Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 17-04-2011] Lời xưa nói rằng: “Làm nhiều việc thiện nhất định sau này sẽ có phúc.”, “Không cần nói nhân quả không ai nhìn thấy, xa thì nhìn thấy ở đời con cháu gần thì nhìn thấy ở bản thân mình.” Người xưa chú trọng phẩm hạnh và hành vi đoan chính, làm việc đều giảng thiên lý và lương tâm, lấy tấm lòng nhân ái và cung kính thiện đãi người khác, vui vẻ giúp đỡ người khác chứ không cầu hồi báo, tuy vậy thiên lý rất nhanh sẽ hồi đáp người đó. Kỳ thực con người hướng thiện làm việc thiện không chỉ kiến tạo mệnh tốt cho bản thân mình, mà còn đặt nền tảng tích phúc đức cho con cháu. Trong cổ thư có ghi chép lại vô số những câu chuyện hành thiện tích đức. Từ xưa đến nay nhân quả báo ứng không hề bỏ sót một ai, nó đã chứng thực việc con người hướng thiện làm việc thiện có thể được ông Trời chiếu cố và bảo hộ. Nó khiến cho người ta càng thêm tin tưởng vào thiện ác hữu báo, đạo trời bảo hộ cái thiện. Trong sử sách cũng có lưu lại những câu chuyện về phụ tử hướng thiện tích đức.

(1)

Thời nhà Thanh, ở huyện Đức Thanh tỉnh Chiết Giang có một người tên là Thái Khải, hoàn cảnh gia đình khá giả. Thái Khải chí khí cao ngút, hành sự chính nghĩa, thường hay cứu giúp người khác trong lúc nguy nan, và cảm thông sâu sắc với cuộc sống khốn khổ của người dân. Anh ấy tự nguyện đi vận chuyển lương thực về kinh thành.

Trên đường vận chuyển lương thực qua sông, đột nhiên Thái Khải nghe thấy có tiếng khóc từ mấy chiếc thuyền bên cạnh nên anh đã đi tìm xem ai đang khóc. Vốn dĩ đó là tiếng khóc của một vị thương nhân. Thái Khải nhanh chóng hỏi rõ nguyên do, người đó nói: “Tiểu đệ là Phòng Chi Hiếu, sinh sống ở huyện Thượng Cốc tỉnh Sơn Tây. Đệ lái thuyền chở than lên kinh đô để bán, nhưng thật không may là hôm qua nhận được thư từ gia đình báo tin phụ thân bệnh tình nguy kịch. Đệ nóng lòng muốn quay về, muốn để lại hàng hóa ở đây nhưng không có ai trông giúp. Lúc ra khỏi nhà đệ chỉ mang theo lộ phí đủ để đến đây, hàng hóa còn chưa được bán nên không có lộ phí về nhà. Chính vì vậy đệ cảm thấy vô cùng đau khổ.”

Thái Khải nói: “Phụ thân bệnh tình nguy kịch, đệ cần phải mau chóng về nhà. Ta đang trên đường vận chuyển lương thực về kinh đô, nếu đệ thấy được thì hãy gửi thuyền chở than cho ta, ta mang đi cùng, đến nơi kinh thành bán hàng giúp đệ. Sau khi bán xong, ta sẽ giao lại hết lợi nhuận cho đệ. Không biết đệ thấy yên tâm chưa? Ta có dư chút tiền nên có thể tặng cho đệ làm lộ phí về nhà. Không biết đệ cần bao nhiêu?”

Phòng Chi Hiếu vô cùng cảm động, bèn nói: “Hàng hóa có mười thuyền lớn, giá gốc là 282 nghìn đồng, đều có sổ sách ghi chép chi tiết để kiểm tra. Còn lộ phí về nhà 102 đồng là đủ.”

Nói xong, Phòng Chi Hiếu trao hàng hóa và sổ sách cho Thái Khải. Thái Khải một mặt nhận hàng, một mặt đưa 202 đồng lộ phí cho Phòng Chi Hiếu. Phòng Chi Hiếu tâm tình khẩn trương, từ biệt Thái Khải rồi đi về Sơn Tây. Thái Khải cùng thuyền chở lương và thuyền chở than ra khơi.

Sau khi đến kinh thành, Thái Khải bàn giao lương thực xong. Ngay đúng lúc kinh thành khan hiếm than đá, Thái Khải bán than theo đúng giá trên thị trường, sau khi tính toán lợi nhuận rồi trừ đi giá gốc là 282 nghìn đồng thì dư ra hơn 1 vạn. Thái Khải nghĩ rằng phải gửi số tiền này đến nhà Phòng Chi Hiếu thì mới xem như hoàn thành xong trách nhiệm Phòng Chi Hiếu giao cho mình. Thế là Thái Khải đã đến Sơn Tây bàn giao sổ sách cho Phòng Chi Hiếu. Phòng Chi Hiếu vô cùng ngạc nhiên nói: “Đệ chịu ân huệ của huynh, quay về chăm sóc phụ thân nay bệnh tình đã khỏi, lại làm phiền huynh lo giúp việc kinh doanh. Đệ chỉ lấy đủ số tiền vốn có, phần dư ra 1 vạn là tiền của huynh, làm sao tiểu đệ có thể nhận lấy được? Số tiền này đệ đây không dám nhận.”

