Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-02-2020] Ông Lý Vĩnh Hân đã bị kết án bốn năm tù vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện giúp đề cao cả tâm lẫn thân. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang bức hại pháp môn này trong suốt 21 năm qua.
Ông Lý ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt vào tháng 8 năm 2019 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ngày 9 tháng 1 năm 2020, Toà án Quận Lan Sơn đã xét xử và kết án ông bốn năm tù vì “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ do hệ thống toà án Trung Quốc quy chuẩn nhằm vu khống và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.
Ông Lý không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Em trai ông đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào năm 2001. Ông bị kết án 10 năm tù vào năm 2002 và mẹ ông đã qua đời trong đau đớn vào cuối năm đó. Vợ ông bị ngã chết vào năm 2003 khi trốn chạy khỏi vụ bắt giữ, công an đã đánh đập con trai ông và đổ thừa cho cậu ấy đã giết mẹ mình.
Án tù 10 năm
Vợ chồng ông Lý cùng cha mẹ và các anh em trai bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Ông là một tài xế xe khách đường dài. Có lần một hành khách bỏ quên chiếc cặp da với hơn 100.000 nhân dân tệ tiền mặt đựng ở bên trong. Ông đã đợi tại bến xe chờ người khách đó quay lại tìm chiếc cặp. Người này đã lấy ra mấy vạn nhân dân tệ để hậu tạ ông Lý, nhưng ông từ chối. Ông đã nhiều lần nhặt được những khoản tiền lớn như vậy, nhưng đều tìm người đánh mất để trả lại. Ở Trung Quốc ngày nay, việc trả lại đồ đánh mất cho chủ sở hữu của chúng, đặc biệt là tiền mặt, là chuyện hiếm thấy. Do đó, các đồng nghiệp rất khâm phục ông, và từ đó ấn tượng với Pháp Luân Công, vì pháp môn đã dạy ông làm người tốt với đạo đức cao thượng.
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, ông Lý và gia đình đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương vào tháng 1 năm 2000. Trên Quảng trường Thiên An Môn, công an đã đánh đập ông và bắt toàn bộ gia đình. Họ đã bị đưa về Lâm Nghi và bị giam hơn một tháng.
Từ đó, chính quyền thường xuyên sách nhiễu và giám sát vợ chồng ông Lý, buộc ông phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại thêm nữa.
Ông Lý lại bị bắt vào năm 2002 và bị tra tấn trên “ghế cọp” và bị treo lên bằng cổ tay. Sau đó ông bị kết án 10 năm tù và thụ án trong Nhà tù Số 1 Sơn Đông.
Minh hoạ phương thức tra tấn: Ghế cọp
Em trai bị kết án lao động cưỡng bức, mẹ qua đời trong đau buồn
Công an địa phương đã bắt em trai ông Lý khi ông đang nói chuyện với những người khác về Pháp Luân Công và cuộc bức hại vào tháng 1 năm 2001. Họ đánh đập ông đến thâm tím và cạo đầu ông để làm nhục ông. Công an dùng một cái xẻng đánh ông cho đến khi chiếc xẻng bị gãy.
Ông đã bị thẩm vấn và tra tấn tại Cục Công an Quận Hà Đông. Công an đã đốt đen móng tay và móng chân của ông. Công an còn tống tiền gia đình ông 10.000 nhân dân tệ trước khi thả ông về nhà.
Ông lại bị bắt vào tháng 7 năm 2001 khi nói chuyện với người khác về cuộc bức hại. Ông đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và bị phạt 4.500 nhân dân tệ.
Công an cũng cố bắt ông Lý. Dù ông đã thoát lần này, nhưng lại bị bắt sau đó vài tháng và bị kết án tù nặng.
Mẹ ông Lý thống khổ vạn phần trước tình cảnh của các con trai. Gia đình cũng gặp khó khăn về tài chính vì thường xuyên bị lục soát và phạt tiền. Bà vừa căm uất vì bị chính quyền bức hại, vừa hàng ngày lo lắng và thương nhớ các con. Bà đã qua đời vào tháng 1 năm 2002 và không thể gặp các con một lần trước lúc lâm chung.
Vợ bị ngã chết trong khi trốn chạy khỏi vụ bắt giữ
Vợ của ông Lý, bà Chu Hướng Mai, đã bị bắt vào năm 2000 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã bị tra tấn trong một trung tâm tẩy não ở thành phố Lâm Nghi và sau đó bị chuyển đến một bệnh viện tâm thần ở thành phố Tế Ninh để tra tấn nhiều hơn. Chính quyền cũng đình chỉ lương của bà.
Bà Chu bị bược phải rời khỏi nhà vào tháng 7 năm 2002 ngay khi nhận ra công an đang tìm kiếm bà. Con trai bà, một sinh viên đại học, phải qua sống với dì.
Một năm sau, vào ngày 19 tháng 6 năm 2003, khi bà Chu đến gặp con trai thì bị công an bao vây căn hộ và cố bắt giữ bà.
Bà Chu đã từ chối mở cửa và phải đợi đến tận nửa đêm sau khi công an vào xe hơi của họ ngủ, vốn đang đỗ chắn lối ra của toà nhà. Bà đã cố thoát qua cửa sổ ở tầng sáu bằng một sợi dây nối từ những miếng ga trải giường. Sợi dây bị đứt khi bà đang tuột xuống khiến bà rớt xuống ban công tầng một. Bà chết ngay tại chỗ. Lúc đó bà 47 tuổi. Công an ngay lập tức đưa di thể của bà đi hoả táng.
Con trai sống với ông nội
Sau cái chết bi thảm của bà Chu, công an đã cố đổ lỗi cái chết của bà cho con trai bà là anh Lý Ninh. Họ đã thẩm vấn và uy hiếp anh tại Đồn Công an Xa Trạm. Họ cũng bịa lời khai rằng anh đã thả sợi dây và giết chết mẹ mình. Họ đánh đập anh khiến mũi và miệng của anh bị rách.
Sức khoẻ của anh suy giảm và anh chuyển đến sống cùng ông nội, vốn đã hơn 70 tuổi. Sau khi mất đi vợ và con dâu, cùng với hai con trai bị giam, ông thường ôm cháu trai và khóc trong cay đắng. Ông phải làm lao công để kiếm sống. Ông đã yêu cầu chính quyền khoan hồng và sớm thả các con trai của ông, nhưng không ai đếm xỉa.
Dù Lý Ninh đã tốt nghiệp đại học nhưng anh không thể tìm được một công việc phù hợp và trong nhiều năm qua, anh phải làm các công việc vặt để kiếm chút tiền sinh hoạt vì cha mẹ anh bị bức hại.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/20/401435.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/31/183846.html
Đăng ngày 08-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.