Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-08-2022]

Một cư dân 55 tuổi ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang hiện đang phải đối mặt với việc bị truy tố vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Bà Đường Tăng Nghiệp, 55 tuổi, đã bị bắt tại nhà vào lúc 4 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 2022 và bị tịch thu các sách Pháp Luân Công. Bà đã tuyệt thực để phản đối sau khi bị đưa đến trại tạm giam số 2 Đại Khánh. Các lính canh đã bức thực bà bằng nước muối đặc. Bà hiện đang ở trong tình trạng nghiêm trọng, nhưng các lính canh vẫn từ chối phóng thích bà.

Bức hại trước kia

Bà Đường trước kia làm kế toán ở Nhà máy Số 3 Sản xuất Dầu Đại Khánh. Bà đã bị bắt nhiều lần vì kiên định với tín ngưỡng của mình và bị tra tấn không ngừng.

Những lần bị bắt vì đi thỉnh nguyện đòi quyền được tập Pháp Luân Công

Bà Đường đi đến Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 3 năm 2000 để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công. Bà đã bị bắt và bị đưa trở lại Đại Khánh. Sau 2 tháng bị giam, cảnh sát đã cố gắng bắt bà viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công để đổi lấy việc được phóng thích. Bà đã từ chối tuân theo. Sau đó cảnh sát đã bắt gia đình bà viết bản tuyên bố đó thay bà. Họ cũng tống tiền 10.000 tệ từ gia đình bà trước khi phóng thích.

Bà Đường lại bị bắt vào ngày 18 tháng 6 năm 2000 vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công ở bên ngoài Cục Quản lý Dầu lửa Đại Khánh, và bị giam tại trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Cảnh sát đã tịch thu của bà 600 tệ mà bà có và bắt bà đứng dựa vào tường với hai cánh tay bị kéo ngược lên phía trên từ phía sau. Sau đó bà đã bị giam tại trại tạm giam Thái Khang trong 52 ngày và sau đó tại Trại giam Quận Tát Nhĩ Đồ trong 8 ngày.

b90ac216e5e90c7a3b17fa35799c380a.jpg

Miêu tả tra tấn: Đứng với hai cánh tay bị kéo ngược lên từ đằng sau

Bà Đường quay trở lại Bắc Kinh để thỉnh nguyện vào cuối tháng 10 năm 2000. Bà đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị các quan chức chính quyền đánh đập. Mặc dù bà đã trốn thoát trong khi bị đưa trở lại Đại Khánh, nhưng bà đã lại bị bắt trên tàu hỏa vào ngày 30 tháng 12 năm 2000, trong khi bà đang trên đường quay trở lại Bắc Kinh.

Bà Đường và 20 học viên khác cũng đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đã bị đưa đến một phòng tối và ẩm thấp. Cảnh sát đã còng tay nhưng người từ chối tiết lộ danh tính của mình theo cách kéo một cánh tay qua vai để gặp cánh tay kia bị kéo lên từ phía sau lưng họ (như trong hình diễn lại cảnh tra tấn ở dưới đây). Các còng tay cứa vào cổ tay của các học viên và gây ra đau đớn tột cùng.

58e062bd8dea1c5701fd006dd67e5ecd.jpg

Diễn lại cảnh tra tấn: Bị còng tay ra sau lưng

Cảnh sát đã treo bà Đường lên ở chỗ cổ tay bà, trùm đầu bà bằng một cái áo khoác, và giẫm lên hai bàn chân bà. Họ gào lên với bà, “Bọn ta sẽ tra tấn bà đến chết nếu bà không nói (tên). Không ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chúng ta sẽ chỉ báo cáo cái chết của bà như là tự tử. Chúng ta sẽ quẳng xác bà ra như một con chuột và không ai sẽ biết hết.”

Bị tra tấn tàn bạo trong trại tạm giam

Sau đó cảnh sát tìm ra danh tính của bà Đường và đưa bà trở lại Đại Khánh. Bà đã lại trốn thoát và buộc phải sống lang thang.

Bảy tháng sau đó, vào tối ngày 3 tháng 7 năm 2001, bà Đường lại bị bắt một lần nữa. Bà đã bị đánh đập và hỏi cung thâu đêm tại đồn cảnh sát Phú Cường. Bà đã bị đưa đến Tại tạm giam thành phố Đại Khánh vào tối hôm sau. Bởi vì bà tập các bài công pháp của Pháp Luân Công nên bà đã bị đánh và bị treo lên bằng cổ tay trong 1 ngày. Trong bốn ngày tiếp theo, cảnh sát đã xiềng bà vào một cái ghế tựa bằng kim loại và thay phiên nhau hỏi cung bà.

Bà Đường đã tuyệt thực để phản đối, và đã bị bức thực. Lần nào bà cũng bị nôn ra máu. Người bác sĩ bức thực bà đã dùng kéo đánh vào mặt bà và đe dọa bà vì bà tuyệt thực.