Thái Khải nói: “Trước tiên đệ có việc phải gánh vác, đệ đang trong tình trạng cấp bách thì huynh cũng lo lắng, huynh giúp đệ không phải vì muốn có được lợi ích. Huynh làm sao có thể phân chia số tiền ít ỏi này với đệ chứ?” Nói xong Thái Khải đặt sổ sách xuống rồi lặng lẽ rời đi.

Thái Khải quay trở về quê nhà đúng lúc Chiết Giang gặp phải mùa màng thất thu, đời sống khó khăn. Thái Khải lập tức dùng hết của cải tích lũy mang đi cứu tế người dân thiếu ăn thiếu mặc ở địa phương. Lúc đó Phòng Chi Hiếu tìm đến Chiết Giang để đưa 202 đồng lộ phí và phần lợi nhuận bán than. Thái Khải kiên quyết từ chối không nhận. Hai người đùn đẩy qua lại nên Phòng Chi Hiếu đã quyết định dùng toàn bộ số ngân lượng này giúp đỡ người dân gặp tai họa. Về sau Thái Khải sống thọ hơn trăm tuổi, gia đạo hưng thịnh; con cái trung thực, học đến tiến sĩ, làm quan đến chức ngự sử tỉnh Phúc Kiến; truyền đến đời cháu, cũng học đến tiến sĩ, làm quan đến sử bộ thị lang; cháu chắt là Dịch Sâm xuất thân tiến sĩ, làm quan đến chức đại học sĩ Đông Các. Trạng nguyên Khải Tôn năm Canh Tuất Khang Hy và Trạng nguyên Thăng Nguyên năm Nhâm Tuất Khang Hy đều là cháu của Thái Khải, những đời sau đó đều có người nối dõi đề tên lên bảng vàng. Đồng thời, nhà họ Phòng cũng trở thành một danh gia vọng tộc ở vùng Sơn Tây. Người ta đều nói đây chính là nhờ tổ tiên tích đức mà có.

(2)

Thời nhà Thanh có một người tên là Triệu Hy ở vùng Thanh Châu tỉnh Sơn Đông. Khi anh ta đảm nhiệm chức quan phó ấp, có một vị chỉ huy bị người ta ám toán nên phải chịu oan khuất bị bắt vào ngục. Triệu Hy dốc sức giúp đỡ vị này rửa sạch tội danh, bình phản án oan, xử vô tội và được phóng thích. Sau sự việc đó, vị chỉ huy này vô cùng cảm ân ông, không biết nên báo đáp thế nào nên muốn gửi gắm con gái mình cho Triệu Hy làm thiếp để báo đáp ân tình cứu mạng. Triệu Hy xua tay nói: “Không thể làm như vậy!”

Vị chỉ huy kiên trì mong muốn Triệu Hy bằng lòng, nhưng Triệu Hy liên tiếp xua tay và nói: “Không thể làm như vậy!” và một mực không tiếp nhận sự thỉnh cầu của vị chỉ huy này. Triệu Hy về sau làm quan đến chức lễ bộ hữu thị lang. Con trai của Triệu Hy là Triệu Bỉnh Trung ngồi kiệu đang trên đường đi tham dự một kỳ thi lớn thì nghe thấy phu kiệu nói đi nói lại mấy lần: “Trạng nguyên’ không thể làm như vậy’.”

Sau khi kỳ thi kết thúc, quả nhiên Triệu Bỉnh Trung đỗ trạng nguyên, năm đó vừa tròn hai mươi lăm tuổi. Về đến nhà, người con trai mang câu chuyện trên đường lên kinh ứng thí kể lại cho phụ thân nghe, Triệu Hy mới cảm khái nói: “Đó là sự việc về ta hai mươi năm trước, ta chưa từng kể với ai bao giờ, không biết là vị Thần minh nào lại nói cho con biết.”

