Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-12-2018] Tôi may mắn bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2008. Trong tu luyện, tôi đã trải qua rất nhiều khảo nghiệm và ma nạn cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi muốn chia sẻ một sự việc đã xảy ra năm 2016.

Ngoài trồng trọt, gia đình tôi còn nuôi cừu để tăng thêm thu nhập. Một hôm, chồng tôi, cũng là học viên, đã bắt hai con cừu đưa lên xe ba gác để chở đi bán. Trên đường đi có người ra giá 1.200 tệ để mua hai con cừu, chồng tôi cho rằng giá đó phù hợp nên đã đồng ý bán.

Toàn bộ số tiền mà chồng tôi nhận đều là tờ 100 tệ mới. Về đến thôn, anh ấy lấy tiền đó để mua vài món đồ thì người ta bảo rằng tờ 100 tệ đó là giả. Người chủ cửa hàng dùng cả máy soi tiền giả cũng khẳng định như thế. Chồng tôi rất sốc, nên đã lấy cả xấp tiền đó để nhờ họ kiểm tra thử và phát hiện tất cả đều là giả!

Vợ chồng tôi vô cùng ảo não, 1.200 tệ thoáng cái tan thành mây khói. Đối với nông dân chúng tôi, đó là số tiền lớn và khó khăn lắm mới kiếm được. Chúng tôi rất tuyệt vọng và không biết phải làm thế nào.

Thế rồi tôi sực nhớ bản thân mình là đệ tử Đại Pháp, gặp sự việc gì thì cũng không nên có cảm giác khó chịu như thế. Tôi bình tĩnh lại và nghĩ đến lời Sư phụ dạy:

“Do đó sau này khi gặp mâu thuẫn, chư vị không được coi đó là ngẫu nhiên. Bởi vì khi xảy ra mâu thuẫn, [nó] đột nhiên xuất hiện; tuy vậy [nó] không hề tồn tại [một cách] ngẫu nhiên; đó là để đề cao tâm tính chư vị. Chỉ cần chư vị coi mình là người luyện công, chư vị sẽ có thể xử lý chúng được tốt.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nói với chồng: “Đừng lo. Không có gì là ngẫu nhiên hết. Có thể trong tiền kiếp chúng ta đã nợ người đó hay thậm chí là dối gạt, lừa tiền họ. Đó cũng có thể là do cựu thế lực an bài. Thậm chí nếu tất cả đều là không phải, thì người gạt tiền chúng ta, cũng sẽ phải hoàn trả đức cho chúng ta theo Pháp lý ‘bất thất, bất đắc’ trong Chuyển Pháp Luân. Nếu thế, chúng ta không nên oán hận mà càng phải cảm ơn anh ta.”

Chồng tôi đột nhiên mỉm cười và bảo: “Em nói đúng. Chúng ta quên nó đi. Thế mình tính sao với số tiền giả này.” Tôi nói: “Họ đã gạt chúng ta nhưng chúng ta là đệ tử Đại Pháp, nên không thể nào đem nó đưa lại cho người khác được. Chúng ta tuân theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn mà nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Em nghĩ mình nên đốt số tiền đó đi!”

Chồng tôi hơi do dự khi phải đốt nhiều tiền như thế, nhưng sau đó anh kiên định bảo: “Đúng thế, chúng ta không có lựa chọn khác.” Chúng tôi quyết định đốt hết xấp tiền giả đó và cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm thoải mái và cảm giác như thể cuối cùng đã buông bỏ được chấp trước vào tiền tài.

Sư phụ giảng:

“Thống khổ là hoàn bồi nợ nghiệp, những việc không thuận tâm là khiến tâm tính đề cao; là người thường mà giảng, thì thật ra cũng là cái Lý đó thôi. Đều là hoàn [trả] nghiệp, tiêu nghiệp rồi sẽ có đời sau tốt hơn; chỉ là người ta không minh bạch. Là người tu luyện, tiêu nghiệp rồi, tâm tính khi tu luyện đề cao lên rồi, cuối cùng viên mãn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008, Giảng Pháp tại các nơi VIII)

Sư phụ cũng giảng:

Vậy nên chư vị gặp việc tốt, việc xấu, miễn là chư vị đã tu Đại Pháp, thì đều là việc tốt; nhất định vậy. (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005​)

Tôi nghĩ chúng tôi đã làm điều đúng đắn và chiểu theo lời dạy của Sư phụ. Mặc dù chúng tôi mất 1.200 tệ, nhưng tâm chúng tôi rất thản nhiên. Thay vào đó, chúng tôi cảm thấy đã vượt qua khảo nghiệm oan tâm thấu cốt này một cách gió yên sóng lặng. Những bài giảng Pháp của Sư phụ đã ban cho chúng tôi dũng khí, sức mạnh và chính niệm để chúng tôi khi đối diện với được mất không tranh không đấu, và đạt được cảnh giới tâm thái thoải mái.

Trên đây là những thể ngộ của cá nhân tôi. Xin vui lòng từ bi chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2018/12/27/378960.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/17/174661.html

Đăng ngày 01-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share