Bài viết của học viên tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 17-03-2022]

Ba ngày trước, tôi nói chuyện với người đại diện chăm sóc khách hàng, giọng điệu và thái độ của cô ấy không có tôn trọng tôi. Tôi không những cảm thấy bực mình, mà tâm tình cũng náo loạn không hiểu vì sao tôi lại để cho cô ấy chọc tức.

Sau đó, tôi đã nhìn lại một lượt để xem tâm chấp trước nào bị động chạm khiến tôi tức giận đến vậy. Tôi xin Sư phụ giúp mình hướng nội tìm, dưới đây là quá trình mọi thứ diễn ra.

Đầu tiên, tôi nhớ Sư phụ từng giảng:

”Trong khi học viên chúng ta đang tu luyện dù cho gặp phải phiền phức nào, chư vị phải có thể xem xét tự mình, xem xét nguyên nhân của mình, thì vấn đề gì của chư vị cũng đều có thể giải quyết. Gặp phải vấn đề, nhất định phải hướng nội mà tìm. Khi nãy tôi vừa giảng, không phải vì người khác đối xử với chư vị như thế nào, mà là vì chỗ này của chư vị chưa đúng. Nếu chư vị nói, toàn bộ thiên thể đều rất thuận, chỗ này của chư vị có gì đó không đúng, chính là ở chỗ này của chư vị có vấn đề bướng bỉnh, là chư vị với người khác có gì đó không đúng. Khi chư vị tìm nguyên nhân ở bản thân chư vị, xoay chuyển vấn đề lại, thì nó liền đúng rồi, nó đã bình phục rồi, mọi người lại hòa ái với chư vị. Chỉ lấy một ví dụ đơn giản như vậy để giảng về đạo lý này.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Hướng nội tìm

Mới đầu, khi tôi cố gắng tìm tâm chấp trước nào bị động chạm khiến mình nổi nóng, tôi cứ chằm chằm nhìn vào cô kia và đổ thừa cô ấy vô lễ với mình. Sau đó, tôi nhớ lại cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, và tôi cảm thấy hơi bị xúc phạm. Tôi bèn nghĩ: “Cô ấy đã xúc phạm mình chỗ nào nhỉ?” Bỗng nhiên tôi thấy có thứ gì đó trong mình cảm thấy bị xúc phạm, và nó chính là “cơn nóng giận”. Tôi cảm thấy cái thứ đó liền bị tách biệt ra khỏi bản thân mình! Tôi nhận ra ngay không phải là bản thân tôi nói cô ấy vô lễ! Vì suy cho cùng, chân ngã của tôi cấu thành từ Chân-Thiện-Nhẫn là bất khả xâm phạm.

Xác định cái thứ mà tôi đã tìm ra

Tiếp theo, tôi xác định xem cái thứ đã tìm ra kia rốt cuộc là gì. Nó chính là cảm xúc của con người, cụ thể là một loại cảm giác có liên quan đến “tôn trọng”. Nếu quả thật là vậy, thì làm sao tôi lại có cảm xúc này? Vì sao tôi nhầm lẫn nó với chân ngã?

Sau đó, tôi nhớ ra từ các bài giảng Pháp rằng quan niệm con người của chúng ta bắt nguồn từ việc chúng ta sinh sống trong thế giới này. Ví như, quan niệm của tôi về thái độ nói chuyện của nhân viên chăm sóc khách hàng, nó bắt nguồn từ những thỏa thuận nhân sự chung đối với các công ty được chúng tôi bảo trợ, theo đó họ phải tôn trọng chúng tôi nếu họ vẫn muốn duy trì kinh doanh giữa hai bên. Tất nhiên các công ty sẽ xem nó là điều hiển nhiên và người thường cũng có lối nghĩ như thế.

Nhận thức của tôi đến từ Pháp

Nhưng tôi là một người tu luyện. Vậy những thứ này khởi tác dụng với tôi thế nào? Nhân viên chăm sóc khách hàng nên nói chuyện với tôi ra sao? Là một đệ tử Đại Pháp, nhận thức của tôi bắt nguồn từ Pháp.

Sư phụ giảng:

”Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến
(Thiểu biện, Hồng Ngâm 3)

“… tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi thể ngộ là một người tu luyện, tôi cần bao dung người khác và cho phép họ được là chính họ với những lời nói hành vi theo cách mà họ thấy phù hợp. Là một người tu luyện, tôi phải luôn chấp nhận và thấu hiểu họ, bởi vì xuất phát điểm của tôi là Thiện!

Lý giải về quá trình và thu hoạch từ việc tìm kiếm các chấp trước

Từ đó, tôi ngộ ra, nếu người khác nói gì đó khiến tôi thấy “vô lễ” và “không đúng”, thì tức là đang động chạm đến hoặc chỉ ra điều gì đó “không đúng” ở trong tôi. Nếu người khác không động chạm đến, thì tôi cũng không chú ý đến sự tồn tại của nó. Thông qua học Pháp, tôi bắt đầu nhận ra đây chính là bản chất của những chấp trước.

