Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-09-2022] Hơn 100 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào ngày 12 tháng 7 năm 2022, chỉ 8 ngày trước ngày đánh dấu 23 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Đợt bắt giữ trên diện rộng này là một nỗ lực của chính quyền nhằm cưỡng chế các học viên từ bỏ đức tin và ngăn họ lên tiếng cho pháp môn này trước sự kiện.

Một cảnh sát tiết lộ, chính quyền đã bắt đầu theo dõi và ghi hình các học viên 9 tháng trước cuộc bắt giữ, và đợt hành động này chỉ được thông báo trước 1 tuần. Cảnh sát cũng không tiết lộ danh tính thật, đơn vị công tác hoặc thông tin liên lạc của họ trong khi thực hiện bắt giữ, và tuyên bố rằng những thông tin đó là “cơ mật quốc gia”.

Hầu hết các vụ bắt giữ xảy ra vào sáng sớm (từ 5-7 giờ) khi các học viên đang ở nhà. Nhiều tài sản cá nhân của họ bị tịch thu, đặc biệt là sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy tính xách tay, điện thoại di động và tài liệu giảng chân tướng cuộc bức hại. Những đồ vật này sẽ được cảnh sát dùng làm bằng chứng truy tố các học viên nhằm bỏ tù họ.

Hầu hết các học viên bị bắt giữ là nữ giới. Trong số hơn 20 học viên từ 70 tuổi trở lên, có hơn 10 người đã ngoài 80 và một người 98 tuổi.

Tại thời điểm viết báo cáo này, 8 học viên vẫn bị giam trong Trại tạm giam Số 2 thành phố Đại Khánh, gồm: bà Đỗ Thuần Hương, bà Trương Lâm Ưng, bà Phùng Vân Quyên, bà Phùng Liên Hà, ​​bà Thái Tú Anh (ở thành phố Cáp Nhĩ Tân), bà Đường Tăng Hiệp, bà Trình Xảo Vân và bà Trần Thục Hoa.

Dưới đây là chi tiết về việc bắt giữ và lục soát nhà của các học viên vào ngày 12 tháng 7 năm 2022, do các cảnh sát thuộc 15 cơ quan công an trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh thực hiện.

1. Công an KhuPhát triển Công nghệ Cao Tân

Cảnh sát của Công an Khu Phát triển Công nghệ Cao Tân trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hơn 20 học viên.

Hơn 10 học viên tại khu nhà ở của Mỏ dầu Đại Khánh bị bắt

Lúc 5 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 7 năm 2022, một người phụ nữ gõ cửa nhà bà Vương Phượng Trân, nói rằng bà ta đến từ trung tâm cách ly. Ngay khi bà Vương mở cửa, một nhóm cảnh sát đã ập vào lục soát nhà cửa và bắt giữ bà. Bà đã được thả vào buổi trưa sau khi con gái bà ký tên vào thông báo tạm giữ thay cho bà.

Mười học viên khác trong cùng khu nhà ở cũng bị bắt và đã được thả trong cùng ngày hôm dó. Cảnh sát cũng lục soát nhà của người học viên thứ 11, nhưng người này không có ở nhà khi cảnh sát đến.

Hai học viên cao tuổi bị bắt và sách nhiễu

Bà Dương Quế Lan (76 tuổi), một cựu nhân viên đã nghỉ hưu của Công ty Bơm điện Đại Khánh, đã bị 4 cảnh sát bắt giữ tại nhà. Bà Dương đã được thả vào buổi chiều cùng ngày.

Một số cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Lưu Trân Lan (85 tuổi) và yêu cầu bà ký tên vào bản cam kết từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Sau khi bà từ chối, cảnh sát đã cố gắng bắt giữ bà. Trước sự phản kháng mạnh mẽ cả bà, cảnh sát đã gọi con gái bà đến để ký tên vào bản cam kết thay cho bà.

Năm vụ bắt giữ khác

Ông Trịnh Lệ Diễm (ngoài 60 tuổi) bị bắt và đã được thả.

Sau khi cảnh sát bắt bà Tô Viễn Hương, chồng bà đã ký tên vào giấy tờ tại ngoại của bà. Sau đó bà đã được thả.

Bà Lưu Lệ bị bắt và đã được thả ra trong ngày.

Bà Lý Đông Cúc đã bị bắt tạm giam. Cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của bà tới viện kiểm sát địa phương vào khoảng ngày 12 tháng 8 năm 2022.

