Bài của đệ tử Đại Pháp tại Đại lục do đồng tu ghi lại

[MINH HUỆ 13-11-2014] Bình thường tôi là một cô gái cực kỳ kiêu ngạo, không chịu nhường nhịn ai, nên được mọi người đặt cho biệt danh là “tai quái”. Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng rất căng thẳng, suốt ngày lục đục chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, ba ngày một trận ồn ào, năm ngày một trận ầm ĩ. Việc cáu gắt với cô em chồng cũng như cơm bữa, khiến cho gia đình không thể yên ổn. Sự kiện trở thành trò cười cho nhà hàng xóm là việc tôi và ông chú chồng đánh nhau một trận tơi bời, không ai can nổi. Thời gian đó chồng tôi đang đi công tác, cũng thường vì tôi mà mất mặt.

Ai có thể tin nổi, một người như tôi sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi hoàn toàn, dần dần trở thành một người con dâu hiền thục.

Sau khi tu luyện Đại Pháp vào năm 1998, tôi luôn ghi nhớ lời Sư phụ dạy phải trở thành người tốt, ở nhà cũng như ngoài xã hội đều phải thể hiện là một người tốt.

Thời gian mẹ chồng mắc bệnh, tôi vừa phải chăm sóc ba đứa con nhỏ, việc nhà đã vất vả, kinh tế lại khó khăn. Chồng tôi đi lái xe, làm ăn cũng không được tốt, anh ấy lại còn hay nhậu nhẹt, chăm đi nhà hàng như cơm bữa, hiển nhiên là khó mà mang được đồng nào về nhà. Khi chăm sóc mẹ chồng và trả tiền viện phí cho mẹ, tôi đã dùng những lời dạy của Sư phụ để ước thúc bản thân:

“Tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi”. (Chuyển Pháp Luân)

Nghĩ lại tất cả những ân oán giữa tôi và mẹ chồng cũng đều do bản thân tôi không tốt, giờ đây mẹ ốm nằm trên giường, là một người con dâu tôi phải tận hiếu với mẹ, chăm sóc mẹ thật tốt. Ngoài việc chăm sóc ba đứa con, tôi vẫn phải lo việc ăn uống ngủ nghỉ của mẹ, dù mệt mỏi, bận rộn đến đâu tôi cũng không than vãn một lời. Tiền chữa bệnh của mẹ đều do tôi lo liệu, không tranh thiệt hơn gì với các em chồng.

Thời gian mẹ bệnh nguy kịch, tôi phát hiện ra dưới gối mẹ có 5.000 tệ, khi tôi đưa số tiền này cho em dâu, em dâu cảm động nói: “Mẹ có tiền dự phòng mà chúng ta còn không biết, nếu là người khác thì đã giấu đi giữ làm của riêng rồi, sao chị lại không giấu đi?” Tôi nói: “Chị là người luyện công, Sư phụ dạy chị phải sống Chân Thiện Nhẫn, sao chị có thể làm vậy được?”

Không lâu sau mẹ chồng qua đời, tiền phúng viếng sau tang lễ được 17.000 tệ, em dâu nói rằng khách của em đến phúng viếng nhiều hơn nên giữ lại 10.000 tệ, đưa cho tôi 7.000 tệ, tôi cũng không nói gì, còn số tiền riêng 5.000 tệ của mẹ cô ấy cũng không trả, tôi cũng không hỏi. Chồng tôi oán trách nói: “Chị em dâu với nhau mà em còn không tranh giành, mặc cho nó muốn gì làm nấy”. Tôi nói: “Em là người luyện công, phải làm theo lời Sư phụ, những gì người thường muốn thì chúng em không cần, những gì chúng em được thì người thường có muốn cũng không được”. Chồng tôi không hiểu, nói tôi là người phụ nữ nhu nhược, không biết tranh đấu, tôi chỉ cười bỏ qua.

Buông bỏ sinh tử khi đối diện với nhục hình

Sau ngày 20 tháng 07 năm 1999, Giang Trạch Dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công trên cả nước, truyền hình hàng ngày phát đi những tin tức bôi nhọ, miệt thị Sư phụ, đầu độc con người thế gian. Tôi quyết định đến Bắc Kinh để thanh minh cho Sư phụ. Cuối năm 1999, tôi cùng đồng tu đến Bắc Kinh, chúng tôi làm tấm biểu ngữ có ghi: “Công nhân ở nhà máy XX muốn thanh minh cho Sư phụ của Đại Pháp”. Kết quả là chúng tôi bị bắt, bị đưa về trại giam của tỉnh. Lãnh đạo nhà máy vô cùng tức giận, để không bị dính líu đến tôi, ông ấy đã lập tức ra quyết định đuổi việc tôi.