Bà Đường đã bị đưa đến Trại giam quận Tát Nhĩ Đồ 30 ngày sau đó. Bà lại tuyệt thực để phản đối trong ba tuần và đã bị bức thực tàn bạo hầu như hàng ngày. Vì bà vẫn tiếp tục bị nôn ra những lượng máu lớn, cảnh sát đã phóng thích bà, sợ rằng bà có thể chết ở đó.

Chỉ ba ngày sau khi bà được phóng thích, cảnh sát đã đổi ý và lại bắt bà quay trở lại chỗ giam giữ. Nhưng do bà đã tuyệt thực lâu ngày trong những tháng trước, kết quả khám sức khỏe của bà rất kém và Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân đã từ chối tiếp nhận bà, vì thế cảnh sát đã phải phóng thích bà.

Để tránh bị bức hại thêm nữa, bà Đường đã lại phải sống xa nhà.

Ba năm lao động cưỡng bức

Bà Đường lại bị bắt bởi một cảnh sát mặc thường phục vào ngày 14 tháng 4 năm 2002, trong khi bà đang phát tư liệu về Pháp Luân Công trên xe buýt. Cảnh sát đó đã lấy đi của bà ví, điện thoại di động, máy nhắn tin, và hơn 1.000 tệ tiền mặt. Đồn cảnh sát quận Tát Nhĩ Đồ đã thành lập một nhóm đặc biệt để xử lý trường hợp của bà. Cảnh sát đã treo bà lên một ống dẫn khí sưởi bằng cổ tay và đánh đập bà. Hậu quả là bà đã bị nôn ra máu.

Bà Đường đã bị đưa đến Trại giam quận Tát Nhĩ Đồ vào ngày hôm sau và bị chuyển đến Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân để thi hành án phạt 3 năm lao động cưỡng bức 2 ngày sau đó.

Bà Đường đã bị biệt giam trong trung tâm cai nghiện ma túy. Bà đã bị tra tấn thường xuyên, bao gồm bị giật điện, đứng trong những tư thế đau đớn, và bị cưỡng bức dùng thuốc. Các lính canh cũng đã bức thực bà khi bà tuyệt thực để phản đối. Người bà thường dính đầy máu sau khi bị bức thực. Sau đó, các lính canh còn không đưa bà đến phòng y tế nữa mà trực tiếp ghì bà xuống đất để bức thực bà, hoặc thậm chí lôi bà vào phòng vệ sinh để bức thực bà để sau đó lau dọn dễ hơn.

Lính canh Triệu Vi đã có lần dùng dùi cui điện sốc điện vào mặt bà, trong khi đe dọa bà rằng, “Ta tò mò muốn thấy bà có dám tuyệt thực nữa không.”

Trong một vụ việc khác, các lính canh Đồng Mĩ Quang và Vương Anh Huy đã bắt bà Đường đứng trong nhiều giờ đồng hồ, không cho bà sử dụng phòng vệ sinh. Bà phản đối và hét lên, “Tại sao các vị lại không cho tôi dùng phòng vệ sinh?” Các lính canh lôi bà ra ngoài, trói bà vào một cái ghế bằng tim loại, lột bi-tất của bà ra và nhét vào miệng bà. Khi cuối cùng họ bỏ bi-tất ra thì đôi tất đã nhuốm máu bà.

Sợ rằng bà có thể chết ở trong đó nên chính quyền đã phóng thích sớm cho bà vì lý do y tế và tống tiền 7.000 tệ của gia đình bà.

Bị sách nhiễu không dừng vì tín ngưỡng của mình

Trong 20 năm tiếp theo, bà Đường tiếp tục phải đối mặt với việc thường xuyên bị sách nhiễu vì bà kiên định với tín ngưỡng của mình và lại bị bắt một vài lần nữa, bao gồm một lần vào ngày 6 tháng 3 năm 2004 vì tham dự đám tang của một học viên, một lần bị bắt khác vào ngày 23 tháng 9 năm 2005 trong một lần càn quét của cảnh sát, và lại một lần nữa vào ngày 2 tháng 4 năm 2006 vì tổ chức các lớp học vẽ tại nhà của bà.

Sau khi bà bị bắt vào tháng 9 năm 2005, các lính canh đã xích bà vào một cái ghế tựa bằng kim loại và mở cửa sổ để cho gió và mưa lạnh thổi vào người bà. Bà đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại đó và bị bức thực và bị tát vào mặt. Một người cũng bị giam ở đó cũng đã đánh vào đầu bà bằng một cái chậu bằng kim loại được dùng để bức thực. Bà đã bị nôn ra máu do bị đánh đập.

Bà còn bị bắt 2 lần nữa, vào ngày 26 tháng 2 năm 2010 và 9 tháng 11 năm 2018. Cả hai lần đó bà đều bị hỏi cung và đánh đập.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/25/448083.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/29/203023.html

Đăng ngày 14-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share