[MINH HUỆ 29-3-2010]

Mở đầu

Thưa các bạn đồng tu, các bạn đều biết rằng, cùng một Pháp đồng nhất, nhưng con đường tu luyện của mỗi đệ tử lại không nhất định là giống nhau. Từ một góc độ mà xét, thì đó là Sư phụ có an bài cho từng đệ tử. Từ một góc độ khác mà xét, thì mỗi đệ tử bằng nhận thức của mình về Pháp mà tiến bước, qua đó hình thành đường tu của mình. Chủ đề của bài viết này chính là về khái niệm ‘con đường tu luyện’ ấy, chính là chia sẻ về đường tu mà cá nhân tôi hiểu được.

Phát tâm tu luyện

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới. Ai mà nhìn thấy, thì đều muốn giúp người kia, giúp một cách vô điều kiện.” “Từ Đại Giác Giả mà nhìn, làm người không phải là mục đích, sinh mệnh con người không phải vì để làm người, mà chính là để quay trở về.” Tôi hiểu là, một người nếu phát tâm quay trở về, thì sẽ được cấp một cơ hội tu luyện. Từ đó, người này trở thành người tu luyện, bắt đầu cuộc sống một người tu luyện. Nói theo cách của người thường, thì cá nhân này đã bắt đầu con đường tâm linh của mình. Tu tâm dưỡng tính. Buông bỏ chấp trước, thăng hoa tâm tính. Nói theo cách của người tu, thì là cá nhân này đã ‘phát tâm’ tu luyện, bắt đầu ‘con đường phản bổn quy chân’ theo sự dẫn dắt của Sư phụ.

Năm 1993, tôi bắt đầu với việc theo Phật giáo. Bấy giờ tôi mới ra trường được 3 năm. Tự nghĩ thế này: Mình học tập ở gia đình và nhà trường ngần ấy năm rồi, nay đã trưởng thành, sống cuộc sống tự lập; về lý mà xét, thì cá nhân mình vốn dĩ được giáo dục để trở thành người tốt, người có ích; nhưng tự xét bản thân, thì tự thấy những việc mình làm có nhiều việc không tốt, thậm chí rất xấu xa. Hỏi vấn đề là ở đâu? Phải mất khá nhiều thời gian ‘tự hỏi’ như thế, tôi mới phát hiện rằng, mình không được giáo dục một cách đúng đắn. Hàng chục năm trời học tập, mà chẳng học được cái cần học. Đáng buồn thay! Sau một số nỗ lực tìm hiểu các loại sách dạy làm người từ xưa đến nay, cuối cùng tôi đã chọn việc đọc kinh sách Phật giáo để giải quyết vấn đề đó.

Sau này, tôi hiểu rằng, suy nghĩ bấy giờ của tôi cũng là một tình trạng chung, vì thời ‘mạt Pháp’ vốn dĩ là như vậy. Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Thời kỳ mạt Pháp là không phải chỉ nói đến Phật giáo; mà còn nói về rất nhiều không gian từ một tầng thứ rất cao trở xuống đều đã bại hoại rồi. Mạt Pháp không chỉ nói đến mạt Pháp của Phật giáo, mà còn là xã hội nhân loại không còn duy trì tâm Pháp để chế ước câu thúc đạo đức nữa.”

Dần dần, tôi hiểu được thế nào là tu luyện. Đầu năm 2000, sau khi Internet chớm vào Việt Nam, tôi được biết đến Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi đọc sách «Chuyển Pháp Luân» mấy lượt, tôi xác định rằng đức Phật lại xuất hiện và đang giảng Pháp ở cõi người (theo cách hiểu của tôi lúc bấy giờ), và quyết định chuyển sang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp; với suy nghĩ rằng: đây là Phật Pháp chân chính, vậy là một Phật tử, mình cần đi theo sự dẫn dắt của Phật, mình cần tu theo Pháp này mà đi lên.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Đạo gia tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, trọng điểm tu Chân. Vậy nên Đạo gia giảng tu chân dưỡng tính, nói lời chân, làm điều chân, làm chân nhân, phản bổn quy chân, cuối cùng tu thành Chân Nhân. Nhưng cũng có Nhẫn, cũng có Thiện; trọng điểm rơi vào tu Chân. Trọng điểm của Phật gia rơi vào tu Thiện của Chân-Thiện-Nhẫn. Vì tu Thiện có thể tu xuất tâm đại từ bi; một khi xuất hiện tâm từ bi, thấy chúng sinh rất khổ, do vậy phát sinh nguyện vọng muốn phổ độ chúng sinh. Nhưng cũng có Chân, cũng có Nhẫn; trọng điểm rơi vào tu Thiện. Pháp môn Pháp Luân Đại Pháp của chúng ta chiểu theo tiêu chuẩn tối cao của vũ trụ ―Chân-Thiện-Nhẫn đồng tu― công chúng ta luyện rất to lớn.”

Như vậy, tôi tự xét rằng, trước đây, thời 1993, là nhập Đạo bằng chữ Thiện, còn năm 2000 là nhập Đạo bằng chữ Chân. Thực ra, hồi 1993, tôi chưa có minh bạch rằng tu luyện là thế nào, chỉ là mò mẫm mà thôi; gọi là ‘nhập Đạo’ 1993 hiển nhiên là cách nói miễn cưỡng. Chỉ sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì tôi mới hiểu rõ ra nhiều việc, mới minh bạch về nhiều vấn đề liên quan đến tu luyện.

Tóm lại, tôi đã phát tâm tu luyện như thế.

Vứt bỏ danh lợi

Trở thành người tu luyện, cuộc đời bắt đầu có sự biến chuyển. Biến chuyển thế nào? Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Nói rõ cho chư vị một chân lý: Toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.”

Nói ‘danh lợi tình’ là một cách nói khái quát các tâm chấp trước. Các bạn đều biết rằng, vứt bỏ ‘tình’ thông thường có phần khó hơn; như vậy, những chấp trước đầu tiên được vứt bỏ, thông thường nằm trong phạm trù ‘danh’ và ‘lợi’. Thường là như vậy.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Cái mất mà chúng tôi giảng là cái mất theo nghĩa rộng: Trong toàn bộ quá trình tu luyện, cần phải ‘mất’ đi tất cả các chủng chấp trước, các chủng dục vọng của người thường.”

Tất nhiên, trong những chuyển biến thể hiện ra ở một người bắt đầu bước vào tu luyện, thì không chỉ có cái ‘mất’, mà còn có những cái ‘được’. Điển hình là sức khoẻ tốt lên. Đọc các tâm đắc thể hội của rất nhiều bạn đồng tu, tôi thấy điều đó rất rõ: các bạn kể về cảm nhận về năng lượng vận chuyển, cảm nhận về Pháp Luân đang quay, giải quyết vấn đề sức khoẻ, vân vân. Phần lớn trong các bài tâm đắc thể hội là mô tả về những cái ‘được’ như thế. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng, thực ra, đối với người mới bắt đầu tu luyện, thì cái ‘mất’ là có phần cần chú trọng hơn, chứ không phải những cái ‘được’ ấy. Mà thông thường đối với người mới bắt đầu tu luyện, thì cái ‘mất’ là xảy ra ở phạm trù ‘danh’ và ‘lợi’.

