhà tù Nữ Liêu Ninh có một xưởng may quy mô lớn gồm bốn tầng. Xưởng này cả năm sản xuất quần áo số lượng lớn để xuất khẩu. Khu giam giữ số 1 may đồng phục cảnh sát, Khu số 5 may trang phục hàng hiệu, và tù nhân ở Khu số 7 thường phải làm việc thêm giờ để may quần áo xuất khẩu. Những phân khu này may nhiều loại trang phục của các thương hiệu khác nhau cho nhiều nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nhà tù này cũng may đồng phục cho ngành dịch vụ điện đường sắt và xí nghiệp đường sắt Cáp Nhĩ Tân.
Tại nhà tù này, các lính canh được nhận tiền thưởng tương ứng với hiệu quả sản xuất. Vì thế, lính canh ở từng khu giam giữ đều dốc hết sức để bắt các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân khác phải làm việc cật lực hơn. Nguyên liệu của nhiều sản phẩm ở trại lao động đều rất độc hại, và điều kiện làm việc rất tồi tàn.
Ví dụ, khi các tù nhân sản xuất tăm bông thủ công, họ có thể thực hiện công việc này mà không rửa tay. Họ có thể vừa đi vệ sinh xong hay đang mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng lại vẫn phải sản xuất các túi tăm, đũa, và túi đựng bánh mỳ trong suốt cả ngày.
Dưới đây là một phần danh sách các sản phẩm được sản xuất tại trại lao động của Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh trong những năm gần đây:
Hộp đựng bánh ngọt “Hảo Lợi Lai”, túi đựng bánh mỳ và hộp đựng bánh hamburger sản xuất cho Công ty Thực phẩm Đào Lý ở thành phố Thẩm Dương. Các hộp đựng thực phẩm, hộp thuốc, hộp giày, và hộp mỹ phẩm được sản xuất cho các thương hiệu khác.
Trang phục quân trang “Vinh Phát” do Nhà máy May mặc Vinh Phát ở tỉnh Cát Lâm sản xuất. Nhà tù này chủ yếu sản xuất các loại đồng phục cảnh sát, áo mưa quân dụng, và áo khoác vải bông.
Quần áo sản xuất cho Công ty Phi Long (tên tiếng Trung của một công ty Nhật Bản) để xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Các loại quần của công ty Phi Long được sản xuất cho nam giới.
Quần áo xuất khẩu cho Công ty Trang phục Bách Gia Hảo ở Thượng Hải. Tên nhãn hiệu là Basic House.
Tăm bông cho Công ty Thiên Khiết ở thành phố Thẩm Dương. Công ty TNHH Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Thiên Khiết Thẩm Dương xuất khẩu các sản phẩm sang Hoa Kỳ, châu Âu, Israel, Úc, Hàn Quốc, và các quốc gia khác.
Quần áo xuất khẩu cho Tập đoàn May mặc Quảng Lâm Liêu Dương. Quần áo của Quảng Lâm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Panama, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Canada.
Trang phục của Nhật Bản và Hàn Quốc cho Xưởng May mặc Ngân Hà Phủ Thuận. Công ty này có địa chỉ tại số 11 Tây Đường Lôi Phong, quận Vọng Hoa, thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh.
Nhà tù cũng sản xuất đủ loại đồ lót. Ngoài ra còn sản xuất quần áo xuất khẩu cho Công ty Ngoại thương Đại Liên và Công ty Ngoại thương Đan Đông.
Khu số 10 sản xuất quần áo cho Công ty TNHH Trang phục Trung Hòa Thẩm Dương. Quản lý tại chỗ của công ty ở nhà tù này là một người họ Vương. Khu số 10 cũng gia công cho Nhà máy Trang phục Dụ Hâm Đan Đông. Quản lý công ty này là một người họ Tương.
Nhãn hiệu quần “Bangbang” cho Tập đoàn May mặc Anna Thẩm Dương xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ.
Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Khu Chỉnh huấn Tập trung Số 12, Khu giam giữ số 13, Khu dành cho người già và người khuyết tật, các bệnh viện, và các phòng biệt giam. Họ phải sản xuất: hộp sữa Mông Ngưu; hộp bánh ngọt Hảo Lợi Lai; và đủ loại túi (dùng cho: bánh mì, đồ ăn khách sạn, đũa, tăm, hải sản, mỹ phẩm); túi đựng hồ sơ khám chữa bệnh cho Trung tâm Mỹ Niên Onehealth; túi đựng bằng lái và ảnh của lái xe; túi đựng tiền cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng CITIC Trung Quốc, …; túi đựng cho công ty giáo dục Thế Bác; túi đựng thẻ phòng khách sạn; túi đựng cho các loại thẻ tín dụng; túi đựng xà phòng hết hạn, túi đựng hàng thủ công mỹ nghệ Đức xuất khẩu (mặt dây chuyền trang sức hình trái tim); và nhiều loại túi quà tặng khác nhau.
