[MINH HUỆ 01-10-2011]
Tiếp theo Phần 1
Trung Liệt Miếu
Năm Thiệu Hưng thứ 11 (tức 1142) gian thần Tần Cối dựa vào tội danh “Mạc tu hữu” (không cần có) để hãm hại đến chết Nhạc Phi. Thời Hiếu Tông đã giải oan cho Nhạc Phi, hạ lệnh khôi phục quan chức của ông, truy phong “Vũ Mục”, lấy lễ cải táng; Khi con của Nhạc Phi là Nhạc Lâm đến Ngạc Châu, quân dân Ngạc Châu khóc lóc nghênh đón, để biểu đạt sự hoài niệm thân thiết đối với Nhạc Phi. Sau khi án oan của Nhạc Phi được rửa sạch, nhân dân Ngạc Châu đầu tiên thỉnh cầu xây dựng miếu cho Nhạc Phi. Quan Chuyển vận tư Hồ Bắc là Triệu Ngạn Bác, vào tháng 2 năm Càn Đạo thứ 6 (năm 1170) dâng thư lên Hiếu Tông hoàng đế, tấu xin được xây dựng miếu vũ cho Nhạc Phi ở Ngạc Châu để tế lễ. Hoàng đế Hiếu Tông ban cho biển ngạch “Trung Liệt Miếu”, và hạ thánh chỉ chi khoản tiền 4.000 quán tiền xây miếu (1 quán là 1 vạn tiền), xây dựng lên Nhạc Vương miếu. Đó là tòa Trung Liệt miếu đầu tiên trên toàn quốc được xây dựng do hoàng đế Hiếu Tông triều Tống hạ chiếu lệnh, lúc bấy giờ đồng thời ngự ban còn có 1.000 mẫu ruộng hương hỏa.
Năm Gia Thái thứ 4 (năm 1204) Nhạc Phi được truy phong là Ngạc Vương, Trung Liệt miếu đổi tên thành Ngạc Vương miếu (tục gọi là Nhạc miếu), trồng bên cạnh miếu có tùng bách mà Nhạc Phi trồng lúc còn sống, được gọi là Nhạc Bách, Nhạc Tùng. Từ cuối thời nhà Thanh, hoạt động lớn của gia tộc họ Nhạc đã hình thành các tòa Trung Liệt miếu ở phía Nam Lão Thành – Vũ Xương – Hồ Bắc, Nhạc Vương miếu ở phía Bắc Thang Âm – Hà Nam. Những tòa miếu này không may đã bị hủy do binh loạn đầu thời Hàm Phong, năm 1938 trước ngày nổ ra chiến tranh bảo vệ kháng Nhật ở Vũ Hán, Nhạc Vương miếu ở Vũ Xương đã bị nổ hủy, sau khi quân Nhật chiếm lĩnh Vũ Hán, nơi Trung Liệt miếu trước kia có dạo từng là trường hỏa thiêu. Nơi miếu cũ và núi mộ họ Nhạc ở dốc Hoàng Thổ nay gần cửa lớn Đại học Tài chính Kinh tế Chính trị Pháp luật Trung Nam ở đường Vũ Lạc, phần còn lại của Nhạc Vương miếu do vào thời kỳ đầu Trung Cộng đoạt chính quyền, Đại học Trung Nguyên di dời đến Vũ Xương, trong quá trình xây dựng đã bị dỡ bỏ.
https://big5.minghui.org/mh/article_images/2007-4-10-qinhui.jpg
Tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối ở trước mộ phần họ Nhạc ở Hàng Châu
Theo “Giang Hạ huyện chí” chép, lúc đó Vũ Xương từng tu sửa hai tòa Trung Liệt miếu kỷ niệm Nhạc Phi. Tượng quỳ hai vợ chồng Tần Cối ở Vũ Xương – Hồ Bắc, được lập ở trong Nhạc Phi miếu ở ngoài Nam Đại Đông Môn – huyện Vũ Xương, được đúc vào năm Càn Đạo thứ 6 thời nhà Tống, tư thế bị trói quỳ, tương truyền ai mà bị mắc bệnh, lấy đá ném vào sẽ khỏi. Người dân Vũ Hán còn lấy một số sự tích về Nhạc Phi biên tập thành truyện truyền kỳ cũng như các loại câu chuyện mang kiểu cách thần thoại, người người truyền cho nhau.
