Bài viết của Trần Tất Khiêm
[MINH HUỆ 20-09-2011] Câu chuyện dưới đây trích từ phần “Giả Quyên chi truyện” trong sách “Hán thư”, được chuyển dẫn từ tác phẩm “Đế giám đồ thuyết” của Thủ phụ Trương Cư Chính đời Minh. Câu chuyện thuật lại chuyện Hán Văn Đế từ chối nhận thiên lý mã như sau:
Khi Hán Văn Đế tại vị, một lần có người dâng lên cho ông một thiên lý mã, ngày có thể đi ngàn dặm, phi nhanh như chớp. Hán Văn Đế trông thấy con ngựa đẹp như thế này thì vô cùng vui thích. Nhưng Văn Đế lại nói: “Khi ta xuất hành, có đội nghi trượng mang cờ loan đi trước dẫn đường, lại có đội xe, võ sỹ hộ giá phía sau. Nếu đi tuần thú thì cũng chẳng qua mỗi ngày đi 50 dặm là dừng. Nếu hành quân xuất chinh thì một ngày cũng đi không quá 30 dặm là dừng lại nghỉ ngơi. Ta cưỡi thiên lý mã như thế này, một mình ta phi ngựa phía trước, thế thì sẽ phi đi đâu?”
Thế là Văn Đế xuống chiếu, từ chối nhận con ngựa quý thiên lý mã này.
Khi Hán Văn Đế lên ngôi, thế lực của Lã Hậu vừa mới bị thanh trừ, quốc gia rất cần an định, người khắp bốn phương đều đổ mắt chờ đợi: xem vị Hoàng đế mới này sẽ trị sửa thiên hạ ra sao. Trước khi Văn Đế từ chối nhận thiên lý mã, ông đã làm được hai việc lớn thu phục nhân tâm. Việc thứ nhất là phế bỏ “Luật người phạm tội thì vợ con cùng chịu tội”, hình phạt chỉ áp dụng cho bản thân người phạm tội, không còn liên lụy đến gia quyến. Trước khi Hán Cao Tổ Lưu Bang xưng đế đã từng tuyên bố phế bỏ tất cả luật pháp hà khắc đời Tần, chỉ dùng pháp luật đơn giản gồm ba chương, nhưng sau này lại làm “Hán thừa Tần chế” (nhà Hán kế thừa chế độ pháp luật nhà Tần), luật liên lụy gia quyến cùng chịu tội lại được khôi phục. Hán Văn Đế phế bỏ luật này được cho là một chính sách thiện lương. Một việc nữa là ban hành lệnh “Chẩn cùng dưỡng lão” (phát chẩn cứu trợ người nghèo và nuôi dưỡng người già), cứu tế những người cô quả, đơn độc và nghèo khổ. Lệnh bao gồm: người già từ 80 tuổi trở lên thì mỗi tháng được chính phủ cấp cho lương thực và thịt, người già từ 90 tuổi trở lên thì ngoài được cấp lương thực và thịt ra, còn được phát thêm vải và bông.
Sau khi Hán Văn Đế lên ngôi Hoàng đế, kinh tế xã hội đương thời do bị chiến tranh loạn lạc thời Tần tàn phá nên vô cùng tiêu điều, thế là Văn Đế thực thi chính sách để dân nghỉ ngơi.
Ngoài ra, trong thời gian tại vị, mỗi khi quốc gia xuất hiện nhật thực, địa chấn, lũ lụt, nạn châu chấu, Văn Đế liền xuống chiếu kiểm điểm bản thân: “Trẫm nghe nói, Trời sinh ra người dân, nên đã đặt ra vua để nuôi dưỡng và trị sửa dân. Làm vua không có đức, ban bố chính sách không công bằng… thì Trời giáng thiên tai để cảnh cáo trị sửa chính sự không tốt.”
Văn Đế nhiều lần ban bố chính lệnh miễn giảm thuế ruộng của bách tính, phát lương thực cứu tế người dân bị thiên tai. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, mở rộng trồng cây lương thực, Văn Đế liền đích thân mở lễ Tịch điền, đồng thời đích thân xuống đồng cày ruộng, ngũ cốc thu hoạch được dùng để cúng tế dùng cho tông miếu. Ông còn yêu cầu hoàng hậu đích thân trồng dâu, tự tay dệt vải, để làm lễ phục mặc khi cúng tế.