Thể hiện ở mỗi người tu luyện là khác nhau. Mức độ lớn nhỏ cũng khác nhau. Nói tỷ dụ thế này. Một người kia là tỷ phú, dẫu ông ta làm từ thiện một triệu đô-la, thì cũng không hẳn tính là gì lớn. Còn một người nghèo thu nhập thấp, vậy đóng góp chút tiền đối với họ cũng là cả một vấn đề rồi. Vứt bỏ chấp trước cũng tương tự như thế. Tôi thấy trong các đồng tu trẻ có một số người xem thường các đồng tu lớn tuổi, nói rằng: Tại sao bác này vẫn chưa bỏ chấp trước về sức khoẻ, bác kia vẫn chấp trước vào tình cảm mẹ con, v.v. Thực ra, đối với người cao tuổi, vứt bỏ chấp trước về sức khoẻ thật sự là vấn đề không nhỏ. Ở người trẻ, thì vứt bỏ công danh sự nghiệp thường là vấn đề lớn.

Nói chung, mỗi người mỗi khác. Là người tu luyện chân chính, thật sự vứt bỏ được chấp trước mới là thể hiện chính xác rằng đã bước đi dầu tiên trên con đường tu luyện hay chưa. Nghĩa là, không phải là thể hiện ở chỗ rằng mình đã đắc được gì tốt, mà ở chỗ rằng mình đã vứt bỏ được cái gì. Khi đó, mới được xét là mình đã bước đi một bước đầu tiên. Tất nhiên, giống như trên đã nói, trong túi có hàng tỷ mà chỉ bỏ ra một đồng thì không được tính là lớn. Nếu sức khoẻ mà khoẻ như voi, thì tự nói là tôi không có nghĩ chi về sức khoẻ, thì cái đó có lẽ cũng không có gì đáng kể cho lắm. Là người tu trẻ, có thể bỏ được chấp trước về tình cảm nam nữ không, có thể bỏ được chấp trước về công danh sự nghiệp không? Là người tu cao tuổi có thể buông bỏ chấp trước về sức khoẻ hay không, buông bỏ chấp trước về chút thu nhập lúc tuổi già hay không, buông bỏ chấp trước về tình cảm mẹ con hay không? Là người tu luyện trong thời Chính Pháp, có thể buông bỏ tâm sợ hãi, buông bỏ chấp trước vào danh lợi để bước ra chứng thực Pháp, giảng chân tướng hay không?

Ấy là bước thứ nhất trên con đường tu luyện: vứt bỏ chấp trước đầu tiên.

Trì Giới

Như các bạn đều biết, Giới-Định-Huệ, là khái niệm từ Phật giáo. Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Giới, chính là cấm hẳn hết thảy dục vọng nơi người thường, cưỡng chế chư vị vứt bỏ những truy cầu lợi ích, đoạn tuyệt khỏi hết thảy những điều thế tục này khác. Như thế tâm của họ sẽ biến thành ‘không’, điều gì cũng chẳng mong nghĩ, họ có thể định lại được; chúng tương phụ tương thành cho nhau.”

Nghĩa là, khái niệm ‘trì Giới’ là một phần trong tu luyện của Phật giáo. Nhờ có hành trì Giới Luật, thì mới Định lại được. Giới và Định là tương phụ tương thành với nhau. Giới Định song hành là một hình thức công phu bên Phật giáo.

Chúng ta không phải Phật giáo, vậy tại sao ở đây lại nói về ‘trì Giới’? Thực ra ý của tôi không phải là nói về trì Giới, mà là nói về cái khác, là nói về những điều cấm, những điều mà một người tu luyện không được làm. Vì không có từ ngữ để biểu đạt, nên đành miễn cưỡng mượn từ ngữ của bên Phật giáo.

Đệ tử Pháp Luân Đại Pháp chúng ta không có khái niệm ‘trì Giới’ của Phật giáo, chúng ta không có bắt buộc phải thực hành hàng trăm giới luật của một tăng nhân.

Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là thông qua học Pháp mà dần dần nhận thức được những gì nên làm, những gì không nên làm. Theo Pháp mà làm là được rồi. Mà trong đó cũng là có nhận thức tự giác của chính mình. Không có Giới Luật mang tính quy định quy chế.

Đành rằng nói là không mang tính quy định quy chế, nhưng đã là người tu luyện chân chính, thì quả thực có một số điều cấm mà ở đây tạm gọi là ‘giới luật’. Với người tu chuyện nghiệp, thì Giới Luật có mục đích là cắt đứt người tu khỏi các quan hệ người thường, và trong Phật giáo thì có hàng trăm luật. Chúng ta không cắt đứt quan hệ với người thường, và cái mà chúng ta tạm gọi là ‘giới luật’ ấy cũng không nhiều thế.

Qua học Pháp, thì tôi hiểu rằng, một số ‘giới luật’ ấy tối thiểu là: Không sát sinh, không nói dối, không sống giả dối, không trộm cắp, không tham nhũng hối lộ, không đánh bạc, không đề đóm, không uống bia uống rượu (trong tiếng Trung Quốc, bia được xem như một loại rượu), không hút thuốc, không quan hệ nam-nữ ngoài hôn nhân, không học tập gì đó của môn khác (bất nhị pháp môn). Trì giới ấy, nhìn từ một góc độ nào đó, cũng là thể hiện rằng người tu biết coi trọng Đức.

Là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chúng ta, thì ‘trì giới’ theo nghĩa như trên, là có ý nghĩa gì? Có nghĩa là: Người tu luyện đã bước đầu nhận thức được cuộc sống của người tu luyện là như thế nào, thật sự nghiêm túc bước trên con đường tu luyện. Trong «Tinh tấn yếu chỉ I» có viết: “Người tu luyện mà trì chú thì có thể được sinh mệnh cao cấp bảo hộ, giữ giới luật thì có thể đạt tiêu chuẩn người tu luyện.”

Không nghiêm túc trì giới, thì sẽ rất có vấn đề, sẽ tạo thành chướng ngại rất lớn trên con đường tu luyện. Vũ trụ vô cùng to lớn, và nhận thức về Pháp ở các tầng thứ khác nhau là khác nhau. Sự khác biệt ấy là có thể thấy được qua thể hiện xuất ra ở tầng thứ người thường: các môn tu luyện trong lịch sử là có yêu cầu khác nhau cho người tu luyện của họ. Vậy, hỏi từ một góc nhìn khái quát, thì thế nào là một người tu luyện? Thế nào là đạt tiêu chuẩn người tu luyện? Chính là vấn đề ‘trì giới’ này: Một người tu luyện hễ phạm giới, thì lập tức được các sinh mệnh ở các tầng thứ nhìn nhận rằng không đạt. Ví nôm na thế này, từ người thường mà xét, thì hễ thấy một nhà sư phá giới, người mang danh tu luyện mà lại nói dối, lại quan hệ nam-nữ ngoài hôn nhân, v.v. Cái đó tự nhiên người ta sẽ không chấp nhận, sẽ không ai coi người đó là người tu luyện cả.

