Bài viết của Đường Phong chỉnh lý

[MINH HUỆ 13-11-2011] Nho gia rất coi trọng tu dưỡng bản thân, cho rằng “từ thiên tử cho đến thứ dân, mọi tầng lớp đều lấy tu thân làm gốc”. Tử Lộ đã từng hỏi thầy mình là Khổng Tử về Đạo của bậc quân tử. Khổng Tử trả lời: “Tu kỷ dĩ kính”, “Tu kỷ dĩ an nhân”, “Tu kỷ dĩ an bách tính”. Cơ sở của tề gia, trị quốc, thiên hạ thái bình là tu thân, chỉ có tu chính nhân tâm thì hành vi con người cũng như những quy định mà con người đặt ra mới có thể tuân theo chính đạo, người trong thiên hạ mới có thể vui vẻ tuân theo. Khổng Tử từng giảng: “Đạo chi dĩ kính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.” Cũng là nói, mệnh lệnh và hình phạt đều chỉ là ước thúc bên ngoài, người ta vì sợ hãi nên có thể phục tùng trên bề mặt nhưng không thể vĩnh viễn khiến cho con người phát tự nội tâm yêu cầu bản thân mình làm người tốt. Chỉ có chân chính từ nội tâm minh bạch ra sự trọng yếu của đạo đức, nhân quả thiện ác thì con người mới vui vẻ tích đức hành thiện, mới biết hổ thẹn khi phạm pháp làm việc ác. Vậy nên từ xưa đến nay, bậc thánh hiền tu đức cho thiên hạ, vừa nghiêm khắc với tu dưỡng đạo đức của bản thân mình vừa chú trọng đến việc giáo hóa đạo đức cho muôn dân. Họ cho rằng đây là cái gốc của việc trị quốc.

Trong lịch sử Trung Quốc, có nhiều ví dụ về việc trị quốc và thời đại thịnh thế như: Văn Vương và Thành Khang thời Tây Chu, Văn Cảnh thời Tây Hán, thời thịnh thế Hán Vũ Đế, Chiêu Tuyên phục quốc; Quang Vũ phục quốc thời Đông Hán, Minh Chương; Nam triều Nguyên Gia; Hoàng đế khai quốc nhà Tùy; Trinh Quán đời nhà Đường, Vĩnh Huy, thời thịnh thế Khai Nguyên; Vĩnh Lạc đời nhà Minh, Nhân Tuyên, phục quốc Hoằng Trị; thời thịnh thế Khang Hy – Càn Long vào giai đoạn đầu triều Thanh v.v. Trong số đó, những triều đại khiến người ta tán tụng nhiều nhất là Văn Cảnh, Trinh Quán và thời thịnh thế Khang Hy – Càn Long. Sự xuất hiện của những triều đại thịnh thế chưa từng có tiền lệ trước đây là bởi vì những vị vua thời bấy giờ biết lấy bản thân mình làm gương cho đạo trị quốc. Họ hạ quyết tâm và nỗ lực tiến bước vì sự thịnh vượng và hùng mạnh của đất nước, suy xét đến cả tình cảnh hiểm nguy ngay trong thời bình, biết khắc chế tư dục tư tình, chiêu mộ hiền tài, đẩy mạnh hồng dương Nho gia làm truyền thống, hồng dương Phật Đạo bổ trợ cho văn hóa truyền thống, coi trọng giáo hóa đạo đức, cuối cùng đạt đến chính sự thông đạt, muôn dân hòa thuận, mở ra thời đại thịnh thế quốc thái dân an.

1. Hán Văn Đế thanh tịnh vô vi

Hán Văn Đế Lưu Hằng sinh năm 203 TCN. Ông là vị Hoàng đế thứ ba của triều đại nhà Hán và là con trai thứ tư của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Bản thân Lưu Hằng là người sống tiết chế giản dị, trị quốc chính sự thông đạt, bách tính sống hòa thuận, cuối cùng khai sáng triều đại thịnh thế Văn Cảnh. Năm 157 TCN, Hán Văn Đế Lưu Hằng băng hà, tại vị 23 năm, hưởng thọ 47 tuổi, lấy hiệu là Hiếu Văn Hoàng Đế. Ông cũng được mọi người biết đến như là nhân vật chính trong mẩu chuyện tự mình nếm thuốc cho mẫu thân là Bạc thái hậu trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”.

2005-3-11-24xiao-02--ss.jpg

Hán Văn Đế tự mình nếm thuốc cho mẫu thân là Bạc thái hậu

Trải qua hơn bốn mươi năm kể từ khi kiến lập nhà Hán cho đến thời Hiếu Văn Đế, việc trị quốc bằng đức hạnh đã đạt đến mức độ khiến cho lòng người phải ngưỡng mộ. Một mặt, Hiếu Văn Đế chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Tử, ông chủ trương thanh tâm quả dục, thanh tịnh vô vi, không làm hao tốn tài lực của dân, thực hành cùng nghỉ ngơi với bách tính; mặt khác Hiếu Văn Đế vô cùng nhân đức và khoan dung với người khác, muôn dân được lợi ích khiến cho vương triều Tây Hán dần dần đi đến cường thịnh.

Văn Đế đức hạnh yêu mến muôn dân thể hiện ở mọi phương diện trị quốc. Thứ nhất, ông phế bỏ luật pháp xử phạt tội liên can (một người phạm tội sẽ xử liên can đến gia quyến, bạn bè v.v.) và nhục hình. Văn Đế cho rằng pháp lệnh là thước đo cho việc trị quốc, là công cụ dùng để đình chỉ bạo hành và dẫn đường người dân hướng thiện. Tuy nhiên, người phạm tội đã bị trị tội rồi thì không nên để liên lụy đến cha mẹ, vợ, con cái và anh em vô tội của họ. Hơn nữa, pháp lệnh công chính, người dân trung hậu, việc định tội phải để người dân tâm phục. Sau này, huyện lệnh Thuần Vu Công của huyện Thái Thương, nước Tề phạm tội phải nhận hình phạt. Con gái của huyện lệnh huyện Thái Thương viết thư dâng lên triều đình xin vào phủ quan làm nô tỳ để miễn trừ hình phạt cho cha. Văn Đế thương xót tấm lòng hiếu thảo của cô, đồng thời ông cho rằng bản thân mình không đủ đạo đức, giáo hóa bất minh nên đã hạ chiếu phế bỏ những nhục hình như xăm chữ lên mặt phạm nhân, cắt mũi, chặt chân v.v.., chuyển sang dùng gậy đánh để thay thế. Bởi vì Văn Đế đã hủy bỏ những hình phạt hà khắc nên vào thời Văn Đế, nhiều quan sử có thể giảm bớt phán quyết án tụng, làm chính sự với lòng khoan dung, không có yêu cầu hà khắc, chính bởi vì xử lí sự việc đơn giản nên áp lực mà người dân nhận phải cũng giảm nhẹ so với thời nhà Tần.