Nhạc Tùng: Từ Hồng Sơn bảo tháp ở Vũ Xương đi mấy trăm bước, có nhiều gốc cổ tùng, hiên ngang chót vót, người ta gọi là “Nhạc Tùng”. Theo “Hồng Sơn bảo thông thiền tự chí” chép lại, “Tống Trung Vũ Vương Nhạc Công Phi, thời kỳ Cao Tông Thiệu Hưng lên núi trồng cây cự tùng, dáng vẻ như rồng.” Người đời sau cảm niệm sự tinh trung báo quốc của Nhạc Phi, đặt tên cho chúng là Nhạc Tùng. Thư Tuấn Cực thời nhà Thanh thăm viếng tùng tưởng nhớ Nhạc Phi, từng viết ra bài thơ cảm động “Tùng ức Nhạc Phi tiền đại thụ”. Những cây cự tùng nguyên vốn được Nhạc Phi trồng đã không còn, sử chép “Bị Minh Quý chặt trộm”, những cây cổ tùng hiện nay là người đời sau trồng bổ sung để kỷ niệm Nhạc Phi. Nhạc Tùng bốn mùa xanh tươi, tượng trưng cho tinh thần yêu nước tương truyền qua nhiều thời đại.
Báo Quốc Am: Ngõ Báo Quốc ở góc Đông Nam khu đường Thúy Vy ở Hán Dương nổi tiếng nhờ kỷ niệm nghĩa cử cao đẹp tinh trung báo quốc của Nhạc Phi. Năm đó tin xấu cha con Nhạc Phi bị hãm hại truyền đến Hán Dương, bách tính bi phẫn không thôi, quyết định ở trên mảnh đất cách ngọn núi Thúy Vy chừng một dặm về phía Đông Nam (nay là chỗ cửa lớn phía Nam của nhà máy công cụ Hồng Vỹ) góp tiền xây dựng Báo Quốc Am, với danh nghĩa để cúng Phật, thực ra là để tế lễ Nhạc Phi. Tường của am này dùng đá sa thạch đỏ xây nên, một gian chính và hai gian bên tổng cộng ba gian phòng, rộng khoảng 200 m2. Khi am đường xây xong, hôn quân Triệu Cấu vẫn còn tại vị, gian thần Tần Cối vẫn còn chuyên quyền, bởi vậy trong am tạm chưa có tượng Nhạc Phi, tạm chưa treo biển, chỉ đề tên là “Báo Quốc Am”.
Năm Long Hưng thứ nhất (năm 1163), sau khi Hiếu Tông hoàng đế Triệu Thận kế vị, đã rửa oan cho Nhạc Phi. Lúc này, Báo Quốc Am ở Hán Dương được mở rộng thành Nhạc Phi đường, trong đường có lập tượng Nhạc Phi, rồi lấy bốn chữ “Tinh trung báo quốc” mà Nhạc Phi lúc còn sống đã viết khắc thành biển treo ở chính điện trong đường, quanh năm tế lễ. Nói về bốn chữ “Tinh trung báo quốc” này, còn có một giai thoại khác: Năm đó khi quân Nhạc Gia tấn công khiến quân Kim bỏ chạy đến bờ Bắc sông Hán Thuỷ, bách tính ở Hán Dương lũ lượt hiến kế, và hiệp trợ quân Nhạc Gia kết bè trúc, bè gỗ để vượt sông Hán Thuỷ, từ đó đã tranh thủ được thời gian quý báu truy kích và tiêu diệt quân Kim. Vì vậy, Nhạc Phi đã đề tặng bốn chữ “Tinh trung báo quốc” để tỏ ý cảm ơn.
Từ thời nhà Nguyên về sau đến năm 1949, người ta vẫn gọi Nhạc Phi đường là Báo Quốc Am như cũ. Đầu những năm 1950, trong am còn có 3 lão ni chủ trì. Báo Quốc Am cuối cùng đã bị hủy vào năm 1958 trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” của Trung Cộng.
Từ thời Dân Quốc đến trước “Đại Cách mạng Văn hoá”, dân chúng Hán Dương vì để kỷ niệm Nhạc Phi, còn đặt tên đường ngõ nhà dân ở mạn đông bắc của am là Báo Quốc Am. Năm 1976, ngõ này được gọi là Duy Vật Bát Thôn; năm 1972 vì để kỷ niệm Nhạc Phi lại được gọi là ngõ Báo Quốc cho đến nay.