Báo cáo liên quan: Máu và nước mắt đằng sau nhãn hiệu “Made in China” (Phần 2)
Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ và Trại Lao động Cưỡng bức Thẩm Tân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh
Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ ở Thẩm Dương giam giữ các học viên nam. Các sản phẩm được sản xuất gồm có lược, đũa, lông mi giả, vỉ nướng, bóng đèn nê ông và các sản phẩm khác. Trại lao động này hợp tác với Công ty TNHH Trang sức Hải Uy Thẩm Dương để sản xuất lược. Các sản phẩm này được xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu Âu. Công ty Hải Uy cung cấp nguyên liệu và các bộ phận lắp ráp. Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ bắt các học viên Pháp Luân Công và những người bị giam giữ khác làm đầu lược và các hộp đóng gói. Khói sinh ra từ keo dùng để đóng gói hộp rất có hại đối với hệ hô hấp, và các vật liệu sản xuất khác đều độc hại đối với con người.
Ông Lý Hiệu Nguyên, một học viên, là thợ cơ khí ưu tú của Nhà máy Khuôn Số 1 của Tổng công ty Máy bay Thẩm Dương. Ông được đồng nghiệp toàn công ty tôn trọng. Tuy nhiên, trước dịp Tết Nguyên đán năm 2002, ông đã bị bắt và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ ở Thẩm Dương.
Ông Lý đã phải chịu cực hình tra tấn ở đó, gồm có bị lột trần, treo trên cổng sắt và bị đánh đập tàn bạo, bị sốc điện bằng dùi cui điện và bị làm lạnh cứng trong phòng băng. Vì kiên định đức tin của mình vào Chân-Thiện-Nhẫn mà cảnh sát đã giam giữ ông cùng những tù nhân, và bắt ông phải thực hiện những công việc nặng nhọc.
Ông Lý từ chối thực hiện lao động cưỡng bức. Ngày 25 tháng 4 năm 2002, lính canh Dương Thụ và các tù nhân đã sốc điện ông bằng dùi cui điện 120.000 vôn. Ông bị đánh đập thậm tệ và bị cấm ngủ. Việc tra tấn này kéo dài trong bốn ngày. Toàn thân ông Lý bị tím đen lại và sưng vù. Ông không thể tự đi lại và phải dùng xe lăn để vào phòng vệ sinh. Trong suốt tháng 5 và tháng 6, ông Lý bị bí mật chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Quan Sơn Liêu Ninh và ông đã qua đời tại đó vào ngày 9 tháng 11 năm 2003 do bị ngược đãi. Khi đó ông 46 tuổi.
Các sản phẩm sản xuất tại Trại Lao động Cưỡng bức Thẩm Tân Thẩm Dương gồm có các đồ trang trí lễ hội của phương Tây, nến màu, cừu len, chim bồ câu, chim ưng, bộ xương, bóng, các ngôi sao, các “phúc tự” màu vàng, và đũa.
Báo cáo liên quan: Máu và nước mắt đằng sau nhãn hiệu “Made in China” (Phần 2)
Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh
Bất kỳ công việc nào còn dang dở sẽ phải được hoàn thành sau giờ lao động thông thường và lúc gọi điểm danh buổi tối, và thường kéo dài tới 9 hoặc 10 giờ đêm, hay thậm chí có khi còn đến tận nửa đêm. Nếu khối lượng sản phẩm chưa hoàn thành đúng theo yêu cầu thì sẽ không được phép ngủ. Trại lao động này thường lấy cớ cần đốc thúc cho kịp hoàn thành nhiệm vụ để giao thêm việc, gồm có đóng gói tăm, đũa, tăm bông và nhiều sản phẩm khác nữa.
Một học viên cao tuổi hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” ở hành lang của xưởng liền lập tức bị cảnh sát và các tù nhân lôi vào phòng biệt giam. Cảnh sát đã chửi rủa người học viên này và nói: “Ngươi chết sớm đi cho rồi”. Sau đó nữ cảnh sát này đã tháo giày cao gót của cô ta ra rồi dùng nó đánh vào đầu người học viên này, gây ra nhiều thương tích.
