Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 3-1-2019] Một lần vợ chồng bạn thân của con gái tôi đến thăm chúng tôi, cô bạn gái hỏi tôi: “Dì à, năm nay dì bao nhiêu tuổi?” Tôi nói: “Tôi 74 tuổi rồi”. Cô ấy khá ngạc nhiên “Trông dì không giống như người hơn 70 tuổi chút nào!” Cô ấy quay lại và nói với con gái tôi “Bạn đừng buồn, nhưng mẹ bạn nhìn như chị gái bạn vậy!”

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1996, lúc đó tôi 52 tuổi. Bị dày vò bởi bệnh tật nên trông tôi già hơn tuổi. Một người bạn đã nói với tôi về Pháp Luân Đại Pháp, nên tôi đã bắt đầu tu luyện với mục đích chữa bệnh. Càng học Pháp nhiều, tôi càng biết được nhiều Pháp lý và bắt đầu chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Sau đó, thân thể của tôi trở nên khỏe mạnh và tâm tính cũng được nâng lên.

Có được sức khỏe tốt hơn

Trước đây, tôi có nhiều vấn đề về sức khỏe, gồm bệnh thoát vị đĩa đệm cổ, đau đầu, đau dạ dày, viêm ruột cùng nhiều thứ bệnh khác. Các loại bệnh tật này khá phổ biến với người Trung Quốc ở độ tuổi của tôi. Bệnh viện chỉ có thể đưa ra phương thức giải quyết tạm thời, do đó hiếm có ngày nào thân thể tôi được thoải mái.

Một người bạn thân của tôi là giáo viên tiểu học. Chị ấy đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho tôi vào ngày 9 tháng 1 năm 1996. Tôi đã bị thu hút bởi những báo cáo về hiệu quả cải thiện sức khỏe và tối hôm đó, tôi đã tới điểm luyện công. Có khoảng 20-30 người đang đọc sách ở đó. Một người nhường đệm ngồi cho tôi, còn người khác cho tôi mượn sách. Tôi cảm thấy mình được chào đón trong không khí hòa ái. Một học viên đã hướng dẫn tôi tập bài công pháp thứ 5 sau khi học Pháp. Anh ấy mời tôi tham gia buổi luyện công tập thể vào lúc 5h30 sáng hôm sau, và tôi đã đến. Kể từ đó, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi đã nghĩ rằng Pháp Luân Đại Pháp thật tuyệt vời. Mọi người không tán gẫu với nhau ở điểm luyện công, thay vào đó, họ đều nói về việc làm sao để nâng cao tâm tính và tiêu trừ nghiệp lực. Mọi người luôn hòa ái với nhau. Trong môi trường như vậy, tôi không còn cảm thấy buồn phiền hay chán nản. Từ đó, tôi rất vui vẻ và không ngừng tu luyện.

Tôi cũng đã hiểu được nhiều Pháp lý. Ví dụ như Sư phụ đã giảng:

Giới tu luyện giảng rằng nguyên thần bất diệt. Nếu nguyên thần bất diệt, thì nó có thể có những hoạt động xã hội tại đời trước, như thế trong hoạt động của đời trước nó có thể đã mắc nợ ai đó, nạt dối ai đó, hoặc giả phạm những điều không tốt khác, như sát sinh, v.v.; như thế tạo thành nghiệp lực. (Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng:

Một số vị vừa xếp bằng lâu một chút, là không chịu được. Liền tháo [chân] ra; luyện [cũng] như không. Xếp bằng hễ đau một cái, liền vội hoạt động hoạt động rồi lại xếp bằng tiếp; chúng tôi thấy không có tác dụng. Bởi vì khi chân họ đau, chúng tôi thấy vật chất màu đen đang [tấn] công xuống chân họ. Vật chất màu đen chính là nghiệp lực; chịu khổ có thể tiêu nghiệp, từ đó chuyển hoá thành đức. Khi [bắt đầu] đau chính là nghiệp lực bắt đầu bị tiêu; nghiệp lực càng chuyển áp [lực] xuống nhiều, thì chân họ lại càng đau ghê gớm; do vậy cái đau ở chân họ không phải là vô duyên vô cớ. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi chiểu theo những gì Sư phụ giảng, và không bị ảnh hưởng bởi những đau đớn trên thân thể. Tôi biết rằng nghiệp đang bị tiêu trừ, do đó, nó đòi hỏi tôi phải chịu khổ một chút. Đặc biệt trong khi thiền định, tôi kiên trì dù có đau đớn thế nào. Tôi cắn răng và chịu đựng 2 phút, 10 phút, 30 phút… Mặc dù ban đầu chân tôi vắt lên không hề dễ dàng, nhưng không lâu sau, tôi đã có thể hoàn thành bài đả tọa một giờ trong tư thế song bàn. Sức khỏe của tôi cũng được cải thiện từng ngày. Tất cả mọi bệnh tật của tôi đều biến mất không còn dấu vết.