Thứ hai, Văn Đế có thể đặt bản thân mình sang một bên mà nghĩ cho người khác. Ông san sẻ niềm vui cùng người dân. Quan đại thần chủ quản thỉnh cầu Hoàng đế lập hoàng hậu. Văn Đế lập mẫu thân của thái tử là Đậu thị làm hoàng hậu. Văn Đế lấy duyên cớ lập hoàng hậu để ban tặng vải vóc, tơ lụa, lúa gạo, thịt thà cho những người khốn cùng không có cha mẹ vợ chồng con cái cho đến lão nhân trên tám mươi tuổi, những người mẹ độc thân có con nhỏ chưa tròn chín tuổi trong thiên hạ. Ông hi vọng rằng những người nghèo khổ trong thiên hạ có thể hưởng được một chút niềm vui. Ngoài ra, Văn Đế còn ban tặng ân trạch cho thiên hạ ở khắp mọi nơi, an định vỗ về chư hầu và các bộ tộc biên duyên xa xôi ở bốn phương trời, gia phong cho những đại thần có công, chính vì vậy mà các phương diện trên dưới đều vui vẻ hài hòa.

Thứ ba, vì để không tốn sức của bách tính và tiết kiệm tài lực, vào tháng Hai năm Văn Đế thứ hai (năm 178 TCN), Văn Đế hạ lệnh cho những quý tộc đang sống ở Trường An quay trở về lãnh thổ được phong hầu. Một mặt có thể giảm bớt sự lao khổ cung ứng vận tải của bách tính, tiết kiệm được nhân lực và tài lực, mặt khác những người quý tộc cũng có thể truyền bá đạo và quản lí dân chúng ở địa phương được phong hầu. Những năm sau đó, Văn Đế còn trao lại cho thừa tướng và thái thú các quận của nước chư hầu hai loại binh phù: “đồng hổ phù” dùng để điều động quân đội, binh quyền và “trúc sử phù” để sứ thần mang theo khi đi sứ.

Đối với bản thân mình, Văn Đế sống vô cùng tiết kiệm. Văn Đế từ lúc tiếp nhận quốc gia cho đến khi lập ra kinh đô, thời gian tại vị tổng cộng 23 năm. Cung điện, vườn tược, thú nuôi giải trí, quần áo, xa giá v.v. đều không tăng thêm chút nào. Tuy nhiên, phàm có sự việc gì làm thiếu hụt ngân sách cho bách tính thì ông đều xem xét bãi bỏ không làm, thay vào đó chỉ làm việc có lợi cho dân chúng. Văn Đế có ý định cho xây dựng một tòa lầu cao, ông cho mời thợ thủ công đến tính toán công trình tiêu tốn hơn 1.600 lạng vàng. Vừa nghe vậy Văn Đế bèn không cho xây dựng nữa. Quần áo Văn Đế mặc lúc bình thường là y phục với chất vải thô sơ dệt từ tơ tằm. Đối với người vợ mà mình sủng ái, ông cũng không cho phép mặc y phục dài chấm đất, khăn che cũng không cho phép thêu thùa hoa văn sặc sỡ, nhằm để biểu thị sự cần kiệm giản dị, làm hình mẫu cho người dân thiên hạ. Văn Đế quy định khi xây dựng mộ phần và lăng tẩm cho ông chỉ dùng đồ sứ, không cho phép sử dụng trang sức làm bằng kim loại như vàng, bạc, đồng, thiếc v.v., không xây mộ phần cao lớn, cần phải tiết kiệm, không cần làm phiền bách tính. Văn Đế còn hạ lệnh bãi bỏ việc tướng quân thống lĩnh quân đội hộ giá cho hoàng đế. Bấy giờ ông chỉ dùng một con ngựa, chỉ giữ lại những gì cần dùng hàng ngày, phần còn thừa lại thì để cho nhà trạm sử dụng.

Thứ tư, trong việc bãi bỏ pháp lệnh thì có những tội trạng như “nói lời yêu mị phỉ báng triều đình mê hoặc dân chúng” cho đến “bách tính phê phán triều đình là có tội”, Văn Đế cho rằng trị vì thiên hạ thời xưa là giương cao cờ xí tiến cử hiền tài kiến lập triều đình và lập bài vị gỗ cho những ai phê phán triều chính, có thể đả thông con đường trị quốc, chiêu mời và tiến hành khuyên răn con người. Còn những tội trạng này sẽ khiến quan đại thần không dám nói trọn vẹn những lời chân thật, người làm Hoàng đế cũng không có cách nào biết được những thiếu sót của bản thân mình. Giữa vua và quan giống như Viên Áng chờ người đến dâng lời nói ra sự việc một cách thẳng thắn và sắc bén. Văn Đế đều khoan dung chấp nhận.

Thứ năm, Văn Đế vô cùng xem trọng nông nghiệp. Ông cho rằng nông nghiệp là cái gốc của quốc gia. Chính vì vậy sau khi lên ngôi, ông đã nhiều lần hạ chiếu thư phải xem trọng việc làm ruộng và trồng dâu nuôi tằm. Ông còn giảm thuế ruộng đất, cắt giảm lao dịch. Văn Đế còn hạ chiếu thư “cấm chỉ phá núi và ao đầm”, tức là cấm chỉ khai phá núi rừng sông hồ vốn có của quốc gia. Chính vì vậy đã đốc thúc nông dân làm thêm ngoài giờ, sự phát triển việc làm vững chắc có quan hệ trọng đại trong kinh tế quốc gia và đời sống của người dân. Năm Văn Đế thứ 12, ông cho bãi bỏ chế độ thông qua quan ải, thay vào đó sử dụng chế độ lưu truyền có lợi cho việc lưu thông hàng hóa và liên hệ kinh tế giữa các địa khu với nhau, đối với sự phát triển sản phẩm nông nghiệp cũng có tác dụng đốc thúc nhất định.

Thứ sáu, để đối đãi với vấn đề nổi loạn của các chư hầu vương trong họ hàng, Văn Đế giữ nguyên tắc lấy đức báo oán. Sau khi bình định xong cuộc nổi loạn của Tế Bắc Vương Lưu Hưng, Văn Đế hạ chiếu thư tuyên bố xá miễn cho quan lại và bách tính đã nghe theo Tế Bắc Vương tạo phản. Năm 174 TCN, quan đại thần chủ quản báo cáo Hoài Nam Vương Lưu Trường vứt bỏ pháp luật của tiên đế, không nghe theo chiếu lệnh của Hoàng đế, cung điện nơi ở vượt quá giới hạn quy định, xa giá ra vào và quân đội hộ giá giống như thiên tử, tự mình chế định pháp lệnh không được cho phép, cùng với thái tử Trần Kì của Cức Bồ Hầu lập kế tạo phản, còn phái người đi sứ Mân Việt và hung nô để điều động sử dụng quân đội, lập kế phá hoại tông miếu đền thờ. Quần thần bàn luận sự việc này và tâu rằng: “Lưu Trường nên phải bị bêu đầu trên phố để cảnh tỉnh dân chúng.” Văn Đế không đành lòng trừng trị Hoài Nam Vương nên đã miễn tội chết cho hắn ta, phế truất vương vị, không cho phép hắn ta làm chư hầu vương. Nam Việt Vương Uý Đà tự lên ngôi làm Võ Đế, Văn Đế cho mời anh em của Úy Đà đến và tiếp đãi họ như những quý tộc, dùng đức hạnh để báo đáp. Sau này, Úy Đà đã hủy bỏ đế hiệu và quy phục nhà Hán.