Ý tôi nói ở đây là, chưa nói đến các tiêu chuẩn tâm tính chi tiết cao xa gì cả, mà chỉ nói về ‘giới cấm’ này thôi, thì ý nghĩa là: hễ người mang danh tu luyện mà phạm giới, thì lập tức bị sinh mệnh ở các tầng thứ gồm cả các sinh mệnh chính diện và phụ diện, hoặc ít nhất là bị người thường chứ không phải chỉ là bị các đồng tu, coi là đã không đạt tiêu chuẩn người tu luyện. Một khi như vậy, thì khó khăn nảy sinh trên đường tu luyện sẽ trở nên cực kỳ to lớn. Mang danh đệ tử Đại Pháp mà không nghiêm túc giữ giới, cũng gây ảnh hưởng xấu đến thanh danh của Đại Pháp.

Cái này không phải là tiêu chuẩn chỉ dành cho người tu lâu năm hay người tu ở tầng thứ cao gì đâu; mà ngay khi một người phát tâm tu luyện, thì tiêu chuẩn đã là như thế rồi. Nếu đã phát tâm tu luyện, mà không có nhận thức nghiêm túc và thực hiện nghiêm túc vấn đề ‘trì giới’ này, thì vấn đề nảy sinh sẽ rất lớn. Quá trình tu luyện vì thế mà rất dễ gặp phải rất nhiều sự bất ổn định. Không giữ giới, thì làm sao có thể tự nhận là người tu luyện được!

Sau khi nhận thức và vứt bỏ chấp trước đầu tiên như nói ở phần trên, thì bước tiếp theo chính là cần nhận thức và thực hành nghiêm túc việc ‘trì giới’ này. Có như thế, mới có thể đạt được sự khởi đầu vững vàng ổn đinh trên đường tu. Tất nhiên, chưa buông bỏ chấp trước nào cả, hoặc buông bỏ kiểu như trong túi một tỷ bỏ ra một đồng, thì chưa thể nói chuyện ‘trì giới’ được.

Nói chung, làm người tu luyện thì cẩn phải trọng Đức, cần phải giữ giới.

Vứt bỏ tình, phát tâm từ bi

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều nào đó là ‘tình’, không thích làm điều nào đó cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống.”

Cũng có đoạn viết: “… tại các hoàn cảnh đều cần đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng giống nhau, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi. ‘Tình’ là thứ của người thường; người thường là vì ‘tình’ mà sống.”

Từ một góc độ mà xét, chữ ‘tình’ ấy là một phương thức nhận thức thế giới, nghĩa là, nhìn nhận rằng ai đó, hoặc cái gì đó là tốt hay không là dựa vào việc cái đó hoặc người đó có lợi cho mình không; âu cũng là lấy ‘cái tôi’ ích kỷ mà đo lường mọi thứ. Cái ‘tình’ này khiến người ta nhìn nhận không đúng sự vật, và cũng là một thể hiện của ‘tư tâm’. Người tu luyện khi phát tâm ‘từ bi’ thì đột phá chỗ này. Phát tâm từ bi, lấy Thiện đãi người. Như thế, chữ ‘tình’ sẽ nhạt dần, và thay vào đó là ‘từ bi’.

Cái ‘tình’ này có thể hiện là vật chất không gian khác, người ta khi sinh ra là đã có chứa cái vật chất ấy. Buông bỏ chấp trước loại như thế, thì có liên quan đến vấn đề tầng thứ theo nghĩa diễn giải như sau.

Chẳng hạn ở một không gian cấu tạo bằng đĩa thái cực (tạm lấy hình tượng thái cực cho dễ hình dung), gồm có hai nửa khí âm và dương. Giả sử bây giờ đang ở một điểm trên rìa thái cực, đang ở chỗ ‘âm’; một thời gian sau, vì đĩa thái cực xoay, thì điểm đó là ‘dương’. Dẫu rằng âm dương biến chuyển, nhưng thực ra vẫn nằm trong thái cực đó thôi, chưa vượt ra ngoài. Chỉ khi vượt ra khỏi không gian của thái cực ấy, thì mới ra khỏi cả phần âm và cả phần dương của thái cực.

Khi buông bỏ một chấp trước, cũng có hiện tượng như thế. Khi đang trong chấp trước về ‘tình’ thì ta bị vật chất ấy khống chế và biểu hiện ra những mâu thuẫn hoặc khảo nghiệm tâm tính nào đó. Khi giải quyết mâu thuẫn hoặc khảo nghiệm này, thì có cách giải quyết kiểu như ‘từ âm sang dương’ và có cách giải quyết kiểu như ‘thoát khỏi cả hai âm và dương’. Chỉ có cách giải là nhảy thoát hẳn ra khỏi thái cực mới đúng thật là buông bỏ chấp trước. Chẳng hạn, khi giải quyết tâm thù hận, ta thay thù hận bằng sự yêu mến; thế thì thực ra vẫn là ở trong chữ ‘tình’ mà thôi; chẳng qua chạy từ phía nọ sang phía kia, chứ không vượt ra ngoài, không thật sự đột phá.

Thông thường, người tu luyện thời gian ban đầu là như thế, nghĩa là thay những thứ ‘tình’ xấu bằng những thứ ‘tình’ tốt, thay thù thành bạn, vân vân. Nhưng để thật sự buông bỏ chấp trước này, để thật sự đột phá chữ ‘tình’ này, thì như thế không đủ. Phải thật sự nhảy thoát ra. Ví như thế này, thời điểm người tu luyện phát hiện ra rằng trong tâm mình không có kẻ thù, thì vào chính lúc ấy cũng phát hiện rằng trong tâm mình cũng không còn khái niệm bè bạn nữa. Ấy mới là nhảy thoát ra khỏi tâm chấp trước yêu và hận.

Lúc ấy, không có nghĩa là không còn quan hệ xã hội nào nữa. Không phải thế, mà là quan hệ giữa người với người sẽ được xây dựng trên một bình diện khác. Không kết bè kết bạn kiểu người thường, mà đối xử hữu hảo với tất cả mọi người. Chúng ta là tu luyện chính Pháp, là tu Thiện, như vậy, vượt ra khỏi ‘tình’ thì chính là ‘từ bi’. Từ một khía cạnh khác mà nhìn, thì nhảy thoát khỏi thái cực nhỏ thì lọt vào thái cực lớn; thoát khỏi không gian tạo bởi Pháp Luân nhỏ, thì sang không gian tạo bởi Pháp Luân lớn; từ tầng thứ bên dưới thoát ra thì sang tầng thứ cao hơn, lớn hơn; từ vòng luân chuyển định bởi Pháp Lý của tầng thứ này, mà sang vòng luân chuyển định bởi Pháp Lý của tầng thứ khác.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu nhận không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.”

