Bài viết của Tiểu Châu, một học viên Pháp Luân Đại Pháp hải ngoại

[MINH HUỆ 02-03-2019] Chuyển Pháp Luân, quyển sách chính của Pháp Luân Đại Pháp được viết bằng ngôn ngữ giản dị của người thường. Trong khi ai ai cũng có thể hiểu được ngữ nghĩa trên bề mặt, thì việc đạt đến thể ngộ Pháp lý ở tầng cao hơn phụ thuộc vào chính chúng ta.

Làm thế nào chúng ta có thể học Pháp một cách hiệu quả? Kinh nghiệm của tôi là trước hết chúng ta phải kính Pháp, tĩnh tâm và sau đó buông bỏ tự ngã. Mục tiêu không phải là đọc cho nhanh mà ngộ Pháp thông qua vô cầu tự đắc. Mặc dù tôi chưa nhận thức được thêm nhiều nội hàm của Pháp, nhưng tôi xin được chia sẻ một vài thể ngộ cá nhân tại tầng thứ hiện tại của mình.

Gỡ bỏ những quan niệm khoa học để thể ngộ nội hàm của Pháp

Giống như nhiều học viên, đôi khi trong vô thức tôi nghĩ về Pháp bằng những ý tưởng khoa học và không dùng Pháp để nhìn nhận khoa học. Dường như tôi có một dấu ấn khoa học nào đó trong đầu não và nếu tôi lơ đãng, tôi sẽ đi theo dấu ấn ấy.

Trong Bài giảng thứ Nhất, Sư phụ [Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp] đã giải thích cho chúng ta tại sao luyện công mà không tăng công:

“Lấy một ví dụ, một chiếc chai đựng đầy thứ dơ bẩn, xiết nút thật chặt; ném nó xuống nước, thì nó chìm ngay đến đáy. Chư vị đổ những thứ bẩn đi, càng đổ nhiều ra thì nó lại càng có thể nổi lên cao hơn; [nếu] đổ hết [thứ bẩn] ra ngoài, [thì] nó nổi hẳn lên trên.” (Luyện công vì sao không tăng công, Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ rằng đây không phải là nói đến hiện tượng vật lý. Trong vật lý học, vật thể nổi hay chìm đơn giản nó phụ thuộc vào trọng lượng riêng của nó.

Tôi ngộ rằng Sư phụ đang giảng về Pháp, chứ không phải là về vật lý. Ngài dùng hiện tượng vật lý này để giúp chúng ta đột phá những rào cản khoa học. Trong khi khối lượng riêng của nước không bao giờ thay đổi, Đại Pháp có những biểu hiện khác nhau tại những tầng thứ khác nhau và người tu luyện sẽ ở tại nơi tầng thứ sở tại của họ.

Trong sách Chuyển Pháp Luân có nhiều đoạn như: “một số người cho rằng,” “y học hiện đại chứng minh,” “khoa học nhìn nhận rằng,” v.v… Thể ngộ của tôi rằng những từ “nhìn nhận rằng” ấy không nhất thiết là đúng. Chúng có lẽ có giới hạn và/hoặc là sai (ví dụ như học thuyết tiến hóa của Darwin).

Sư phụ dùng những từ đó trong bài giảng của Ngài để dẫn dắt chúng ta hiểu được Pháp lý đằng sau Pháp của vũ trụ. Nếu Ngài bắt đầu bài giảng ở những tầng thứ cao hơn thì người nghe sẽ khó hiểu hoặc có thể trở nên bối rối vì không phân biệt đúng hay sai ở những tầng thứ khác nhau. Các tiếp cận tương tự này có thể vận dụng vào nỗ lực giảng chân tướng của chúng ta.

Sư phụ giảng,

“Một chủng quan niệm khi đã hình thành rồi, sẽ khống chế một đời của chư vị, lèo lái tư tưởng của cá nhân ấy, cho đến cả hỷ nộ ai lạc của người ta.” (Phật tính, Chuyển Pháp Luân II)

Một điều quan trọng trong việc học Pháp là thể ngộ được nội hàm của Pháp. Để làm được việc đó, đầu tiên chúng ta cần buông bỏ những chủng quan niệm khống chế chúng ta.

Vì sao cảm thấy bất bình?