Về đối đãi với thần tử, Văn Đế cũng vô cùng khoan dung, ông cho rằng sai sót của quan viên nên xem như bản thân người đó tự chịu trách nhiệm. Ví như trong số quan đại thần, có người như Trương Vũ nhận tiền đút lót từ người khác và khi sự việc bại lộ, Văn Đế đã lấy tiền từ trong ngân khố hoàng cung đưa cho họ. Ông dùng cách này để khiến họ phải biết hổ thẹn từ trong tâm, chứ không giao cho quan viên chấp pháp xử lí. Ngô Vương Lưu Tỵ nói dối là mình bị ốm để không vào triều tiếp kiến, Văn Đế đã nhân cơ hội này thưởng cho ông ta chiếc bàn gỗ nhỏ và cây gậy chống để biểu thị sự quan tâm đến ông ta tuổi tác đã lớn nên có thể miễn vào kinh thành làm lễ thượng triều.

Văn Đế tại vị 23 năm thường hay tự xét bản thân mình. Có một năm phát sinh mấy lần nhật thực, Văn Đế tự trách mình rằng: “Trẫm nghe nói trời sinh muôn dân, vì bách tính mà sắp đặt quân vương đến để giáo hóa và quản lý. Nếu như quân vương không hiền đức, chấp chính không công bình thì thượng thiên sẽ triển hiện ra những hiện tượng báo trước tai họa để cảnh cáo quân vương trị vì không tốt. Cuối tháng 11 có một ngày phát sinh nhật thực, sự chê trách của thượng thiên đã biểu hiện ra thiên tượng xuất hiện tai họa. Thử hỏi còn có việc nào quan trọng hơn điều này! Trẫm có thể phụng sự tông miếu, lấy sinh mệnh nhỏ bé này dâng cho bách tính và chư hầu, việc trị vì thiên hạ loạn lạc thì trách nhiệm một mình trẫm gánh chịu. Các khanh là quan đại thần nắm giữ chính sự quốc gia trong tay cũng giống như cánh tay trái cánh tay phải của trẫm. Trẫm không thể làm tốt việc trị quốc và giáo dưỡng chúng sinh thiên hạ, đối với bên trên thì làm lu mờ ánh sáng của nhật nguyệt tinh tú nên mới phát sinh hiện tượng nhật thực. Việc vô đức của trẫm thật sự đã quá nghiêm trọng. Sau khi tiếp nhận chiếu lệnh, các khanh đều phải thật sự nghĩ về những sai sót của trẫm, cũng như những chỗ trẫm làm chưa đủ mà các khanh đã biết, đã thấy và đã nghĩ tới. Trẫm chân thành mong rằng các khanh sẽ nói cho trẫm biết. Nếu cần thì hãy tiến cử người hiền lương, nghiêm chính, có thể thẳng thắn khuyên răn đến để tu chỉnh những thiếu sót của trẫm.”

Văn Đế dồn hết tâm lực dùng nhân đức để cảm hóa thần dân, cai trị vô vi, vậy nên thiên hạ mới có cuộc sống sung túc, lễ nghĩa hưng thịnh. Ban Cố ngợi ca Văn Đế trong “Hán Thư, Văn Đế Kí” như sau:

“Chuyên tâm lấy đức giáo hóa muôn dân vì cuộc sống sung túc của bàng dân thiên hạ, lễ nghĩa hưng thịnh, xử lý án tụng, bãi bỏ hình phạt. Quả thật là một vị vua nhân từ!”

2. Đường Thái Tông vị minh quân thời thịnh thế

Đường Thái Tông Lý Thế Dân sinh năm 599, là con trai thứ của Đường Cao Tổ (Lý Uyên) và Đậu hoàng hậu, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Đường. Ông còn là một chính trị gia, nhà quân sự, đồng thời cũng là thi nhân và nhà thư pháp đạt đến trình độ cao thâm. Lý Thế Dân dùng cung tên lấy được thiên hạ, hành quân thần tốc, võ nghệ vang danh. Ngay sau khi lên làm Hoàng đế, ông không hề tự mãn. Ông mở rộng tấm lòng tiếp nhận lời khuyên răn, nỗ lực học tập cai trị thiên hạ, trở thành một trong những bậc minh quân và chính trị gia nổi tiếng nhất trong lịch sử. Ông tuyển mộ những người tài hiền đức, vui vẻ tiếp nhận những lời khuyên có thiện ý, nghe qua lời khuyên thì ông sẽ thay đổi ngay. Ông xem dân như con, không phân biệt người Hán hay người dân tộc. Ông được thế nhân đời đời ca ngợi, khai sáng ra thời đại Trinh Quán thịnh trị trong lịch sử, làm nền tảng đặt định quan trọng cho thời đại Khai Nguyên toàn thịnh về sau.

2011-2-28-minghui-guren-02--ss.jpg

Ảnh Lý Thế Dân

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, ông thường lấy việc nhà Tùy bạo chính dẫn đến tiêu vong làm bài học lịch sử. Ông nói: “Thiên tử giả, hữu đạo tắc nhân suy nhi vi chủ, vô đạo tắc nhân khí vi bất dụng, thành khả úy dã.” Thái Tông cho rằng làm vua nên có chí lớn quảng đại có thể bao dung được nhiều thứ, tâm bình thản và công chính có thể khắc chế và quyết đoán. Không có uy đức thì không cách nào vươn xa, không có từ ái nhân hậu thì không cách nào phục người. Lấy nhân đức an ủi vỗ về cửu tộc (chín thế hệ trong gia đình), lấy lễ nghĩa tiếp đãi đại thần. Cúng thờ tổ tiên phụng dưỡng cha mẹ, tùy theo vị trí mà biết cung kính. Bản thân cần cù lao động, lấy hành đức làm việc nghĩa. Đây chính là cảnh giới đạo đức mà một vị vua nên có. Vì để đạt đến tiêu chuẩn này, ông chuyên tâm học tập, đọc nhiều đạo lý của bách gia, tinh thông lục nghệ, lấy lịch sử làm gương để biết thịnh suy, rộng mở tấm lòng thu nhận lời khuyên răn, lấy người làm gương để biết được mất.

Hơn nữa, Đường Thái Tông hiểu rất rõ đạo lý người dân đặt quốc gia lên hàng đầu, quốc gia lấy vua làm gốc, ai đắc được lòng dân thì sẽ có được thiên hạ. Chính vì vậy, ông trị quốc bằng nhân đức, thực hiện chính sách cho dân nghỉ ngơi. Ông chủ trương cắt giảm chi phí, giảm bớt lao dịch, tuyển dụng quan lại thanh liêm để người dân có ăn mặc dư giả.