Tôi hiểu là, người tu luyện bắt đầu từ làm người tốt, khi làm việc gì cũng cân nhắc người khác trước, lấy Thiện mà giải vấn đề, thì cái ‘tình’ sẽ nhạt dần; rốt cuộc sẽ đột phá được cái ‘tình’ ấy.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn trong vũ trụ kia, người thường không cảm nhận được sự tồn tại của Ông, bởi vì toàn thể người thường cùng ở trên mặt của một tầng thứ này. Khi chư vị siêu xuất khỏi tầng thứ người thường này, thì có thể thể nghiệm thấy được.”

Tôi hiểu là, khi người tu luyện nhảy xuất khỏi chữ tình, thì sẽ lọt vào cảnh giới ấy, sẽ cảm nhận được rằng, ‘từ bi’ là phổ quát, là hiện diện khắp nơi. Còn khi tầng thứ chỉ đang ở tầng thứ người thường, vẫn ở trong ‘tình’ thì không nhận thấy điều ấy. Khi ở trong tình, thì cảm thấy dường như cả vũ trụ này đâu đâu cũng là tình, dường như thế giới này được cấu tạo bằng chữ tình ấy. Đột phá được chỗ này, thì người tu luyện thực sự cảm nhận được rằng, tình ấy, thực ra rất nhỏ, chỉ là một góc nhỏ thôi. Tràn ngập khắp vũ trụ là từ bi, là chủng đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn. Vứt bỏ tình, không chỉ là vứt bỏ một trong những chấp trước cơ bản bậc nhất, mà còn đánh dấu một bước đột phá quan trọng trên đường tu luyện.

Huệ, ngộ

Khi một người thường nhìn nhận thế giới, thì không phải chỉ có chữ ‘tình’ mà còn chữ ‘trí’; dùng lý trí để phân tích, quy nạp, tổng hợp, vân vân. Khi người ta trao đổi thông tin với nhau, cũng dùng lý trí để tìm cách biểu đạt thông tin sao cho rõ ràng sáng sủa, và người nghe cũng dùng lý trí để phân tích mà hiểu ra thông tin cần truyền đạt là gì và có hợp lý không rồi mới tiếp thu. Theo một nghĩa nào đó mà xét, dùng lý trí mà do lường, mà nhìn nhận sự việc như vậy thì sẽ tốt hơn; nghĩa là, chữ ‘trí’ cao hơn chữ ‘tình’.

Người tu luyện phải tiếp tục đột phá chỗ này. Các Pháp ở cao tầng là không thể dùng lý trí của người thường mà hiểu được. Phải dùng ‘huệ’, phải ‘ngộ’. Tỷ dụ thế này cho dễ hiểu. Ta nhìn một mẫu hình điển hình một bác học nơi người thường là một quý ông quý bà với cặp kính cận dày cộp và hàng thư viện sách ở trong bụng. Nhưng mẫu hình người tu luyện không như thế, nếu không nói là dường như trái lại: thường là một người chỉ đọc đi đọc lại một cuốn sách «Chuyển Pháp Luân», hoặc như mẫu hình tu luyện trong lịch sử là một nhà sư quanh năm suốt tháng chỉ có tụng kinh toạ thiền mà thôi.

Nhưng hiểu biết mà một người tu luyện có được là không hề nông cạn, mà trái lại rất sâu sắc. Nhất là với những nhận thức liên quan đến những gì người tu luyện cần thiết phải biết trên đường tu của mình; cần phải biết gì thì biết nấy. Những tri thức xã hội thì có thể thiếu, nhưng liên quan đến những gì cần biết trên đường tu, thì ắt phải biết. Người tu luyện là dựa vào ‘huệ’ mà đạt được như vậy.

Ví như thế này, trong «Chuyển Pháp Luân» có đoạn kể về một học viên bị ô-tô đâm, nhưng không có vòi tiền người lái xe. Một người tu luyện khi đọc đến đó, bèn nghĩ: “Đúng đúng, đồng tu này làm thế thật là đúng”. Cái “đúng” ấy chính là thể hiện rằng người tu luyện đó khi đọc sách đã ngộ ra một Lý cần phải ngộ, chính là đã dùng chữ ‘huệ’ để nhận thức ra cái Lý ấy. Cái “đúng” ấy không phải là do lý trí phân tích tổng hợp mà thành đâu. Một người thường chứng kiến sự kiện đâm xe đó, rất có thể sẽ nghĩ: “học viên Pháp Luân Đại Pháp thật là ngốc” hoặc là “tâm thần có vấn đề”.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có trích dẫn một câu: “Hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo” (kẻ tầm thường nghe Đạo sẽ phá ra cười, nếu không cười thì đó chưa đủ là Đạo). Đạo ấy, là điều mà không thể dùng cái lý của người thường mà nhận ra được; thậm chí, nếu dùng cái lý của người thường mà đo lường, thì thấy là quả là khó tin, thậm chí đáng cười ghê lắm.

Ngộ tính bất đồng chính là ở chỗ này.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Căn cơ tốt hay xấu có thể quyết định ngộ tính cá nhân ấy là tốt hay dở.” “Căn cơ quyết định ngộ tính của người ta, tuy nhiên cũng không tuyệt đối.” Tôi hiểu là người có nhiều đức, căn cơ tốt, thì tiếp xúc tốt hơn với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, vậy nên khi đọc đến đoạn hành xử của học viên khi bị xe hơi đâm, liền cho rằng hành xử như vậy là ‘hiển nhiên’ đúng. Còn ai ngộ tính kém, thường là do ít đức nhiều nghiệp, thì khi đọc đến đó liền phá ra cười từ trong tâm.

Như vậy, nhận thức bằng chữ ‘huệ’ không giống như nhận thức bằng chữ ‘trí’ của người thường. Cái ‘ngộ’ ấy không phải là do phân tích, tổng hợp, quy nạp mà thành. Mà là do đồng hoá với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn mà được. Càng đồng hoá nhiều, thì khi đọc sách «Chuyển Pháp Luân», lại càng hiểu ra được những gì cần phải biết.

Đọc phần bài giảng về thiên mục, tôi hiểu rằng, thiên mục là tĩnh tĩnh mà nhìn, với tâm tĩnh lặng, thì những gì nhìn thấy sẽ là chân thực, sẽ là phản ánh chân thực ở tầng thứ mà người tu đạt được. Tôi hiểu rằng, ‘huệ’ ấy cũng như thế. Khi đọc sách «Chuyển Pháp Luân» với tâm thanh tịnh, thì Pháp Lý sẽ mở ra cho người tu luyện. Đệ tử tu luyện vứt bỏ chấp trước, đề cao tâm tính, đồng hoá với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn, khi đọc sách «Chuyển Pháp Luân» với tâm thanh tịnh sẽ ngày càng hiểu ra được các Pháp Lý cao tầng mà mình cần phải biết để chỉ đạo cho tu luyện của mình.

