Bài viết của một học viên ở Latvia

[MINH HUỆ  05-08-2013] Tôi đến từ Latvia.

Chúng tôi có triển lãm quốc tế Chân – Thiện – Nhẫn ở Riga, thủ đô Latvia vào tháng Tư. Việc chuẩn bị cho triển lãm mất vài tháng, nhưng tôi đã không tham gia vào quá trình này ngay từ đầu. Chỉ ngay trước khi triển lãm, tôi mới cảm thấy có sự hối thúc mạnh mẽ phải tham gia hỗ trợ.

Vì không sống ở Riga, tôi tự nghĩ rằng cách duy nhất tôi có thể giúp đỡ là thông báo cho mọi người tại quê tôi về cuộc triển lãm này. Với suy nghĩ đó trong đầu, tôi tới Riga để tham gia vào buổi học Pháp nhóm và tôi đã nói với điều phối viên rằng tôi muốn giúp đỡ bằng cách nào đó.

Sau khi học Pháp nhóm, điều phối viên lên danh sách các công việc cần phải làm trước cuộc triển lãm. Trong số các công việc đó có việc gọi điện thoại tới các tổ chức. Theo ý kiến của người điều phối, đó là một công việc tôi có thể làm vì việc gọi điện có thể thực hiện từ bất cứ vị trí nào ở Latvia. Nhưng đó không phải là việc tôi mong đợi, vì thế ban đầu tôi đã từ chối. Một học viên khác đã nhận nhiệm vụ này. Sau một thời gian tôi xem xét lại và thấy tâm tính của mình có vấn đề. Tôi tự hỏi tại sao tôi không muốn phối hợp. Tôi đã luôn luôn coi việc phối hợp giữa các đệ tử là rất quan trọng.

Sư phụ chúng ta đã nhấn mạnh trong bài “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp”:

“Như mọi người đã biết có rất nhiều đệ tử Đại Pháp đã lập ra một số hạng mục [các việc] phản bức hại, hạng mục giảng chân tướng, hạng mục cứu người, chủ yếu nhất là mọi người cần phối hợp tốt, phối hợp với nhau tốt thì mới có thể khiến công việc làm được tốt.”

Tôi đã lên ý tưởng về những việc tôi có thể làm và nó đã ngăn trở tôi chấp nhận những đề nghị khác. Bên cạnh đó, tôi chưa bao giờ làm loại việc như thế trước đây – gọi điện thoại – do đó việc này là một việc mới mẻ và xa lạ với tôi. Tuy nhiên, chính điều đó khiến nó trở thành cơ hội tuyệt vời để tôi đề cao. Tôi đã tới gặp người học viên nhận nhiệm vụ gọi điện thoại và đề nghị cho tôi được hỗ trợ.

Bước đầu tiên là tìm các tổ chức trên mạng Internet và tìm kiếm số điện thoại và địa chỉ email của họ. Chúng tôi quyết định gọi cho các công ty lớn nhất nằm tại Quận Riga.

Bước tiếp theo là gọi điện thoại. Chúng tôi thống nhất rằng tôi sẽ gọi cho các tổ chức bắt đầu từ đầu danh sách của chúng tôi, còn người học viên kia thì bắt đầu từ cuối danh sách.

Sau khi cùng phát chính niệm, chúng tôi bắt đầu gọi điện. Tôi thực hiện cuộc gọi đầu tiên và nói rằng một triển lãm nghệ thuật quốc tế sẽ diễn ra ở Riga và rằng tôi có thể gửi một số thông tin về cuộc triển lãm qua email, các nhân viên của tổ chức có thể sẽ quan tâm đến xem triển lãm này. Ngay cả trước khi tôi kết thúc những gì tôi muốn nói, tôi đã nhận được phản hồi chắc chắn và tích cực.

Tôi đã ngạc nhiên sao mọi sự lại dễ dàng như vậy. Cùng với tâm trạng vui mừng, tôi bắt đầu thực hiện cuộc gọi thứ hai. Lần này không còn dễ dàng nữa. Tôi được phản hồi rằng họ thường tính phí cho việc chuyển tiếp trong nội bộ những email loại đó. Tuy nhiên họ cũng chấp nhận tôi gửi thư cho họ và họ sẽ xem xét liệu họ có thể gửi tới tất cả các nhân viên của họ hay không.