[Binh Tàng Các]: Sử chép: Mùa xuân năm Thiệu Hưng thứ 4 (năm 1134), quân Kim ồ ạt nam hạ, xâm phạm Trung Nguyên. Nhạc Phi dâng thư lên hoàng đế Cao Tông Triệu Cấu, kiến nghị xuất binh thu phục sáu quận đã bị quân Kim cùng tay sai chiếm như Tương Dương, Tín Dương. Tháng 5 năm đó, Nhạc Phi được triều đình Nam Tống lệnh cho làm Quân chế trí sứ ở Hán Dương, cầm quân tiến công Kinh-Hồ, công hạ luôn cả Dĩnh Châu (nay là Chung Tường); sau đó binh phân làm hai ngả, tiến công Tùy Châu, phòng thủ Tương Dương, đoạt lấy hai châu Đường, Đặng (nay là các huyện Đường Hà, huyện Đặng ở Hà Nam) và quân Tín Dương. Quân Nhạc Gia sau khi thu phục Trung Nguyên xong ban sư về Ngạc Châu (nay là Vũ Xương), rồi đóng quân ở Hán Dương.
Quân Nhạc Gia yêu dân như phụ mẫu, kỷ luật nghiêm minh, không tơ hào một đồng, bởi vậy rất được lòng dân, sức chiến đấu mạnh mẽ, vì vậy có câu “Bạt núi dễ, đánh quân Nhạc Gia khó”. Lúc nửa đêm khi họ đến Hán Dương, sợ làm kinh động đến bách tính ở trong thành, nên phủ soái và quân trại đều đóng ở một nơi hoang dã cách khoảng 2 dặm về phía Tây Nam ngoài thành Hán Dương. Sau đó, quân Nhạc Gia đã đóng binh và tu chỉnh ở đây gần 10 tháng.
Chỗ giao lộ giữa đoạn phía Tây đường Lan Giang và đoạn phía Nam đường Quy Nguyên (đường Thúy Vy Hoành) ở Hán Dương hiện nay, chính là nơi Nhạc Phi đóng binh năm đó, người đời sau gọi đó là Binh Tàng Các. Thời xưa, chỗ này có rừng cây um tùm, trúc dài, mồ mả, đồi nhỏ, bốn bề hoang dã không người; trong “các” có ao, khi mùa đông rất lạnh trên mặt ao kết đầy băng, vì vậy người đời sau còn gọi Binh Tàng Các một cách hài hước là Băng Đường Giác.
Thôn Đốn Giáp và hồ Mã Trường: Tại mặt Tây của Binh Tàng Các, từng có nhà kho chứa cất giữ áo giáp sắt, binh khí của quân Nhạc Gia năm đó. “Tồn phóng” (cất giữ) và “Phóng trí” trong phương ngôn của Hán Dương đều là “đốn”, vì vậy thôn trang phụ cận quanh nhà kho được người đời sau gọi là Đốn Giáp, thôn Đặng Giáp ở chỗ ranh giới đan xen giữa đường Ngũ Lý Đôn và đường Giang Đê hiện nay (“đốn” và “đặng” trong phương ngôn Hán Dường là đồng âm) cũng như thế.
Phía Tây Nam thôn Đốn (Đặng) Giáp có một cái hồ, tên cổ là Hán Dương Đông hồ. Hồ này thời xưa do nhiều nhánh sông và ao hồ cấu thành, bờ hồ nước đầy cỏ xanh tươi. Tương truyền Nhạc Phi và các tướng sĩ bộ thuộc từng ở hồ bãi này thao luyện binh mã và chăn thả ngựa, bởi vậy hồ này còn được gọi là hồ Mã Trường hoặc hồ Mã Thương. Khu vực trong đường Ngũ Lý Đôn, đường Giang Đê hiện nay có chung một con đường lớn phía Bắc thông với Hán Dương, phía Nam đến hồ Hạ Mã dài khoảng 2km, cũng còn gọi là đường Mã Thương Hồ.
Sau những năm 1990, một bộ phận mặt nước ở Đông Nam hồ Mã Trường được lấp đi để xây nhà, và làm con đường dài chừng 2,5km từ Đông sang Tây tên là đường Mã Anh.
Giếng cổ Thủy Vy và ao cổ Thúy Vy: Dải đất từ ngọn Thúy Vy xuống đến chùa Quy Nguyên ở Hán Dương, từng có một số địa danh có tương quan với Nhạc Phi.
Giếng cổ Thúy Vy và Ao cổ Thúy Vy ở trong chùa này, tương truyền là nơi uống nước của bộ phận binh mã của quân Nhạc Gia năm đó, đến nay vẫn còn bảo trì nguyên vẹn. Du khách ngày nay rong chơi đến khu vực chùa Quy Nguyên, là có thể nhìn thấy giếng cổ và ao cổ này.