Người thường là dùng chữ ‘tình’ chữ ‘trí’ mà nhận thức vấn đề; thậm chí khi chấp trước quá nặng, còn dùng chữ ‘dục’ để nhận thức vấn đề. Người tu luyện nhất định phải đột phá điều này. Qua quá trình tu luyện, mà dần chuyển sang dùng chữ ‘huệ’ trong nhận thức và trong hành xử. Khi lòng an tĩnh, không bị các tâm người thường dẫn động, thì nhận thức và hành xử ấy, là phản ánh trực tiếp của cảnh giới tâm tính nên có của người tu, là lương thiện, là mang theo thể hiện của Chân-Thiện-Nhẫn ở tầng thứ mà người tu luyện đạt được. Cái đó không thể dùng cái Lý của người thường mà đạt được đâu.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “… những lúc bình thường chúng ta phải bảo trì tâm từ bi, tâm thái hiền hoà … Thông thường tâm chư vị luôn luôn hiền lành từ bi như thế, thì khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, cân nhắc thêm.”

Luôn bảo trì tâm thái tĩnh tại hiền hoà từ bi, theo tôi hiểu, theo một nghĩa nào đó, chính là một ‘công phu’ của bổn môn. Như ở bài giảng thứ chín «Chuyển Pháp Luân», môn tu luyện khác có công phu niệm Phật hiệu, có công phu nội thị đan điền, công phu quán hơi thở, vân vân. Bổn môn Pháp Luân Đại Pháp là có ‘công phu’ này. Tất nhiên, dùng từ ‘công phu’ như vậy chỉ là một cách nói ví dụ vậy thôi, không thật khớp. Ý tôi nói là, người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chúng ta, sống giữa người thường, thời thời khắc khắc không để tâm chạy loạn; trái lại, cần phải giữ tâm tính vững vàng như thế; đó không chỉ là phong cách sống, một thói quen hay là nếp sống hay phong thái gì đó, mà đó là công phu, là điều cần tinh tấn, cần đặt nỗ lực vào mà làm. Có như vậy, tâm mới tĩnh, huệ mới sinh.

Đột phá ‘con người’

Vứt bỏ cái tình của người thường mà thay vào đó bằng tâm từ bi, đột phá cái lý trí của người thường mà thay vào đó bằng cái ‘huệ’ cái ‘ngộ’ của người tu luyện, ấy là thể hiện của sự đột phá khỏi cảnh giới người thường. Đương nhiên, kèm theo đó sẽ có những khảo nghiệm liên quan.

Điển hình nhất mà tôi thường đọc thấy trong các bài tâm đắc thể hội, là khảo nghiệm sinh tử. Các bạn đồng tu kể rằng đã đối mặt với sống chết như thế nào, đã kiên định vào Đại Pháp như thế nào, vân vân. Tại đây tôi xin chia sẻ một chút về nhận thức của mình về vấn đề này.

Có sự phân biệt giữa khảo nghiệm tín tâm và khảo nghiệm sinh tử; mặc dù hai vấn đề này có thể đồng thời xảy ra trong một khảo nghiệm, nhưng ít nhất về lý thuyết mà nói, thì đó là hai vấn đề khác nhau.

Khi đồng tu đối mặt với sự sống cái chết, mà hoàn toàn buông bỏ mọi thứ, chỉ kiên trì vào Đại Pháp, đặt trọn đức tin vào Sư phụ; ấy là khảo nghiệm tín tâm. Cái này cũng rất quan trọng. Vì các sinh mệnh của vũ trụ là sinh ra từ Pháp này, hoặc ít nhất về bề mặt, chúng ta là đệ tử Đại Pháp, do vậy tín tâm vào Đại Pháp, vào Sư phụ, trở thành vấn đề rất nghiêm túc. Tín tâm ấy sở dĩ được vững chắc, là do người tu luyện ngộ được Pháp Lý ở cao tầng, thăng hoa tâm tính, từng tế bào ở thân thể được vật chất cao năng lượng thay thế. Chỉnh thể sinh mệnh này là được Pháp này luyện thành; thế nên sự kiên định vào Đại Pháp ấy, là điều mà người thường không cách nào động đến được. Dẫu có lấy cái chết để đe doạ, cũng không thể lay động. Ấy là khảo nghiệm tín tâm.

Về vấn đề sinh tử. Thực ra, sinh tử là khái niệm trong tam giới. Luân hồi, sinh tử qua các đời. Nhưng nguyên thần là bất diệt. Đức và nghiệp là những thứ đi theo nguyên thần; vậy cũng không có mất đi trong quá trình sinh tử ấy. Người tu luyện, trước hết nhận ra rằng, ‘cái tôi’ đích thực chính là nguyên thần này. Từ đó buông bỏ tình, sống bằng huệ, thì nhận ra rõ ràng được nguyên thần này như thế nào. Xin diễn giải cụ thể như sau.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Tín tức thật sự là do nguyên thần phát xuất ra; nhưng thứ mà nó phát xuất ra không phải là ngôn ngữ; nó phát xuất ra một chủng tín tức vũ trụ, đại biểu cho một ý nghĩa nào đó. Đại não của chúng ta sau khi tiếp thụ chỉ lệnh ấy, liền biến đổi nó thành ngôn ngữ hiện nay, hình thức biểu đạt như thế.”

Tín tức từ chủ nguyên thần, qua xử lý rồi thành biểu đạt, hành động, v.v. Quá trình ấy là có thể chứng nghiệm được. Tôi hiểu rằng, khi người tu luyện có Định lực đủ mạnh, là có thể nhận thức được, quan sát được quá trình ấy rõ ràng đến một mức độ nào đó, và từ đó sẽ nhận ra được đâu là phản ánh của ‘chân niệm’, và đâu là do những chấp trước, tập quán, là những quan niệm hậu thiên hình thành. Thực ra, bất kể cái gì mà có xuất phát từ cơ thể vật lý này, đều đã bị ‘nhiễm’ và không còn hoàn toàn thanh tịnh, không còn hoàn toàn được như chân niệm gốc ở cao tầng nữa. Nhưng ta đang sống ở tầng thứ này, còn mối quan hệ với người thường, thì là như vậy thôi.

