Bài viết của Khám Nghi Mông

[MINH HUỆ 31-03-2023]

Họ và tên: Tiền Pháp Quân (钱法君)
Giới tính: Nam
Tuổi: 44
Thành phố: Lâm Nghi
Tỉnh: Sơn Đông
Nghề nghiệp: Trang trí nghệ thuật
Ngày mất: Ngày 17 tháng 4 năm 2013
Ngày xảy ra vụ bắt cuối cùng: Ngày 23 tháng 9 năm 2011
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại Lao động Cưỡng bức Chương Khâu

Ngày 17 tháng 4 năm 2013, nhà trang trí nghệ thuật Tiền Pháp Quân ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông đã qua đời sau 13 năm bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, môn pháp tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Trong thời gian bị giam giữ, ông Tiền bị bức thực, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, đánh đập bằng chùy, sốc điện bằng dùi cui, treo người trong thời gian dài, trói trong tư thế gây đau đớn, cấm ngủ và cấm sử dụng nhà vệ sinh.

Ông Tiền bị bắt lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2003 và bị giam nhiều tháng ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Số 2 tỉnh Sơn Đông. Sau khi được trả tự do không lâu ông lại bị bắt vào tháng 6 năm 2004 và bị tra tấn ở trong Trung tâm Tẩy não thành phố Lâm Nghi trong 11 ngày. Cả 2 lần đó lính canh đều thả ông khi ông ở trong tình trạng thập tử nhất sinh vì họ không muốn chịu trách nhiệm.

Vụ bắt giữ cuối cùng của ông Tiền xảy ra vào tháng 9 năm 2011. Ông bị tra tấn tàn bạo trong cùng trung tâm tẩy não nói trên và Trại Lao động Cưỡng bức Chương Khâu, ở nơi đây ông bị tiêm thuốc và bức thực đến suýt chết. Tháng 2 năm 2012, ông được trả tự do sau 4 tháng giam giữ và qua đời 14 tháng sau đó.

Ông Tiền sinh năm 1969 tại thị trấn Diễn Mã, huyện Cử Nam, tỉnh Sơn Đông. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, ông là một người rất nóng tính, nhưng rồi ông thay đổi và trở nên tốt bụng và ôn hòa hơn sau khi tu luyện. Dưới đây là tóm tắt những khổ nạn của ông trong cuộc bức hại.

a66597a314003c2c2a60930d101b6d03.jpg

Ông Tiền Pháp Quân

1. Bị sốc bằng dùi cui điện cho đến khi da thịt cháy khét ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn

Mùa xuân năm 2002, sau khi nhận thấy bản thân bị một cảnh sát theo dõi ở trên xe buýt, ông Tiền đã phải rời nhà sống lang bạt để tránh việc bức hại. Nhưng không may, trên đường trở về nhà vào ngày 16 tháng 2 năm 2003, ông đã bị bắt và sau đó bị kết án 2 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Số 2 tỉnh Sơn Đông (Vương Thôn).

Tháng 6 năm 2003, lính canh nhốt ông Tiền trong phòng biệt giam, vặn ngược hai tay ông ra sau lưng rồi còng vào lưng của chiếc ghế mà ông ngồi. Bốn lính canh cầm dùi cui điện vây xung quanh ông và hai người trong số họ giẫm lên bắp chân đang bị xích vào ghế của ông. Khi thấy ông kiên định không từ bỏ Pháp Luân Công, họ bắt đầu sốc điện vào những vùng nhạy cảm như lòng bàn chân, đùi trong, cổ và bên trong khuỷu tay của ông.

Ông Tiền cho biết cơn đau dữ dội đến mức giống như bị nhiều mũi kim đâm vào cùng lúc, không khác nào bị một đàn rắn cắn xé. Hai lính canh giẫm lên chân ông để giữ ông không văng ra khỏi ghế.

Mùi khét do da thịt cháy tỏa ra khắp căn phòng. Một lúc sau, ông Tiền ngừng rên rỉ vì đau đớn. Lính canh dừng lại để kiểm tra và phát hiện ông đã cắn vào lưỡi và lưỡi ông đã chuyển sang màu tím. Lính canh cạy miệng ông ra và hỏi liệu ông có từ bỏ Pháp Luân Công hay không. Khi thấy ông vẫn im lặng, họ bắt đầu sốc điện đợt thứ hai. Cuộc tra tấn này kéo dài cả buổi sáng. Trong toàn bộ quá trình, ông thấy hai lính canh đứng ở bên ngoài căn phòng để xem cảnh tra tấn. Một người liên tục gật đầu, còn người kia (cảnh hiệu 3731066) nhếch mép cười. Khi các lính canh đi ăn trưa, một trong hai người đó đã ở lại canh chừng ông.

