Bài viết của Mạt Lỵ, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-06-2019] Tôi sinh ra ở Trung Quốc trong một gia đình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Mẹ tôi là một học viên. Cha tôi không tu luyện và cũng không phản đối Đại Pháp. Nhưng có những lúc ông can nhiễu không cho mẹ tôi đi học Pháp nhóm.
Tôi luôn sợ rằng mẹ tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu người ta phát hiện ra đức tin của bà. Tuy nhiên, mối đe dọa bị bắt dường như chưa bao giờ khiến bà lo lắng. Bà luôn tích cực nói cho mọi người biết về Pháp Luân Đại Pháp. Bà đã từng chạm trán với các quan chức chính quyền nhưng đều may mắn vượt qua. Rất nhiều người đã dần tin tưởng Đại Pháp thông qua phẩm hạnh của bà.
Tôi có một kỷ niệm rất sống động từ thời thơ ấu. Một ngày kia, trong lúc đang đọc Hồng Ngâm với mẹ, nước mắt của tôi tự nhiên chảy trên khuôn mặt. Cảm thấy kỳ lạ nên tôi đã hỏi bà: “Tại sao nước mắt của con cứ rơi khi con không cảm thấy muốn khóc?” Bà nói: “Phần biết của con đang khóc vì mừng cho con, vì con đang đọc sách Đại Pháp.”
Khi còn học tiểu học, thỉnh thoảng tôi có đi ra ngoài với mẹ vào ban đêm để phân phát tài liệu về Đại Pháp. Nhưng khi tôi mang những tờ tài liệu này đến trường và đưa cho các bạn cùng lớp thì tất cả họ đều chế giễu tôi.
Tôi không tài nào hiểu được lý do tại sao mẹ tôi lại chấp nhận mạo hiểm chỉ để phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi chỉ mơ hồ hiểu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bức hại Pháp Luân Đại Pháp và rằng họ đang bắt giữ các học viên. Hồi còn nhỏ tôi chỉ giảng rõ chân tướng về Đại Pháp hai lần cho những người bạn thân của mình. Nhưng cả hai lần đó tôi đều khóc, tôi không biết tại sao mình lại khóc, những người bạn của tôi nửa tin nửa ngờ, cũng có hoàn toàn không tin. Sau đó tôi không bao giờ cố gắng nói chuyện với các bạn về Đại Pháp hay cuộc bức hại nữa.
Có lẽ vì được Sư phụ bảo hộ, nên tôi đã có một tuổi thơ rất hạnh phúc và lớn lên trong một môi trường được dạy dỗ. Ở trường điểm số của tôi ở mức trung bình một phần vì tôi cảm thấy những gì được nói trong lịch sử và sách giáo khoa chính trị không đúng, và một phần khác vì tôi không thể học thuộc lòng nội dung cho dù tôi có cố gắng như thế nào. May mắn thay việc đó giúp tôi không bị tẩy não bởi những tuyên truyền độc hại của ĐCSTQ.
Thỉnh thoảng tôi có đọc sách Chuyển Pháp Luân, nó dường như giúp tôi bớt bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng mà hệ thống giáo dục Trung Quốc áp lên giới trẻ Trung Quốc. Nhưng tôi không hiểu hay nhớ bất cứ thứ gì từ các sách Đại Pháp mà tôi đã đọc.
Điểm số của tôi cải thiện hơn vào những năm cuối học trung học. Những học sinh tốt nghiệp trung học ở thị trấn của chúng tôi rất tự hào nếu họ được nhận vào một trường đại học hạng hai, vì thế tôi không bao giờ có bất kỳ tham vọng nào để vào một trường đại học hạng nhất. Tuy nhiên vào cuối năm thứ hai trung học (lớp 11), một giáo viên nghệ thuật đã đến [trường tôi] tuyển sinh. Ước mơ học mỹ thuật của tôi trỗi dậy.