Nói tóm lại, có thể quy nạp việc trị quốc bằng nhân đức của Đường Thái Tông vào mấy điểm sau:

1. Đạo của quân vương trước tiên phải nghĩ cho bách tính
2. Thực hành khoan hồng và giản lược pháp luật, nhấn mạnh tu đức
3. Cắt giảm chi phí, đặt thấp bản thân mình vì đại cục không vì tư tình
4. Giảm bớt lao dịch, phát triển sản lượng, hồi phục kinh tế
5. Khoan dung với người, sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên, tự phản tỉnh bản thân mọi lúc
6. Tuyển dụng quan lại thanh liêm
7. Coi trọng văn hóa và giáo hóa đạo đức

Làm vua trước hết phải nghĩ cho dân

Đường Thái Tông cho rằng: “Đạo làm vua, trước hết nhất định phải nghĩ cho dân, nếu như lấy cung phụng bản thân mà khiến người dân chịu tổn hại thì cũng giống như tự cắt thịt mình mà ăn cho no bụng, bụng thì no nhưng thân thể ngã gục.”

Ông ví quan hệ của người dân và vua như nước với thuyền: “Vua giống như thuyền, người dân giống nước. Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền.”

Vậy nên, ông cho rằng nỗi lo của Hoàng đế không phải đến từ bên ngoài mà là ở tại bản thân mình. Hoàng đế có nhiều dục vọng, tiêu xài hoang phí, thu thuế nặng nề từ người dân, dân chúng vì vậy sẽ vô cùng khổ sở, quốc gia sẽ nguy hiểm, Hoàng đế cũng sẽ khó giữ lấy mình.”

Năm Trinh Quán thứ 2, địa khu trong nước phát sinh hạn hán và nạn đói, nhiều người dân phải bán con cái mình để đổi lấy quần áo và đồ ăn. Đường Thái Tông không chỉ hạ lệnh mở kho cứu tế người dân mà còn lấy vàng bạc tơ lụa trong kho hoàng gia để chuộc lại con cái cho những người dân bị tai họa và đưa cho cha mẹ của họ. Ông viết trong chiếu thư rằng: “Nếu như có thể khiến cho mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình, thậm chí chuyển dịch tai họa lên thân của trẫm thì trẫm cũng cam tâm tình nguyện.”

Không lâu sau thì trời mưa xuống, hóa giải được nạn hạn hán, người dân ai nấy đều vui mừng.

Cắt giảm chi tiêu

Đường Thái Tông lúc đầu lên ngôi, ông đã ý thức rõ ràng về đội ngũ quan liêu quá lớn, nhân sự dư thừa, cảm thấy “dân số ít nhưng số lượng quan lại nhiều”, tệ đoan quá nhiều, chủ yếu biểu hiện ở: tiêu phí tài nguyên, chức vị chồng chéo nhau, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mưu sĩ quá nhiều, mọi sự vụ thường không được giải quyết. Chính vì vậy, Thái Tông đã tiến hành cải cách triệt để cơ cấu. Kết quả là số lượng thành thị quận huyện trên toàn quốc giảm được một nửa, châu phủ giảm được một phần ba. Tể tướng Phòng Huyền Linh tuân theo ý chỉ của Thái Tông cắt giảm ba phần tư số quan lại văn võ trong triều đình, chỉ chừa lại chưa đến 643 người. Điều khiến cho các nhà sử học ngạc nhiên là sự cải cách lớn như vậy không hề gây nên sự bất ổn định nào cho xã hội, có thể thấy rằng cách hành sự của Thái Tông vô cùng cẩn trọng, bảo đảm không xuất hiện sai sót nào.

Phát triển sản lượng, hồi phục kinh tế

Đường Thái Tông hiểu rõ rằng trải qua chiến loạn vào những năm cuối nhà Tùy, người dân khát khao sự ổn định và nghỉ ngơi an dưỡng. Đồng thời, Thái Tông cũng ý thức rõ ràng dân chúng phải đi cướp bóc là bởi vì “lao dịch nặng nề, quan chức tham nhũng, ăn không đủ no mặc không đủ ấm”. Chính vì vậy, ông đã đề xướng tiết kiệm, giảm bớt lao dịch. Sau khi lên ngôi, ông cho giải tán ba nghìn cung nữ để cắt giảm chi phí quốc gia, hạ lệnh cho dừng việc cống nạp vật phẩm, cắt giảm lao dịch, giúp bách tính an cư lạc nghiệp.

Thái Tông cho rằng: “Mọi việc căn bản đều phải coi trọng chuyên tâm tận lực mà làm. Quốc gia lấy dân làm gốc, dân lấy ăn mặc làm gốc. Việc ăn mặc lấy không để lỡ cơ hội làm gốc.” Chính vì vậy, ông rất chú ý đến việc phát triển sản lượng, không bỏ lỡ các giai đoạn sản xuất nông nghiệp để lấy lợi cho sản lượng. Tháng Hai năm Trinh Quán thứ 5, quan sử điều động phủ binh để duyệt binh cho nghi lễ thành niên của thái tử đúng vào lúc gieo vụ mùa xuân, Thái Tông đã hạ lệnh thay đổi thời gian cử hành nghi lễ thành tháng Mười. Ngoài ra, ông còn ban lệnh ân xá chiêu mời những người lưu vong hồi hương tham gia sản xuất. Người dân yên tâm làm việc, kinh tế triều nhà Đường cũng bắt đầu hồi phục và phát triển.

Khoan dung với người khác, tiếp nhận lời khuyên, mọi thời khắc tự cảnh tỉnh bản thân

Đường Thái Tông là một bậc minh quân nổi tiếng với việc lắng nghe tiếp nhận lời khuyên. Thái Tông cho rằng: “Người làm vua tuy không nói nhưng biết tiếp nhận lời khuyên răn mới là thánh nhân”, “Lắng nghe nhiều ý kiến từ nhiều phía mới biết rõ đúng sai được mất, nếu chỉ nghe từ một phía thì dễ bị hồ đồ.”

Vậy nên, ông khuyến khích bề tôi tiến cử lời khuyên, mở rộng chức quyền cho quan can gián, phàm là chiếu lệnh không phù hợp thì phải tâu rõ, không được hùa theo. Ngụy Trưng là vị quan can gián chính trực, tuy là thân tín của thái tử Lý Kiến Thành trước đây nhưng Đường Thái Tông không nhắc đến thù xưa mà bổ nhiệm ông ta làm quan can gián. Không những cho phép Ngụy Trưng trực tiếp tham vấn chính sự, mà còn rất sủng ái và tôn kính ông ta. Ngụy Trưng dâng lên hơn chục tấu sớ, thẳng thắn chỉ ra lỗi, Thái Tông mở lòng tiếp nhận lời khuyên răn, lựa chọn con đường đúng đắn mà làm theo. Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông thương tâm nói: “Người ta lấy đồng làm gương soi để chấn chỉnh quần áo; lấy lịch sử thời xưa làm gương có thể thấy được thịnh suy; lấy người làm gương có thể biết được mất. Ngụy Trưng không còn, trẫm đã mất đi một tấm gương!”

Một lần vào dịp tuyển định quan viên ưu tú thì phát hiện có một số người giả mạo, Thái Tông đã chiểu theo mệnh lệnh ban bố xử tội chết cho những kẻ đó. Binh bộ lang trung Đới Trụ đã khuyên ngăn: “Chiểu theo pháp luật nên xử lưu đày.”

Thái Tông tức giận nói: “Khanh nghĩ tuân thủ pháp luật để làm trẫm mất đi danh dự sao?”