Từ đó tôi không phải đi gặp bác sĩ nữa, và tận hưởng niềm vui khỏe mạnh trong suốt 22 năm qua.

Đề cao tâm tính

Trước đây, tôi là người bướng bỉnh và nóng tính. Không lâu sau khi bắt đầu tu luyện, một chuyện đã xảy ra.

Giám đốc của tôi ra ngoài làm việc và bảo tôi nhận điện thoại rồi báo cáo lại cho ông ấy những chuyện quan trọng khi ông trở về. Tôi nhận được cuộc điện thoại yêu cầu giám đốc tham gia một cuộc họp. Tôi nói “Ông giám đốc đã đi ra ngoài. Tôi sẽ báo cho ông ấy biết khi ông ấy quay về văn phòng”.

Người ở đầu dây bên kia hỏi “Chị làm việc ở văn phòng đó à?” Tôi trả lời đúng, rồi anh ấy bắt đầu chỉ trích: “Giám đốc của chị không làm được việc. Ông ấy đã không tham gia mấy cuộc họp gần đây. Hàng ngày các anh chị làm việc gì vậy? Các người có đúng là đang làm việc không?”

Tôi đã tức giận và đáp lại “Tôi chỉ là một nhân viên bình thường. Ông chủ yêu cầu tôi trả lời điện thoại và sau đó báo lại với ông ấy. Ông nói với tôi những điều ấy có ích gì?” Ông ấy đã dập máy. Trước đó, trụ sở chính đã có những phàn nàn về các văn phòng chi nhánh, và cuộc điện thoại này đã làm dấy lên những suy nghĩ tiêu cực của tôi, đụng chạm đến chấp trước không muốn bị chỉ trích của tôi. Tôi tự nói với bản thân “Tôi không thể chấp nhận được chuyện này”.

Tôi đã tới trụ sở chính và hỏi “Ai trong các anh chị đã gọi điện đến văn phòng tôi vậy?” Một đồng nghiệp quen biết cầm tay tôi và hỏi “Có chuyện gì thế?” Tôi nói “Không có chuyện gì to tát cả, nhưng tôi muốn nhắc mọi người về phong cách làm việc. Lời nói quá là khắc nghiệt! Không cần biết đó là ai, có liên quan hay không, các anh chị cứ la mắng người ta. Không ngạc nhiên gì khi người ở các chi nhánh đều nói ‘Chúng tôi không thể bước vào trụ sở chính, không thể đối phó với mọi người ở đây. Họ không hài lòng và la mắng chúng tôi’. Hôm nay là lần đầu tiên tôi trải nghiệm chuyện này”.

Cô ấy mời tôi vào văn phòng của cô và nói rằng giám đốc cô ấy đã gọi điện thoại. Cuộc họp được thông báo quá gấp và nhiều chi nhánh đã không tham dự. Vị giám đốc khá lo lắng. Cô ấy mong tôi có thể hiểu cho vị trí của ông ấy.

Trên đường về, tôi nghĩ “Tôi là một người tu luyện. Sao tôi có thể vô lý như vậy?”

Pháp của Sư phụ hiện lên trong đầu tôi:

Chư vị cũng tranh cũng đấu giống như người thường, thì chư vị chính là người thường; nếu chư vị còn hơn cả hắn, thì chư vị lại còn chẳng bằng người thường như hắn. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi không nhớ hết câu khi đang đi trên đường. Về đến nhà, tôi mở sách và đọc cả đoạn Pháp. Tôi nói với bản thân “Chẳng phải tôi đã quá tệ hay sao? Nếu đồng nghiệp không đưa tôi vào văn phòng cô ấy, có lẽ tôi sẽ tiếp tục cãi nhau với họ. Chẳng phải tôi không bằng người thường? Tôi còn tệ hơn cả người thường? Thật là đáng buồn. Tôi phải từ bỏ chấp trước vào thể diện và chấp trước không muốn bị chỉ trích”.

Các mâu thuẫn xảy đến không hề ngẫu nhiên. Đó là để giúp chúng ta đề cao tâm tính. Thường khi mâu thuẫn xuất hiện, chúng ta lại quên mất phải tu luyện bản thân. Chúng ta bắt đầu đi tìm ai đúng ai sai trên bề mặt. Kết quả là chúng ta đã để mất cơ hội hướng nội tìm. Những mâu thuẫn đó là do Sư phụ an bài để các đệ tử đề cao. Chúng ta không nên tuỳ tiện làm mất đi những cơ hội đó!

Sau bài học này, tôi đã chú ý đến việc hướng nội. Tính khí của tôi được cải thiện đáng kể. Các thành viên gia đình và họ hàng nói với tôi: “Cô đã trở thành con người hoàn toàn mới”.