Lính canh chuyển ông Tiền sang một căn phòng khác, đặt ông xuống một tấm ván trên giường, rồi còng tay ông vào giường. Trưởng lính canh cố bảo ông từ bỏ tu luyện, nhưng ông chỉ đáp: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Sau đó lính canh cáo buộc ông chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa ông trở lại phòng biệt giam.

Vì cổ, tay và chân của ông đầy những vết phồng rộp và vết bỏng, lính canh biệt giam ông trong một tuần cho đến khi vết thương lành hẳn, rồi mới đưa ông trở lại phòng giam. Bằng cách này, các học viên khác không biết về sự tra tấn mà ông phải chịu đựng, vì họ không được phép nói chuyện với nhau.

Ông được thả sau vài tháng bị đưa vào trại lao động khi đang ở bên bờ vực của cái chết do bị tra tấn.

2. Bức thực bằng thuốc phá hủy thần kinh ở trong Trung tâm Tẩy não thành phố Lâm Nghi

Ngày 13 tháng 6 năm 2004, khoảng 1 năm sau khi ông Tiền được thả, cảnh sát lại bắt giam ông.

Ngày 24 tháng 6, cảnh sát cố tống ông vào Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn, nhưng không thành công vì bác sỹ phát hiện ông mắc trọng bệnh khi khám sức khỏe bắt buộc. Ông bị chuyển trở lại Trại tạm giam huyện Cử Nam và sau đó được thả.

Ngày 23 tháng 9 năm 2011, ông Tiền bị đặc vụ từ Phòng 610 thành phố Lâm Nghi bắt tại nhà trong khi đang bận rộn thu hoạch mùa vụ. Ở trong Trung tâm Tẩy não Lâm Nghi, lính canh trói ông lại và bức thực ông bằng thuốc độc, khiến ông bị suy nhược thể chất. Họ để nguyên ống truyền thức ăn trong người ông để không phải nhét vào mỗi lần tra tấn. Họ cũng đánh đập và làm ông bị thương nghiêm trọng. Hậu quả là ông không thể đi lại, mà cần phải có người đưa đi.

Trước khi bức thực ngày thứ 5, nhân viên của trung tâm tẩy não cho ông xem ảnh các học viên Pháp Luân Công khác bị trói vào “giường chết” (một dụng cụ tra tấn) và bị bức thực. Ông vẫn không chút dao động.

Sau đó, lính canh đưa ông Tiền đến Bệnh viện Lan Sơn. Tô Vĩ, người đứng đầu trung tâm tẩy não, cố ý chạm vào vùng kín của ông Tiền. Một lính canh cố nhét ống truyền thức ăn qua lỗ mũi vào bụng ông nhưng không thành công. Bác sỹ cũng phải tốn nhiều công sức mới đưa được ống truyền thức ăn vào. Hai bác sỹ thậm chí còn cố gắng nhét ống truyền vào cả hai lỗ mũi của ông. Một bác sỹ nói bà ta đã làm công việc bức thực được hơn 10 năm và sẽ không chấp nhận bỏ cuộc dễ dàng trước ông Tiền.

Khi ông Tiền bị chảy dịch nhầy ở mũi do đặt ống, lính canh giả vờ nói giúp ông làm sạch dịch bằng cách bóp mũi, khiến ông đau đớn hơn và làm cho lỗ mũi của ông bị thương nghiêm trọng.

Lính canh đưa ông Tiền trở lại trung tâm tẩy não với chiếc ống truyền thức ăn để trong lỗ mũi. Họ trói chặt chân tay ông vào 4 góc giường, khiến ông không thể cử động và kêu la vì quá đau. Một nữ lính canh nói họ trói ông chặt quá, nhưng lính canh Trần Quân lạnh lùng nói họ không được thương cảm cho ông.

2004-12-4-dalian9--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Giường chết

Một lần, khi ông Tiền đang kể lại việc lính canh Tô Vĩ ngược đãi ông thì lính canh Tô tình cờ nghe được. Tô giật mạnh cánh tay khiến vai ông đau đớn tột độ. Lính canh đưa các học viên khác đến xem cảnh tượng tàn nhẫn này để thị uy các học viên từ bỏ Pháp Luân Công.

Trong 2 ngày đầu ông Tiền bị trói trên giường chết, lính canh không cởi trói cho ông khi ông muốn đi vệ sinh. Vào lúc họ thả ông xuống, ông không còn sức lực để đi lại và cần phải có người dìu vào nhà vệ sinh. Lính canh Tô đá ông từ phía sau khi ông di chuyển chậm. Trong những ngày tiếp theo, ban ngày ông bị trói vào một chiếc ghế sắt còn ban đêm bị trói trên giường chết.

Khoảng 10 ngày sau, ông Tiền hắt hơi và ống truyền thức ăn bị văng ra ngoài. Ngày tiếp theo, lính canh đưa ông đến Bệnh viện Lan Sơn để đặt lại ống truyền thức ăn. Mỗi khi gặp người nào đó ông đều hô lớn: “Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là vô tội”. Bởi không muốn người dân biết về cuộc bức hại, nên sau khi gắn xong ống, lính canh đưa ông trở lại trung tâm tẩy não và trói ông trên một chiếc ghế sắt để ngăn ông rút ống ra.

