Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-9-2018] Sư phụ giảng:

“Bởi vì tâm tật đố biểu hiện cực kỳ mạnh mẽ ở Trung Quốc, mạnh mẽ đến mức đã trở thành tự nhiên, bản thân không cảm giác thấy.“ (Chuyển Pháp Luân)

Trong suốt hơn 20 năm tu luyện, tôi đã đọc đoạn Pháp trên nhiều đến mức không thể nhớ nổi số lần đã đọc. Tuy nhiên, tôi không bao giờ thật sự nghĩ rằng tâm tật đố có quan hệ gì với mình. Tôi luôn đọc qua mà không hề chú ý đặc biệt đến nó, nghĩ rằng mình không bao giờ cảm thấy tật đố về bất cứ điều gì hay với bất kỳ ai.

Hôm nay tôi lại đọc đến bài giảng có đoạn nhắc đến tâm tật đố.

Sư phụ giảng:

“Sĩ diện! Ai chưa từng được 100 điểm kia chứ!’ Hai loại quan niệm bất đồng sẽ dẫn đến những hiệu quả khác nhau. Nó có thể dẫn đến tâm tật đố: người khác nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm. Nó sẽ xuất hiện vấn đề này.” (Chuyển Pháp Luân)

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả. Trước đây có thể chư vị đã nghe thuyết rằng Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp khi vãng sinh; [nhưng] nếu tâm tật đố không bỏ thì không được.” (Chuyển Pháp Luân)

Khi đọc đến đoạn Pháp này, tôi không chắc liệu có phải là do Sư phụ đang điểm hoá cho mình hay không hay tôi đang đột phá lên tầng cao hơn. Một cảm giác rất khó chịu và khủng khiếp đã tấn công tôi và tôi bật khóc. Đột nhiên, những sự việc và cảnh tượng tật đố trong cuộc đời xuất hiện trong đầu tôi.

Khi con của em gái chồng tôi được vào đại học, tất cả mọi người gồm cả anh chị em chồng và gia đình họ đều đến chúc mừng gia đình cô ấy. Tuy nhiên khi con của chúng tôi vào đại học, không một ai nói gì, vì vậy tôi đã cảm thấy ghen tị. Mấy anh chị em của chồng tôi chơi thân với nhau cũng làm tôi cảm thấy ghen tị. Tôi đặc biệt cảm thấy ghen tị khi không có anh chị em nào của chồng có vẻ quan tâm đến chúng tôi khi chúng tôi có tuổi hay lúc ốm đau, vì chúng tôi từng chăm sóc cho họ rất nhiều khi họ còn nhỏ.

Tôi cố ý nói nhiều điều trước mặt mấy anh chị em để tạo ra mâu thuẫn giữa họ với nhau. Một ví dụ tồi tệ nhất về tâm tật đố xảy ra vào đầu năm nay. Chồng tôi có một cuộc phẫu thuật và con của chị anh ấy cũng có lịch phẫu thuật, nhưng lịch của cháu sớm hơn hai ngày so với lịch của chồng tôi. Nếu so sánh thì cuộc phẫu thuật của chồng tôi nặng hơn. Tuy nhiên, tất cả anh chị em và gia đình họ đều xuất hiện trong cuộc phẫu thuật của cháu trai và không một ai trong số họ đến thăm chồng tôi. Tôi không vui, và không ngừng than khóc với chồng mình, khiến anh cũng cảm thấy khó chịu. Anh ấy vẫn khá im lặng về vấn đề này vì thế tôi nghĩ rằng mình có quyền phàn nàn và cảm thấy phẫn nộ về nó.

Khi đọc đến đoạn Sư phụ giảng:

“…nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm. Nó sẽ xuất hiện vấn đề này.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm thấy mình đã ở trong mê quá lâu và đột nhiên thức tỉnh. Tôi thấy xấu hổ rằng mình đã tu luyện Đại Pháp hơn 20 năm mà lại không tu tốt ở phương diện tâm tính đó. Không chỉ hành vi ghen tị của tôi là đáng trách, mà toàn bộ tâm tính của tôi khó mà xứng là một đệ tử Đại Pháp.

Trong hành trình tu luyện của mình, tôi luôn cảm thấy mình đã làm tốt trong nhiều tình huống khảo nghiệm tâm tính – cho đến khi tôi cẩn thận soi xét lại bản thân mình dựa trên Pháp của Sư phụ. Và có quá nhiều minh chứng trong hành trình tu luyện 20 năm qua của tôi là không phù hợp với lời giảng của Sư phụ. Ví dụ, tôi hầu như không cố gắng vứt bỏ các chấp trước của bản thân, chẳng hạn như tâm tranh đấu, tâm tật đố, không tin tưởng, hẹp hòi, cùng nhiều thứ khác nữa. Vì thế hành vi của tôi trước đây giống hệt như một người không tu luyện.

Tôi muốn dùng bài viết này để phơi bày những thiếu sót trong tu luyện của mình. Đồng thời, từ giờ tôi đã quyết định thay đổi thói quen học Pháp cũ bằng cách nghiêm túc học Pháp, chứ không chỉ đọc một cách qua loa; chỉ bằng cách ấy tôi mới có thể buông bỏ mọi chấp trước. Tất cả chúng ta phải học Pháp một cách nghiêm túc như Sư phụ đã dạy:

“Học Pháp đắc Pháp,

Tỉ học tỉ tu,

Sự sự đối chiếu,

Tố đáo thị tu.”

(Thực tuHồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

“Học Pháp được Pháp,

So sánh việc học việc tu với nhau,

Mọi việc cứ thế mà đối chiếu,

Làm đến thế tức là tu.”

Tôi sẽ và cố gắng trở thành một người chân tu.

Trên đây là những thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/12/373696.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/3/172695.html

Đăng ngày 21-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share