Ở trong trại giam, cho dù tà ác dùng cách nào đề thẩm vấn, dọa nạt tôi, đều không thể lay chuyển nổi chính niệm kiên định của tôi. Câu trả lời của tôi vẫn là: “Công pháp tốt như vậy có thể tìm ở đâu đây, tôi sẽ tập luyện cho đến cùng”. Chồng tôi là cán bộ trong quân đội, cảm thấy rằng tôi đã làm anh ấy mất mặt, anh ấy nói với công an rằng sẽ về nhà trị tôi, trị không nổi tôi thì anh ấy cũng không còn ra gì. Thế nhưng việc tra khảo và đánh đập của chồng tôi đều không khuất phục được tôi. Anh ấy nói tôi quá cứng đầu, nên trả tôi về nhà mẹ đẻ, để cho nhà mẹ đẻ trị tôi. Tôi bị nhốt ở nhà chị gái, bố mẹ khóa tôi trong phòng, sợ tôi chạy được ra ngoài lại đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Do chính sách tà ác của Giang Trạch Dân khiến cho gia đình nhà vợ, nhà chồng, đơn vị làm việc của học viên Pháp Luân Công đều bị liên lụy. Bố mẹ đẻ tôi cũng đã thực hiện đủ mọi biện pháp nặng nhẹ để thuyết phục tôi: “Chỉ cần con viết cam kết không tu luyện cho công an, thì họ sẽ không truy cứu nữa, mấy chục người trong gia đình chúng ta sẽ không bị liên lụy nữa”. Tôi quỳ xuống đất cầu xin bố mẹ nói: “Từ nhỏ bố mẹ vẫn dạy con làm người tốt, trong lòng con luôn ghi nhớ. Sư phụ của chúng con không chỉ dạy chúng con làm người tốt, mà còn trở thành người tốt hơn nữa, điều này thì có vi phạm quy định pháp luật gì?”. Họ nghe tôi nói có lý nên không quản nữa.

Năm 2002, công an trong vùng lại bắt tôi cùng rất nhiều đồng tu vào trại tạm giam mà không có tội danh gì, họ yêu cầu tôi khai ra tên những học viên Pháp Luân Công mà tôi biết, chúng tôi đều không nói. Để tránh bị nhòm ngó, họ đưa tôi cùng vài đồng tu đến một căn nhà trong rừng cách xa thành phố, ở đó họ đã tra tấn, bức cung chúng tôi rất dã man.

Hình thức tra tấn 1: Lần lượt trói hai tay và hai chân lại với nhau, ấn đầu vào trong đũng quần, cơ thể bị gập làm năm phần, dùng gậy cứng xuyên giữa hai khuỷu tay và khuỷu chân, mỗi lần bấm đồng hồ chừng 10 phút thì dừng lại, nếu không dừng lại sẽ khiến nạn nhân ngộp thở. Nghe nói có không biết bao nhiêu tội phạm hình sự bị tra tấn theo cách này đã phải nhận tội bừa. Nhưng chúng tôi đều là đệ tử Đại Pháp, đều có Sư phụ bảo hộ nên không gặp vấn đề gì. Chúng tôi đã nghiêm khắc cảnh báo các cảnh sát: “Tra tấn người tốt là phạm phải thiên lý, sẽ bị Trời phạt”.

Hình thức tra tấn 2: Chiến thuật bánh xe: bị tra khảo liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ, không cho ngủ. Tuy nhiên như vậy cũng không có tác dụng đối với chúng tôi.

Ở trại tạm giam, chúng tôi không phối hợp với tà ác, vẫn thường xuyên đọc thuộc lòng Luận ngữ, đọc thuộc kinh văn của Sư phụ, vẫn luyện công như bình thường, đồng thời nói với các phạm nhân trong phòng giam về sự tốt đẹp của Đại Pháp, vạch trần sự thực về việc Giang Trạch Dân hãm hại, bôi nhọ Pháp Luân Công, không cho người ta làm người tốt. Nhìn thấy những việc làm của các đệ tử Đại Pháp, những phạm nhân này đều rất cảm động. Có một phạm nhân phạm tội giết người xúc động nói: “Nếu biết có công pháp tốt như vậy thì tôi sớm đã luyện rồi, tôi cũng sẽ không phải đi vào con đường sát nhân thế này”.

