Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-02-2019] Tôi là một đệ tử Đại Pháp vừa bắt đầu học đại học. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn 10 năm.
Đại Pháp đã cho tôi một thân thể khỏe mạnh
Khi còn nhỏ, tôi mắc đủ loại bệnh tật và thường xuyên phải đi bệnh viện. Tôi thường xuyên bị ho khan, hen suyễn, và viêm phổi. Khi ấy, ông bà tôi phải ẵm bế tôi cả ngày. Đến tuổi đi mẫu giáo, thân thể tôi quá yếu nên không thể đi lớp được.
Cả ông và bà tôi đều tu luyện Đại Pháp, vì vậy họ đã dạy tôi đọc sách Chuyển Pháp Luân, học thuộc thơ Hồng Ngâm, và luyện công mỗi ngày. Tôi nghĩ có lẽ tôi có duyên phận rất sâu với Đại Pháp. Tôi có thể học thuộc lưu loát Hồng Ngâm, Hồng Ngâm II, và ngồi song bàn được một tiếng đồng hồ. Mỗi khi có thời gian, ông bà đều học Pháp và luyện công cùng tôi. Nhờ vậy, sức khỏe của tôi dần dần có chuyển biến. Khi tôi được năm tuổi, tất cả các vấn đề về sức khỏe của tôi đều biến mất. Từ một đứa trẻ rụt rè không dám bước đi, tôi đã trở thành một bé gái hoạt bát.
Tránh được chấn thương một cách thần kỳ
Một hôm, tôi đang chơi lộn nhào ở trên giường thì vô tình bị ngã vào chiếc tủ quần áo ở đầu giường khiến cho cửa kính của tủ quần áo bị vỡ một miếng lớn. Tôi bị lộn ngược trong tủ quần áo, cổ tôi nằm trên tấm kính vỡ vụn bên dưới, còn gáy tôi bị miếng kính ở phía trên rơi trúng nhưng tôi không bị đau. Ông bà tôi đã đưa tôi ra ngoài một cách cẩn thận. Sau khi dọn dẹp những mảnh vỡ thủy tinh, họ không tìm thấy một vết xước nào trên người của tôi.
Đó là một ngày hè nóng nực, tôi chỉ mặc một chiếc áo cộc tay và một chiếc quần đùi. Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp thì hậu quả khó có thể tưởng tượng nổi. Thật sâu trong tâm, tôi vô cùng biết ơn Sư phụ và Đại Pháp, tôi biết rằng Đại Pháp thực sự rất đặc biệt.
Từ trước khi đi học tiểu học, tôi đã học Pháp, luyện công, và ra ngoài dán áp phích chân tướng cùng với ông bà vào mỗi tối sau khi làm xong bài tập về nhà.
Một lần, tôi muốn dán thông tin chân tướng trên bảng tin bên ngoài cửa của một khu dân cư, thế nhưng gần đó có vài đứa trẻ đang chơi. Vì vậy, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp tôi mang những đứa trẻ đó đi chỗ khác để tôi có thể dán chân tướng ở đó. Ngay khi tôi vừa xuất ra niệm này, những đứa trẻ đã được gọi về nhà.
Giữ vững tâm tính và nhẫn chịu khổ nạn
Vào ngày đầu tiên của năm học lớp ba, giáo viên chủ nhiệm bảo tôi thu của mỗi bạn một tệ tiền phí điện thoại. Tôi đã nộp toàn bộ số tiền cho thầy giáo trừ một tệ của tôi, bởi vì thầy còn nợ tôi một tệ. Và tôi đã không suy nghĩ gì về điều này.
Trong giờ học, thầy giáo nói với cả lớp: “Thầy bị thiếu một tệ. Có bạn nào không nộp tiền không?” Tôi giơ tay lên và nói: “Con không nộp ạ.” Thầy giáo bắt tôi đưa tay ra và đánh một roi vào tay tôi. Tay tôi bị thương và chảy máu, tôi đau đến nỗi suýt ngất xỉu. Sau đó, thầy ném vở bài tập của tôi xuống đất và bắt tôi viết lại.
Thầy giáo cũng tuyên bố hủy bỏ chức lớp trưởng của tôi và toàn bộ các danh hiệu danh dự khác. Tôi còn bị phạt đứng trong suốt tiết học. Tôi khóc liên miên nhưng không kêu than một tiếng nào.
Sau khi tan học, các bạn vây xung quanh tôi bởi các bạn biết rõ tôi là người như thế nào. Tôi đã từng nhặt được 13 tệ và giao nó cho giáo viên. Tôi cũng từng nhặt được tiền trên đường và đã quyên góp cho những người già bị tàn tật. Vì vậy, các bạn của tôi biết rằng phải có lý do nào đó nên tôi mới không đóng một tệ cho thầy giáo. Các bạn bảo tôi hãy đi mách thầy hiệu trưởng.