Đới Trụ nói: “Mệnh lệnh của Hoàng đế là xuất phát từ nóng giận nhất thời mà truyền xuống, còn pháp luật là quốc gia công bố dùng nó để lấy được sự tin cậy của thiên hạ. Bệ hạ vô cùng tức giận với hành vi dối trá nên mới muốn giết họ, tuy nhiên bệ hạ cũng biết rằng chiểu theo pháp luật là không thể làm như vậy. Nếu như sử dụng pháp luật để đo lường thì có thể dằn lòng mà có được sự tín nhiệm của toàn thiên hạ.”

Thái Tông nói: “Khanh có thể chấp pháp như vậy, trẫm làm sao có thể không an tâm cho được!”

Về sau, Đới Trụ liên tiếp nhiều lần dâng lời khuyên răn, Thái Tông đều nghe theo ý kiến của ông ta, thiên hạ không có án oan nào phát sinh.

Thái Tông nói với quần thần: “Người ta nói Hoàng đế có địa vị tôn quý, việc gì cũng không sợ. Trẫm thì không như vậy. Bên trên trẫm kính sợ sự dõi theo của ông Trời, bên dưới trẫm sợ hãi sự ngưỡng vọng của quần thần vô cùng sát sao. Trẫm còn sợ không phù hợp với thiên ý và nguyện vọng của dân chúng.”

Sử dụng pháp luật một cách hoàn thiện, khoan hồng và giản lược

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, ông tiếp nhận kiến nghị của Ngụy Trưng xác lập nền trị vì nhân ái khoan dung, ban chỉ lệnh cẩn trọng với việc sử dụng hình phạt. Thái Tông cho rằng việc coi trọng đức hạnh quan trọng hơn so với chế độ pháp luật hà khắc.

Một lần nọ ông hỏi đại thần Vương Khuê: “Vì sao những người trị quốc hiện giờ không giống với thời xưa?”

Vương Khuê nói: “Thời Hán tôn sùng học thuyết Nho gia, phong tục tập quán dân gian thuần hậu; hiện nay xem nhẹ Nho học, coi trọng pháp luật nên quốc gia càng ngày càng suy bại.”

Thái Tông tỏ ra đồng ý với điều này.

Cháu trai trưởng của Hữu kiêu vệ đại tướng quân là Thuận Đức nhận tơ lụa đút lót của người khác, sau khi Thái Tông biết chuyện bèn nói: “Thuận Đức người này nếu như hữu dụng cho nước nhà thì ta có thể san sẻ sự giàu có của đất nước cùng anh ta. Anh ta không cần phải tham luyến tài vật nữa!”

Thái Tông quý trọng anh ta có công với đất nước, không trị tội anh ta mà còn thưởng tặng bốn mươi cuộn tơ lụa.

Quan chấp pháp Thiếu Khanh Hồ nói: “Thuận Đức vi phạm pháp luật nhận của đút lót, vốn là không nên miễn tội, vậy vì sao bệ hạ lại ban thưởng cho anh ta?”

Thái Tông nói: “Nếu như anh ta còn có nhân tính, việc nhận ban thưởng so với nhận hình phạt sẽ khiến anh ta cảm thấy hổ thẹn. Nếu như anh ta không biết hối cải, không khác gì loài cầm thú thì việc giết anh ta cũng không có tác dụng gì cả!”

Tuyển chọn quan thanh liêm

Ở phương diện tuyển chọn nhân tài, Đường Thái Tông khống chế các thế lực gia tộc. Ông hạ lệnh tìm kiếm những bậc nhân sĩ phẩm đức cao thượng và thanh liêm. Ông lấy “lập công, lập đức, lập ngôn” làm tiêu chuẩn, đánh giá cao tầng lớp sĩ phu, nhất loạt trừ danh những kẻ không có công đức. Ông còn chú ý chiểu theo tiêu chuẩn “năng lực và hiệu quả đi đôi” để tuyển chọn quan lại, không xét thân phận, không kể ân oán. Trong các đại thần văn võ nổi tiếng, có Ngụy Trưng từng là đạo sĩ, Uất Trì Cung từng là thợ rèn, Trương Lương xuất thân từ nông dân. Ngụy Trưng vốn làm quan cho thái tử Lý Kiến Thành, từng bày mưu kế ám hại Thái Tông. Lý Tịnh, Uất Trì Cung từng là tướng bại trận của quân địch. Thái Tông đều trọng dụng họ. Dựa trên cơ sở khoa cử triều Tùy, ông tiến thêm một bước hoàn thiện chế độ tuyển chọn quan lại và nhân tài ưu tú, dùng khoa cử thay cho thế lực gia tộc, phá bỏ thế lực dòng dõi có địa vị và thanh thế, để cho những nhân sĩ có xuất thân thấp kém có cơ hội cống hiến cho xã tắc.

Thái Tông đưa ra bốn yêu cầu cho các quan viên có “phẩm cách và địa vị xã hội”, gọi là “tứ thiện”: đạo đức nhân nghĩa, minh bạch thanh liêm, công bình, thành kính chuyên cần không giải đãi. Từ thuở đầu kiến lập thời đại Trinh Quán, mỗi người đều chiểu theo yêu cầu của Thái Tông mà làm, tận tâm làm tròn trách nhiệm. Thái Tông còn lấy tám chữ “cư quan siểm trá, tham hỗn hữu trạng” để định đoạt những quan lại có đức hạnh thấp kém.

Đối với vấn đề tham ô quan liêu, Đường Thái Tông ngoại trừ việc dùng hình phạt ra, ông chủ yếu để cho chúng thần minh bạch từ trong tâm về “tham” kì thực là một loại hành vi ngu xuẩn. Thái Tông bèn cảnh tỉnh quần thần: “Chim đậu trên cây, vì sợ cây không đủ cao nên làm tổ trên ngọn. Cá bơi trong nước, vì sợ nước không đủ sâu nên núp vào hang bên dưới. Nhưng cả chim và cá đều bị con người bắt được, nguyên nhân chỉ vì bản thân tham ăn mồi. Các khanh đừng bao giờ lấy thân mình để thử nghiệm pháp luật!”

Một lần nọ, trong dân gian có người dâng tấu thư thỉnh cầu thanh trừ nịnh thần. Thái Tông bèn hỏi: “Ai là nịnh thần?”

Người dâng tấu thư nói: “Hoàng đế có thể giả bộ tức giận để thám thính phản ứng của quần thần xem. Người tranh biện mạnh mẽ cho lẽ phải là quan chính trực, người sợ hãi uy nghiêm của Hoàng đế mà thuận theo chính là nịnh thần.”

Thái Tông nói: “Hoàng đế là ngọn nguồn của con sông, quần thần là dòng chảy của sông lớn. Ngọn nguồn ô nhiễm rồi mà còn yêu cầu nước sông phải trong sạch đó là việc không thể nào. Trẫm dùng cách lừa người thì làm sao có thể yêu cầu quần thần chính trực được? Trẫm một mực thành tâm trị vì thiên hạ nên thường cảm thấy hổ thẹn cho những Hoàng đế trong quá khứ thích dùng quyền mưu để đối đãi với chúng thần tử. Kế sách của nhà ngươi tuy là tốt nhưng trẫm không muốn dùng đến.”

