Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-03-2023]

Tên:Tưởng Bình Điền (蒋平田)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố:
Huyện Kỳ Đông
Tỉnh: Hồ Nam
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Ngày 10 tháng 12 năm 2022
Ngày bị bắt lần cuối cùng: Ngày 7 tháng 8 năm 2020
Nơi giam giữ lần cuối cùng:Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam

Một cư dân huyện Kỳ Đông, tỉnh Hồ Nam đã phải chống chọi với tình trạng sức khỏe suy kiệt và qua đời vào ngày 10 tháng 12 năm 2022, chỉ 10 tháng sau khi bà mãn hạn tù lần thứ hai vì đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà hưởng thọ 70 tuổi.

Ngày 7 tháng 8 năm 2020, bà Tưởng Bình Điền bị bắt giữ sau khi bị trình báo vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị kết án 1,5 năm tù và thụ án trong Nhà tù Mữ tỉnh Hồ Nam và được trả tự do vào ngày 4 tháng 2 năm 2022. Trước đó bà từng bị kết án 8 năm vào năm 2001 và bị tăng thời hạn thêm 6 tháng vì kiên định đức tin của mình.

Bức hại trong quá khứ

Bà Tưởng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 và bà tin rằng pháp môn tu luyện này đã cải thiện sức khỏe của bà.

Năm 2001, hai năm sau khi cuộc bức hại diễn ra, bà bắt đầu in tài liệu thông tin tại nhà để phát cho người dân nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Cảnh sát đã tịch thu máy tính, máy in, điện thoại di động và một lượng lớn tiền mặt của bà. Tổn thất về tài chính của bà lên tới hơn 10 vạn nhân dân tệ.

Khi bà Tưởng chuyển đến nhà của con trai bà ở thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông để tránh bị bức hại, cảnh sát đã bám theo bà tới đó. Con trai, con gái và con rể của bà cũng bị liên lụy và trở thành mục tiêu của chính quyền, sau đó họ cũng bị giam giữ. Con trai cùng con rể của bà đã bị tống tiền hàng chục nghìn nhân dân tệ.

2011-3-15-xgm-kuxing10--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Treo người lên bằng cổ tay

Bà Tưởng đã bị bắt giữ vào tháng 10 năm 2001 khi đang in tài liệu tại nhà. Cảnh sát treo bà từ cổ tay bà lên khung cửa trong 9 ngày. Một số cảnh sát luân phiên đánh đập và đá vào người bà. Khuôn mặt, bàn tay và cơ thể của bà bị bao phủ bởi những vết bầm tím.

Mặc dù nhiệt độ xuống thấp, lính canh không cho bà mặc đồ ấm và còn treo bà lên trong khi trên người chỉ mặc lớp quần áo mỏng. Đôi khi họ hạ bà xuống trong một thời gian ngắn. Bà phải ngồi trên sàn bê tông lạnh lẽo và run cầm cập vì lạnh. Chẳng bao lâu, lính canh lại treo bà lên và tiếp tục thẩm vấn. Bà ngất xỉu vì bị đánh đập nhiều lần.

Chín ngày bị tra tấn khiến bà trở nên tiều tụy và chiếc còng tay không còn có thể giữ nổi bà. Để còng chặt được cổ tay gầy gò của bà, lính canh phải thay bằng một đôi còng tay nhỏ hơn, loại chuyên dành cho độ tuổi vị thành niên.

Tòa án quận Kỳ Đông sau đó đã kết án bà Tưởng 8 năm trong Nhà tù Nữ tỉnh Hồ Nam, thành phố Trường Sa. Thấy bà không từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền đã tùy tiện gia tăng thời hạn của bà thêm 6 ttháng.

Do bị tra tấn khi bị giam giữ, bà Tưởng bị loét dạ dày và viêm gan vào năm 2009. Bà không thể ăn được bất cứ đồ ăn gì và trở nên tiều tụy. Ban đầu, nhà tù thông báo cho chồng bà là ông Quản Hưng Trung tới đón bà về nhà, nhưng khi ông đến nhà tù, lính canh đã đổi ý không thả người. Mãi đến tháng 11 năm 2010, bà mới được phóng thích.

Trong khi bà bị giam giữ, cảnh sát cũng liên tục sách nhiễu gia đình bà. Một đêm vào năm 2007, cảnh sát đột nhập và lục soát nhà của họ trong đêm và sáng hôm sau khi không có ai ở nhà. Khi chồng của bà Tưởng về nhà, ông đã sững người khi nhìn thấy ngôi nhà trở thành một mớ hỗn độn. Ông vội chạy đi trình báo sự việc với trưởng thôn, nhưng ông đã bất tỉnh trước khi kịp mở miệng nói chuyện. Trưởng thôn vội vàng đưa ông đến bệnh viện.

Vài ngày sau, khi ông Quản trở về nhà để lấy tiền trả viện phí, ông đã choáng váng khi phát hiện ra 1.000 nhân dân tệ mà con trai ông chuyển cho ông đã không cánh mà bay. Ban đầu, cảnh sát phủ nhận việc lấy số tiền đó, nhưng sau đó phải thừa nhận khi dân làng đến đòi công đạo cho ông Quản. Sau cùng, cảnh sát chỉ trả lại cho gia đình ông Quản 800 nhân dân tệ.

Cảnh sát địa phương cũng mở rộng sự bức hại đến các thành viên trong gia đình bà Tưởng. Ông Quản từng bị giam giữ và thẩm vấn trong ba ngày. Con trai họ bị đánh đập dã man, con gái buộc phải rời nhà sống trôi giạt để tránh bị sách nhiễu thêm. Con rể của họ đã bị kết án 5 năm tù vì giúp bà Tưởng in ấn tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Bài liên quan:

Nữ học viên Tưởng Bình Điển bị tra tấn và đang trong tình trạng nguy kịch ở Nhà tù nữ Trường Sa

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/21/457973.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/22/207779.html

Đăng ngày 24-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share