“Đắc Đắc Xứ”: Nơi cách chùa Quy Nguyên khoảng 400m về phía Đông Nam hiện nay, xưa gọi là “Đắc Đắc Xứ”. Dấu tiêu trong bức tranh “Vũ Hán thành trấn hợp đồ vào những năm Tuyên Thống nhà Thanh” ở Bắc Kinh Đồ thư quán (bảo tàng tranh) và bảo tàng tỉnh Hồ Bắc có chữ “Đắc Đắc Xứ” này. “Đắc Đắc” là chỉ tiếng móng ngựa phi của tuấn mã, tương truyền “Đắc Đắc Xứ” là nơi mà Nhạc Phi rong ruổi ngựa trở về lúc khuya. Tháng 5 năm Thiệu Hưng thứ 5 (năm 1135), Nhạc Phi phụng mệnh một lần nữa dẫn quân bắc phạt, tiến đóng quân ở Tương Dương. Trước khi rời khỏi Hán Dương, ông vô cùng lưu luyến sơn thủy nơi này, thừa dịp trăng rằm, mặc cương ngựa tự do, từ ngọn Thúy Vy đến Vũ Công Ki, dõi nhìn từ xa đại giang [lấp lánh] như [sông] bạc; lại từ Đại Biệt sơn (nay là Quy Sơn) đến Nguyệt Hồ, từ Mai Tử sơn đến Phượng Tê sơn (nay là núi Phượng Hoàng), đối diện với giang sơn tươi đẹp của Hán Dương, liên tưởng đến quốc thổ trải qua chiến loạn mà tráng chí “Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà” của bản thân chưa thành, vị nguyên soái trẻ tuổi này không ngăn được tâm trạng, cảm xúc dạt dào. Trở về trong trướng, Nhạc Phi cầm nến chấp bút, vừa ngâm vừa viết: “Kinh niên trần thổ mãn chinh y, đắc đắc tầm phương thượng thúy vy, hảo sơn hảo thủy khán bất túc, mã đề thôi sấn minh nguyệt quy” (Trì châu Thúy Vy đình).
“Đắc Đắc Xứ” cũng như vùng xung quanh từ thời nhà Thanh cho đến đầu năm 1949, đã được tăng nhân ở chùa Quy Nguyên san phẳng thành địa điền, để trồng lương thực và rau. Từ sau năm 1950, xây dựng nên thôn Bình Điền Nam. Từ cuối những năm 1980 lại xây dựng thành tiểu khu Bình Điền (khu phía Đông).
Truyền thuyết về Thôi Tử Loan: nay là mạn Bắc của khu dân cư Ngũ Kì Lý đường Ngũ Lý Đôn, xưa có một thôn không tên, từ sau thời Nam Tống trở đi được gọi là Thôi Tử Loan. Về lai lịch của cái tên “Loan” này, nhiều thế hệ dân gian ở Hán Dương tương truyền một câu chuyện như sau:
Thời Nhạc Phi đóng quân ở Hán Dương, một ngày tản bộ đến nơi này, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của một bà lão, bèn theo tiếng khóc đến nơi, hỏi nguyên do, mới biết được nhà bà lão gia cảnh bần hàn, là quả phụ nuôi con trai lớn không có tiền cưới vợ, chỉ đành phải đến Hà Nam để buôn bán, đi rồi thì sinh tử khó đoán biết. Nhạc Phi có lòng muốn giúp bà lão, bèn khuyên giải bà: “Bà chớ có thương tâm. Khi nào con trai bà trở về nếu như không kiếm được tiền, thì bảo anh ta đến quân trại tìm tôi.”
Nhiều ngày sau, con trai bà lão quay trở về, vẫn là hai bàn tay trắng, anh ta tìm đến Nhạc Phi. Nhạc Phi đưa cho anh ta một bao ngân lượng, anh vô cùng cảm ơn đồng thời nói với Nhạc Phi: Khi anh ở Hà Nam bị quân Kim bắt giữ, bị nhốt nhiều ngày, nguy hiểm suýt mất tính mạng. Nhạc Phi nghe xong nói: “Con đường này chắc anh quen thuộc, trước mắt công địch cần nắm rõ tình hình địch, liệu anh có thể đi một chuyến giúp ta không?” Con trai bà lão lập tức nhận lời. Anh mang số bạc trở về nhà, cưới được vợ, nhưng lại không nghĩ đến việc khởi hành đi Hà Nam nữa.