Hiểu và thực hành Pháp lý “Mất và được”

Trước khi tu luyện, tôi đã biển thủ 3.000 Nhân dân tệ của công ty. Điều này khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Thực tế, những ai không làm như vậy thì bị coi là “kẻ ngốc”.

Khi học Pháp của Sư phụ, mục “Đề cao tâm tính” trong Chuyển Pháp Luân:

Có một học viên ở nhà máy dệt kim tại một thành phố của tỉnh Sơn Đông, sau khi học Pháp Luân Đại Pháp đã dạy các công nhân khác luyện; kết quả làm cho diện mạo tinh thần của nhà máy hưng khởi hẳn lên. Trước đây các đầu [mẩu] khăn tắm của nhà máy dệt kim thường bị cất đi mang về nhà, các công nhân đều lấy [như thế]. Sau khi học công rồi thì anh ta không những không lấy nữa, mà còn mang những thứ đã lấy về nhà trả lại [nhà máy]. Người khác thấy anh ta làm thế, thì không ai lấy nữa; có công nhân còn mang hết những gì đã lấy trả lại nhà máy; trong toàn nhà máy xuất hiện tình huống như vậy.

Tôi suy ngẫm điều này và thầm nghĩ, “Trở thành người tu luyện chân chính không chỉ dựa vào lời nói. Tôi cần biến những nguyên lý thành hành động. Tôi cần loại bỏ tất cả những suy nghĩ vị kỷ của bản thân!” Tôi quyết tâm chuyển biến những tư tưởng ích kỷ và đề cao tâm tính.

Tôi đã mang trả lại 3.000 tệ cho công ty. Đó là việc mà tôi sẽ không thể làm nếu như không tu luyện. Trong các bài giảng, Sư phụ đã chỉ ra những tiêu chuẩn cao dành cho người tu luyện chân chính. Tôi nhận thấy rất nhiều tư tưởng của bản thân đã đi lệch khỏi Pháp. Tôi cần phải chính lại chúng dựa trên Pháp.

Tôi nói với bản thân, “Tôi sẽ tịnh hoá bản thân từng chút một. Thân và tâm tôi sẽ trở nên càng ngày càng thuần tịnh cho đến khi đạt được những tiêu chuẩn của Pháp. Quá trình tu luyện chân chính này sẽ là hành trình của tôi”.

Có một chuyện khác mà tôi vẫn nhớ. Gia đình tôi chơi thân với một gia đình khác ở quê nhà. Tôi gọi cậu con trai của gia đình đó là “em trai”. Cậu ấy đã hỏi mượn tôi tiền để làm đám cưới cho con trai. Lúc đó, tôi chỉ có 10.000 tệ và nói: “Như thế có quá ít không?”

Cậu ấy nói thế là đủ. Tôi đưa tiền và cậu ấy đếm tiền rồi cho vào túi.

Nửa năm sau vào một buổi tối, cậu ấy đến trả tôi tiền. Chúng tôi nói chuyện rồi sau đó họ rời đi. Tôi cầm chiếc phong bì trong tay, cảm thấy nó ít hơn 10.000 tệ. Tôi mở ra và nhận thấy họ chỉ trả lại 5.000 tệ.

Chị gái tôi bảo, “Gọi cho cậu ấy đi! Đây không phải chỉ là 300 hay 500 tệ. Sai khác những 5000 tệ”. Tôi cũng dao động và nghĩ “Tôi nên làm gì?” Chúng tôi thảo luận và con gái tôi nói: “Làm sao mẹ có thể nói chuyện này qua điện thoại? Trước đây, mẹ đã từng nói thậm chí nếu họ không trả lại cũng không sao. Hãy nghĩ đó như số tiền từ thiện”.

Những lời của con gái đã nhắc tôi nhớ đến lời Sư phụ giảng rằng chúng ta cần phải trả nợ nghiệp. Tôi coi 5.000 tệ đó là khoản nợ nghiệp mà tôi đã nợ cậu em trai. Chẳng phải đây là việc tốt nếu Sư phụ giúp tôi hoàn trả nợ?

Tôi nhận thấy người thường luôn đặt tiền lên trên hết. Một số thậm chí không điều ác nào không làm chỉ vì tiền và lợi ích cá nhân. Các nguyên lý ở cao tầng là phản đảo lại lý ở chốn người thường. Dù cho tôi có mất đi chút tiền, những gì tôi đắc được thì tiền cũng không mua được.

Những lời giảng của Sư phụ đã chạm đến sâu trong tâm tôi và giúp tôi tích cực thay đổi hành vi một cách toàn diện. Đại Pháp đã cải chính những điều không tốt và làm thân tâm tôi thuần tịnh. Tôi chỉ có thể nói một câu để thể hiện lòng biết ơn của mình: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/23/378495.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/3/174495.html

Đăng ngày 27-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share