Hán Văn Đế nếm thuốc cho mẫu thân Bạc thị
Văn Đế phụng sự mẫu thân rất chu đáo. Khi Bạc Thái hậu mắc bệnh, Văn Đế ngày ngày đều đích thân thăm hỏi, đêm ngày đều ở bên mẫu thân. Khi thuốc dùng chữa bệnh cho mẫu thân được đem đến thì ông nhất định phải tự mình nếm trước rồi mới yên tâm đưa cho mẫu thân uống. Người đời sau tập hợp những tấm gương hiếu hạnh trong sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu hạnh) thì người đứng thứ 2 chính là câu chuyện “Văn Đế nếm thuốc”. Không chỉ hiếu kính với mẫu thân của mình, Văn Đế còn đem lòng hiếu thuận của mình mở rộng đến bách tính trong thiên hạ, có chính sách quan tâm chăm sóc đối với những người côi cút cô đơn.
Hán Văn Đế cực kỳ ghét những thứ xa hoa. Trước khi qua đời, ông đã viết di chúc rằng: “Thiên hạ vạn vật không có cái gì trường sinh bất tử. Cái chết là sự kết thúc cuối cùng của vạn sự vạn vật, do đó không nên quá đau buồn. Còn an táng người chết long trọng thì càng không cần thiết. Làm như thế không chỉ dẫn đến tiêu tán hết gia sản, mà còn tổn hại đến thân thể.”
Trong di chúc, Hán Văn Đế rất khiêm tốn nói: “Khi ta còn sống thì không có đức hạnh, do đó sau khi ta chết, mọi người phúng tế long trọng thì sẽ càng tăng sự vô đức và lỗi lầm của ta.”
Vì vậy ông hạ lệnh: “Sau khi ta chết, quan lại và bách tính trong toàn quốc để tang ba ngày rồi bỏ tang phục. Còn các hoạt động như lấy vợ gả chồng, thờ tế, uống rượu, ăn thịt… đều không được cấm.”
Hán Văn Đế vừa có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa các đại thần, lại khiến họ không bị mất thể diện, vui lòng tiếp thu. Ví như, khi xử lý vấn đề công thần Chu Bột cậy công kiêu ngạo, khi Hán Văn Đế mới lên ngôi, một lần Chu Bột nói muốn nói chuyện riêng với Văn Đế. Người này luôn luôn cho rằng mình có công lớn, thường cậy công cao làm khó Văn Đế khắp nơi. Hán Văn Đế khéo léo hồi đáp yêu cầu vô lý của ông ta, Văn Đế nói: “Thiên tử không thể có lời riêng, có sự tình thì có thể nói trên triều đình.”
Văn Đế vừa từ chối nói chuyện riêng với một số đại thần cậy công tự kiêu đòi ban thưởng hoặc có dụng ý khác, lại vừa thể hiện tư thế và tâm thái lắng nghe các đại thần, trả lời vừa mềm dẻo vừa trang trọng.
Từ câu chuyện “từ chối nhận thiên lý mã” này, chúng ta thấy một nguyên nhân Hán Văn Đế từ chối tiến dâng thiên lý mã là: “Vì bản thân không cần thiết tiếp nhận một thứ không có chút tác dụng thực tế nào”. Điểm này phù hợp với đặc điểm cá nhân của Văn Đế. Hán Văn Đế tiết kiệm nổi tiếng. Sở dĩ ông làm như vậy vì Văn Đế luôn cho rằng những sự tình không có lợi ích cho bách tính thì đều cố hết sức không làm. Đồng thời cũng phản ánh rằng, Văn Đế từ chối siểm nịnh, tránh xa những người mưu đồ những thủ đoạn không chính đáng để dành được sự sủng ái của quân vương.
Trong bản di chúc của mình, Hán Văn Đế tự đánh giá mình rằng: “Ta là vì may mắn mới có cơ hội kế thừa ngôi vị hoàng đế. Sở dĩ như vậy hoàn toàn là do Thượng Thiên sủng ái. Sở dĩ trong thời gian ta tại vị, thiên hạ thái bình, không có chiến loạn, bách tính an cư lạc nghiệp, cũng không phải vì ta hiền minh như thế nào, mà là Thần linh bảo hộ mà thôi.”
Hán Văn Đế là hoàng đế rất khiêm tốn trong lịch sử, đồng thời lại là một vị quân vương tài đức song toàn. Chính vì vậy mà các nhà sử học đã đánh giá rằng: “(Toàn bộ thời nhà Hán) Đức không ai dày hơn Hán Văn (Đế).”
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/9/20/文史漫談-漢文帝拒收千里馬-246938.html
Đăng ngày 25-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.