Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-8-2018] Sau khi đọc bài chia sẻ trên Minh Huệ “Sự nguy hiểm của việc không nhận ra những lỗi sai căn bản”, tôi thấy rất đồng tình với tác giả.
Trong bài, tác giả chia sẻ về tình huống của một số học viên từng bị cầm tù vì cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp: “Sau khi được thả ra, những học viên này có thể sẽ không tinh tấn học Pháp và không thể nhận ra chỗ sai của mình. Khi những người khác nhắc họ viết Nghiêm chính thanh minh, họ đã viết mà không hoàn toàn nhận ra những sai lầm của mình trước đây. Thay vì ổn định tinh thần và học Pháp, họ thường vội vã để bắt kịp Chính Pháp, hăng hái làm các hạng mục để bù đắp lại những tổn thất mà họ đã gây ra khi còn ở trong tù.
“Những học viên này đã không nghĩ xem nguyên do gì dẫn đến việc họ bị ‘chuyển hoá’ khi còn bị giam giữ, hay chấp trước nào đã khiến họ tin vào những lời tuyên truyền phỉ báng. Họ cũng không nhận ra rằng những cam kết mà họ ký là tội chống lại Sư phụ và Đại Pháp. Qua việc viết hay ký những văn bản đó, họ đã phản bội Sư phụ và Đại Pháp.”
Bài chia sẻ cũng có đoạn: “Nếu một người không thể ngộ ra được nguyên do căn bản tại sao ‘chuyển hoá’ lại là sai, thì cho dù họ có làm nhiều đến thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là làm bề mặt. Cựu thế lực kia sẽ không ngừng can nhiễu họ và học viên này có thể phải đối diện với một tình huống rất nguy hiểm.”
Tôi cũng bị ép phải viết cam kết từ bỏ tu luyện Đại Pháp trong trung tâm tẩy não. Sau khi được thả, tôi đã gửi một bản Nghiêm chính thanh minh và lại tiếp tục nhập vào hồng lưu Chính Pháp để cứu người. Trong vài năm đầu, tôi phối hợp với các học viên khác làm ba việc và rất tinh tấn. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến một khu vực mới, tôi dần buông lơi. Kết hợp với môi trường thoải mái hơn, tôi buông lỏng tu luyện và ngày càng nhiều chấp trước nổi lên. Vì tâm sợ hãi, tôi không dám bước ra giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Việc học Pháp của tôi cũng bị can nhiễu rất nghiêm trọng, và tôi không thể vượt qua nó. Khi đọc được bài chia sẻ này, tôi chợt bừng tỉnh. Tôi nghĩ Sư phụ đang điểm hóa cho mình.
Bây giờ tôi đã biết vấn đề của mình ở đâu. Trước tiên, tôi đã không bình tâm để hướng nội tìm lý do căn bản dẫn đến việc mình “bị chuyển hóa.” Mặc dù tôi không viết ra cụ thể những lời phỉ báng Sư phụ và Đại Pháp, nhưng vì không chịu được áp lực, tôi đã viết cam kết từ bỏ tu luyện và ngừng tiếp xúc với các học viên khác. Tôi thực sự hy vọng chỉ là lừa họ thôi, và nghĩ rằng mình đã không phỉ báng Sư phụ và Đại Pháp. Về vấn đề tu luyện cơ bản này, tôi đã không hướng nội. Thay vào đó, tôi hướng ngoại tìm câu trả lời ở bên ngoài và bực dọc với những tên côn đồ đã “chuyển hóa“ mình. Tôi đã gửi một bản Nghiêm chính thanh minh khẳng định rằng tôi vẫn kiên định tu luyện, nhưng đây chỉ là biểu hiện sự quyết tâm trên bề mặt, và tôi không thực sự dám nghĩ về việc mình đã sai ở đâu hay gây tổn thất nhiều ra sao. Khi đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, tôi đã nghĩ về các vấn đề của mình nhưng vẫn không suy xét sâu về những vấn đề căn bản này, về sự nghiêm trọng của chúng. Tôi cũng không chủ động loại bỏ các vật chất xấu được tạo ra trong thời gian bị giam giữ phi pháp, trong trường tà ác đó. Do đó, tôi không thể thoát khỏi can nhiễu của cựu thế lực.