Bà Trương (không rõ họ tên) ở tiểu khu Cảnh Trình đã bị bắt giữ.

Năm vụ sách nhiễu

Cảnh sát đã sách nhiễu các học viên bà Sở Chiêm Quyên, bà Lưu Hưng Vân, bà Trương (không rõ họ tên, ngoài 70 tuổi) và hai học viên khác ở quận Cao Tân.

2. Công an huyệnLong Nam

Cảnh sát của Công an huyện Long Nam trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hơn 20 học viên, trong đó có một học viên 98 tuổi.

Bốn học viên ở thôn Hồng Vệ bị bắt

Trước 6 giờ sáng, cảnh sát đã lừa ông Cao Hỷ Giang ra khỏi nhà với lý do họ đã làm xước xe của ông. Ngay khi ông vừa bước ra ngoài, cảnh sát đã bắt ông và ra lệnh cho một thợ khóa phá khóa để đột nhập vào nhà ông, sau khi bà Nguỵ Quân vợ ông từ chối mở cửa. Mặc dù đã phá một trong những ổ khóa cửa và lan kim loại bên ngoài cửa sổ nhà ông, nhưng thợ khóa vẫn không thể mở được cửa sau 2 tiếng. Ông Cao đã được thả ra trong ngày.

Cảnh sát đã bắt ông Từ Phủ Quân tại nơi làm việc và lục soát nhà của ông. Cảnh sát gọi điện cho vợ ông là bà Doãn Phượng Chi và yêu cầu bà đi tới đồn công an, nhưng bà từ chối. Ông Từ đã được tại ngoại vào cuối ngày hôm đó.

Cảnh sát đã bắt ông Trần Tĩnh Kiệt và bà Bàng Đồng Hoa, và lục soát nhà họ. Hai người cũng đã được tại ngoại trong ngày.

Bà Chu Kiến Vân đã thoát khỏi vụ bắt giữ khi bà không mở cửa cho cảnh sát khi họ đến nhà bà.

Cảnh sát đã lục soát nhà của cha mẹ bà Triệu Tú Bình. Do bà Triệu không có ở nhà nên cảnh sát đã quay lại vào buổi chiều hôm đó và bắt anh trai bà ký tên vào giấy tờ tại ngoại thay cho bà.

Năm học viên trong Nhà máy Số 9 Mỏ dầu Đại Khánh bị bắt giữ

Cảnh sát đã bắt giữ bà Đảng Thu Nga, ông Lý Nghiệp Tuyền và bà Đinh Quế Anh, những người đang sống trong khu nhà ở của Nhà máy Số 9 Mỏ dầu Đại Khánh. Họ lục soát nhà của các học viên và thả họ vài giờ sau đó.

Hai học viên khác bị bắt là bà Trương Thục Vân và bà Trình Xảo Vân.

Sáu vụ bắt giữ khác

Cảnh sát đã bắt ông Kim Bảo Kim và vợ là bà Chu Kiến Lệ, bà Vương Tuyết Mai, vợ chồng bà Đỗ Xuân Hương và ông Lý 98 tuổi (chưa rõ họ tên). Tất cả đều được tại ngoại vài giờ sau đó.

Học viên 84 tuổi bị sách nhiễu

Cảnh sát đã vào nhà bà Lý Quế Lan (84 tuổi) và xới tung nơi ở của bà. Nhiều vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công của bà đã bị cảnh sát lấy đi. Dù bà từ chối đến đồn công an cùng với họ, nhưng cảnh sát đã cưỡng chế bà điểm chỉ vào một số tài liệu (không rõ nội dung).

3. Công anLong Cương

Cảnh sát của Công an Long Cương trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 12 học viên.

Sáu học viên từ tiểu khu Nhạc Viên bị bắt giữ

Cảnh sát đã bắt giữ bà Tôn Thục Phương, ông Hà Gia Phụ và vợ là bà Lý Vĩnh Tú, ông Triệu và vợ, bà Tương Thục Hoa. Bà Tôn và bà Lý đã được thả vào hôm sau. Hai vợ chồng ông Triệu đã trở về nhà vào ngày 25 tháng 7, còn bà Tương về nhà vào ngày 26 tháng 7.