Một ngày nọ khi tôi đang đọc đến phần “Tâm tật đố” trong Chuyển Pháp Luân, đột nhiên tôi nhận thấy từ “bất bình” được nhắc đến bảy lần, và dường như lần nào ít nhiều đều chỉ thẳng vào tôi. Tôi đã không thể tách biệt chân ngã khi để cho các chủng quan niệm hậu thiên ngoan cố lèo lái.

Sư phụ giảng,

“Người thường không nhìn thấy điểm này, họ cứ cho rằng bản thân họ cần phải làm chính những gì bản thân cần làm. Do vậy họ một đời tranh đấu ngược xuôi; cái tâm ấy bị tổn thương rất lớn, cảm thấy thật khổ, thật mệt, luôn bất bình trong tâm.” (Tâm tật đố, Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Trong hạng mục Shen Yun, tôi thường xuyên nghĩ đến ai nên hoàn thành việc gì, tại sao và như thế nào. Khi hạng mục vận hành dường như không khớp với suy nghĩ của tôi, tôi sẽ cảm thấy bất bình và trở nên thụ động, bất hợp tác. Bây giờ tôi mới hiểu rõ rằng gốc rễ của cảm giác ấy căn nguyên là đến từ tâm tật đố của tôi. Chấp trước ẩn sâu dưới hình thức biện minh “tốt cho Shen Yun” đã làm tôi không dễ nhận ra.

Tôi cũng đồng thời nhận ra cảm giác khó chịu và bất bình trong tâm xảy ra trong nhiều lần là biểu hiện của tâm tật đố.

Hai ngày trước, tôi giảng chân tướng về Pháp Luân Công với một người đàn ông trung niên. Ông ấy nhìn chung là ủng hộ. Khi tôi cố gắng thuyết phục ông ấy thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc, một học viên khác đột nhiên bước đến và xen vào cuộc trò chuyện. Tôi không vui cho dù tôi biết rằng miễn là cứu người thì ai nói cũng được. Tôi không hiểu vì sao tôi không vui, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng đó chính là tâm tật đố.

Từ giác độ của người khác

Nếu có ai hỏi rằng liệu có thể đọc sách hoặc tập luyện động tác của những tôn giáo khác không, tôi sẽ nói ngay,“Dĩ nhiên là không.” Nghĩ về những câu giải đáp thắc mắc của Sư phụ, tôi thể ngộ rằng Sư phụ luôn luôn giải thích cặn kẽ nguyên nhân từ giác độ của người khác để người đó có thể dễ dàng tiếp thụ và hiểu được sự việc.

Sư phụ giảng,

“Có người hỏi tôi: ‘Sách trong tôn giáo khác, cũng như sách khí công có thể xem không?’ Chúng ta giảng, rằng sách trong tôn giáo, nhất là sách của Phật giáo, đều bảo người ta tu luyện tâm tính như thế nào. Chúng ta cũng là Phật gia, có thể nói là không thành vấn đề. Nhưng có một điều, nhiều kinh sách có những điều đã bị sai lệch trong quá trình phiên dịch, lại còn [bị] thêm vào đó rất nhiều giải thích kinh sách, [đó] cũng là đứng tại các tầng khác nhau mà giải thích, mà tuỳ tiện định nghĩa; đó chính là loạn Pháp.” (Tâm nhất định phải chính, Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Nhiều lần tôi đã không nhẫn nại và trầm tĩnh trong lúc giảng chân tướng, trong khi chia sẻ kinh nghiệm với đồng tu và thảo luận công việc với gia đình. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao. Là do tôi đã không cân nhắc từ giác độ của người khác.

Đôi khi tôi ôm giữ thái độ, “tôi nói vậy là muốn tốt cho mọi người” khi trò chuyện với gia đình nên đã không chú ý đến câu từ và ngữ điệu. Tôi thực sự không cân nhắc nhắc đến ai cả. Đó là kết quả của tầng thứ tu luyện của tôi.

Vài năm trước, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Shen Yun tại thành phố chúng tôi. Trong một buổi tập hợp chia sẻ kinh nghiệm, một học viên lớn tuổi tranh luận với người diều phối và tôi đứng về phía người học viên lớn tuổi này. Ngày hôm sau, một học viên khác nói rằng đêm trước tôi đã nói nhầm.

