Bài của một học viên Việt Nam
[MINH HUỆ 06-11-2009] Tôi là một học viên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2008. Sau khi tu luyện không lâu, tôi đã nhận thức được sứ mệnh của một đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp, đó là phải làm tốt “ba việc” mà Sư Phụ yêu cầu. Tôi nghĩ rằng chừng nào tôi còn làm tốt việc ba việc là học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tượng là tôi đang đi trên con đường mà Sư Phụ an bài. Tôi học Pháp hàng ngày, phát chính niệm vào các thời điểm xác định và tham gia vào một số đồ án giảng chân tướng. Tôi nghĩ rằng như vậy đã là “đủ” để trở thành một đệ tử thời Chính Pháp. Tuy nhiên, một số sự việc phát sinh gần đây đã khiến tôi phải nghiêm túc xem xét lại quá trình tu luyện của mình.
Vừa qua, tôi có nói chuyện với một bạn đồng tu. Anh ấy nói với tôi rằng: “Một số học viên nghĩ rằng họ làm được nhiều việc Đại Pháp tức là họ đã tu tốt rồi, thực ra không phải vậy.” Lúc ấy tôi đồng tình với anh và nghĩ rằng quả thật có tình trạng này. Tuy nhiên, đến hôm nay tôi mới ngộ ra rằng mọi việc mà tôi gặp phải đều không hề ngẫu nhiên, và nó có liên quan chặt chẽ đến tình trạng tu luyện của tôi. Tại sao tôi lại nghe được câu nói này? Tôi bèn hướng nội để đối chiếu với bản thân mình trong thời gian qua. Lúc ấy tôi mới giật mình và thấy rằng quả thực tôi cũng còn tồn tại vấn đề này: Nhiều lúc tôi cũng dùng cái cớ “làm việc Đại Pháp” để che đậy chấp trước. Khi tôi học Pháp nhiều hơn và tham gia nhiều công tác Đại Pháp hơn, tôi cũng nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng. Nhưng tôi đã chân chính tu luyện chính bản thân mình hay chưa? Tôi đã xứng đáng với danh hiệu “đệ tử Đại Pháp” hay chưa? Sau khi hướng nội để xem xét tình trạng tu luyện của bản thân, kết quả đã làm cho tôi sốc.
Tôi thấy rằng, vấn đề nghiêm trọng nhất là tôi đã hiểu việc “học Pháp” quá nông cạn. Tôi từng nghĩ rằng dành nhiều thời gian đọc sách hơn tức là đã học Pháp tốt. Nhưng thực ra, Pháp là để chỉ đạo quá trình tu luyện của người tu, và nếu không hướng nội mà tu, không coi trọng tâm tính thì sao gọi là “học Pháp tốt” được. Cũng như những người nói họ tin Chúa Jesus nhưng lại không chiểu theo điều ông tuyên dạy mà hành xử, vậy có thể nói đó là đức tin chân chính hay không? Dù họ đọc Thánh Kinh và sám hối nhiều đến đâu, họ có thể lên thiên quốc chăng? Chẳng phải nó cũng giống như: “Các vị sư sãi nhọc công tụng kinh và coi rằng việc hiểu thấu đáo kinh điển là con đường đến đích.” (“Tu luyện là gì?” – Tinh Tấn Yếu Chỉ). Tôi nhận thấy mặc dù tôi đã dành nhiều thời gian đọc Pháp mỗi ngày nhưng tâm tôi vẫn còn viễn ly với Pháp. Đôi lúc tôi còn học Pháp theo kiểu hoàn thành nghĩa vụ. Khi gặp những xung đột tâm tính trong cuộc sống hàng ngày, tôi vẫn thường nghĩ người khác đang gây rắc rối hay “can nhiễu” tôi chứ không phải chính tôi nên tự xem lại mình. Ví dụ như hôm nọ, tôi đã to tiếng với một thành viên trong gia đình. Sau khi tĩnh lại, tôi mới thấy mình đã thất bại trong khảo nghiệm về “Nhẫn” và hối tiếc khi vẫn chưa từ bỏ được tâm tranh đấu. Rõ ràng là tôi vẫn chưa nghĩ đến người khác trước và chưa bảo trì được một “trái tim từ bi, tâm thái hòa ái”.
Khi tu luyện nơi người thường, mỗi việc (dù nhỏ nhất) mà tôi gặp đều do Sư Phụ an bài tỉ mỉ để tôi nhận ra và từ bỏ chấp trước, nhưng vì tôi chưa tạo cho mình thói quen hướng nội nên tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá để đề cao tâm tính. Cũng như Sư Phụ giảng:
“Với người tu luyện, mọi thất bại gặp trong ứng xử với người đời là thử thách, mọi lời khen là khảo nghiệm.” (“Người tu tự nhiên là một phần trong đó” – Tinh Tấn Yếu Chỉ).
Vậy mà trong cuộc sống thường ngày, tôi thấy mình nhiều lúc vẫn hành xử như người thường. Tôi vừa muốn tu luyện lên cao tầng nhưng cũng không sẵn sàng xả bỏ quan niệm con người của mình. Khi đào sâu các chấp trước, tôi thấy nguyên nhân căn bản là tôi vẫn truy cầu một cuộc sống hạnh phúc nơi người thường, và do đó, tâm tính của tôi đã rớt xuống tầng của người thường. Chính tâm an dật và “sợ khổ” này đã kéo tôi xuống và ngăn cản tôi tinh tấn tiến bước. Đôi lúc, tôi còn than phiền về những rắc rối xảy ra đối với mình. Tôi vẫn còn ở trong cảnh giới của “kẻ tội lỗi”. Cách đây không lâu, tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, tôi ngồi làm bài thi cùng với các bạn trong lớp, nhưng đến khi mọi người lần lượt nộp bài thì tôi vẫn còn đang loay hoay với phần bài thi của mình. Khi tỉnh dậy, tôi biết rằng Sư Phụ đang nghiêm khắc cảnh báo về tình trạng tu luyện tồi tệ của tôi, và rằng thời gian là rất hữu hạn.
Hôm nay, tôi viết bài chia sẻ này để phơi bày các chấp trước của mình, từ đó quyết tâm tinh tấn tu luyện trong Đại Pháp và hướng nội vào mọi thời khắc.
Đăng ngày 06-11-2009.