Sáu học viên từ tiểu khu Sang Nghiệp Thành bị bắt giữ

Một nhóm cảnh sát ập vào nhà bà Lý Nguyệt Lan ngay khi bà mở cửa vào sáng hôm đó. Hai cảnh sát giơ ra hai tấm thẻ cảnh sát. Thời điểm đó, chồng bà Lý vừa mới xuất viện được vài ngày sau cuộc đại phẫu, đã vô cùng hoảng sợ và lên cơn đau tim. Đúng lúc đó con gái họ đi tới và đã đưa ông đến bệnh viện cấp cứu. Cảnh sát ở nhà bà Lý và tịch thu nhiều đồ đạc của bà, sau đó giam bà trong trại tạm giam Long Phượng 5 ngày và phạt bà 200 nhân dân tệ.

Các học viên khác bị bắt bao gồm bà Lưu Viêm và bà Lâm Phượng Ngọc, cả hai đều được thả ra trong ngày.

Cảnh sát đã sách nhiễu học viên Chu (không rõ tên), Triệu (không rõ tên), và một học viên ngoài 80 tuổi, và lục soát nhà của họ.

Cảnh sát lục soát nhà học viên 78 tuổi hai lần và sách nhiễu con trai bà

Ba cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà Triệu Quế Chi, tuyên bố rằng một học viên khác khai rằng bà đã đưa cho bà ấy một cuốn sách Pháp Luân Công, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Sau khi nhóm cảnh sát này rời đi, một nhóm 4 cảnh sát khác từ một cơ quan công an khác lại đến. Một trong số họ thẩm vấn bà Triệu còn những người khác lục soát nhà bà một lần nữa. Họ đã sách nhiễu con trai bà để cố gắng ép bà ký tên vào bản lời khai và thông báo tại ngoại của bà.

4. Công anĐông Quang

Một cặp vợ chồng gần 80 tuổi bị bắt

Cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông Trương Tử Hàm và lục soát nơi này. Họ đưa ông Trương (79 tuổi) và vợ đến đồn công an, sau đó đã thả họ vào buổi tối cùng ngày.

Bảy học viên khác bị bắt và sách nhiễu

Cảnh sát đã ập vào nhà của bà Từ ở quận Long Phượng. Bà Từ (một giáo viên) đã bị ngã ra ghế sofa và bắt đầu lên cơn co giật mất kiểm soát. Thay vì giúp bà, cảnh sát đã để một quan chức địa phương ký tên vào danh sách những tài sản tịch thu của bà. Cảnh sát cố bắt giữ bà Từ, nhưng đã bỏ cuộc sau khi con gái bà kịch liệt phản đối do tình trạng sức khỏe của bà.

Lúc đó, hai học viên tình cờ đến nhà bà, gồm bà Vu Sảng và một người khác không rõ tên, cũng bị bắt giữ. Sau đó bà Vu đã được thả vào buổi tối cùng ngày.

Sáu cảnh sát đã xông vào bà Ngô Ngọc Mai và lục soát nơi này. Họ bắt bà đến đồn công an để thẩm vấn và đã thả bà trong ngày.

Bốn cảnh sát bắt giữ bà Trương Tú Phân ngay khi bà vừa ra khỏi nhà. Họ ghì người bà xuống và sau đó lục soát nơi ở của bà. Tuy nhiên, bà Trương từ chối ký tên vào bản lời khai và đã được thả ra trong ngày.

Ngay sau khi học viên Kim (chưa rõ tên) về đến nhà, bốn cảnh sát xuất hiện và giật chìa khóa của anh/cô ấy. Họ lục soát nhà và bắt học viên Kim. Học viên Kim được trả tự do trong ngày. Ngày hôm sau, những cảnh sát này đã yêu cầu con trai của học viên Kim ký tên vào thông báo tại ngoại. Họ cũng ra lệnh cho học viên Kim không được rời khỏi thành phố Đại Khánh.

Cảnh sát đã đến nhà của học viên Giả (không rõ tên tuổi) để sách nhiễu bà.

5. Công an Ngọa Lý Truân

Cảnh sát của Công an Ngọa Lý Truân trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hơn 10 học viên.

Cảnh sát đã đột kích vào nhà ông Kim Miếu Khánh sau khi họ yêu cầu một thợ khóa phá khóa. Cảnh sát đã bắt giữ ông Kim và con gái ông, cô Kim Vi. Lúc đó, có ít nhất 10 học viên viên bị bắt khác đang bị giữ đồn công an, trong đó có bà Tôn (không rõ tên) và ông Diêu (không rõ tên). Tất cả đều đã được tại ngoại.

6. Công an huyện Đông An

Các cảnh sát của Công an huyện Đông An trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 6 học viên.