Các đồng tu đã tuyệt thực tập thể để phản đối bị bức hại. Nhằm tăng cường bức hại, họ đã cho xe đưa sáu đồng tu chúng tôi vào trại giam của tỉnh. Chúng tôi cùng phát chính niệm tập thể để giải thể tà ác, ra đi sẽ phải trở lại. Kết quả là khi kiểm tra sức khỏe tại trại giam tỉnh, cả sáu người đều bị cho là mắc bệnh nặng, có người huyết áp lên đến 220, có người máu mũi tuôn trào ngay tại đó, kiểm tra điện tâm đồ cho thấy tôi bị bệnh tim nghiêm trọng, phải lập tức đưa vào bệnh viện điều trị. Trại giam không nhận, nên đêm hôm đó họ phải đưa chúng tôi trở lại trại tạm giam. Các phạm nhân cùng phòng nói: “Pháp Luân Công thật là thần kỳ, buổi sáng nói rằng đi rồi sẽ trở lại, quả đúng là trở lại thật, vậy có thần kỳ không?” Lần này chúng tôi đều thể ngộ được điều Sư phụ giảng:

“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực”
(Sư đồ ân, Hồng ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Đệ tử chính niệm mà đầy đủ
Thì Sư phụ sẽ đủ sức đưa trở về trời”
(Ơn Thầy Trò, Hồng ngâm II)

Cảnh sát càng thêm lo lắng trước việc chúng tôi kiên quyết không ăn. Chẳng bao lâu, họ lại đưa tôi về trại tạm giam thành phố, định yêu cầu công an thành phố đưa tôi lên tỉnh. Khi trại giam tỉnh biết lý do vì sao lần trước tôi không bị đưa lên huyện liền nói: “Trại giam huyện và thành phố đang chơi trò đá bóng, định đẩy cô ấy cho chúng ta, mau gọi cho cảnh sát huyện đến đón cô ấy về.” Cảnh sát huyện đành phải đưa tôi về. Tôi cảnh cáo họ: “Các vị bắt người ta đá qua đá lại, nếu làm chết người thì phải chịu trách nhiệm, không được nói dối là tự sát”. Cảnh sát không nghĩ ra cách nào, đành thông báo cho người nhà đến đón tôi về dưỡng bệnh.

Sau khi Cửu Bình được công bố, tôi liên tục giảng chân tướng trực diện khuyên tam thoái. Nhưng do bản thân không học Pháp tốt, tu luyện cá nhân không tốt, nên bị kẻ ác tố cáo lên công an. Mùa hè năm đó, tà ác lại bức hại tôi. Đầu tiên họ bày binh bố trận, huy động rất nhiều xe cảnh sát đến khu phố nơi nhà tôi ở, mấy chục xe cảnh sát khí thế rầm rập, khiến cho cả con phố tắc nghẽn. Mấy vị cảnh sát xông vào nhà, không cho phân trần, kiên quyết đòi bắt tôi lên xe. Tôi thầm phát chính niệm: có chết cũng không thuận theo tà ác. Không ngờ một niệm vừa xuất ra, tôi lập tức xây xẩm mặt mày, ngã lăn ra đất bất tỉnh. Con gái tôi bế con chạy ra ngoài, vừa nhìn thấy tôi nằm trên mặt đất, vội hỏi cảnh sát: “Mẹ tôi phạm tội gì, các anh còn có đạo lý không vậy, mẹ tôi bị như vậy ai chịu trách nhiệm?” Mọi người trên phố đều quay lại nhìn một cách phẫn nộ. Cảnh sát hốt hoảng nói: “Các vị mau cứu người đi, sau đó ra lệnh cho xe cảnh sát rời đi. Một trận đồ của tà ác bỗng chốc tan thành mây khói. Trong tâm tôi hiểu rõ: “Sư phụ lại một lần nữa bảo hộ tôi thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm”.

