Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở San Francisco, bang California, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 21-12-2012] Gần đây, tôi có nghe một học viên khác thảo luận về vấn đề dễ dàng bị nổi cáu và có cảm giác oán hận. Tôi đã rất xúc động và sau khi hướng nội, tôi nhận ra rằng thỉnh thoảng tôi cũng rất bực bội. Tôi trở nên bực bội và oán giận khi cách làm của người khác không phù hợp với quan niệm của tôi, khi những từ ngữ của người khác làm tôi nổi cáu hoặc khi tôi cảm thấy họ không đối xử công bằng với tôi. Thỉnh thoảng, nó thậm chí còn ảnh hưởng tới mối quan hệ của tôi với các đồng tu và tới công tác Đại Pháp.

Tất cả những trải nghiệm mà chúng tôi có khá tương đồng. Sau khi suy ngẫm về một sự cố, chúng tôi nhận ra rằng nó không có gì thật sự to tát, và thậm chí còn tự hỏi tại sao khi ấy chúng tôi lại cảm thấy những cảm xúc mạnh mẽ đến như vậy; sau đó chúng tôi cảm thấy vô cùng hối tiếc. Bản chất thật sự của chúng tôi không tiêu cực và không có ma tính như vậy, vì vậy nó đến từ đâu? Tôi đã nghĩ về điều này và cảm thấy lúng túng trong nhiều ngày.

Vào một buổi sáng nọ cách đây vài ngày, ngay trước khi thức dậy, tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng sống động. Tôi đã hại một ai đó trong một tiền kiếp gần đây; tôi sẽ không mô tả chi tiết về nó. Vấn đề quan trọng là người này đã ghét tôi trong suốt thời gian qua. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng sự oán hận và tức giận mà tôi có đối với người khác thường xuyên là biểu hiện của sự thù hận mà chủ nợ kia đã đẩy qua cho tôi. Mục đích của anh ấy là đến để can nhiễu sự tu luyện của tôi.

Trong thực tế, tôi nhận thấy rằng nhiều học viên gần đây đã bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ của họ, và điều này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng ta đã chuyển sinh nhiều lần, và có thể đã hại một số sinh mệnh. Theo hiểu biết cá nhân của tôi thì những hận thù của các chủ nợ là một trong những nguồn gốc của sự bất bình mà chúng ta bộc lộ. Một trong các lý do mà những việc này trở nên nổi bật gần đây, đó là nhiều hạng mục đang trong giai đoạn triển khai quan trọng, vì thế những tạp niệm này đến để can nhiễu chúng tôi. Một lý do khác nữa là, tiến trình Chính Pháp đã đạt đến điểm cuối cùng và nhiều sinh mệnh vội vàng đến đòi nợ và trả thù.

Tôi cũng nhận thấy rằng khi chúng ta tinh tấn, thì những lời than phiền mà họ đẩy tới chúng ta không còn mãnh liệt nữa, nhưng sẽ có nhiều lời than phiền xuất hiện khi chúng ta thiếu tinh tấn. Theo thể ngộ của tôi, khi chúng ta tinh tấn trong tu luyện của mình, Sư phụ sẽ giúp chúng ta giải quyết các mối hận thù từ tiền kiếp. Khi những sinh mệnh này nhìn thấy chư vị không tinh tấn, thì họ cảm thấy không chắc về tương lai viên mãn của chư vị, cũng như khả năng mà chư vị hồi báo cho họ bằng phúc phận, vì thế họ can nhiễu chư vị. Vào thời điểm đó, thậm chí Sư phụ cũng không thể làm bất cứ điều gì cho chư vị. Một vài sinh mệnh thậm chí còn tin rằng: “Chư vị nói với tôi trong khi phát chính niệm: ‘Đừng can nhiễu tôi và bạn sẽ có một vị trí tốt đẹp trong tương lai.’ Tuy nhiên, quan sát chư vị học Pháp, luyện các bài công pháp, phát chính niệm hoặc giảng chân tướng lúc có lúc không mà không có sự kiên trì, thì chẳng phải là lời hứa của chư vị cũng bằng không hay sao?” Khi đó, họ tăng cường sự can nhiễu, liên tục đẩy sự căm ghét và nghiệp lực về phía chư vị để những oán hận của chư vị phát triển thậm chí mạnh mẽ hơn, đến mức nó có biểu hiện như là nghiệp bệnh.

Tôi chỉ hy vọng rằng chia sẻ này có thể như một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người.

Chúng ta cần phải tinh tấn, nếu không, chúng ta sẽ khiến cho Sư phụ thất vọng, khiến cho bản thân chúng ta thất vọng, và khiến các sinh mệnh từng bị tổn thương bởi chúng ta thất vọng. Chúng ta đã mắc nợ họ, và bây giờ họ phải mang tội bởi vì họ can nhiễu chúng ta vì chúng ta không tinh tấn. Chỉ khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của các học viên khác và hướng nội, nhiều khổ nạn mới có thể được giải quyết.

Ngoài ra, chúng ta không nên tranh cãi khi chúng ta cảm thấy rằng các học viên khác đã không đối xử “tốt” với chúng ta. Khi chúng ta xử lý tình huống một cách tích cực, chúng ta sẽ loại bỏ được những suy nghĩ tiêu cực (đây cũng là vật chất) và các can nhiễu tới tiến trình Chính Pháp của Sư phụ mà Cựu thế lực đã an bài.

Tôi nghĩ rằng một nguồn khác của sự oán giận là lòng đố kị do cựu thế lực đẩy về phía chúng ta.

Có nhiều thể sinh mệnh khác nhau ở khắp mọi nơi trong vũ trụ này, và chư vị sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sinh mệnh nào mà chư vị cảm thấy phù hợp. Cựu thế lực đố kị với các đệ tử Đại Pháp, và đố kị với sự từ bi của Sư phụ dành cho chúng ta; họ nghĩ rằng như thế là không công bằng. Khi chúng ta không tinh tấn và không hướng nội, họ có thể đẩy sự đố kị đó đến phía chúng ta với lý do là giúp chúng ta đề cao tâm tính. Chúng ta vẫn còn có một số chấp trước của con người trên bề mặt, nhưng nếu chúng ta có thể kiên trì và tĩnh tâm học Pháp, tâm đố kị này sẽ trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, nếu chúng ta chểnh mảng trong sự tu luyện của mình và phù hợp với chúng, chúng sẽ làm cho các chấp trước của chúng ta trở nên mạnh hơn. Chư vị càng nghĩ giống họ, thì chư vị càng cảm thấy rằng chư vị bị đối xử bất công và rằng chư vị mới là đúng. Sau đó, chư vị sẽ chống lại hoặc tránh những người khác, làm cho hạng mục Đại Pháp của chư vị kém hiệu quả.

Khi tâm của chư vị đầy oán giận và hận thù thì bất cứ việc gì mà chư vị làm đều là chứng thực mặt tiêu cực. Làm sao nó có thể là chứng thực Pháp? Chúng ta chỉ có thể chứng thực Pháp khi chúng ta có Chân – Thiện – nhẫn trong tâm. Chỉ khi đó, Đại Pháp mới triển hiện uy đức thông qua chúng ta – có đúng vậy không?

Trên đây chỉ là một số thể ngộ cá nhân của tôi, xin từ bi chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/12/21/怨恨心是从哪里来–266776.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/26/138639.html

Đăng ngày 21-04-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share