Bài của một học viên người Việt

[MINH HUỆ 12-11-2009] Thời gian vừa qua, sau khi tiếp xúc và học Pháp chung với các bạn đồng tu Việt Nam thì tôi có đôi chút băn khoăn về vấn đề sử dụng từ ngữ trong học viên. Do vậy, tôi quyết định viết ra bài này để chia sẻ nhận thức của mình về một số từ ngữ trong tu luyện Đại Pháp, rất mong nhận được lời góp ý của các bạn đồng tu.

“Giảng thanh chân tướng” và “giảng thanh”

Mỗi khi trao đổi nhóm hay viết bài thì các học viên Việt Nam thường đề cập đến cụm từ “giảng thanh”, ví dụ: đi giảng thanh, tài liệu giảng thanh,… Đây là cách gọi tắt cụm từ “giảng thanh chân tướng”, chính là một trong ba việc mà đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp cần phải làm cho tốt. Qua tìm hiểu tôi biết rằng cụm từ “giảng thanh chân tướng” nguyên gốc là tiếng Hán Việt, luận giải trên chữ nghĩa bề mặt thì có thể hiểu là “giảng rõ sự thật”, tiếng Anh thường dịch là “clarify the truth” (làm sáng tỏ sự thật). Trọng tâm ở đây là ở hai chữ “chân tướng”, còn “thanh” có nghĩa là “rõ ràng, sáng tỏ”, nhưng thường thì chữ “thanh” này được lược bớt đi và đọc là “giảng chân tướng”. Tôi thấy khi chúng ta nói tắt cụm từ này thành “giảng thanh” thì có thể đã vô tình làm mất đi nội hàm thâm sâu của Đại Pháp, vốn tập trung vào hai chữ “chân tướng”. Vì vậy tôi xin đề xuất rằng chúng ta nên nói đầy đủ là “giảng chân tướng” hay “giảng thanh chân tướng” thay vì nói tắt/viết tắt như vậy.

Hiểu biết của tôi về “bước ra”

Trong các kinh văn Chính Pháp, Sư Phụ đã nhiều lần sử dụng cụm từ “bước ra”. Tuy nhiên, khi theo dõi trao đổi của các học viên Việt Nam thì tôi thấy nhận thức về hai chữ “bước ra” này còn chưa nhất quán. Có đồng tu hiểu “bước ra” là “ra phố phát tờ rơi”, có đồng tu lý giải là “không chỉ ở nhà học Pháp hay tu luyện cá nhân đơn thuần mà phải tham gia vào Chính Pháp”. Còn theo hiểu biết nông cạn của tôi, “bước ra” là việc mỗi học viên tự tìm cho mình phương thức phù hợp nhất để chứng thực Pháp, giảng chân tướng và cứu độ chúng sinh. Sư Phụ giảng trong “Giảng Pháp tại thủ đô Mỹ Quốc [2007]” rằng:

“Nói một cách khác, hết thảy những gì các đệ tử Đại Pháp hôm nay đang làm, dẫu chư vị là tham dự vào bất kể hạng mục [công việc Đại Pháp] nào, hay là bản thân chư vị đi ra phố để giảng chân tướng, phát tư liệu, hay là ngồi trước lãnh sự quán để vạch trần tà ác, [thì] chư vị đều đang tu luyện bản thân mình, chứng thực Pháp, đồng thời đang cứu con người thế gian.”

Ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, học viên Đại Pháp có rất nhiều hình thức để “bước ra”, chẳng hạn như phát tư liệu, phát chính niệm trước Đại sứ quán, tham gia kênh truyền thông, các hoạt động triển lãm, diễu hành, Đoàn nhạc Tian Guo, Thần Vận,…Tại hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam, phát tư liệu là một hình thức chứng thực Pháp rất quan trọng vì mức độ khó khăn khi triển khai các dự án lớn. Cũng chính vì vậy, trong thời gian qua, một số đồng tu đã kêu gọi mọi người loại bỏ tâm sợ hãi để “bước ra” phát tờ rơi. Tuy nhiên, tôi thấy có điều gì chưa đúng lắm khi sử dụng từ “bước ra” như vậy, mà tôi nghĩ từ “bước ra” có hàm nghĩa rộng hơn. Ngoài ra, khi đi phát tờ rơi nếu đều gọi là “đi giảng thanh” thì tôi thấy cũng có thể vô tình thu hẹp nội hàm của ba chữ “giảng chân tướng”, vì để “giảng chân tướng” bao gồm rất nhiều hình thức khác nhau. Còn về tâm sợ hãi, tôi nghĩ rằng nó biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ khi đi phát tờ rơi. Khi tham gia bất cứ hạng mục công tác Đại Pháp nào, chúng ta phải không mang chấp trước thì mọi việc mới thông suốt được.

Vô trở

Tu luyện lộ bất đồng.

Đô tại Đại Pháp trung.

Vạn sự vô chấp trước.

Cước hạ lộ tự thông.

(Hồng Ngâm II)

Hiểu biết của tôi về “can nhiễu”

Các học viên Việt Nam thường sử dụng khá nhiều cụm từ “can nhiễu” khi trao đổi tâm đắc thể hội. Theo chỗ hiểu của tôi, “can nhiễu” thường chỉ những trở ngại mà đệ tử Đại Pháp bị cựu thế lực cưỡng chế thêm vào, là khó nạn mà đệ tử Đại Pháp không đáng phải gánh chịu. Chúng ta có thể thuận theo Chính Pháp mà phủ nhận những can nhiễu này. Nhưng chúng ta còn có những khổ nạn khác do chính Sư Phụ an bài (dựa trên nghiệp lực của bản thân chúng ta) để đề cao tâm tính và tiêu nghiệp cho chúng ta, ví dụ: “nghiệp bệnh”, một số lục đục nhỏ trong gia đình,… Tôi cũng từng có thời điểm coi mọi khổ nạn gặp phải trên đường tu đều là “can nhiễu”, và sau đó thấy rằng vậy là không đúng. Tôi nghĩ với những khảo nghiệm của Sư Phụ thì chúng ta chỉ cần đề cao tâm tính là có thể vượt qua được, nhưng thật không dễ để phân biệt đâu là khảo nghiệm và đâu là “can nhiễu”. Đây chính là điều khó khăn khi tu luyện trong Chính Pháp, nhưng tôi nghĩ đó chính là con đường mà chúng ta phải đi.

Trên đây chỉ là nhận thức tại tầng thứ hữu hạn của bản thân tôi, không tránh khỏi có chỗ thiếu sót. Rất mong các bạn đồng tu từ bi chỉ rõ.


Đăng ngày 12-11-2009.

Share