Như vậy, thì người tu luyện bắt đầu dần dần sống bằng ‘cái tôi’ là chủ nguyên thần, chứ không phải là cái tôi là thân xác và quan niệm hậu thiên này nữa. Qua thời gian, thì tập quán với cái tôi là thân xác và quan niệm hậu thiên sẽ bị phai nhạt và rơi rụng đi; mà thay vào đó là cách thức tư duy với ‘cái tôi’ là chủ nguyên thần. Ví dụ như thế này. Khi ta gặp một đồng tu và chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, thì thực ra không phải là cái tôi hậu thiên gặp nhau nói chuyện xã hội người thường, mà là hai chủ nguyên thần nói chuyện. Đành rằng ngôn ngữ biểu đạt là ở tầng thứ người thường, nhưng cái nhận thức được trao đổi, là diễn tả cảnh giới của chủ nguyên thần. Hoặc như, khi gặp một người chưa tu luyện để hồng Pháp cho họ, thì thực ra là chủ nguyên thần của mình, đang phát ra Thiện niệm, khuyến Thiện, để làm thức tỉnh chủ nguyên thần của người kia, để họ nhận ra rằng thực ra họ là cần quay trở về, từ cõi mê mà quay trở về. Về hình thức là đang nói về Pháp Luân Đại Pháp tu tập tốt ra sao, có lợi ích gì; nhưng thực ra tín tức phát ra thực sự là để đánh thức chủ nguyên thần. Hoặc như, khi giải thích về tu luyện cho thân nhân, thì là mình đang nói chuyện với chủ nguyên thần của họ, mình đang tìm cách biến cái nhân duyên người thường, biến cái nhân duyên ấy, thành duyên tu luyện; chứ không phải là đang giao tiếp dựa trên cái tình của người thường. Khi gặp công an bị thao túng bởi tà linh, thì cũng là mình đang nói chuyện với chủ nguyên thần của họ, muốn đánh thức họ khỏi kiềm toả của tà linh. Lúc ấy, cũng phát chính niệm nữa.

Thực ra, khi Sư phụ giảng Pháp cho học viên, thì cũng là giảng Pháp cho chủ nguyên thần nghe. Pháp này quá lớn, phần con người hậu thiên không cách nào hiểu được. Chỉ có chủ nguyên thần mới hiểu mà thôi. Phần mà con người hậu thiên có thể hiểu được, chỉ là phần ở tầng thứ thấp nhất, ví như làm người tốt như thế nào, v.v. Pháp trong lịch sử được giảng ra, là chủ đích cho phó nguyên thần nghe. Theo tôi hiểu, đó cũng là một trong những lý do vì sao mà Pháp được giảng trong lịch sử lại mang hình thức huyền bí như thế.

Khi đã quen với cách tư duy và nhận thức như thế, thì nhận thức về sinh tử sẽ biến đổi. Vì chủ nguyên thần vốn dĩ là bất diệt, nên một cách tự nhiên, khái niệm sinh tử trong tam giới sẽ không ảnh hưởng đến nó giống như ảnh hưởng đối với con người hậu thiên nữa. Tỷ dụ thế này. Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không dùng thuốc. Những lần ‘phát bệnh’ đầu tiên, sẽ nghĩ: “À, mình mắc cái bệnh này thật ra không phải là bệnh, cho nên mình sẽ không dùng thuốc”. Nhưng sau vài năm thực hành như thế, thì sẽ không nghĩ như thế nữa. Khi ‘phát bệnh’ thì đó là trả nghiệp, và khi ai động đến chữ ‘thuốc’ thì sẽ nghĩ: “Thuốc? Đó là cái gì vậy?” Khi người tu luyện đã phai nhạt phần hậu thiên, khi mà chủ nguyên thần trở nên chủ tể một cách mạnh mẽ một thời gian lâu, chẳng hạn sau 5 năm, 10 năm, thì cũng xảy ra hiện tượng như thế. Ai đó động đến chữ ‘chết’, thì người tu luyện đó bèn nghĩ: “Chết? Cái đó có quan trọng lắm không?”

Thực ra, hiện tượng này không phải chỉ xảy ra với người tu luyện. Người thường cũng có hiện tượng tương tự. Người ta thường nói rằng: ai mà chẳng sợ chết. Thực ra không hoàn toàn đúng. Chủ nguyên thần của người thường, cái phía minh bạch ấy, thực ra biết rằng sau khi chết đi, nó sẽ bị hạ tầng. Một đời sống trong mê tạo bao nhiêu nghiệp, nên nói chung sẽ là như vậy, sẽ bị giáng hạ tầng thứ. Do đó, khi thật sự đối mặt với cái chết, họ sẽ cảm thấy như có một nỗi sợi hãi từ bên sâu thẳm phát ra. Nhưng không phải ai cũng thế. Một số ít người thường, mà cuộc đời của họ thật sự đã làm rất nhiều điều Thiện, và những nhân duyên trần gian được giải quyết rất Thiện, thế thì rất có thể, khi đối diện cái chết, họ cảm thấy hoàn toàn thanh thản. Nhưng số người này rất ít; nhất là vào thời mạt Pháp đạo đức xuống cấp hôm nay. Nói chung, chỉ có người tu luyện mới chủ động đạt được cảnh giới này.

Nghĩa là, khi ấy, thì dẫu đối diện với sinh tử, người tu luyện cũng không động tâm. Vì thực sự, chủ nguyên thần không có khái niệm sinh tử của tam giới. Ấy là vấn đề vượt qua được khảo nghiệm về sinh tử như đã nói ở bên trên.

Khi đột phá ‘con người’ thì cũng có nhiều khảo nghiệm khác. Theo tôi hiểu, thì có một phần khá nhiều có dáng dấp kiểu như chuyện Hàn Tín chui háng. Tất nhiên, ý không phải là nói rằng, người tu luyện chúng ta sẽ đi chui háng ai đó. Không phải thế. Mà là ý rằng, chúng ta sẽ gặp phải những việc, mà khi giải quyết nó bằng nhận thức của người tu luyện, thì sẽ phát hiện rằng, lời giải đó là hoàn toàn trái ngược với người thường, và nếu hành xử không khéo thì rất có thể bị người thường cho là điên rồ, hoặc tinh thần mang bệnh. Chính là qua những khảo nghiệm ‘trái khoáy’ đó, mới thể hiện rằng, người tu luyện này là vẫn bị nhiễm lối tư duy hành xử của người thường, hay đã thật sự đột phá được ‘con người’.

Ví dụ một cách hình tượng như thế này. Làm người thì phải có lòng tự trọng. Không ai lại đi ra giữa chợ rồi chui háng người khác cả. Giả sử có ai bảo tôi: “Ông hãy chui háng tôi trước chợ, mỗi lần chui háng tôi sẽ cho ông làm lãnh đạo đỉnh cấp một năm”. Thế thì tôi sẽ không chui háng. Vì tôi làm người là có lòng tự trọng. Nhưng nếu mà tôi hiểu rằng, mỗi một lần chui háng, tôi sẽ cứu được một sinh mệnh khỏi cõi mê này. Thế thì tôi nguyện chui háng càng nhiều càng tốt, và tôi sẽ làm ngay không do dự chút nào. Tại sao? Bởi vì giá trị của sinh mệnh vĩnh hằng là siêu viễn vượt qua cái lòng tự trọng của người thường. Trong «Chuyển Pháp Luân» có kể rằng trong lịch sử có những tăng điên, đạo sỹ điên, ăn cả phân, uống cả nước tiểu v.v. Và họ điên như thế là để họ tu luyện. Tất nhiên, như Sư phụ đã giảng, bổn môn Pháp Luân Đại Pháp không an bài những việc như thế cho các đệ tử hôm nay; nhưng cái Lý ấy vẫn là có. Rằng tu luyện đến lúc đột phá khỏi ‘con người’ thì sẽ có những khảo nghiệm kiểu Hàn Tín chui háng, và thậm chí còn hơn cả như thế.