Trên bề mặt, tôi bị bắt giữ vì phân phát tài liệu cho các viên chức tại nơi làm việc sau khi họ công khai phỉ báng Đại Pháp trong một cuộc họp quy mô lớn. Khi nhìn lại, tôi biết đó chính là vì quan niệm người thường của mình. Tôi không có tâm từ bi để duy hộ Pháp hay cứu độ chúng sinh. Thay vào đó, tôi lại ôm giữ tâm sợ hãi, oán hận, cũng như tranh đấu và hiển thị. Đằng sau những tư tưởng này là tâm truy cầu danh. Vì tôi đang chứng thực bản thân chứ không phải là chứng thực Pháp, chính quyền đã bắt giữ tôi và đưa tôi đến một trung tâm tẩy não.
Trong thời gian bị giam giữ, tôi ngộ ra rằng “chuyển hóa” là sai và tiếp tục phản đối nó. Tôi làm điều đó vì sợ rằng toàn bộ tu luyện của mình sẽ kết thúc vô ích. Nói cách khác, tôi không thể buông bỏ sinh tử và đang bảo vệ lợi ích của chính mình. Đối mặt với sự tử tế giả tạo của các quan chức và áp lực tình cảm từ gia đình, tôi đã nhượng bộ. Trên bề mặt, tôi làm điều đó để giảm tổn thất cho các thành viên trong gia đình; nhưng lý do thực sự là do tôi không muốn mất gia đình, nơi an toàn và thoải mái nhất. Tôi đã phụ thuộc vào gia đình và coi cuộc sống người thường này, vốn chỉ như tạm nghỉ ở quán trọ, là ngôi nhà vĩnh cửu của mình. Điều đó đã khiến tôi phản bội Sư phụ và Đại Pháp, người thực sự bảo hộ và cứu độ chúng ta.
Với tâm trí dơ bẩn này, tôi rất dễ bị bức hại và không đủ điều kiện để mang danh hiệu của một đệ tử Đại Pháp. Trong Tinh Tấn Yếu Chỉ, Sư phụ giảng:
“Đại Pháp có thể độ hết thảy chúng sinh, tôi không phản đối bất kỳ ai đến học, tôi chính là đưa Đại Pháp ra truyền cho chúng sinh, mấu chốt là những người kia trong tâm không nhìn nhận tôi là Sư phụ chân chính của họ, mục đích học Đại Pháp là lợi dụng Đại Pháp để bảo hộ những thứ mà bản thân họ không buông bỏ trong tâm cũng như những gì đó trong tôn giáo, hoặc Thần trong tâm của họ. Ấy là hành vi trộm Pháp. Bản thân việc muốn lợi dụng Đại Pháp đã là tội không thể dung thứ.” (Đại Pháp không thể bị lợi dụng, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Do không buông bỏ được danh, lợi, tình, vì để biện bạch cho bản thân, tôi đã dùng văn hóa đảng dơ bẩn để đối đãi với tu luyện, làm một việc mà người tu luyện tuyệt đối không nên làm, khiến Đại Pháp phải chịu sỉ nhục, mang đến tai nạn cho chúng sinh, cũng mang đến cho bản thân một vết nhơ vĩnh viễn không thể nào xóa được. Điều này cũng do quan niệm bất chính với Sư phụ, với Đại Pháp, tự ngã quá cường thịnh, tự tâm sinh ma chiêu mời đến.