Tôi đã kiềm chế bản thân và cố gắng bất động tâm, bởi vì tôi tin vào Đại Pháp. Sư phụ giảng:
”Khi nghiệp lực đang trong quá trình chuyển hoá, để có thể giữ vững bản thân—chứ không biểu hiện như người thường vốn hay làm sự tình tệ hơn—thì bình thường chúng ta [luôn] phải bảo trì tâm từ bi, tâm thái hoà ái. Khi đột nhiên gặp một vấn đề nào đấy, thì chư vị sẽ có thể xử lý nó được tốt. [Nếu] thông thường toàn tâm của chư vị luôn hoà ái từ bi như thế, [thì] khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, [để] cân nhắc thêm. [Còn nếu] trong tâm cứ luôn nghĩ đến tranh [đấu] với người khác, đấu [tranh] này khác, [thì] tôi nói rằng hễ gặp vấn đề là chư vị liền gây sự với người ta; đảm bảo là như vậy. Do đó [khi] chư vị gặp mâu thuẫn nào đấy, [thì] tôi nói rằng [đó] là để vật chất màu đen của bản thân chư vị chuyển hoá thành vật chất màu trắng, chuyển hoá thành đức.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nghe theo lời dạy của Sư phụ, giữ vững tâm tính, và vẫn đối đãi với giáo viên chủ nhiệm với thái độ bình hòa. Trong vòng chưa đầy một tuần, kỷ luật của lớp trở nên lộn xộn, lớp phó không thể quản được lớp.
Ít hôm sau, giáo viên chủ nhiệm nói chuyện riêng với tôi: “Hay em vẫn làm lớp trưởng nhé. Các danh hiệu trước kia vẫn là của em.”
Thời gian này, nhà trường tổ chức chụp ảnh cho cán bộ lớp và các học sinh ưu tú. Giáo viên chủ nhiệm của tôi bảo tôi đi chụp ảnh với các bạn và còn mượn cho tôi một bộ đồng phục. Sau đó, thầy còn dán ảnh của tôi vào bảng vàng danh dự của nhà trường. Tuy nhiên, tôi cảm thấy không thoải mái, và tôi không thể hiểu điều đó. Thầy đã đánh tôi trước mặt các bạn và làm tổn thương tôi, sỉ nhục tôi. Nhưng bây giờ thầy lại lợi dụng tôi để giải quyết các vấn đề của thầy. Càng nghĩ về điều này, tôi càng trở nên tức giận.
Sau đó, tôi nhớ lại một đoạn Pháp của Sư phụ:
“…trong lúc mâu thuẫn, thì có động chạm đến vấn đề chuyển hoá nghiệp lực; do đó chúng ta khi đối xử [với trường hợp] cụ thể, cần phải có phong thái cao, chứ không như người thường.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Một lần nữa, những lời giảng của Sư phụ lại thức tỉnh tôi. Tôi sẽ không bị vướng vào việc thầy chủ nhiệm đúng hay sai nữa. Ngày hôm sau, vị trí lớp trưởng của tôi được phục hồi và mọi thứ trở lại bình thường. Cuối học kỳ, thầy chủ nhiệm đã viết một lời phê trong cuốn sổ liên lạc của tôi: “Em là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc, có phẩm chất tốt, và rất khiêm tốn. Em là trợ thủ đắc lực của tôi!”
Sư phụ giảng:
” Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Không bao giờ giải đãi trong tu luyện
Thời gian học cấp hai và cấp ba, tôi lấy cớ là chương trình học nặng và có nhiều bài tập về nhà nên đã buông lỏng học Pháp và tu luyện. Tôi đã cư xử như một người thường. Thành tích học tập của tôi bắt đầu bị đuối và tôi cảm thấy rất căng thẳng. Tôi không thể cân bằng giữa việc học tập và học Pháp. Khi học Pháp, tôi cứ cảm thấy việc này làm trễ nải việc học tập của mình. Kết quả là, tôi đã buông lỏng tu luyện và đã bị trượt kỳ thi vào đại học. Vì vậy, tôi quyết định học thêm một năm nữa để thi lại đại học.
Dưới sự đốc thúc của ông bà, tôi đã hướng nội và đọc lại Kinh văn “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp” của Sư phụ. Việc này đã giúp tôi minh xác về tầm quan trọng của học Pháp và luyện công. Mỗi thứ Bảy về nhà, tôi tự ước thúc bản thân đọc một bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân cho dù tôi có bao nhiêu bài tập về nhà đi nữa. Nhờ vậy, Sư phụ đã ban cho tôi trí huệ. Và sau một năm học lại, tôi đã có thu hoạch rất lớn. Tôi đã có thể lý giải tốt hơn những Pháp lý mà Sư phụ giảng, và thành tích học tập của tôi cũng tăng lên rất nhanh. Khi tham gia kỳ thi đại học năm 2018, tôi không hề cảm thấy căng thẳng. Cuối cùng, tôi đã thi đậu vào một trường đại học lý tưởng và trúng tuyển vào chuyên ngành mà tôi đã lựa chọn. Con xin tạ ơn Sư phụ vì đã ban cho con những điều tốt nhất!
Hiện tại, tôi vẫn còn rất nhiều nhân tâm chưa tu bỏ, nhưng tôi nguyện sẽ chính lại bản thân trong Pháp. Cho dù cuộc bức hại có nghiêm trọng thế nào, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ tu luyện. Tại thời điểm cuối cùng này, tôi sẽ không buông lỏng bản thân và bê trễ trong tu luyện, tôi sẽ luôn hướng nội, bắt kịp tiến trình Chính Pháp, không ngừng tinh tấn và theo Sư phụ trở về nhà.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/9/382075.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/26/178590.html
Đăng ngày 07-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.