Cả gia đình vui vẻ hòa thuận

Do tôi nhiều lần bị bức hại, mấy năm trước người nhà đều phản đối việc tôi tu luyện Pháp Luân Công. Chồng tôi mặc dù biết tôi nhờ tu luyện Đại Pháp mà trở nên tốt hơn, nhưng con người ngày nay rất thực dụng, anh ấy luôn cho rằng tôi là một người ruột để ngoài da, không biết quanh co dấu giếm, đối đầu với tà đảng thì không có lợi gì. Anh ấy quản tôi rất chặt, không cho tôi tiếp xúc với các đồng tu, không cho tôi tùy ý ra ngoài; lại thêm các con tôi lần lượt trưởng thành, chúng cũng muốn giữ thể diện, không muốn nói mẹ mình hôm nay bị bắt, ngày mai lại bị bắt, công an mà vào nhà ai thì nhà người ấy xúi quẩy. Cho nên không khí gia đình rất căng thẳng. Lại thêm việc chồng tôi mấy năm nay do thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của vợ, suốt ngày rượu chè bê tha, tính tình cáu bẳn, cứ nhìn thấy tôi là nổi giận, rất nhiều lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tôi. Có một lần anh ấy chỉ vào tôi đay nghiến: “Cô thật là ích kỷ, mấy năm nay cô hãy xem cả gia đình này ra sao, không ngày nào được yên ổn, cô nghĩ xem người thân của mình đã phải chịu đựng bao nhiêu? Người tu luyện như cô thật làm Sư phụ cô mất mặt quá”

Câu nói này thực sự như tiếng sấm giữa trời xanh khiến tôi tỉnh ngộ: đây chẳng phải là Sư phụ mượn lời của anh ấy điểm hóa cho tôi sao? Đã rất lâu rồi tôi không học Pháp tốt, cũng không tiếp xúc với các đồng tu, ôm giữ quan niệm của bản thân, thích làm gì liền làm nấy, tự cho rằng việc nào tốt thì làm, thực ra đều không ở trong Pháp, không theo tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp mà yêu cầu bản thân, kết quả là rất nhiều việc đều làm không ra sao, bản thân cảm thấy mình không có tâm sợ hãi, người thường không hiểu được tôi, còn mắng tôi là thần kinh không bình thường. Tôi lại nói người ta có vấn đề, không thể cứu được họ. Nhờ được Sư phụ điểm hóa, các đồng tu tìm đến tôi nói: “Không thể chỉ làm ba việc mà không học Pháp, không làm theo yêu cầu của Pháp thì chính là đi theo con đường do cực thế lực an bài. Phải tăng cường học Pháp tập thể, làm theo lời Sư phụ, việc đầu tiên là phải tu tốt bản thân”. Đồng tu đưa cho tôi quyển ‘Tinh Tấn Yếu Chỉ’ và kinh văn mới.

Tôi như cây khô lâu ngày được gặp mưa rào. Ban đêm tĩnh mịch, sau khi chồng tôi ngủ say, tôi lặng lẽ cầm lấy sách, trốn ở căn phòng nhỏ bên cạnh, che bớt ánh đèn lại để học Pháp. Lời của Sư phụ như chiếc chùy nặng đập vào tâm tôi:

“Là đệ tử Đại Pháp mà nói, tu luyện của chư vị là ở vị trí số một, vì nếu chư vị tu không tốt, [thì] chư vị không hoàn thành được những việc mà chư vị cần làm; nếu chư vị tu không tốt, thì sức cứu người cũng không lớn được như thế. Nếu tu kém hơn một chút nữa, thì phương thức nhìn vấn đề và suy xét vấn đề đều là dùng tư tưởng của người thường và cách nghĩ của người thường, thế thì càng dở.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washinton DC năm 2011)

Tôi tự hỏi bản thân: “Mình đã hàng ngày tĩnh tâm học Pháp chưa? Mình đã thực tu bản thân chưa? Mình có biết hướng nội không? Mình đã phối hợp với các đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp chưa? Mình đang chứng thực Pháp hay đang chứng thực bản thân? Một loạt các câu hỏi hiện ra, ngay lúc đó tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

Trong một lần chia sẻ sau khi học Pháp tập thể, Sư phụ đã mượn lời của đồng tu để điểm hóa cho những vướng mắc của tôi: muốn tu tốt bản thân phải cải biến quan niệm của người thường, không ngừng cải biến hoàn cảnh tu luyện trong gia đình, phải làm tốt ba việc một cách lý trí, trí huệ, bình tĩnh, đắm mình trong Pháp. Cùng với việc không ngừng học Pháp thâm sâu, tâm của tôi cũng ngày càng sáng tỏ hơn. Tôi đã tìm ra những suy nghĩ, chấp trước đã hình thành thói quen trong văn hóa đảng độc hại, coi cuộc bức hại Đại Pháp thành cuộc bức hại giữa người với người, từ đó mang theo tâm oán hận, tâm tranh đấu mạnh mẽ mà đi làm ba việc, như vậy không chỉ không cứu được người khác, mà còn khiến cho rất nhiều sự việc tồi tệ hơn.