Đề mục trong kỳ thi cung đình của Triệu Bỉnh Trung là “hỏi về sự trị vì và tấm lòng của đế vương”. Triệu Bỉnh Trung đã đề xuất như sau: chỉ cần có cách nghĩ phù hợp với thiên lý thì sẽ nhanh chóng thấy được hành động, nếu xuất hiện sai lệch và dục vọng thì lập tức thanh trừ toàn bộ; giống như các thánh vương thời xưa là Đường Nghiêu, Ngu Thuấn v.v lấy thân mình làm gương, thiện hóa chúng sinh, đề cao và quy phạm tiêu chuẩn đạo đức cho dân chúng thì mới có thể đưa đến thế đạo cát tường. Triệu Bỉnh Trung về sau làm quan đến chức lễ bộ thượng thư. Hai cha con hành sự theo thiên lý và lương tâm nên được người đời sau truyền lại giai thoại.

(3)

Vào những năm thời nhà Thanh có một lần thành phố Hàng Châu gặp phải hỏa hoạn lớn, lửa cháy dữ dội mấy ngày mấy đêm không tắt, thiêu rụi hơn nghìn ngôi nhà. Các quan viên gấp rút sơ tán dân chúng và dập lửa. Lúc đó dân chúng nhìn thấy trong ánh lửa có một vị thần mặc áo giáp vàng, tay vẫy lá cờ đỏ, bảo hộ quanh một ngôi nhà. Đám lửa cháy đến gần đây thì lập tức bị chuyển hướng. Sau khi đám cháy được dập tắt, tất cả đều cháy thành tro duy chỉ có ngôi nhà đó vẫn còn nguyên vẹn không chút tổn thất.

Vốn dĩ ngôi nhà này là nhà của vị sử quan mới chuyển đến tên là Cố Mỗ. Lúc đó Cố Mỗ nhận lệnh đi Giang Nam xử lí sự vụ nhưng vẫn chưa quay về. Trong nhà chỉ có phu nhân và mấy đứa con nhỏ. Mọi người vô cùng kinh ngạc, không biết vì sao đám cháy lớn không thiêu rụi ngôi nhà của họ. Vốn là khi Cố Mỗ đi xử lí sự vụ ở Giang Nam, lúc hoàng hôn neo thuyền bên bờ sông Tô Châu thì anh ấy nhìn thấy một thiếu phụ khóc lóc dọc bờ sông. Cố Mỗ hỏi cô ấy nguyên do thì cô ấy nói: “Chồng tôi bởi vì không cách nào giao nộp lương thực trị giá 52 đồng tiền vàng nên bị bắt vào ngục truy xét, tính mạng của chồng tôi không còn giữ được bao lâu nữa. Tôi không biết tìm ai có thể giải cứu giúp anh ấy, thật sự là không còn đường nào để đi nữa.”

Cố Mỗ lập tức lấy ra 52 đồng tiền vàng đưa cho cô ấy để giải cứu nhà họ khỏi nguy nan. Thiếu phụ cảm ơn Cố Mỗ rồi rời đi. Trên đường Cố Mỗ quay về lại đi qua nơi này, trong lúc ngẫu nhiên đi đến một quán ăn, vừa đúng nhà của người thiếu phụ nọ nằm đối diện bên đường. Thiếu phụ trông thấy Cố Mỗ thì liền kể chuyện cho chồng nghe. Hai vợ chồng nhanh chóng mời Cố Mỗ vào nhà tiếp đãi rượu và thức ăn. Người chồng nói với vợ mình: “Ân cứu mạng không có gì báo đáp, tối nay nàng giúp anh ấy chuẩn bị chỗ ngủ để báo đáp ân tình.” Thế là hai vợ chồng giữ Cố Mỗ ở lại qua đêm. Giữa đêm khuya, thiếu phụ đến gian phòng của Cố Mỗ để nói rõ mục đích mình đến. Cố Mỗ kiên quyết cự tuyệt, sau đó lấy hành trang quay trở về thuyền.

Sau khi Cố Mỗ về nhà, mọi người đến hỏi thăm xem anh ấy đã làm việc thiện gì tích được đại âm đức nên được thiên thần bảo hộ. Cố Mỗ bối rối không biết. Đến khi mọi người hỏi lại lần nữa thì anh ấy mới kể về sự việc phát sinh vào mấy hôm trước. Mọi người nhớ ra thời gian đó là đúng vào lúc xảy ra hỏa hoạn. Cố Mỗ đã cứu hai vợ chồng thoát khỏi nguy nan, tích được công đức to lớn, anh ấy còn cự tuyệt chuyện tà dâm, giữ vững danh tiết nên âm đức càng dày, phẩm cách cao thượng nhân từ đã làm cảm động trời đất. Chính vì vậy, ông Trời đã cứu gia đình anh ấy thoát khỏi hỏa hoạn, dân chúng ai nấy đều được nhìn thấy thiện báo. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc ông Trời bảo hộ người lương thiện.

(Tài liệu: “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Lệ Chứng”)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/4/17/【神傳文化】仁義助人-善有善報-239171.html

Đăng ngày 02-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share