Một học viên khác đã bị cảnh sát và các tù nhân đánh đến gãy cả tay. Bà không được điều trị mà còn bị bắt phải lao động. Bà phải làm việc bằng một tay nhưng vẫn bị quở mắng vì chậm chạp. Một học viên không thể đi lại sau khi bị đánh đập và phải bò vào phòng vệ sinh. Một số học viên bị tra tấn đến mức bị rối loạn tâm thần.
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
An Account of the Brutal Slave Labor at the Dalian Forced Labor Camp
Trại tạm giam Diêu Gia ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh
Ông Quách Cư Phong, một học viên hiện đang sinh sống tại Đức, trong một bài viết trên website Minh Huệ đã viết:
Tôi đã gặp anh Phùng Cương cách đây 10 năm. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công vào tháng 10 năm đó. Tôi đã bị bắt và bị giam giữ tại khu hành chính của trại tạm giam Diêu Gia ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Trong khu hành chính này có ba buồng giam, và được dùng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Trình độ học vấn của những học viên này rất cao, trong đó có bác sỹ, nhiều người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, sinh viên đại học, giáo viên và nhiều ngành nghề khác nữa. Họ bị bắt vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Vài ngày sau, một học viên được chuyển đến. Anh bị bắt và bị vu cáo tội hình sự. Người học viên này là Phùng Cương, hơn 30 tuổi, cường tráng và khỏe mạnh, và là giảng viên của Viện Thủy sản Đại Liên. Anh cũng đã đến Bắc Kinh và bị bắt ở một trường học gần Viên Minh Viên, Bắc Kinh (Cung điện Mùa hè cũ). Anh bị giam giữ hình sự trong một buồng giam đặc biệt dành cho những tù nhân như vậy trong hơn hai tháng. Anh kể lại rằng buồng giam đó thật kinh hoàng. Tù nhân đều là tội phạm hình sự. Họ phải đóng gói các gói tăm hàng ngày. Giám đốc trại giam trừng phạt tù nhân rất tàn bạo. Ông ta đâm tăm vào đầu họ và khi họ rút tăm ra, máu chảy ròng xuống mặt họ.
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
Sleepless on China’s Mid-Autumn Festival — Mourning for Falun Dafa Practitioner Feng Gang
trại tạm giam Thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh
Một buồng giam 30 mét vuông ở trại tạm giam Thành phố Phủ Thuận chứa được khoảng 25 người. Mọi người phải nằm nghiêng để ngủ. Vào buổi sáng, những người bị giam giữ ở đây bị bắt phải đóng gói tăm, khâu và dán cánh hoa, gấp 7.000 đến 8.000 quần tắm dùng một lần. Để hoàn thành nhiệm vụ, những người bị giam giữ ở đây còn không có thời gian để ăn tối.
Năm 2012, trại tạm giam này sản xuất mũ và tăm.
Tù nhân ở những trại tạm giam này rất tức giận khi họ bị bắt phải lao động nhưng lại không dám nói ra sự bất mãn của mình. Vì vậy, họ đã trút giận lên những chiếc tăm. Sau khi ngủ dậy vào lúc 6 giờ sáng, một số người bắt đầu làm việc mà không rửa mặt hay rửa tay. Tăm được vứt trên sàn bất kể là sàn có sạch hay không. Một số tù nhân bị nấm chân còn dùng chân chà xát lên tăm rồi ném lại vào đống tăm. Những người khác thì cho tăm vào miệng rồi ném nó trở lại.
Vì buồng giam có tới 20 đến 34 người nên nhiều người đã bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm như giang mai, viêm gan, lao, ghẻ và nấm chân. Những người không bị ghẻ thì cũng sẽ bị lây sau khi nằm ngủ cạnh những người bị bệnh. Một số người bị ghẻ đã được chữa khỏi sau khi bôi thuốc mỡ nhưng họ sẽ lại bị lây nhiễm lại khi bị xếp ngủ cạnh những người đang bị bệnh.
Những học viên nào không chịu lao động thường bị nguyền rủa. Những người tuyệt thực thì bị bức thực, và học viên Trâu Quế Vinh đã bị bức hại đến chết trong trại lao động này.
Trại Lao động Hắc Chủy Tử ở Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
Sở Lao động quy định người lao động làm việc sáu tiếng rưỡi một ngày, nhưng những người bị giam giữ tại Trại Lao động Hắc Chủy Tử lại bị bắt phải lao động ít nhất 12 tiếng một ngày. Mỗi đội sản xuất các sản phẩm khác nhau, gồm có quần áo, chim, bướm, tượng người, các loại giấy gấp.