Ba học viên ở Nhà máy Số 3 Mỏ dầu Đại Khánh bị bắt

Cảnh sát đã bắt bà Đường Tăng Hiệp tại nhà vào lúc 4 giờ sáng và đưa bà vào một trại tạm giam. Bà Đường tuyệt thực và bị bức thực bằng nước muối sinh lý đậm đặc. Sự tra tấn khiến sức khỏe của bà sụt giảm và phải nhập viện vài lần, nhưng cảnh sát vẫn không thả bà. Hiện bà đã bị bắt giữ chính thức và bà vẫn từ chối ký tên vào mọi giấy tờ nào của cảnh sát.

Hai học viên khác bị bắt là bà Lý Thục Hoa và bà Lý Thục Anh. Cả hai bà đều đã được thả.

Ba học viên ở quận Nhượng Hồ Lộ bị bắt giữ

Cảnh sát đã khống chế chồng bà Mã Tú Cần khi ông vừa rời khỏi nhà và đột nhập vào nhà của họ. Cảnh sát đã bắt bà Mã tới đồn công an. Tại đó, bà từ chối trả lời câu hỏi hoặc ký tên vào biên bản của cảnh sát. Bà đã được thả vào đêm hôm đó.

Cảnh sát đã bắt giữ ông Tiêu Xuân Phúc và vợ ông là bà Trương Diễm Phương. Bà Trương đã được trả tự do.

7. Công an quận Hồng Cương

Cảnh sát từ Công an quận Hồng Cương trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 4 học viên.

Bốn học viên ở Nhà máy Số 4 Mỏ dầu Đại Khánh bị bắt

Cảnh sát đã bắt bà Phùng Liên Hà tại nhà và lục soát nơi ở của bà. Họ tạm giữ bà trong Trại tạm giam thành phố Đại Khánh và không cho gia đình vào thăm bà. Ba tháng trước, vào ngày 20 tháng 4, cảnh sát đã bắt bà Phùng chỉ bởi bà đăng thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà đã được tại ngoại trong ngày.

Cảnh sát đã bắt bà Vương Diễm và bà Lưu Quỳnh Phương rồi lục soát nhà của họ. Sau đó cảnh sát đưa hai học viên đến Trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Bà Lưu được trả tự do trong ngày sau khi kết quả kiểm tra sức khỏe của bà không đạt yêu cầu.

Bà Vương Diễm Bình bị bắt và được tại ngoại sau vài giờ.

Một học viên ở Nhà máy Số 5 Mỏ dầu Đại Khánh bị sách nhiễu nhiều lần

Bà Vương Thục Thanh đã bị sách nhiễu và quay video nhiều lần trong thời gian gần đây và nhà của bà bị lục soát một lần.

8. Công an huyện Lâm Điện

Cảnh sát của Công an huyện Lâm Điện trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 3 học viên ở quận Long Phượng. Bốn người nhà của một học viên cũng bị bắt giữ.

Cảnh sát đã bắt bà Triệu Lệ tại nhà và lục soát nhà bà. Họ đưa bà vào Trại tạm giam Số 1 thành phố Đại Khánh. Bà Triệu đã nhờ một người bị tạm giam sắp được trả tự do chuyển lời tới gia đình bà rằng bà có 25.000 nhân dân tệ tiền mặt ở nhà vào thời điểm bị bắt. Tuy nhiên gia đình bà chỉ tìm thấy 16.000 nhân dân tệ tiền mặt, còn chiếc vòng cổ bằng vàng của bà đã mất tích.

Hàng chục cảnh sát đã đến nhà bà Phùng Vân Quyên để bắt và lục soát nơi ở của bà. Ngày hôm sau, con trai bà đến đồn công an để tìm bà và được cho biết bà được chuyển đến Trại tạm giam thành phố Đại Khánh vào lúc 3 giờ sáng. Cảnh sát đã bắt giữ 4 người thân của bà Phùng, sau đó đã để họ về nhà.

Cảnh sát đã bắt ông Diên Thiểu Nghĩa khi ông đang trên đường đi làm. Nhiều cảnh sát đã đập khóa cửa và lục soát nhà ông. Ông bị giam 15 ngày và được thả vào ngày 28 tháng 7.

Cảnh sát đã nhiều lầ đến nhà bà Ngô (không rõ tên tuổi) và sách nhiễu bà. Họ cũng sách nhiễu hàng xóm của bà.

