Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-10-2022] Ông Ngô Thành Thu, một cư dân 57 tuổi ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, đã bị đưa tới Nhà tù tỉnh Sơn Đông vào ngày 22 tháng 9 năm 2022 để thụ án 11 năm vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Sau 11 năm sống xa nhà để tránh bị bức hại, ông Ngô Thành Thu bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 20 tháng 4 năm 2021. Cảnh sát đã giật chìa khóa và lục soát nhà ông. Trong cuộc đột kích, vợ ông, bà Vương Tiên, bị còng tay và giữ ở một bên và cảnh sát đã ghi hình toàn bộ quá trình. Sau đó, họ lấy đi các sách Pháp Luân Công của hai vợ chồng, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, 10.700 nhân dân tệ tiền mặt, máy tính, máy cắt giấy đã bị hỏng và máy tính cũ của con trai ông bà.

Để thu thập thông tin về vợ chồng ông Ngô, cảnh sát đã yêu cầu con trai họ là anh Ngô Bân Kiệt (không tu luyện Pháp Luân Công) đang làm việc ở Nội Mông Cổ (cách khoảng hơn 900 km) phải quay về quê nhà Duy Phường để thẩm vấn.

Ông Ngô bị tước quyền thăm thân kể từ khi bị bắt. Sau đó một người trong cuộc tiết lộ cho gia đình biết rằng ông phải điều trị y tế trong khi bị giam giữ. Lo lắng cho sức khoẻ của ông, gia đình đã thuê một luật sư để vào gặp ông. Ban đầu trại tạm giam chấp thuận cho luật sư vào thăm, nhưng ngay sau đó đã rút lại quyết định, viện lý do rằng quá trình truy tố ông đã kết thúc (bởi ông đã bị kết án tù và kháng cáo của ông bị bác bỏ).

Sau đó, một người biết rõ vụ án này xác nhận với gia đình rằng ông Ngô đã bị tuyên 11 năm tù và phạt tiền 100.000 nhân dân tệ. Những thông tin chi tiết khác về vụ án hiện vẫn đang được điều tra.

Bức hại trong quá khứ

Đánh đập tàn bạo và tống tiền

Vào ngày cuộc bức hại bắt đầu 20 tháng 7 năm 1999, ông Ngô bị bắt cùng với hai học viên khác là ông Ngô Nhữ Quang và ông Vũ Kỳ Phú. Mặc dù chính quyền đã sớm thả họ trước sự yêu cầu mạnh mẽ từ các học viên địa phương, nhưng cảnh sát đã lắp đèn chiếu sáng bên ngoài nhà của các học viên và bố trí người ở bên ngoài nhà để giám sát họ 24/24 nhằm ngăn họ đi ra ngoài.

Ngày 22 tháng 7 năm 1999, hơn 20 cảnh sát đã xông vào nhà ông Ngô Thành Thu và ra lệnh cho ông giao nộp các sách Pháp Luân Công. Khi ông từ chối, họ đánh đập ông và lục soát nhà ông, lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công và ảnh của Nhà sáng lập pháp môn. Lúc đó anh trai ông Ngô đang đến chơi cũng bị cảnh sát đánh đập (dù người anh trai không tu luyện Pháp Luân Công). Chiếc xe máy của anh trai ông Ngô cũng bị cảnh sát thu giữ.

Tối hôm đó, ông Ngô và vợ lại bị bắt. Lưu Hữu Chi, một cảnh sát của lực lượng vũ trang của chính quyền thị trấn, đã đánh đập hai vợ chồng. Sau đó, hai vợ chồng bị cưỡng bức lao động không công, xem các video và đọc các tờ báo bôi nhọ Pháp Luân Công. Họ được thả 9 ngày sau đó.

Các quan chức thị trấn đã kết nối điện thoại cố định của ông Ngô với văn phòng riêng của họ và bắt ông phải thanh toán cả hoá đơn điện thoại của văn phòng, với lý do là để họ có thể giám sát các cuộc điện thoại của ông dễ dàng hơn.

Ngày 19 tháng 1 năm 2000, Lưu lại bắt giữ ông Ngô, vợ ông và 4 học viên khác là Tôn Hoa Quân, Tôn Thế Siêu, Tôn Minh Đức và Ngô Thành Hỷ. Họ dùng vải đen che mắt các học viên và bắt họ ngồi chân trần trên đất với tay chân duỗi thẳng về phía trước. Sau đó, cảnh sát đánh vào đầu, tay và chân họ bằng gậy gỗ. Những người khác quất họ bằng dùi cui da hoặc chà mạnh giày vào mắt cá chân của các học viên khiến da thịt của họ bị rách nghiêm trọng.