Những con bướm này được sản xuất tại một nhà máy ở sân bay cũ ở thành phố Trường Xuân. Tất cả nguyên liệu được sử dụng đều có hại cho cơ thể, thế nhưng những người sản xuất các sản phẩm này lại không được cung cấp bất kỳ đồ dùng bảo hộ nào. Vì thế, nhiều người đã sinh nhiều bệnh khác nhau về da, mắt và bị kích ứng ở đầu, mặt và da. Những con bướm này được xuất đi các sân bay nước ngoài và được sử dụng làm vòng hoa cho các hộp đựng thức ăn nhanh. Nhiều sản phẩm sử dụng để trang trí hoặc cho những mục đích khác cũng được sản xuất tại đây. Ví dụ, hộp thức ăn nhanh được bán cho khách du lịch tại Sân bay Long Gia Trường Xuân và Sân Bay Diên Cát. Hai gói tăm được sử dụng ở một số khách sạn lớn ở Trường Xuân và các quảng cáo dược phẩm cho các nhà máy dược phẩm.
Bốn đội ở Trại Lao động Hắc Chủy Tử bị bắt phải đóng gói tăm; thuốc lá; tờ rơi quảng cáo; các sản phẩm mỹ nghệ như chim, cú, bướm; và nến (mà không rửa tay).
trại tạm giam Số 3 Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
trại tạm giam Số 3 Trường Xuân sử dụng lao động khổ sai để sản xuất tăm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Một đầu tăm được gắn ruy băng, và ruy băng này có bốn màu. Bao bì bên ngoài của hộp được viết bằng tiếng Anh: tăm ăn, 1000 chiếc/hộp. Lính canh ở đây cho biết người nước ngoài sử dụng tăm này để ăn hoa quả. Keo dán trên dải ruy băng rất độc, vì thế các tù nhân thường bị nổi mụn nước trên mặt và bàn tay. Toàn bộ quá trình sản xuất tăm được thực hiện ngay trong buồng giam. Các buồng giam rộng 20 mét vuông, giam giữ từ 35 đến 40 người. Tất cả mọi việc, kể cả ăn, ngủ và đi vệ sinh đều được thực hiện ngay trong buồng giam này.
Điều kiện vệ sinh của địa điểm đóng gói tại trại tạm giam này cực kỳ tồi tàn, khắp nơi đều là bụi bẩn, rác rưởi và các vật liệu độc hại. Nhiều tù nhân không bao giờ rửa tay sau khi đi vệ sinh. trại tạm giam này chỉ cho phép tù nhân được tắm một lần mỗi tháng. Do vậy, nhiều tù nhân bị ghẻ nặng vì điều kiện vệ sinh cực kém. Mụn mủ và mủ khiến cơ thể vô cùng ngứa ngáy. Một số tù nhân còn mắc bệnh lao, viêm gian và các bệnh lây qua đường tình dục.
Mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, các tù nhân phải ngồi trên một tấm ván gỗ để làm việc, và một số người còn phải ngồi tới tận nửa đêm. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu được giao, thì các tù nhân, có thể là các học viên hoặc các tù nhân khác, sẽ phải xếp hàng rồi lần lượt bị đánh vào miệng bằng giày. Một học viên kể lại rằng anh trường kỳ cảm thấy mệt mỏi – đôi lúc đến mức suy sụp. Anh bị bắt phải thực hiện lao động khổ sai cường độ cao hàng ngày mà không nhận được bất kỳ một khoản thù lao nào.
trại tạm giam Số 1 Thành phố Cát Lâm, trại tạm giam Liêu Nguyên, trại tạm giam Thành phố Mai Hà Khẩu, trại tạm giam Thành phố Bạch Sơn, trại tạm giam Thành phố Liễu Hà và trại tạm giam Thông Hóa đều tham gia sản xuất những loại tăm này.
trại tạm giam Thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm
trại tạm giam Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm có tổng cộng khoảng 20 buồng giam. Mỗi buồng giam có diện tích khoảng từ 15 đến 20 mét vuông và giam giữ khoảng 16 đến 20 người, mỗi người chỉ chiếm chưa đến một mét vuông sàn. Tất cả mọi việc từ ăn đến sử dụng nhà vệ sinh đều được thực hiện trong những buồng giam này. Những người bị giam giữ ở đây phải nằm nghiêng để ngủ. Vào mùa hè, còn có ruồi, muỗi và chuột. Phòng giam cực kỳ bẩn thỉu. Một số người còn không được rửa mặt trong hơn 20 ngày, chứ chưa nói gì đến tắm. Một số người còn bị chấy, ghẻ và mắc bệnh lao.
trại tạm giam này còn lợi dụng lao động rẻ ở nhà tù để bán tăm kiếm tiền. Những người không thể hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ không được phép ngủ.