Trung Quốc dưới sự thống trị của Lý Thế Dân, Hoàng đế lấy mình làm gương, quan lại một lòng vị công làm tốt bổn phận. Hiện tượng lạm dụng chức quyền và tham ô hủ bại hạ xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử, nền chính trị vô cùng thanh bạch.

Coi trọng văn hóa, giáo hóa đạo đức

Đường Thái Tông rất coi trọng việc xây dựng trường học. Vì vậy trường học và chế độ giáo dục ngày càng hoàn thiện. Học phủ cao nhất trong toàn quốc là Quốc Tử Giám, bên dưới có sáu loại trường học là: quốc tử học, thái học, tứ môn học, luật học, thư học, toán học. Các cấp trường học đều lấy kinh điển Nho gia làm những mục sách nhất định phải đọc. Những ai có thành tích học tập nổi trội sẽ được gửi đến sử bộ tham gia khoa cử khảo thí.

Đường Thái Tông còn rất chú trọng biên tập thư sách và lịch sử. Ông ra lệnh tìm kiếm thư sách còn lưu lại của những học giả quá cố trong dân gian. Cuối thời nhà Tùy, tàng thư thời Tùy ở Lạc Dương chỉ còn lại 14 nghìn bộ, tổng cộng khoảng 9 vạn cuốn; nhưng đến sau khi Thái Tông lập ra Hoằng Văn Quán, tàng thư có đến hơn 20 vạn cuốn. Thái Tông hạ lệnh thành lập Quốc Sử Quán chuyên tuyển chọn biên tập lịch sử thời Nam Bắc triều cho đến thời nhà Tùy, một mặt là vì giáo dục chính thống thời Đường, mặt khác là để tiếp thụ những bài học lịch sử từ trong đó. Ngoài ra, ông còn chiêu mộ những học giả Nho gia nổi tiếng đảm nhiệm chức vụ quan dạy học. Nhờ vậy, các nhà Nho học đồng thời tề tụ về kinh thành, nhân tài liên tục xuất hiện để Thái Tông bồi dưỡng ra vô số những bậc lương đống cho quốc gia.

Đường Thái Tông vô cùng coi trọng hoằng dương Phật pháp. Ông hỗ trợ hết sức cho Đường tăng Huyền Trang đi lấy kinh, phiên dịch kinh thư. Ông còn đích thân hết lòng đàm luận về kinh thư lúc ở Lạc Dương. Điều này khiến cho Phật giáo đạt đến đỉnh điểm hưng thịnh vào giữa thời Đường. Từ thiên tử cho đến người dân bình thường đều giữ cùng một tâm thái tin tưởng vững chắc vào Phật pháp, khiến cho khí thế quốc gia thời sơ Đường cường mạnh đến kinh người. Thời kì này có nền chính trị thanh bạch rõ ràng, xã hội an định, mưa thuận gió hòa, mùa màng mỗi năm đều bội thu. Mỗi dịp đến ngày lễ tết, vua, quan và dân cùng nhau vui vẻ chúc mừng, bách tính an cư lạc nghiệp, không ai nhặt của rơi trên đường, ban đêm không đóng cửa nhà, không có trộm cắp, nhà tù trống không, thiên hạ thái bình ở ngay trước mắt.

Bởi vì là một thời kỳ như vậy nên các nước chư hầu đều phục tùng, vùng biên giới Đại Đường an định, người ở mọi tầng lớp trong thiên hạ tôn Đường Thái Tông làm “Thiên khả hãn”. Đại Đường thời đó là đế quốc duy nhất trên thế giới nhất thống thiên hạ với nền văn minh cường thịnh bậc nhất. Thủ đô Trường An là đô thị lớn trên thế giới, thương lái từ các nơi không ngừng lui tới. Trường An trở thành “vùng đất rực rỡ ánh sáng” trong tầm mắt của các bậc chí sĩ khắp nơi trên thế giới. Nhân tài hào kiệt các nước khi gặp phải hiểm nguy cũng đều cầu cứu sự che chở của Đại Đường. Chính phủ thời Đường thiết lập vùng biên giới và cửa quan rộng mở. Không ngừng du nhập văn hóa bên ngoài và nền văn minh vật chất. Khí vận thịnh thế như thế này quả là một hiện tượng vô cùng hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc.

Năm 649 SCN, Đường Thái Tông băng hà ở Hàm Phong Cung, hưởng thọ 52 tuổi, lấy hiệu là Văn võ đại thánh đại quảng hiếu hoàng đế. Ông là một người tận tâm tận lực yêu dân như con, văn thao võ lược, anh dũng hơn người, có khả năng khai sáng sự nghiệp và tài năng giữ vững cơ nghiệp của tiền nhân, đúng là “thiên cổ nhất đế” (vị hoàng đế vĩ đại qua mọi thời đại). Về sau nhà sử học Châu Dực đời Minh tán thưởng Thái Tông rằng: “Từ ba thế hệ trở xuống, Đường Thái Tông là vị vua vừa khai sáng sự nghiệp vừa giữ vững cơ nghiệp đời trước, các triều đại Văn Cảnh thời Hán, Quang Vũ, Chiêu Tuyên đều không sánh kịp.”

3. Khang Hy Đại Đế tài năng và mưu lược kiệt xuất

Vua Khang Hy, Ái Tân Giác La Huyền Diệp sinh ngày 18 tháng 3 năm Thuận Trị thứ 11. Ông là hậu duệ của tộc người Mãn Châu, Mông Cổ và người Hán. Khang Hy là một trong số ít những vị vua trị quốc vừa là nhà chính trị, học giả đa tài đa nghệ. Suốt đời tận tâm tận lực học hỏi, học vấn tri thức uyên bác. Ông tinh thông về phương diện khoa học tự nhiên có số học, thiên văn, lịch pháp, vật lý, địa lý, nông học, y học, kĩ thuật công trình; về phương diện văn hóa giáo dưỡng lễ nghĩa có kinh, sử, tử, tập; về phương diện nghệ thuật có thanh luật, thư pháp, thi họa. Ông có những công trình nghiên cứu và đã viết khoảng 890 quyển sách liên quan đến luận thuật về khoa học tự nhiên. Ông đích thân thẩm định nhiều loại thư tịch về phương diện lịch sử và tinh thông nhiều loại ngôn ngữ dân tộc.

2007-4-11-kangxi--ss.jpg

Ảnh Khang Hy Đại Đế

Vào lúc Huyền Diệp hai ba tuổi phải ra khỏi cung để tránh dịch bệnh đậu mùa, lúc bốn năm tuổi mắc bệnh rơi vào tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc nhưng đã sống sót qua được kiếp nạn. Thời thơ ấu Huyền Diệp luôn bị phụ hoàng bỏ bê. Phụ hoàng của ông không có tâm sức cũng không có thời gian để chăm sóc ông, không có cho ông sự quan tâm và giáo dục đầy đủ. Lúc tám tuổi, Huyền Diệp đau khổ khi phụ hoàng qua đời, lúc mười tuổi thì mẫu thân qua đời. Sau khi Đông thị tạ thế, Huyền Diệp ở bên linh cữu suốt cả ngày đêm, bi thống khóc thương, nước mắt giàn giụa, người thân trong hoàng thất ai nấy nhìn thấy nghe thấy đều cảm động. Nhưng đối diện với nghịch cảnh, Huyền Diệp không hề yếu đuối, đánh mất dũng khí mà rút lui; ngược lại ông lấy đó làm động lực tu thân, chuyên tâm học tập, ma luyện ý chí để kiến lập nền tảng vững chắc cho đạo lý trị quốc về sau.