Trong «Chuyển Pháp Luân» có viết: “Việc như Hàn Tín thì chúng ta không gặp, nhưng người tu luyện tại người thường khi chịu khuất nhục, khi chịu tủi nhục, cũng không nhất định là thua kém. Ma sát trong tâm tính giữa người với người, tôi nói rằng cũng không kém sự việc trên, có việc còn hơn cả như thế, cũng rất khó khăn.”

Tôi hiểu là, chính vì thông qua những khảo nghiệm Hàn Tín chui háng, mà người tu luyện mới khẳng định là đột phá được ‘con người’ hay không. Khảo nghiệm mà bề mặt càng hiểm, càng trái khoáy, thì lại càng tốt, và khi ấy cái tập quán tư duy của người thường mới được khẳng định là đã bị phá vỡ hoàn toàn. Khi gặp những khảo nghiệm này, chúng ta không nên tránh né. Mà trái lại, nên dũng mãnh tinh tấn mà đối mặt; vì khảo nghiệm càng hiểm hóc, tiến bước càng nhanh. Tất nhiên, vì chúng ta tu luyện giữa những người thường, cho nên phải cân bằng quan hệ hai bên. Không thể có hành xử khiến người thường cho rằng người tu là điên rồ hết cả. Vả lại khi an bài những khảo nghiệm này, như Sư phụ đã giảng, là sẽ không an bài để lời giải sẽ trở thành như thế.

Theo tôi hiểu, thì lúc đầu sẽ không khó ngay lập tức như vậy. Với những người tu mới, khi gặp mâu thuẫn, thì người tu luyện cần phải ngộ ra rằng, mình phải cám ơn kẻ đã làm hại mình. Không phải nói cám ơn ra thành lời. Mà là cám ơn ở trong tâm. Đó là bước đầu tiên đột phá tập quán tư duy của người thường. Bề mặt thì người thường hiểu là chúng là không thù dai, là có lòng bao dung, là nhẫn nại, là cao thượng; chứ họ không nhất thiết phải hiểu là chúng ta đang cám ơn họ mỗi khi họ làm hại chúng ta. Cân bằng quan hệ hai bên như thế là được rồi.

Thực tế khi khảo nghiệm xảy ra, nó không nhất định đi rời ra từng cái để khảo nghiệm cho từng chủ đề riêng lẻ; mà cái khó chồng cái khó, nạn chồng lên nạn. Rất là khó khăn. Phân tách ra như trên chỉ là để diễn giải cho rõ ràng hơn mà thôi. Đó là những nhận thức của tôi về vấn đề đột phá khỏi tầng thứ người thường.

Sống ở trong Pháp

Tôi hiểu rằng, ‘sống ở trong Pháp’ bắt đầu khi mà người tu luyện ‘lấy Pháp nhận thức Pháp’. Tại sao? Xin dẫn một câu chuyện mang tính tỷ dụ như thế này để diễn giải nhận thức ấy.

Xưa, có ba anh em. Người anh cả là thông minh nhất; và em út, như trong tất cả các câu chuyện cổ tích khác, là một chàng ngốc. Ba anh em sống ở một ngọn núi, và nước ở đó rất thiếu thốn. Nước ăn là phải hứng từ những giọt mưa khan hiếm, sau đó trữ trong những thùng lớn để dùng dần quanh năm. Họ vẫn sống từ khi lọt lòng ở vùng núi ấy như thế.

Có những thương gia qua đó, nghỉ lại, và kể cho ba anh em những câu chuyện về thế giới bên ngoài. Và họ kể về biển. Hỏi biển lớn nhường nào? Rất lớn. Rất lớn là thế nào? Cái này họ chịu không diễn giải được. Thế thì đo. Chàng ngốc bèn đưa cho nhà buôn cái chén và bảo đi đo biển. Người thương gia sau vài chuyến cũng đưa về mấy chén nước biển. Hỏi biển đã vơi đi ngần nào? Không vơi đi tí nào! Vậy là không đo được. Người anh hai bèn đưa ra phương án đo bằng bát. Rồi thì anh cả đo bằng thùng. Tất nhiên, sau khi mang mấy thùng nước về, thì biển cũng không vơi đi tí nào.

Anh cả nói: “Chú ngốc, biển thật là bao la rộng lớn! Anh lấy mấy thùng nước đầy cất trong nhà mà biển không vơi tí nào. Điều ấy nói lên rằng biển thật là lớn! Chú đo biển bằng chén đúng là ngốc quá đi.” Chú ngốc cũng thấy thế là đúng, bèn nghĩ: “Mình vốn ngốc nhất nhà, nên không có khả năng hình dung. Vậy muốn hiểu thế nào là biển, thì mình dời đến đó ở.” Thế là chú ngốc ra biển ở, sống ở ven biển.

Tôi nghĩ rằng, muốn thực sự tu luyện, muốn học Pháp, thì chỉ có mỗi một cách mà thôi, đó là dời bỏ ngọn núi là cái khung của người thường này, mà đến sống ở biển là Pháp. Không còn cách khác. Bất kể người anh cả miêu tả về biển hay đến đâu, chính xác đến mấy (vì anh ta nghe và nhớ nhiều chuyện kể từ những khách lữ hành đi ngang vùng núi) thì thật ra anh ta cũng không biết biển là gì. Chỉ có đến sống ở biển, đến bơi lội ở đó, sống ở đó thì mới biết được. Muốn hiểu Pháp, thì chỉ có cách là ‘lấy Pháp nhận thức Pháp’ mà thôi.

Trong «Tinh tấn yếu chỉ II», bài «Tiến đến viên mãn» có viết: “Mang theo chấp trước mà học Pháp thì không phải chân tu. Nhưng có thể trong tu luyện dần dần nhận thức ra chấp trước căn bản của mình, vứt bỏ nó, từ đó đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện.” “Có người cho rằng Đại Pháp phù hợp với quan niệm khoa học của mình, có người cho rằng Đại Pháp phù hợp với đạo lý làm người của mình, có người cho rằng Đại Pháp phù hợp với bất mãn chính trị của mình, có người cho rằng Đại Pháp có thể cứu vãn đạo đức bại hoại của nhân loại, có người cho rằng Đại Pháp có thể trị khỏi bệnh của mình, có người cho rằng Đại Pháp và Sư phụ là chính phái, v.v. Con người tại thế gian mang những tâm theo đuổi truy cầu và nguyện vọng tốt đẹp như thế thì không có sai; nhưng là người tu luyện thì tất nhiên không thể được. Tuy rằng chư vị có thể từ tác dụng của những tư tưởng như thế mà nhập môn Đại Pháp, nhưng rồi trong quá trình tu luyện cần phải tự coi mình là người tu luyện; sau khi tinh tấn đọc sách và học Pháp thì nhận rõ được suy nghĩ nào của bản thân đã đưa đến tu luyện Đại Pháp vào lúc bản thân mình nhập môn Đại Pháp. Sau khi tu luyện một đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó? Nếu như thế, thì không thể tính là đệ tử của tôi; chính vì tâm chấp trước căn bản kia chưa vứt bỏ, không thể ngay từ Pháp mà nhận thức Pháp.”