Để giúp tôi thực hiện giấc mơ của mình, mẹ tôi đã tìm một công việc khác và gửi tôi vào một trường trong thành phố để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào trường mỹ thuật. Đây là lần đầu tiên tôi có thể thoát khỏi những đòi hỏi khắt khe của hệ thống giáo dục học vẹt của Trung Quốc và theo đuổi tình yêu nghệ thuật của mình. Đó là một năm đầy ý nghĩa đối với tôi, khi tôi vừa đồng thời phải chịu những cực hình nhồi nhét cho kỳ thi tuyển sinh đại học, và vừa có thể tự do theo đuổi giấc mơ mỹ thuật của mình. Một lần nữa, nhờ Sư phụ chăm sóc và bảo hộ, tôi đã đậu vào một trường đại học hàng đầu nằm trong tốp 100 ở Trung Quốc. Đó là trường đại học tốt nhất mà người ở thị trấn của tôi có thể vào được.
Bất cứ ai từng học qua hệ thống đại học ở Trung Quốc đều biết rằng ngay cả trong những trường đại học tốt nhất, mục tiêu cuối cùng của hầu hết các sinh viên là đạt được thành công trong sự nghiệp và có kinh tế. Ở trường các sinh viên không được dạy về đạo đức hay luân thường đạo lý, đôi khi họ còn được dạy ngược lại.
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp
Mặc dù mẹ tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được nhiều năm và tôi luôn biết rằng Đại Pháp là tốt, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự tu bản thân. Tuy nhiên, một lần suy xét nghiêm túc để tìm câu trả lời đã thay đổi cuộc đời tôi.
Vào năm thứ ba đại học, trong lúc đang ở nhà nghỉ hè, tôi nhận ra những chủ đề mà bạn bè và người thân xung quanh tôi thảo luận chỉ tập trung vào tiền bạc, hôn nhân hoặc nhà cửa. Tôi hoang mang và nghĩ, hẳn phải có những chủ đề quan trọng hơn. Nhân sinh có ý nghĩa gì nếu tiền bạc, hôn nhân hay nhà cửa là thứ quan trọng nhất? Sinh, lão, bệnh, tử rốt cuộc là vì điều gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? Tôi tiếp tục suy nghĩ về những câu hỏi này. Quyết định tìm kiếm câu trả lời, tôi thậm chí đã nói chuyện với một người bạn nhưng anh ấy cũng bị bối rối.
Tôi không ngừng tìm kiếm câu trả lời. Cuối cùng vào một buổi tối nọ, tôi đã mở cuốn Chuyển Pháp Luân của mình ra, cuốn sách mà tôi đã không đụng đến từ rất lâu rồi. Luận Ngữ cũ đã được thay mới vì thế tôi đã đọc Luận Ngữ mới. Tôi khá hoài nghi và đã hỏi mẹ về điều đó. Tôi không thể nhớ điều mẹ đã nói với tôi nhưng tôi sẽ không bao giờ quên phản ứng của mình và những biến động cảm xúc mà tôi đã trải qua. Nút thắt trong tâm tôi đột nhiên được mở ra và mọi vấn đề đều tan biến. Tôi đã khóc hơn nửa tiếng đồng hồ. Đây chính là câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm. Tôi lớn lên được Sư phụ dạy dỗ và bảo hộ, vậy mà tôi lại không nhận ra Ngài. Tôi muốn nói với mọi người rằng tôi biết ai có câu trả lời về ý nghĩa nhân sinh!
Tôi tự hỏi tại sao mình phải mất thời gian lâu đến vậy để tìm ra Đại Pháp.
Tôi bắt đầu luyện năm bài công pháp và đọc Chuyển Pháp Luân cùng các bài giảng khác của Sư phụ. Dần dần tâm trí tôi được khai mở và tôi bắt đầu đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc cho mình. Tôi cũng bắt đầu nhận ra được tầm quan trọng của việc giảng rõ chân tướng về Đại Pháp. Lúc đầu, tôi nói chuyện với mấy người bạn cùng phòng của mình. Tất cả họ đều tin những điều tôi nói vì tâm tính của tôi tốt và họ cũng đã thoái Đảng. Sau đó tôi tìm ra trang Minh Huệ, trong đầu tôi lóe lên ý muốn đi du học. Tôi muốn được tham gia làm các hạng mục Đại Pháp ở bên ngoài Trung Quốc. Tôi bắt đầu đọc về những sự kiện bên ngoài Trung Quốc bằng cách sử dụng phần mềm vượt tường lửa Freegate.