Những chiếc tăm ô nhỏ xinh xắn cắm trên những đĩa hoa quả sử dùng ở các điểm dịch vụ như các khách sạn lớn, khách sạn sang trọng, cửa hàng cà phê,… đều là do các tù nhân làm.
Điều kiện vệ sinh ở trại tạm giam này rất tồi tệ. Các tù nhân không rửa tay sau khi dùng nhà vệ sinh (họ không có thời gian để rửa tay). Trưởng buồng giam thường chiếm đoạt đồ dùng cá nhân của tù nhân, do đó nhiều tù nhân không có giấy vệ sinh hay xà phòng để dùng. Họ sẽ phải tiếp tục làm việc sau khi dùng nhà vệ sinh.
Một buồng giam nhỏ chứa tối đa được 6 người, và buồng giam lớn chứa được hơn 20 người. Những người bị giam giữ chỉ được phép tắm vào cuối năm, và chỉ những ai được trưởng buồng giam hay lính canh thích mới được phép giặt quần áo. Những người bị giam giữ ở đây hôi hám và có chấy. Trên những tấm ván họ ngồi có thể nhìn thấy tóc và da chết. Những chiếc tăm được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh như vậy thì có thể đáp ứng được loại chỉ tiêu vệ sinh nào đây? Các khách sạn cao cấp thường cho khách hàng của mình sử dụng những tăm này, và trại tạm giam năm nào cũng có thể nhận việc sản xuất tăm này.
Các học viên Pháp Luân Công và tù nhân sẽ bị đánh đập và ngược đãi nếu họ không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
trại tạm giam Trường Lưu của Thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm
trại tạm giam này kiếm được lợi nhuận khổng lồ một cách phi pháp từ việc sản xuất và xuất khẩu tăm. Họ đạt được điều đó bằng cách giảm thiểu chi phí sinh hoạt của tù nhân, nhồi nhét hơn 30 người vào một phòng giam 28 mét vuông. Những người bị giam giữ ở đây phải sống trong điều kiện vô nhân tính và mất vệ sinh. Vào những ngày hè nóng bức, tù nhân chỉ mặc quần soóc (không có áo), mồ hôi nhễ nhại và làm tăm trong khi ngồi trên sàn. Buồng giam có mùi hôi rất khó chịu. Tăm xuất khẩu được sản xuất ở một môi trường như vậy.
Mỗi buồng giam ở trại được giao một chỉ tiêu nhất định. Nếu không hoàn thành được chỉ tiêu này thì không ai được phép ngủ. Trưởng buồng giam sẽ đánh đập những tù nhân không thể hoàn thành chỉ tiêu. Mỗi ngày, mỗi tù nhân được cấp hai cái bánh và hai bát súp rau mà không có một chút dầu nào. Công việc bắt đầu từ mặt trời mọc và kéo dài đến tận sau nửa đêm. Sức khỏe thể chất và tinh thần của các tù nhân đều bị tổn hại do phải lao động chân tay nặng nhọc hết ngày này qua ngày khác.
Khi mới vào tù, mọi người có thể hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày. Nhưng dần dần, các tù nhân có tuổi hoặc tù nhân có sức khỏe kém không thể theo kịp. Khi đó trưởng buồng giam sẽ đánh đập họ một cách tàn nhẫn, đồng thời cấm họ ngủ. Nếu vẫn không hoàn thành được chỉ tiêu, những tù nhân này sẽ bị lột trần rồi bị đánh đập hàng ngày bằng gậy gỗ đường kính bằng ngón tay cái và dài khoảng 45cm. Hình phạt này còn để cảnh báo cho những người khác. Để tránh bị đánh đập, một số tù nhân đã phải bỏ cả thời gian ngủ và thời gian tắm rửa. Do điều kiện thiếu vệ sinh nên nơi làm việc đầy bọ chét và một số tù nhân vì thế mà bị nổi mụn nước. Đó chính là nơi sản xuất ra những chiếc tăm “tốt nhất”, và những người làm ra các sản phẩm chính là những người như thế.
Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:
(Còn tiếp)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/3/390958.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/20/183704.html
Đăng ngày 11-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.