Khi tôi mới học Phật giáo, ấy là bằng cái tâm muốn làm người tốt mà vào học. Miễn cưỡng gọi đó là từ cửa chữ Thiện mà vào Đạo. Sau này khi học Đại Pháp, thì ấy là do lấy Phật giáo mà đo lường Đại Pháp rồi nhìn nhận rằng Đại Pháp là tốt. Đến khi đọc kinh văn trong cuốn «Tinh tấn yếu chỉ II» ở trên, tôi mới hiểu rằng, mình vẫn chưa từ Pháp nhận thức Pháp, vẫn là từ khái niệm tu luyện của Phật giáo mà nhận thức Pháp. Giống như mấy anh em ngồi ở núi mà tưởng tượng về biển cả vậy. Cảm giác như học được nhiều điều lắm, nhưng thực ra đó chỉ là chở nước biển về đổ vào nơi chứa nước trong nhà mà thôi. Chứa nhiều mấy cũng vô dụng, không có đáng kể. Đó không phải đúng là từ Pháp nhận thức Pháp. Sau khi đọc bài kinh văn trong «Tinh tấn yếu chỉ II» nói trên, thì tôi thấy rằng mình coi như phải quay về ‘phát tâm tu luyện’ lại một lần nữa, trong đó toàn bộ khái niệm thế nào là tu luyện, v.v. đều được xác định lại mới.

Bắt đầu từ khi nhận thức được thế nào là lấy Pháp mà nhận thức Pháp, thì mới chuyển đến ‘sống ở trong Pháp’ được. Đọc sách «Chuyển Pháp Luân» là không dời ra nữa. Giống như đứa trẻ nghiện trò chơi điện tử, nó dẫu có bề ngoài là ở nhà hay đến trường ngồi trong lớp, v.v. Nhưng thực ra nó đang sống trong trò chơi on-line. Người tu luyện tuy ngồi giữa người thường, nhưng thực ra là đang sống trong sách «Chuyển Pháp Luân», làm gì ở đâu cũng là lấy Pháp ra mà đo lường.

Theo sát Sư phụ

Tôi hiểu rằng Ông Chân-Thiện-Nhẫn là bất biến, nhưng cái bất biến ấy không phải là bất biến theo kiểu như một cục gạch hay là một cục đá, hay một cái máy khô cứng. Mà là có linh tính. Phật Pháp là tĩnh, nhưng cũng là động. Có muôn vàn triển hiện biến đổi qua thời gian. Tựa như những sinh vật phù du với vòng đời chỉ vài ngày, nên không chứng thực được bốn mùa trong năm; thì người tu luyện cũng không đủ trí huệ để biết được sự luân chuyển của Pháp. Mà ngay cả sinh mệnh dẫu dùng cả cuộc sống vĩnh hằng của mình cũng không biết hết cả thiên thể luân chuyển như thế nào.

Trong «Chuyển Pháp Luân II» có viết: “Vũ trụ mênh mang thế, thiên thể to lớn thế, không phải điều mà con người có thể thăm dò mà biết được. Vật chất vi tế thế, không phải điều con người có thể mò mẫm ra được. Thân thể người vô cùng huyền áo, không phải chút học vấn tầm thường ở bề mặt của nó mà con người vốn biết. Sinh mệnh quá nhiều và phức tạp, vĩnh viễn sẽ là chỗ mê vĩnh hằng của nhân loại.”

Sự biến chuyển của vũ trụ, là có thể hiện qua Thiên Tượng. Người tu luyện chính Pháp, của mọi thời đại chứ không phải chỉ người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chúng ta, đều lấy việc thuận theo Thiên Ý làm phương châm tối cao. Chúng ta, là theo sát Sư phụ. Trong thời kỳ Chính Pháp hiện nay, Thiên Tượng biến đổi rất lớn. Cựu ‘Pháp Lý’ can nhiễu rất mạnh. Nghiêm chỉnh theo sát Sư phụ để đi cho đúng con đường chính đạo là điều vô cùng quan trọng.

Trong lịch sử, người ta lấy chữ ‘Chân’ để biểu hiện cho Thiên Ý này. Chân lý trong tam giới, chính là ý chỉ của Thần chủ trì tam giới. Chân lý ở thế giới nào, là do Thần Phật chủ tể thế giới ấy định ra. Nên lấy chữ ‘Chân’ để thể hiện cho Thiên Ý. Vậy mới có khái niệm ‘tu Chân’. Người tu luyện khi vứt bỏ cái tôi của mình để học Đạo tu Chân, thì được coi như là vào Đạo bằng chữ ‘Chân’ này. Người xưa, gọi đó là từ bỏ con đường của người thường, mà bước sang con đường của Thiên Đạo. Tôi hiểu rằng, đệ tử Đại Pháp chúng ta, cũng tương tự như thế: Từ khi bắt đầu tu luyện, bỏ chấp trước, đột phá khỏi tầng thứ người thường, vứt bỏ ‘cái tôi’ ích kỷ của người thường, v.v. Chính là quá trình đồng hoá với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, cũng chính là theo sát Sư phụ. Từ bỏ con đường của người thường, bước sang con đường thành Thần. Ấy gọi là con đường phản bổn quy chân.

Lời kết

Trên đây là nhận thức của tôi về tu luyện cá nhân; con đường bắt đầu từ người thường, làm người tốt, từ bỏ chấp trước mà thăng hoa lên. Có gì thiếu sót và hạn chế, mong đồng tu thông cảm và chỉ rõ ra. Xin chân thành cảm ơn.

Ban biên tập Minh Huệ: Bài này là về con đường tu luyện của một học viên, nghĩa là, đó chỉ là nhận thức của một cá nhân. Đặc biệt, học viên này tự lập ra một bộ các điều cấm và tự coi như giới luật. Mặc dù các điều cấm ấy cũng là do học viên đó từ Pháp mà ngộ ra, nhưng Đại Pháp không giảng giới luật. Minh Huệ không phản đối cách làm của học viên này về phương diện hành xử cá nhân, nhưng cũng muốn nói rõ rằng, đây chỉ là cách làm của cá nhân học viên đó mà thôi. Đồng thời, Minh Huệ không tán thành việc lạm dụng thuật ngữ của môn tu tập khác. Khi viết bài tâm đắc thể hội, các học viên nên sử dụng thuật ngữ của bổn môn.


Đăng ngày: 29-3-2010

Share