Trong một bài viết khác được đăng trên Minh Huệ có tiêu đề “Ngợi ca Sư phụ và Đại Pháp (Bài có lời bình của Sư phụ)”, tác giả viết: “Các sinh mệnh trong cựu vũ trụ là đã ở thời kỳ hoại-diệt nhưng vẫn có Phật tính; nhưng đến khi đại khung giải thể thì bất kể sinh mệnh nào trong đó cũng không thể đào thoát; đây chính là kiếp nạn mà [các sinh mệnh đó muốn] thoát khỏi. Như vậy đối với Phật tính của sinh mệnh trong cựu vũ trụ mà nói, thì không thể có hy vọng kéo dài thêm nữa những gì mà sinh mệnh tự ngã đó mang theo. Nhưng Sư phụ đã đến, mang theo Pháp tối nguyên thuỷ và viên dung, tiến nhập vào [vũ trụ] ngay trong quá trình lịch sử vũ trụ ở thời kỳ hiện nay đã cận kề giải thể. Điều ấy kết thành vận mệnh của toàn bộ sinh mệnh trong cựu vũ trụ, và là căn cứ toàn thể để các sinh mệnh bước sang vũ trụ hoàn toàn mới. Chính Sư phụ là đã mang đến hy vọng sống cho các sinh mệnh trong cựu vũ trụ; chính Sư phụ là đã ban tặng khả năng cho các sinh mệnh trong cựu vũ trụ tiến nhập sang một tương lai vốn không có quan hệ gì với lịch sử của bản thân mình.”
Tác giả cũng viết: “Đối với người tu luyện Đại Pháp hiện nay, thì hiểu về Sư phụ như thế nào, nhận thức Đại Pháp [ra sao], thật sự thành tín vào Sư phụ như thế nào, kiên định vào Đại Pháp [đến đâu], là vấn đề cực kỳ khắt khe, phức tạp nhưng rất nghiêm túc.”… “’Quyết tâm ly khai’ Đại Pháp, bất kính đối với Sư phụ và Đại Pháp, phủ định Chính Pháp và chứng thực Pháp, bất luận là dùng những ngôn từ hoa mỹ đến đâu hay lý do giảo biện thế nào, thì đều là sai; ngay cả dùng [đạo] lý của cựu vũ trụ mà xét cũng thấy là sai hoàn toàn; đều chính là tổn thất rành rành của chính bản thân sinh mệnh của mình.”
Trợ Sư Chính Pháp cứu độ chúng sinh là tâm nguyện của chúng ta, cũng là vinh diệu đặc biệt Sư phụ cấp cho đệ tử Đại Pháp. Nếu chúng ta không có nhận thức rõ ràng về Sư phụ, Đại Pháp, và chúng sinh, thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng.
Trong Tinh Tấn Yếu Chỉ, Sư phụ đã giảng:
“Người phụ trách dẫu đã làm biết bao nhiêu công tác ở người thường, thì đều là tự nguyện vì công tác Đại Pháp, thành công của công tác chỉ là hình thức biểu hiện trong người thường, còn có thể khiến người đắc Pháp và hồng dương Đại Pháp là uy lực của bản thân Đại Pháp và an bài cụ thể của Pháp thân. Không có Pháp thân của tôi làm những việc đó, thì đừng nói đến hồng dương, ngay cả bảo vệ tự thân người phụ trách cũng khó mà làm nổi, do đó không được cứ mãi cảm thấy bản thân là xuất sắc thế này thế khác lắm. Đại Pháp không có danh, không có lợi, không có quan chức, chỉ là tu luyện.” (Một đòn nặng, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Sau nhiều năm đi đường vòng trong tu luyện, tôi dần ngộ ra rằng chúng ta cần thực sự hiểu Pháp sâu hơn. Chỉ như vậy, chúng ta mới kính Sư kính Pháp. Qua việc tu theo Pháp, chúng ta có thể hòa tan trong Pháp và trở thành một lạp tử của Pháp. Chỉ khi đó chúng ta mới bước đi một con đường chân chính, con đường do Sư phụ an bài.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/31/373089.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/17/171926.html
Đăng ngày 21-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.