Sau khi Khang Hy tự mình chấp chính, trong nội bộ Thanh triều xuất hiện sự ổn định tương đối. Tuy nhiên, hình thế trong nước vẫn còn vô cùng hiểm ác. Phía Nam có Tam Phiên tự xưng vương, phía Tây có phản loạn Cát Nhĩ Đan, tự xưng vương của họ Trịnh ở Đài Loan v.v. Những sự tình này bày ra trước mặt Khang Hy. Khang Hy với tầm nhìn rộng, sự dũng cảm và mưu lược siêu phàm của bản thân mình cùng sự trợ giúp của những đại thần trung thành, ông đã khai sáng ra một vương triều thịnh thế.

Về gốc rễ của việc trị quốc, Khang Hy đã lựa chọn tư tưởng Nho gia. Khang Hy từ nhỏ đã dành trọn tình cảm nồng hậu cho học thuyết của Nho gia. Ông cho rằng: “Việc giác ngộ ý đạo lý là không có giới hạn, vui vẻ mà làm chứ không phải vì để mệt mỏi, khổ đau.” Có thể thấy rõ Thanh triều sẽ hợp nhất cách trị quốc và thừa hưởng tư tưởng học thuật của Nho gia, lấy học thuyết Nho gia làm cái gốc của trị quốc.

Việc Khang Hy tín phụng tư tưởng Nho gia là do chịu nhận sự ảnh hưởng từ tổ mẫu. Ông cũng có nghiên cứu về tư tưởng của Phật gia. Mỗi lần thiên hạ phát sinh tai họa, Khang Hy thường xem đó là lời cảnh cáo cho người đương quyền. Ví như năm Khang Hy thứ 18 phát sinh động đất, Khang Hy đã hạ chiếu chỉ: “Trẫm tự mình không có đức, trị vì chưa hòa hợp nên trận động đất này là lời cảnh báo.” Chính vì vậy mà ông đã yêu cầu quan viên bên dưới tự mình phản tỉnh, liêm khiết. Năm Khang Hy thứ 26, thiên hạ đại hạn hán. Khang Hy hạ chiếu rằng đây đều là do bản thân mình thiếu khuyết đạo đức “không thể hòa hợp với ý chí của Thượng Đế” mà tạo thành.

Ở phương diện dùng người, Khang Hy tuyển chọn người hiền có tài năng và phẩm chất đạo đức, dùng một lượng lớn thanh quan dám nói những lời chân thực. Khang Hy có nhận thức vô cùng thanh tỉnh về phương diện dùng người. Ví như, vào năm Khang Hy thứ 26, Khang Hy nói: “Thời Nghiêu Thuấn, cả nước tu dưỡng mọi sự thuận hòa, đâu đâu cũng cẩn trọng, không dám bình luận mà tự có trị an. Hiền vương Hán Văn Đế, Giả Nghị chỉ rõ nói rõ về đúng sai thành bại, ngôn từ thẳng thắn khuyên can. Hiện giờ chỉ nói chủ thánh thần hiền, chính trị không chút thiếu sót, làm sao có thể nói trong nước không có việc gì!” Ông yêu cầu các đại thần tận tâm làm tốt chức vụ, xem việc nước như việc nhà.

Về kinh tế, Khang Hy cho rằng “Nhà nhà đủ ăn, người người sống sung túc, sau là cứu giúp cho đời”. Ông liên tục giảm nhẹ lao dịch, thực hiện chính sách cho người dân nghỉ ngơi, đồng thời thi hành một loạt chính sách thể hiện được sự nhân ái của ông. Điều thứ nhất là phế bỏ “quyển điền lệnh”, phế bỏ đặc quyền về ruộng đất ở châu huyện và thành thị của quý tộc Mãn Thanh, lấy ruộng đất cho bách tính canh tác trồng trọt. Điều thứ hai là kéo dài thời gian miễn thuế khai hoang để khuyến khích nông dân tích tực khai hoang, gia tăng nhanh chóng diện tích đất trồng trọt. Điều thứ ba là thực hành chính sách đặt tên đất, đối với đất trồng của nông dân vốn thuộc về đất đai của tông thất nhà Minh thì Khang Hy hạ lệnh cho nông dân không cần trả tiền ruộng đất, canh tác như trước không có thay đổi. Điều thứ tư là cải cách chế độ lao dịch, vì để phòng tránh quan viên địa phương tự ý thu thuế vượt mức và bảo đảm nguồn thu thuế của quốc gia, Khang Hy cho thi hành và không ngừng thay đổi nhiều biện pháp. Ngoài ra, Khang Hy còn xem trọng tu sửa các công trình thủy lợi, dốc sức tu trị khôi phục sông Hoàng Hà và sông Hoài, tạm thời điều hòa trung lưu và hạ lưu sông Hoàng Hà, đẩy lùi sự đe dọa về nạn lũ lụt ở các nơi trong nhiều năm, bảo vệ đất trồng trọt của bách tính.

Về quân sự, bước đầu hình thành cách dụng binh vừa đánh dẹp vừa an ủi vỗ về, phương châm thống nhất lấy đức phục chúng, gọi là “loạn thì công bố tội trạng dụng binh thảo phạt, trị quốc thì vỗ về bồi dưỡng giúp người dân phục hồi cuộc sống”, “kính ngưỡng thiên đạo, thấu hiểu nhân tình, lấy vạn bất đắc dĩ làm cách dụng binh”. Khang Hy cho rằng: “Đế vương trị thiên hạ tự có căn nguyên, không đơn giản là chỉ phụ thuộc vào những khó khăn trúc trắc”, “Đạo giữ lấy quốc gia không chỉ là ở tu đức an dân, lòng dân vui vẻ là cái gốc của quốc gia, mà còn làm kiên cố vùng biên cương xa xôi, cũng là cái gọi là lòng dân một hướng kiên cố như tường thành vậy.”

Về văn hóa, Khang Hy nhấn mạnh phục hưng lễ giáo, lấy hiếu đạo trị quốc cảm hóa lòng dân. Vào năm Khang Hy thứ 18, ông từng hạ chiếu: “Thời thịnh trị làm một dư ba. Lúa gạo đầy kho mà lễ giáo hưng thịnh, không chút lo lâu về lũ lụt hạn hán. Một người dân bình thường không biết đến tích lũy, mùa màng thất thu và di cư là gì. Sĩ phu thực hành tiết kiệm giáo hóa dân chúng, dùng lễ khi ăn, nghĩ đến việc thiện lương, quan lại được cậy nhờ.”

Dưới sự đề xướng của Khang Hy đã thu thập hơn 49 nghìn chữ Hán biên tập ra quyển “Khang Hy Tự Điển” và 180 quyển “Đại Thanh Hội Điển”, 160 quyển “Bội Văn Vận Phủ”, 120 quyển “Lịch Đại Đề Họa Thi Loại”, 90 quyển “Kim Đường Thư”. Ông còn cho kí họa 10 nghìn quyển “Kim Cổ Đồ Họa Tập Thành”.