Tôi biết con người bị chôn vùi trong đủ loại quan niệm. Cho đến khi chúng bị động chạm, con người sẽ không thể nhận ra những gì họ thừa nhận và ôm giữ là thật, chúng sẽ điều khiển suy nghĩ hành vi của chính họ! Chừng nào chúng ta còn ôm giữ các tâm chấp trước (ngay cả khi chúng ta không dùng đến chúng) và cho rằng không có gì ở đó, thì chúng ta vẫn có thể tác động đến người khác và khiến họ phản ứng khó chịu với chúng ta. Tôi ngộ ra từ Pháp, nắm giữ chấp trước không buông chỉ có thể phá hỏng mọi việc và khiến cho người ta tích thêm nghiệp.

Vậy tại sao tôi không cười cho qua?

Vậy nếu đây là thể ngộ của tôi về “vô lễ”, thì sao tôi vẫn thấy bực mình? Tôi nhớ lại Sư phụ từng giảng trong một Pháp hội nào đó, tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng đại ý là, nếu một người nói gì đó về chư vị hoặc nói không đúng về chư vị, thì chư vị bịt miệng và cười cho qua, chư vị sẽ thấy nó thật đáng cười.

Tôi quan sát những lời cô ấy nói để xem thứ gì khiến tôi bực mình. Tôi nhận ra tôi bực mình vì cô ấy muốn tôi xác minh từng thông tin để xác nhận danh tính, tôi nghĩ điều này thật bất thường. Khi viết đến đây, tôi mới nghĩ ra có lẽ cô ấy là nhân viên mới.

Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy cô ấy đang nghi ngờ sự trung thực của mình. Thế nhưng, vì sao một người tu luyện lại để ý đến động cơ của cô ấy làm gì? Khi cô ấy nói với tôi rằng họ sẽ kiểm tra thông tin lần nữa nếu bước đầu không thành công, tôi bèn nghĩ cô này rõ là giở giọng trịch thượng và khiêu khích. Tôi thầm nghĩ: “Vì sao mình lại gọi điện thanh toán thứ gì đó nếu mình không có tiền? Cớ sao mình lại bận tâm khi người ta có ý kiến về mình? Mình đã sắp đặt bản thân thế nào trong chuyện này?”

Tôi có những chấp trước gì trong cuộc trao đổi này?

Tôi nhìn sâu vào cảm giác “không vui” đối với cô ấy và tự vấn bản thân: “Mình đã nói chuyện với cô ấy bằng thái độ thế nào?” Tôi nhớ lúc đó mình đang lo lắng một vài vấn đề, nhưng tôi vẫn trầm tĩnh. Chúng có liên quan đến vấn đề tài chính, tôi vừa bị thất nghiệp nên mới lo lắng về tiền bạc và liệu tôi có thể chi trả tiền thuê nhà trong thời gian bao lâu nữa. Tôi nghĩ, liệu đây có phải là chấp trước sợ hãi hay là thứ gì khác nữa? Thật ra chúng đều là những thứ bị động chạm đến! Nói cách khác, chúng là những chấp trước đi theo cái cảm giác “vô lễ” kia!

Chúng ta chỉ mất đi những thứ xấu

Bây giờ tôi mới ngộ ra đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:

“… trong tâm chư vị còn nên cảm ơn hắn, thật sự cảm ơn hắn.” (Chuyển Pháp Luân)

Những “hành vi vô lễ” của họ đối với chúng ta thật sự phơi bày những thứ mà chúng ta cần phải tống khứ. Nó giống như một người đang chỉ tay vào rãnh nước và nhắc nhở: “Đi cẩn thận nhé!”

Tôi nhận ra những chấp trước ban đầu của chúng ta có thể là lớp vỏ che đậy những chấp trước khác cần phải tống khứ. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy, đối với một người thường mà nói, thái độ của nhân viên chăm sóc khách hàng lịch sự hay vô lễ có lẽ là vấn đề duy nhất khiến họ bận tâm.

Nhưng là một người tu luyện, tôi thể ngộ rằng, dù nó là suy nghĩ hay chấp trước ban đầu của con người, hoặc là thứ gì khác ở phía sau, thì chúng ta đều phải tống khứ hết thảy! Cho nên tôi không thừa nhận chúng là bản thân mình, bởi vì chân ngã của tôi cấu thành từ Chân-Thiện-Nhẫn.

Do đó, tôi đã loại bỏ chấp trước vào quan niệm con người về thái độ của nhân viên chăm sóc khách hàng nói chuyện với mình, chấp trước hướng ngoại tìm lý do, cũng như nỗi lo về tiền bạc và thuê nhà. Sau đó, tôi xin Sư phụ giúp mình gỡ bỏ chúng xuống.

Nếu có chỗ nào chưa dựa trên Pháp, mong quý đồng tu từ bi chỉ rõ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/17/199566p.html

Đăng ngày 25-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share