Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-05-2019] Gần đây, tôi gặp một khảo nghiệm về tâm tính, khiến tôi cảm động sâu sắc. Tôi đã tu luyện hơn 10 năm và liên tục làm ba việc. Tuy nhiên, tôi không thể luôn giữ vững tâm tính trước các đồng tu trong gia đình mình. Từ Pháp lý, tôi hiểu rằng tôi cần tu khứ chấp trước vào tình. Các thành viên trong gia đình tôi cũng là đệ tử của Sư phụ, đáng lẽ chúng tôi phải hoà hợp với nhau. Vậy mà tôi vẫn không thể giữ vững tâm tính trước mặt họ, dù tôi đã tu luyện chừng ấy năm. Sự việc mới xảy ra cuối cùng đã giúp tôi có được một thể ngộ mới.

Mẹ chồng tôi

Mẹ chồng tôi cũng là một đệ tử Đại Pháp. Bà thường nói chuyện rất cứng nhắc, thậm chí cả những lúc bà giảng chân tướng cho mọi người. Ở nhà bà cũng nói chuyện với chúng tôi với khẩu khí như vậy. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở bà về việc bà hay cao giọng và quá thẳng thắn, và bà đều nói rằng bà sẽ thay đổi từ từ.

Mặc dù không nói gì, nhưng trong tâm tôi không thích thái độ đó của bà. Tôi tin rằng tu luyện là một việc vô cùng nghiêm túc; và bà cần nghiêm khắc yêu cầu chính mình, sao lại cứ từ từ mãi. Tôi không thể buông được chấp trước của mình về thái độ đó của bà, và luôn muốn bà phải thay đổi. Kỳ thực, đây là một chấp trước rất mạnh mẽ.

Một ngày, khi chúng tôi đang nói về ngày thỉnh nguyện ôn hoà 25 tháng 4, lời nói của bà trở nên rất cứng nhắc. Tôi không giữ được tâm tính liền tranh luận với bà: “Ngữ khí của mẹ mạnh quá, khiến người nghe cảm thấy không thoải mái. Hơn nữa, lời nói của mẹ trước sau có mâu thuẫn, làm sao khiến người khác tin tưởng mẹ được?” Bà lại trả lời: “Cứ từ từ”. Tôi giận quá và bỏ đi.

Tôi hối hận vì mình đã không giữ vững tâm tính, nhưng tôi cũng không muốn xin lỗi bà. Thực ra tôi luôn biết rằng biểu hiện của bà là để tôi buông bỏ nhân tâm của mình. Tôi đã lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên người khác, muốn cải biến người khác. Tôi đã quá chấp trước vào tự ngã. Thực lòng thì tôi nên cảm ơn mẹ chồng. Tôi hiểu được vấn đề từ góc độ của Pháp, nhưng tôi không biết vì sao mình mãi vẫn không vượt qua được những khảo nghiệm này.

Từ nhỏ tôi đã rất bướng bỉnh, lời nói cũng không mềm mỏng. Nếu tôi sai, tôi sẽ im lặng không nói gì mặc cho người khác chỉ trích thế nào, hoặc tôi sẽ sửa sai bằng hành động thực tế, chứ nhất định không bao giờ nói lời xin lỗi. Cụ thể là tôi chưa bao giờ xin lỗi gia đình mình. Cả thời gian dài trước đây, tôi luôn tin rằng nếu như tôi dùng hành động thực tế để thể hiện sự thành tâm hối cải của mình, thì tôi không cần nói ra bằng lời. Chẳng phải mọi người luôn nói rằng “Hành động tốt hơn lời nói?”

Sức mạnh của lời xin lỗi

Sau khi tranh luận với mẹ chồng, trong tâm tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi quyết định sẽ xin lỗi mẹ chồng, nhưng mãi mà không cất lời được. Một lần, khi tôi đang nói chuyện với chồng thì mẹ chồng tôi bước vào; đột nhiên lời nói bật ra khỏi miệng tôi: “Con sai rồi, mẹ đừng để ý nhé”. Bà đáp lại: “Đừng lo lắng về điều đó con nhé”.

Ngay lúc đó, tôi cảm thấy trường không gian của mình trở nên thanh tịnh. Toàn bộ các vật chất bất hảo được hình thành từ những suy nghĩ xấu của tôi về mẹ chồng đều đã biến mất trong nháy mắt. Sau này, mỗi khi bà nói chuyện với tôi bằng khẩu khí khắc nghiệt, tôi cũng không còn cảm thấy buồn và không để trong lòng, tôi có thể bỏ qua dễ dàng. Tôi cảm thấy dung lượng nhẫn của tôi đã được khuếch đại lên rất nhiều. Tôi đã thực sự cảm nhận được sự mỹ diệu của “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”.

Sư phụ giảng:

“Khi chư vị tìm thấy nguyên nhân thực sự của bản thân, khi chư vị mà dám nhìn thẳng nó – thừa nhận nó, chư vị sẽ phát hiện lập tức sự việc đó liền thay đổi, mâu thuẫn cũng không có nữa, đối phương không biết vì sao đột nhiên với chư vị như chưa từng xảy ra chuyện gì, như thể mâu thuẫn nào cũng chưa hề phát sinh vậy. Bởi vì một người tu luyện, chư vị không có bất kỳ cơ hội ngẫu nhiên nào tồn tại, cũng không cho phép chư vị có bất kỳ những thứ ngẫu nhiên nào tới phá hoại con đường tu luyện này của chư vị”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Tôi không sẵn lòng xin lỗi bởi vì tôi đã không dám nhìn thẳng hoặc thừa nhận lỗi lầm của mình. Các niệm đầu bất hảo và nghiệp tư tưởng vốn không phải là chân ngã, nhưng tôi lại che giấu chúng chứ không phơi bày chúng ra. Vì thế, Sư phụ không thể giúp tôi thanh lý chúng, và các mâu thuẫn vẫn cứ tồn tại ở đó.

Sau khi nhận ra điều này, tôi đã chú ý hơn tới khẩu khí của mình khi nói chuyện với con gái tôi. Khi nhận ra lời nói của mình bất thiện, tôi đã xin lỗi cháu. Dù con gái tôi không để trong lòng, nhưng tôi vẫn muốn xin lỗi cháu ngay lập tức. Gần đây, tôi để ý thấy con gái tôi ngoan ngoãn hơn. Thỉnh thoảng cháu vô ý gây rối, tôi cũng có thể dễ dàng kiềm chế bản thân. Kết quả là cháu đã tiến bộ rất nhiều.

Tôi ngộ được rằng, là một người tu luyện, dù mâu thuẫn với ai thì chúng ta cũng phải hướng nội để tìm vấn đề của bản thân, nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình, và dũng cảm nói lời xin lỗi đối phương. Khi chúng ta giữ vững được tâm tính và chính niệm, Sư phụ sẽ giúp chúng ta thanh trừ triệt để hết thảy các vật chất bất hảo trong trường không gian của chúng ta.

Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi có thể giúp các đồng tu có cùng chấp trước như tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/13/387061.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/21/178158.html

Đăng ngày 21-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share