Ngày ngày trôi qua, bà lão bắt đầu lo lắng, thường hay giục con trai lên đường. Anh con trai bị giục gấp quá, chỉ đành rớt nước mắt từ biệt mẹ và vợ. Từ đó, anh cũng không còn trở về nữa, nhưng trước khi chết anh đã nhờ người mang tin tức tình báo về quân Kim ở Hà Nam trở về, quân Nhạc Gia nhờ tin tình báo này mà đã có được mấy trận thắng lớn.
Vì có câu chuyện lưu truyền này, nên cái thôn nhỏ vô danh lại có tên chính thức – Thôi Tử Loan (Thôi tử nghĩa là giục con).
Đường Nhạc Phi: Hình thành cuối thời nhà Thanh đầu thời Dân Quốc. Phía Tây Nam nối với đường Hoàng Hưng, đường Kinh Xa Trạm, phía Đông Bắc nối với đường lớn Trung Sơn. Thời xưa ở trong vùng tô giới Pháp, được phía đương cục tô giới Pháp đặt tên là đường Hà Phi Tướng Quân hoặc đường Hà Phi (Hà Phi tức Joseph Joffre là danh tướng của Pháp từng chinh chiến châu Phi – châu Á), lúc bấy giờ đường này từng là nơi trú của doanh trại quân Pháp và Cục Công bộ, Phòng Tuần bộ, giới bị nghiêm ngặt. Sau khi kháng chiến thắng lợi thu về khu tô giới Pháp, vì tên địa danh này có mang dấu ấn thực dân xâm lược ngoại lai, bởi vậy đã đổi thành tên của vị danh tướng kháng Kim thời Nam Tống của nước ta là Nhạc Phi.
Ngoài đó ra, vùng đất lớn Kinh Sở thời xưa còn lưu lại không ít những di tích lịch sử về Nhạc Phi. Như: Võ Huyệt Nhạc Gia Quyền, trường học Nhạc Phi, từ đường họ Nhạc ở Hồ Bắc, được xếp hạng di sản văn hóa phi vật chất quốc gia. Hoàng Mai là nơi ở của con trai Nhạc Phi là Nhạc Đình, Nhạc Chấn; Cửu Giang ở Giang Tây là nơi của mộ mẫu thân Nhạc Phi – Diêu đại phu nhân, mộ của phu nhân Nhạc Phi – Lý phu nhân.
Nhạc Gia Quyền phổ biến ở dải đất từ huyện Hoàng Mai, huyện Quảng Tế, huyện Kỳ Xuân ở đông Ngạc Châu, và chủ yếu là ở hai huyện Hoàng Mai, Quảng Tế. Theo ghi chép từ “Hoàng Mai huyện chí” và “Quảng Tế huyện chí”, Nhạc Gia Quyền từ cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên được truyền vào đương địa. Tương truyền sau khi danh tướng Nhạc Phi bị sát hại, người con thứ tư Nhạc Chấn, người con thứ năm Nhạc Đình vì để tránh bị sát hại đã chạy trốn đến núi Dương Mai ở trấn Đại Hà huyện Hoàng Mai (hiện giờ tên là Nhạc Đông Loan và Nhạc Tây Loan), vì Nhạc Phi bị 18 đạo kim bài triệu hồi, nên biết lành ít dữ nhiều, bởi vậy lấy Vũ Mục Di Thư (còn gọi là Nhạc Gia quyền phổ) âm thầm giao cho Nhạc Chấn, Nhạc Đình, và bảo họ ở huyện Hoàng Mai tránh nạn không được đi theo về kinh. Nhạc Gia Quyền bởi vậy đã lưu truyền ở huyện Hoàng Mai.
Trong vùng thành phố Thiên Môn tỉnh Hồ Bắc, có thị trấn quan trọng trong lịch sử hùng cứ ở bờ Hán Thủy – Nhạc Khẩu. Nhạc Khẩu thời xưa gọi là “Nhạc Gia Khẩu”. Theo “Thiên Môn huyện chí” thời nhà Thanh ghi chép: “Tương truyền Tống Nhạc Vũ Mục trú quân ở đây, nên có tên ấy.” Hàng trăm năm qua, lịch sử xa xôi về danh thần Nhạc Phi một thời và Nhạc Khẩu được truyền tụng qua nhiều thế hệ.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/10/1/247314.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/20/128876.html
Đăng ngày 20-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.