9. Công an huyện Đỗ Mông

Người từ Công an huyện Đỗ Mông trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hai và sách nhiễu 4 học viên ở huyện Đỗ Mông.

Phó cảnh sát trưởng và 8 cảnh sát viên của Công an huyện đã bắt bà Trần Á Chi tại nhà và lục soát nơi ở của bà. Bà được tại ngoại vào buổi tối hôm đó.

Cảnh sát đã bắt giữ bà Lý Thiết Anh và sau đó đã thả bà.

Ba cảnh sát đã đến cửa hàng của bà Lan Văn Hoa với lý do tìm kiếm người hiềm nghi. Họ rời đi mà không tìm thấy bất cứ thứ gì họ muốn.

Bốn cảnh sát từ Đồn Công an Trung Tâm đã lục soát nhà của bà Trương Chí Mẫn. Sau đó họ quay lại để bắt bà nhưng không thành công do bị gia đình phản đối gay gắt.

Cảnh sát đã đến nhà của bà Lý Minh Tú để lục soát. Sau khi không tìm thấy bất cứ thứ gì liên quan đến Pháp Luân Công, họ đã cố gắng bắt giữ bà. Tuy nhiên, gia đình bà đã phản đối và việc bắt giữ thất bại.

Một học viên khác họ Đông (không rõ họ tên) đã bị sách nhiễu tại nhà vào ngày 11 tháng 7.

10. Công an Đại Đồng

Người từ Công an Đại Đồng trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 5 học viên.

Học viên lớn tuổi bị bắt và nhà bị lục soát 2 lần

Chín cảnh sát đã đến nhà ông Đỗ Quốc Thông và lục soát nơi này. Họ bắt ông Đỗ (ngoài 70 tuổi) và con gái ông. Cảnh sát đã thẩm vấn ông nhưng ông từ chối trả lời mọi câu hỏi. Sau đó cảnh sát còn làm giả lời cung của ông và ra lệnh cho ông ký tên vào bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng ông kiên quyết từ chối. Cả ông và con gái đều được trả tự do vào buổi tối cùng ngày. Khi họ về đến nhà và cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn mà cảnh sát để lại, hai cảnh sát đã đến và lục soát chỗ ở của họ một lần nữa.

Bốn người trong gia đìnhở Nhà máy Số 8 Mỏ dầu Đại Khánhbị bắt

Cảnh sát đã bắt giữ bà Đỗ Tiến Ngạn và em gái bà là Đỗ Tiến Ba ở nhà của họ tại Nhà máy Số 8 Mỏ dầu Đại Khánh. Bà Đỗ Tiến Ngạn bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Em gái bà được thả ra trong ngày.

Cảnh sát cũng bắt giữ anh rể bà Đỗ Tiến Ngạn là ông Vương Điện Văn (82 tuổi) và bà Điền Quế Cần (80 tuổi) tại nhà của họ. Cả hai đều được thả ra trong ngày.

11. Công an quận Nhượng Hồ Lộ

Cảnh sát của Công an quận Nhượng Hồ Lộ trực thuộc Công an thành phố Đại Khánh đã bắt giữ một học viên và sách nhiễu một học viên khác.

Bốn cảnh sát đã đột kích vào nhà con gái bà Lý Thiết Anh (nơi bà đang tạm trú), họ nói bà bị trình báo là đang tu luyện Pháp Luân Công. Họ lục soát nơi ở và bắt bà Lý sau khi tìm thấy ba cuốn sách Pháp Luân Công. Cùng lúc đó, một nhóm cảnh sát khác đã kéo đến nhà bà Lý ở huyện Đỗ Mông và tìm thấy nhiều cuốn sách Pháp Luân Công. Sau đó bà Lý cũng đã được tại ngoại.

Sáu cảnh sát đã đến nhà của ông Thôi Hồng Nghĩa và bắt đầu lục soát nhà ông mà không tiết lộ danh tính. Sau khi ông Thôi kịch liệt phản đối, một cảnh sát đã xuất trình thẻ cảnh sát và nói có người đã trình báo ông tu luyện Pháp Luân Công. Họ lấy đi 45 cuốn sách Pháp Luân Công của ông. Khi con gái ông cố gắng ngăn cản cảnh sát, họ đe dọa sẽ bắt giữ cả cô.

12. Công an Hội Trạm

Cảnh sát đến nhà ông Trần Chí Long và vợ ông là bà Thịnh Lệ Vân ở tiểu khu Viễn Vọng. Họ đã bắt hai vợ chồng cùng con trai Trần Lỗi và con gái Trần Dung của ông bà. Cả hai người con của họ đều đã được thả vào đêm hôm đó.