Lính canh thường xuyên ngược đãi ông Tiền. Khi lính canh Lý Viên bức thực ông, cô ta đổ thừa rằng ông gây phiền toái cho họ. Khi ông đi quá chậm, lính canh đánh ông bằng một que sắt. Ngay cả khi ông chỉ ngồi khoanh chân, lính canh cũng buộc tội ông luyện các bài công pháp Pháp Luân Công, xé toạc quần của ông và tát vào mặt ông.

Một lần, ông bị bỏ mặc trên một chiếc ghế sắt qua đêm bên ngoài phòng số 6. Đến sáng, lính canh Trần Quân đến yêu cầu ông mang bô tiểu của ông vào nhà vệ sinh ngay, ông nói với Trần rằng ông sẽ làm vậy sau khi đi vệ sinh. Điều này đã khiến Trần nổi giận và liên tục tát, quật ông xuống đất. Lính canh Trần ra lệnh cho một nhân viên tắt camera trong phòng 6 và đe dọa tra tấn ông. Trần cũng nói sẽ không để lại vết thương sau khi đánh đập ông và có thể làm những gì mà hắn muốn.

Trần cũng nói: “Ông chẳng là gì ở đây cả. Ông thuộc về nhóm người yếu thế. Ở đây, chúng tôi có thể xử lý ông theo cách chúng tôi muốn!“

3. Bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Chương Khâu và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Ngày 28 tháng 10 năm 2011, lính canh Tô tháo ống truyền thức ăn của ông Tiền, còng tay ông ra sau lưng và tuyên bố trước mặt các học viên khác rằng sẽ chuyển ông đến Trại Lao động Cưỡng bức Chương Khâu, ngụ ý rằng các học viên khác cũng có số phận tương tự nếu họ không từ bỏ Pháp Luân Công.

Tại bệnh viện, bác sỹ khám sức khỏe cho ông Tiền và kết luận sức khỏe của ông không đảm bảo để nhập trại. Bất chấp lời cảnh báo, lính canh vẫn đưa ông Tiền đến trại lao động. Một lính canh của trại nhốt ông trong phòng chứa đồ.

Ông Tiền tuyệt thực để phản đối việc bức hại và lính canh bức thực ông. Bác sỹ Trương (số hiệu 3731063) của trại lao động liên tục nhét ống dẫn vào và kéo ra khi bức thực ông. Các tù nhân chứng kiến ​​cảnh đó đã thốt lên: “Đây đâu phải là bức thực. Ông ta dùng chiếc ống để đánh và đấm vào mũi ông Tiền”.

Ông Tiền ói mửa sau mỗi lần bị bức thực. Ông cũng cố gắng rút ống ra nhưng không được. Ông thường xuyên lên cơn co giật và thỉnh thoảng ngã lăn khỏi giường. Đôi khi ông bị mất kiểm soát và tiểu tiện ra giường.

Cuối cùng, tù nhân cùng phòng nhận ra ông sắp chết và báo cáo tình trạng của ông với một đội trưởng. Đội trưởng trả lời: “Anh lo lắng cái gì? Nếu ông ta chết, chúng tôi sẽ ném ông ta ra ngoài“. Lính canh vẫn tiếp tục bức thực ông.

Cuối cùng, nhân viên trại lao động cưỡng bức đưa ông đến Bệnh viện 83 để hồi sức cấp cứu. Ông bị tiêm một loại thuốc không rõ chủng loại vào bàn chân phải. Tình trạng của ông xấu đi nhanh chóng và ông được trả tự do vào tháng 2 năm 2012.

2013-4-7-minghui-pohai-qianfajun--ss.jpg

Chân của ông Tiền bị thâm đen và thối chảy mủ sau khi bị tiêm một loại thuốc không rõ chủng loại ở Bệnh viện 83

Sau khi trở về nhà, sức khỏe của ông Tiền vẫn không thể hồi phục. Ông không thể đi lại và đau đớn vô cùng. Bàn chân phải của ông bị mưng nặng và chảy mủ do tiêm thuốc không rõ chủng loại khi ở Bệnh viện 83. Cuối cùng, ông hầu như không thể cử động chân tay và cần hỗ trợ trong việc ăn uống và vệ sinh. Ông thậm chí còn không thể rời khỏi giường. Ông qua đời ở tuổi 44 vào lúc 9 giờ tối ngày 17 tháng 4 năm 2013.

Bài liên quan:

Ông Tiền Pháp Quân qua đời do bị tra tấn tàn bạo ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Sơn Đông (Ảnh)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/31/458314.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/14/208063.html

Đăng ngày 03-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share