“Tôi đã nói sai điều gì chăng?” Tôi trầm tư. Trên bề mặt, tôi đúng khi ủng hộ học viên lớn tuổi. Nhưng cách lý giải ấy quá chật hẹp. Tôi nên nhìn nhận vấn đề dựa vào Pháp và từ giác độ của chỉnh thể.

Ôm chí lớn

Trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ dạy chúng ta tu luyện mà ôm chí lớn. Trong “Thánh giả” – Tinh tấn yếu chỉ, Sư phụ dạy chúng ta “ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết.”

Trên bề mặt, hai câu trên dường như mâu thuẫn với nhau. Kỳ thực là không. Giảng về nghiệp bệnh, Sư phụ muốn chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách khoáng đạt mà không dính mắc vào những chuyện nhỏ. Tự chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân. Nếu không, những chấp trước nhỏ sẽ trở thành vấn đề lớn.

Sư phụ giảng,

“Chúng ta có những học viên không vượt qua nổi quan [ải] nghiệp bệnh. Chư vị không cần nghĩ tới chỗ lớn. Chư vị bảo ‘Tôi không có sai lầm gì lớn, rất kiên định với Pháp’. Nhưng mà, chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể. Tà ác sẽ chui vào sơ hở, rất nhiều học viên là vì việc nhỏ mà thậm chí đã ra đi rồi, cũng quả thực đều vì những việc hết sức nhỏ bé. Là vì tu luyện là nghiêm túc, là vô lậu,” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Suy nghĩ sâu sắc về những việc “kỳ lạ”

Trong những bài giảng, Sư phụ luôn dẫn dắt chúng ta đề cao nhận thức và suy nghĩ sâu sắc khi chúng ta gặp những việc kỳ lạ. Với tôi, “suy nghĩ sâu sắc” là nghĩ về nợ nghiệp tiền sử từ nhiều đời trước và can nhiễu của cựu thế lực.

Sư phụ khuyến khích chúng ta suy nghĩ sâu sắc về những việc kỳ lạ để chúng ta có thể gỡ bỏ những chấp trước ẩn sâu. Chấp trước và nghiệp lực là tương phụ tương thành. Khi chấp trước của chúng ta bị thanh lý, Sư phụ sẽ giúp chúng ta tiêu nghiệp và đề cao nhận thức cho chúng ta.

Nhiều việc kỳ lạ đã xảy ra với tôi trong lúc tôi giảng chân tướng, chia sẻ kinh nghiệm và đối mặt với mâu thuẫn nội bộ. Đôi khi tôi lướt qua mà không suy nghĩ sâu sắc về nó. Hai ngày trước, vợ tôi dùng đũa để nấu ăn. Để cô ấy không đưa lại cho tôi chính đôi đũa ấy trên bàn ăn, tôi đã lấy đôi đũa ấy trên bếp và để vào bồn rửa.

Điều đó làm cô ấy tức giận và cô ấy bắt đầu đả kích tôi. Thật kỳ lạ vì cô ấy lại mất bình tĩnh bởi một việc nhỏ như thế. Tôi không những không chân thành xin lỗi cô ấy mà còn không giữ tâm tính và bắt đầu cãi nhau với cô ấy. Rồi tôi đột nhiên khàn giọng. Nhận ra điều này, vợ tôi ngừng phàn nàn và bắt đầu hướng nội.

Sau đó khi nghĩ lại sự việc, tôi đã nhận ra, vì tâm tranh đấu, tôi đã muốn vợ tôi phải rửa đôi đũa ấy. Tôi nghĩ rằng cô ấy sẽ phải rửa chúng khi chúng được đặt vào bồn rửa. Đó là ý nghĩ xấu. Tôi đã không cân nhắc đến cô ấy.

Phần kết

Viết bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện cũng là một phương cách để chúng ta đề cao. Sửa bài viết cũng như thế. Trong khi nói về việc tu khẩu, một học viên khác nói, “Nói lời không nên nói hoặc không nói những gì nên nói đều có thể gây ra khẩu nghiệp.” Tôi nghĩ rằng viết bài chia sẻ cũng giống như vậy.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/2/383359.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/16/176164.html

Đăng ngày 27-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share