13. Công an Thiết Nhân

Cảnh sát đã bắt giữ ba học viên: bà Lưu Phong Lan, bà Triệu Ngọc Hoa, và bà Niếp (không rõ họ tên). Bà Triệu và bà Niếp đã được trả tự do vô điều kiện, còn bà Lưu được tại ngoại vào cuối ngày hôm đó.

14. Công an Lạt Ma Điện

Cảnh sát đã bắt bà Khúc Sinh Chi và lục soát nhà bà. Sau đó bà đã được tại ngoại.

15. Công an Đông Hồ

Một số cảnh sát đã đột kích vào nhà bà Sử Thục Hoàn. Cảnh sát đã đưa bà đến đồn công an và cố gắng ép bà ký tên vào bản cam kết từ bỏ đức tin của mình. Bà đã được thả vào sáng hôm sau.

16. Hai mươi trường hợp bịbắt giữ khác

Ông Tạ Chính Dũng và vợ là bà Tạ Thục Trân bị bắt và lục soát nhà.

Bà Dương Quế Anh khoảng 80 tuổi bị bắt và đã được tại ngoại.

Bà Lý (không rõ họ tên) bị bắt và lục soát nhà.

Bà Vương Kim Lan bị bắt và lục soát nhà. Bà được trả tự do cùng ngày.

Bà Ân Tú Lan (80 tuổi) và con gái bà là cô Từ Dĩnh đã bị bắt và sau đó đã được thả.

Ông Trương Húc Quang, vợ và con của ông bị bắt giữ. Vợ và con ông được thả vào đêm hôm đó.

Bà Trịnh Ngọc Lan và chồng là ông Trần Hiểu Huy đã bị bắt. Hơn 20 cảnh sát đã đột kích vào nhà của họ trong ngày hôm đó.

Học viên Lý Tân Lập và một số học viên ở Phân khu Hồng Kỳ đã bị bắt giữ.

Bà Lưu (không rõ họ tên, khoảng 80 tuổi) ở quận Sang Nghiệp Thành Số 10 đã bị bắt. Bà được trả tự do trong ngày.

Bà Lệ Lệ, bà Triệu Ngọc Chi, và bà Lý Thục Lan cũng bị bắt giữ.

17. Chín trường hợp bị sách nhiễu khác

Khi cảnh sát kéo tới nhà ông Ngô Thuận Tử (83 tuổi), ông đã từ chối mở cửa và hỏi: “Các anh là công an nhân dân kiểu gì vậy?” Cuối cùng họ đã bỏ đi.

Cảnh sát đã gọi điện để sách nhiễu bà Lô Thủ Hòa, học viên Trương (không rõ tên) và học viên Quách (không rõ tên).

Cảnh sát đã đến tìm nhà bà Lâu Diễm Hà nhưng bà không có ở nhà. Sau đó cảnh sát đã gọi điện để sách nhiễu con trai bà.

Một cảnh sát đã cố gắng chụp ảnh bà Trương Quế Lan nhưng bà từ chối hợp tác. Viên cảnh sát này cũng đã sách nhiễu bà Phó Thanh Chi qua điện thoại.

Cảnh sát đến tìm bà Vương Tú Linh nhưng bà không có ở nhà.

Hai cảnh sát đã đến nhà của bà Uyển Lệ Tuyết vào ngày 14 tháng 7, nhưng bà từ chối mở cửa. Mười hai ngày sau, 2 người phụ nữ lại đến gõ cửa nhà bà và rời đi sau khi bà từ chối trả lời. Lát sau, một người phụ nữ đến và nói rằn muốn kiểm tra sổ hộ khẩu của bà. Sau khi người phụ nữ đó rời đi, 1 cảnh sát khác và 4 người phụ nữ khác đến và ra lệnh cho bà phải ngừng tu luyện Pháp Luân Công.

Một tháng sau vụ bắt giữ hàng loạt, Công an huyện Đông An đã đưa ông Mạnh Phàm Tằng từ quận Đại Khánh Tát đến trại tẩy não vào ngày 11 hoặc 12 tháng 8 năm 2022. Ông Mạnh từ chối trả lời mọi câu hỏi hoặc ký tên vào bất kỳ tài liệu nào. Sau đó ông được tại ngoại.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/26/450077.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/12/204268.html

Đăng ngày 17-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share