Khang Hy vận dụng chính sách “dùng hiếu đạo trị thiên hạ”, yêu cầu mỗi vương công đại thần Mãn tộc phải đọc thành thạo “Hiếu Kinh”, dốc sức nêu ra bài học giáo huấn cổ xưa về “vương triều lấy hiếu đạo trị thiên hạ”. Quy định cho tú tài và các tộc trưởng trong làng vào ngày mồng một và mười lăm của mỗi tháng phải giảng giải thông đọc “Hiếu Kinh” và “Thánh dụ quảng huấn” để giáo dục con cháu, hồng dương kính lão và phong tục thời xưa. Năm Khang Hy thứ mười hai (1713) cử hành “Thiên sưu yến” (bữa tiệc nghìn bát cơm), số người tham gia vào yến tiệc đạt đến hơn vạn người.

Hoàng đế Khang Hy học rộng hiểu nhiều. Ông không chỉ thành thạo các kinh điển Nho gia, nghiên cứu đối với kinh học, sử học, văn học và nghệ thuật v.v. mà còn có niềm đam mê sâu sắc đối với khoa học tự nhiên như toán học, thiên văn, địa lý, quang học, y học, giải phẫu học v.v. Dưới chính sách khai thông rộng mở vào thời Khang Hy, một nhóm giáo sĩ đã truyền bá vào Trung Quốc tri thức khoa học tự nhiên của phương Tây và giáo lý của Cơ Đốc giáo. Cũng vào thời kì này, thiên văn học, số học, y học (ví như phổ biến tiêm vaccine phòng chống bệnh đậu mùa), giải phẫu học v.v. được giới thiệu đến Trung Quốc. Hoàng đế Khang Hy ôm giữ niềm đam mê sâu sắc với việc học hỏi văn hóa đến từ phương Tây, đồng thời ông cũng quan tâm chú ý đến sự phát triển khoa học kỹ thuật của phương Tây. Có thể xếp ngang hàng với Khang Hy Đại Đế về phương diện này vào thời đó thì chỉ có Sa hoàng của nước Nga.

Khang Hy tại vị 60 năm, những thành tựu về chính trị và quân sự của ông không ai có thể sánh được. Ông khai sáng ra thời thịnh thế Khang Hy – Càn Long. Triều Thanh trở thành đế quốc có bờ cõi rộng lớn bậc nhất trên thế giới thời đó, dân số đông đúc, kinh tế giàu có bậc nhất. Trải qua sự trị vì cho đến thời giữa những năm Khang Hy về sau, xã hội triều Thanh xuất hiện cảnh tượng “thịnh thế”. Bách tính an cư lạc nghiệp, kinh tế trù phú. Người thời đó gọi là “kẻ sĩ coi sóc về thi lễ, người dân chăm lo cày cuốc, ban đêm nghỉ ngơi không lo trộm cắp, ban ngày không dùng đến hình phạt mà an tĩnh, ca hát khắp nẻo đường đi, thành thị tấp nập thương lái. Vượt núi vượt biển, làng mạc ban ngày nghỉ ngơi ban đêm tắm trăng, vui mừng đông đúc, không nơi nào là không vươn đến.”

Năm 1722, Khang Hy Đại Đế tạ thế vì đau ốm, hưởng thọ 68 tuổi. Có thể nói Khang Hy làm một vị vua thánh đức suốt cả một đời. Đạo làm vua thể hiện ở việc cẩn trọng khi trị quốc, nhân ái và khoan dung. Trong “Thanh Sử Cảo” có bình phẩm về hoàng đế Khang Hy như sau: Thánh tổ nhân ái hiếu nghĩa, trí dũng trời ban. Sớm kế thừa đại nghiệp, chuyên tâm trị quốc, yêu mến bách tính. Dùng văn võ đức hạnh trị vì quốc gia, nhất thống hoàn vũ, giữ vững cơ nghiệp tiền nhân, đồng thời khai sáng triều đại thịnh thế. Học vấn cao thâm, sùng Nho trọng Đạo. Thông hiểu đạo lý vô cùng của sự vật, tấm lòng khoáng đãng kết nối giữa trời và con người trước nay chưa từng có. Đạo xưa đã thành, cải biến phong tục, thiên hạ chung vui thái bình. Hòa vào cảnh tượng thịnh thế thời Khang Hy khiến hậu nhân ngưỡng mộ không thôi. Có vở kịch từng viết rằng: “Làm vua trăm họ phải đạt đến cảnh giới nhân đức”, “Đạo thịnh đức chí thiện, không thể bỏ qua bách tính.” Thật đáng để cảm khái!

Lịch sử như vật đổi sao dời, trong một cái chớp mắt đã bước qua năm nghìn năm. Trong những năm tháng ngắn ngủi tưởng chừng như dài đằng đẵng, trên vũ đài lớn nơi Trung Hoa đại địa mỗi triều đại lần lượt qua đi từ Tần Hoàng, Hán Vũ, cho đến Thái Tông, Tống Tổ. Tuy thời khắc tấm màn sân khấu hoán chuyển không giống nhau nhưng mỗi triều mỗi đại đều vì hậu nhân mà lưu lại văn hóa xán lạn rực rỡ. Có phục trang mỹ lệ, có lễ nghĩa rộng lớn, một tác phẩm quy mô to lớn năm nghìn năm kì thực giống như một vở kịch lớn giáo hóa con cháu Hoa Hạ về việc làm người. Trong “Lễ Ký, Lễ Vận” viết rằng: “Đại Đạo hành, thiên hạ vị công, lựa chọn hiền đức tài năng, giảng tín tâm tu luyện quan hệ giữa người với người.”

Khắc chế bản thân tín phụng công, nhân, tín, lễ, nghĩa, tóm lại đó chính là thể hiện của cảnh giới đạo đức. Đại Đạo vốn dĩ tồn tại vĩnh hằng ở đó, bất biến bất động. Những thứ biến hóa chính là nhân tâm và đạo đức, lệch rời khỏi Đại Đạo sẽ bắt đầu loạn lạc và suy vong. Quay trở về với Đại Đạo thì thế gian theo đó mà hành, sẽ xuất hiện sự cường thịnh và sung túc. Vậy nên, Khổng Tử từng nói: “thuật nhi bất tác” (thuật lại lời của tiền nhân chứ không chế tác ra điều mới). Ông chỉ là thuật lại đạo lý mà Thần truyền cho con người, khiến cho con người thông qua việc tự nhìn lại bản thân và tự tu để đạt được nó. Có lẽ chúng ta sẽ không cách nào với tới những thành tựu vĩ đại của các bậc quân vương, nhưng mỗi người chúng ta đều có thể theo đuổi đạo lý làm người tu nội mà an ngoại của họ. Nếu như ai ai cũng có thể phân rõ thị phi, thiện ác, nhìn thấu nhân quả, tự ước thúc tâm tính thì văn hóa đảng ắt sẽ giải thể, đạo đức hồi thăng, văn hóa phục hưng, chính đạo ở nhân gian bắt đầu từ đây!


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/11/13/249245.html

Đăng ngày 26-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share