Tôi thực hiện cuộc gọi thứ ba và nhận được một lời từ chối. Nó khiến tôi nhận ra rằng tôi phải phát chính niệm trước mỗi cuộc gọi để loại bỏ tất cả các yếu tố ngăn cản mọi người tìm hiểu về cuộc triển lãm. Bản thân tôi phải được thanh lý tất cả các nhân tố bất hảo để tâm tôi có thể thuần tịnh trước mỗi cuộc gọi.

Trong khi gọi điện thoại, tôi đã có cơ hội nhận ra nhiều tình cảm và chấp trước con người của mình – vui khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, mong muốn thuyết phục người khác, không thích phải nhận lời từ chối, truy cầu kết quả, mong muốn được đánh giá cao, muốn cạnh tranh, thiếu tự tin, ích kỷ và sợ những gì người khác có thể nghĩ về tôi.

Buổi chiều, người học viên kia gọi cho tôi. Cô ấy hỏi tôi việc gọi điện thoại của tôi tiến triển ra sao và tôi đã gọi cho những tổ chức nào. Việc cho cô biết thông tin là quan trọng vì nếu không chúng tôi có thể gọi cho những tổ chức mà đã nhận được cuộc gọi. Hóa ra là cô ấy đã gọi được cho nhiều tổ chức hơn tôi. Tôi đã ngạc nhiên vì tôi nghĩ rằng mình đã làm việc đủ nhanh. Bây giờ tâm tranh đấu xuất hiện. Tôi vội vã gọi điện và dành ít thời gian phát chính niệm và thanh lý bản thể. Vì tôi làm một cách vội vã và tâm tôi không thanh tịnh, tôi nhanh chóng nhận được câu trả lời tiêu cực. Tôi nhận ra rằng tốt hơn là nên dừng việc gọi điện thoại ngày hôm đó, vì tôi không thể giữ tâm trí mình thanh tịnh.

Kết luận quan trọng nhất từ trải nghiệm này là sau mỗi cuộc gọi tôi có thể nhận ra những chấp trước mà tôi có. Sau đó, trước mỗi cuộc gọi tiếp theo, những chấp trước mà tôi nhận ra có thể được loại bỏ khi tôi thanh lý bản thể lúc phát chính niệm. Theo cách này, tôi đã có được quá trình đề cao nhanh chóng.

Trước khi bắt đầu gọi điện thoại tôi không tự tin vào bản thân mình và lo ngại về những gì mọi người có thể nghĩ về tôi. Bây giờ tôi đã nghĩ khác. Nếu các hạng mục Đại Pháp cần sự giúp đỡ bằng việc gọi điện thoại lần nữa, tôi chắc chắn sẽ thực hiện. Nếu chúng ta tham gia vào một hạng mục, chúng ta phải có khả năng phối hợp và có tinh thần phối hợp. Nếu chúng ta phối hợp tốt, sức mạnh của Đại Pháp sẽ rất lớn và kết quả của bất kỳ hạng mục Đại Pháp nào mà chúng ta làm chắc chắn sẽ tốt.

Trong một khoảng thời gian dài hơn, khoảng gần nửa năm, tôi rất hiếm khi luyện bài công pháp thứ năm. Đơn giản là tôi không thể hối thúc bản thân luyện bài công pháp này. Nhờ có cuộc triển lãm, tất cả đã thay đổi. Khi tôi trở về nhà sau khi ở Riga hai ngày để giúp cho triển lãm, tôi bắt đầu thường xuyên luyện tĩnh công một giờ. Đã có một sự thăng tiến đáng kể, và tất cả là nhờ có cuộc triển lãm Nghệ thuật Chân – Thiện – Nhẫn.

Xin cảm ơn tất cả các bạn!

(Bài chia sẻ đọc tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Pháp Luân Đại Pháp năm 2013 tại Copenhagen)


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/8/5/修自己互相配合好才能把救人的事做好-277627.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/22/141648.html

Đăng ngày 20-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share