Tôi đã vô tình sử dụng địa chỉ email của mình ở Trung Quốc để gửi thư đến Học viên Nghệ Thuật Phi Thiên. Email của tôi bị chặn và tôi bị lãnh đạo trường Đại học tra hỏi vì cảnh sát đã báo về việc tôi truy cập vào trang web Minh Huệ. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là không để gia đình bị liên luỵ và chuẩn bị tinh thần cho việc bị bức hại. Khi giáo viên cố vấn hỏi tôi lý do tại sao lại truy cập vào trang Minh Huệ, ông ấy bỏ qua vấn đề về Pháp Luân Công và cho rằng có thể tôi đã truy cập các trang web ở nước ngoài vì muốn tìm hiểu về du học và đã vô tình đi vào trang web Minh Huệ.
Giáo viên cố vấn yêu cầu tôi hứa sẽ không tiếp tục sử dụng phần mềm vượt tường lửa Freegate để đột phá phong toả Internet của Trung Quốc nữa và ngừng truy cập vào các trang web như Minh Huệ. Tôi cũng bị cấm không được ra nước ngoài trong khi vẫn còn đang theo học trong trường đại học. Trong tình huống khó khăn, tôi đã ký tuyên bố chính thức trên giấy vì tôi nghĩ việc đó cũng không sao vì tôi không nói bất cứ điều gì xấu về Đại Pháp và cũng chỉ là một lời hứa không tiếp tục truy cập vào các trang web bên ngoài Trung Quốc. Tôi thậm chí còn nghĩ rằng mình đã giải quyết được vấn đề một cách nhẹ nhàng – đó chỉ là lệnh cấm trong hai năm và bố mẹ của tôi không bị liên lụy. Sau đó tôi mới phát hiện ra việc tôi ký vào bản tuyên bố đồng nghĩa với việc tôi đã khuỵu gối trước ĐCSTQ. Nhờ mẹ giúp đỡ, tôi đã hủy bỏ tuyên bố đó.
Tôi đã rút ra được bài học giáo huấn và hiện tôi rất cẩn thận trong vấn đề bảo mật Internet. Vào năm thứ ba, tôi tình cờ đăng ký vào một lớp tiếng Anh. Đó là một lớp học tiếng Anh khác biệt, vì chúng tôi cần trau dồi kỹ năng nói thông qua các vở kịch. Tiếng Anh của tôi tiến bộ rất nhanh. Một năm sau, tôi học trong một lớp do người sáng lập trường dạy. Tôi đã rất ngạc nhiên bởi cách ông khuyến khích sinh viên chú trọng bồi dưỡng tư tưởng của mình và ông cũng nói về lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ theo cách tinh tế.
Sau này, tôi mới biết rằng tất cả các sinh viên trong lớp học kinh doanh của ông dường như đều hiểu rất rõ bản chất thực sự của ĐCSTQ. Bây giờ tôi đã đăng ký vào lớp học kinh doanh đó. Lớp học dạy cái mà người ta gọi là giáo dục toàn diện, ở lớp học những đề tài thường được thảo luận đến bao gồm kinh tế, lịch sử, chính trị, triết học, v.v..
Mỗi lần thảo luận về một đề tài mới, chúng tôi lại có được cái nhìn mới và sâu sắc hơn về ĐCSTQ, Mọi sinh viên đều rất quen với những lời dối trá của ĐCSTQ, gồm cả những vấn đề xung quanh cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Các sinh viên đều có quan điểm tích cực về Đại Pháp. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên. Một số thậm chí còn nói với phụ huynh của họ sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi cảm thấy Sư phụ đã an bài cho tôi tham gia lớp học này để tôi có thể tìm hiểu về thế giới bên ngoài cũng như có cơ hội kể câu chuyện của mình với tư cách là một học viên Đại Pháp. Bằng cách này, tôi đã có thể củng cố ấn tượng tích cực mà các sinh viên khác đã có về các học viên.
Bây giờ tôi đã tốt nghiệp và làm việc cho một công ty xuất bản.
Tôi chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với Sư phụ qua việc tiếp tục đề cao trong Pháp và không lưu lại bất kỳ hối tiếc nào trên con đường tu luyện. Hợp thập!
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/6/26/373307.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/15/178452.html
Đăng ngày 30-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.