Sau 7 ngày tra tấn, Lý Quảng Quân, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thị trấn, tống tiền các học viên một số tiền lớn. Những người không đủ khả năng nộp sẽ bị đánh đập liên tục cho đến khi họ đưa cho Lý đủ số tiền.

Tổng cộng, Lý tống tiền ông Tôn Hoa Quân 30.000 nhân dân tệ; ông Tôn Minh Đức 20.000 nhân dân tệ; ông Ngô Thành Thu 20.000 nhân dân tệ; và ông Ngô Thành Tỷ 10.000 nhân dân tệ (nộp thành 3 đợt).

Các nhà chức trách bắt giữ ông Ngô và vợ ông một lần nữa vào tháng 5 năm 2000, và hỏi họ có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không. Khi họ nói họ vẫn đang tu luyện, cảnh sát đã đánh đập họ tàn bạo đến mức làm gãy 2 chiếc dùi cui.

Cảnh sát Thái Kế Nham cảnh cáo họ: “Tôi sẽ đánh đập các người đến chết và đổ xăng thiêu xác các người, rồi tuyên bố các người đã tự thiêu”.

Cảnh sát Lý Mậu Lương quát tháo: “Tôi sẽ đập chết các người rồi đào hố chôn xác hoặc quăng xác xuống nước để thủy táng”.

Cảnh sát Lưu Hữu Chi tuyên bố sẽ khiến gia đình ông Ngô tán gia bại sản nếu họ vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.

Liên tục bị bắt giữ

Ông Ngô lại bị bắt vào cuối năm 2000 vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đánh ông suốt 3 ngày nhằm cố gắng tìm ra nơi ông lấy tài liệu. Mặc dù ông Ngô đã sớm trốn khỏi nơi giam giữ, nhưng ông lại bị cảnh sát bắt giữ một lần nữa vào mùa hè năm 2001 và bị tra tấn trong lúc bị giam cầm.

Bởi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông Ngô bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Tại thời điểm bị đưa vào trại lao động, ông đã bị thương nặng, nên trại lao động từ chối nhận ông, do đó cảnh sát đã đưa ông trở lại đồn công an. Tuy nhiên thay vì thả ông, họ lại tra tấn ông thêm 3 ngày nữa, cho đến khi tính mạng ông gặp nguy hiểm.

Vì vợ ông đang chạy trốn khỏi bàn tay cảnh sát, người mẹ già ngoài 80 tuổi đã phải chăm sóc ông. Chỉ 3 ngày sau khi ông trở về nhà, cảnh sát lại xuất hiện. Họ ra lệnh cho mẹ ông ra ngoài rồi đóng cửa lại và đánh đập ông. Không thể sống một cuộc sống bình thường, ông Ngô cũng buộc phải rời nhà sống lưu lạc.

Sau 7 năm sống trôi dạt, ông Ngô lại bị bắt vào ngày 5 tháng 11 năm 2008 và bị kết án lao động cưỡng bức.

Buộc phải sống xa nhà trong một thập niên

Vợ chồng ông Ngô lại bị bắt vào ngày 27 tháng 3 năm 2010. Họ bị thẩm vấn tại đồn công an. Ông Ngô đã trốn thoát vào sáng ngày 31 tháng 3 và phải rời khỏi nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát trong 10 năm tiếp theo.

Hòng buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công, cảnh sát cũng đến Trường Đại học Thanh Đảo nơi con trai họ đang theo học để bắt giữ anh.

Ngày 28 tháng 10 năm 2019, Lý Lỗ Xuân, đội trưởng Đội An ninh Nội địa quận Duy Thành, đã xông vào nhà bà Vương. Hôm đó, con trai bà đang được nghỉ làm ở nhà. Lý cố ép hai mẹ con nói ra nơi ở của ông Ngô, nhưng họ không hợp tác. Sau đó, anh Ngô Ban Kiệt biết rằng trước đó cảnh sát cũng đến nơi làm việc của anh ở Nội Mông Cổ để tìm anh mà không biết rằng anh đã quay trở lại Duy Phường.

Sau khi Lý rời đi, bà Vương thấy vài cảnh sát đang ở bên ngoài nhà để giám sát họ. Lý quay trở lại hai lần vào ngày thứ ba và thứ tư để sách nhiễu bà. Vì bà không nói ra nơi ở của ông Ngô nên Lý đã đến quê nhà của ông Ngô và cố moi thông tin từ người bác của ông.

Ngay sau khi ông Ngô vừa trở về nhà sau hơn một thập niên sống lưu lạc, ông đã bị cảnh sát bắt giữ và bị kết án tù nặng sau 1 năm bị giam giữ.

Bài liên quan:

Một người đàn ông ở Sơn Đông bị kết án bí mật 11 năm tù sau một thập niên sống lưu lạc

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/6/450478.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/10/204239.html

Đăng ngày 20-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share