Tôi phải chính lại từng lời nói, từng hành động, khi chồng tôi nổi nóng gắt gỏng, tôi phải làm được “Đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” (Chuyển Pháp Luân), quan tâm, chăm sóc anh ấy một cách vô tư, chân thành, khiến anh ấy cảm nhận được sự từ bi, thiện lương của đệ tử Đại Pháp. Trong tâm tôi luôn giữ một niệm: “Hai chúng ta đã có duyên với nhau, anh đã vì Pháp mà đến thì em phải cứu anh”. Hành động của tôi đã làm anh ấy cảm động, anh ấy đã nói một câu thực tâm: “Trong lòng anh biết học viên Pháp Luân Công các em đều là người tốt, anh là chồng em, lẽ nào anh không thấy? Ngay cả sắt đá cũng bị em cảm hóa rồi. Chỉ là ĐCSTQ quá tà ác, từ trước đến nay đã từng buông tha cho ai đâu? Anh làm cán bộ lẽ nào lại không biết, nó nói rằng gừng mọc ở trên cây, người ta chỉ có thể nghe theo nó, thuận theo nó thì được. Thế này nhé, anh biết rằng việc em khuyên tam thoái là tốt, em xem làm thế nào có thể giúp anh thoái đảng, tên gì cũng được, làm thế nào cũng được”. Sự thay đổi thái độ của chồng tôi, không nghi ngờ gì đã đem lại ánh sáng cho gia đình tôi, mọi người khác trong gia đình cũng đều thay đổi thái độ.

Cô em dâu rất cứng đầu của tôi làm việc trong một công ty, cô ấy gặp mọi người nói rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, cô ấy nói chị dâu mình luyện Pháp Luân Công, người ta liền đối xử với cô ấy rất tốt. Trước đây cô ấy nói năng hung hăng, hiện giờ thì mềm mỏng hơn, cư xử có đạo đức hơn; không tranh giành lợi ích với người khác, mỗi khi trong nhà có việc, cô ấy đều đảm đương mà không để người khác thiệt, luôn nghĩ tốt cho người khác. Cô ấy còn nói với lái xe taxi hãy niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ sẽ được hạnh phúc, bình an, lại còn giúp tôi khuyên tam thoái.

Chồng của chị gái tôi là đảng viên, lúc đầu tôi khuyên anh ấy tam thoái, anh ấy nhất quyết không tỉnh ngộ, còn bảo tôi nói khó nghe, chồng tôi vừa thoái thì anh ấy cũng tự dưng đồng ý thoái.

Cháu gái tôi vừa tốt nghiệp nghiên cứu sinh, được làm giảng dạy ở trường đại học, là một người có trí thức, năm mới nhân lúc cô ấy về thăm nhà, tôi tuy ăn nói vụng về cũng khuyên được cô ấy tam thoái. Tôi hiểu rằng đây đều là nhờ uy lực của Đại Pháp, đều do Sư phụ làm.

Cho dù con đường tu luyện gập ghềnh đến đâu, tôi vẫn luôn làm việc giảng chân tướng trực diện, chỉ khác là trước đây khi khuyên tam thoái tôi mang theo tâm thích làm việc, chỉ quan tâm khuyên được bao nhiêu người tam thoái, khuyên được nhiều thì hoan hỉ, khuyên được ít hoặc không khuyên được thì trong lòng thất vọng; hiện giờ không như vậy nữa, tôi coi việc khuyên tam thoái gắn liền với việc tu tâm, khi không thuận lợi liền hướng nội xem mình sai ở chỗ nào, trong quá trình khuyên tam thoái liên tục tu bỏ những tư tâm, tạp niệm, tâm sợ hãi, sợ mất thể diện của bản thân. Từ đó thiện tâm cứu người càng mạnh mẽ, làm ba việc càng chắc chắn, càng kiên trì.

Nhiều năm nay, tôi cũng không biết đã giảng chân tướng cho bao nhiêu người. Nhưng trong tâm tôi hiểu được rằng: luôn luôn coi mình là một người tu luyện, tất cả đều làm theo lời Sư phụ, chính là đi trên con đường mà Sư phụ sắp đặt.

Chồng tôi từng gặp vấn đề về thanh toán tiền lương ở chỗ làm trước đây, giờ đã được thanh toán đầy đủ; cửa hàng bán lẻ của con trai tôi cũng làm ăn rất thuận lợi, cả gia đình đều hòa thuận vui vẻ. Tôi biết rằng đây đều là phúc phận nhờ tu luyện Đại Pháp, cũng nhờ Sư phụ tạo cho tôi một hoàn cảnh tu luyện ổn định, thoải mái hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/13/从“恶女人”到“贤惠媳”-300229.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/6/147188.html
Đăng ngày 25-01-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share