Bài viết của một học viên châu Âu

[MINH HUỆ 18-11-2014] Đến nay, tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 10 năm. Tôi thường nghĩ mình đã trải nghiệm nhiều rồi, nhưng gần đây tôi có thể ngộ sâu sắc hơn về việc đề cao tâm tính. Tôi dần tin rằng mỗi thứ hay mọi thứ chúng ta làm là để chúng ta đề cao tâm tính của mình.

Xem nơi làm việc là môi trường đề cao tâm tính

Tôi điều hành hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú. Công việc kinh doanh liên tục phát triển mỗi năm và tôi nghĩ nó sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa nếu tôi hợp tác với một đối tác kinh doanh. Công ty của tôi thuê những căn hộ từ những người khác rồi cải tạo chúng và cho khách du lịch thuê ngắn hạn. Người mà tôi định hợp tác là một trong những người sở hữu căn hộ. Tôi đề xuất với anh ý tưởng về việc mở một khách sạn mini có không gian đặc biệt gần văn phòng của tôi và anh nói anh muốn đầu tư vào dự án của tôi.

Tôi cũng đã giảng chân tướng cho cả anh và vợ của anh. Dường như họ rất thích những người tốt vì vậy tôi cảm thấy mình không có lý do nào để không tin tưởng họ. Tuy nhiên, khi đến lúc chuẩn bị cho dự án thì anh lại bắt đầu thay đổi thái độ và liên tục né tránh ký hợp đồng với công ty tôi.

Anh nói anh không định từ bỏ thỏa thuận giữa chúng tôi, nhưng trên thực tế thì anh lại đang ngầm làm mọi thứ sau lưng tôi. Anh thành lập công ty riêng của mình và cho thuê địa điểm bằng tên của công ty. Tôi có thể thấy nơi đó từ cửa sổ phòng làm việc của tôi, rồi một ngày tôi thấy họ bắt đầu xây dựng. Tôi cảm thấy thật tệ nhưng không muốn nói gì với anh ấy cả – sao tôi có thể cứu anh hoặc vợ của anh nếu tôi tranh chấp với họ? Một người thường sẽ kiện họ hoặc bắt đầu tranh chấp, nhưng là một học viên, tôi đã quyết định cho qua chuyện này. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân rằng: “Chư vị không những không tức giận hắn, mà trong tâm chư vị còn nên cảm ơn hắn, thật sự cảm ơn hắn.”

Tuy nhiên tôi đã không thể cảm ơn họ. Khi thời gian qua đi, tầm nhìn kinh doanh của tôi nổi lên, khiến thất vọng của tôi cũng lớn tương đương. Và tự nhiên khổ nạn lại tiếp tục.

Trong thời gian các công việc cải tạo địa điểm được hoàn tất, họ vẫn không liên hệ với tôi để xin ký hợp đồng, cảm ơn tôi hay tỏ ý muốn giải thích. Ngược lại – một ngày kia, anh gọi cho tôi để xin giúp đỡ. Tôi đã lập tức từ chối, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng mình đang có tâm bảo vệ bản thân nên tôi đã gửi cho anh một tin nhắn tỏ ý muốn giúp đỡ. Nhưng đã quá trễ.

Sau đó một đoạn thời gian, anh gọi cho tôi. Và lần nữa không mang lại điều gì tốt cho tôi cả – anh muốn tôi di dời khỏi căn hộ của anh ấy! Tôi nhận ra anh ấy đã cảm thấy bị xúc phạm khi trước đây bị tôi từ chối giúp đỡ và anh có vẻ thất vọng. Tình huống không thực đến nỗi tôi lập tức nhớ ra những gì Sư phụ đã giảng về tiêu chuẩn để cứu độ các sinh mệnh cao tầng. Không phải là việc họ sẽ biết ơn chúng ta.

“Như họ xem xét, ‘các vị muốn có thể cứu tôi, các vị phải có thể đạt tới tầng thứ của tôi mới được, các vị phải có uy đức ấy, các vị mới có thể cứu tôi được.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Sau khi hiểu ra vấn đề, tôi đã xin lỗi anh ấy. Tôi thừa nhận rằng mình đã không xử sự tốt và muốn làm hòa với anh. Đối với thỏa thuận giữa chúng tôi trước đây, tôi nói anh ấy không nợ tôi gì cả và trong tương lai nếu cần giúp đỡ thì anh có thể tìm đến tôi.

Hai ngày sau, tôi đến thăm vợ anh và cũng đã xin lỗi cô. Tôi xin lỗi vì điều gì? Đó là lỗi của tôi, là do nhân tâm của tôi.

Sư phụ giảng rằng:

“…có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước…”(Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Họ đang giúp tôi buông bỏ chấp trước vào lợi ích cá nhân. Đồng thời có lẽ họ cũng đang cho tôi đức thay vì tiền mà tôi có thể kiếm được như một cổ đông. Sao tôi lại không cảm ơn họ? Khi ngộ ra, tôi cảm thấy rất biết ơn họ.

Đề cao tâm tính trong các hoạt động của Đại Pháp

Bất cứ khi nào có hoạt động của Đại Pháp, tôi thường đo lường thành công thông qua việc đề cao tâm tính của mình. Ví dụ, nếu chúng tôi chuẩn bị tổ chức một sự kiện nâng cao nhận thức về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, là một điều phối viên, tôi nhắc các đồng tu rằng mục tiêu trước mắt của chúng ta không phải là phát tờ rơi, giảng chân tướng hay thậm chí cứu người. Mục đích của chúng ta là đề cao tâm tính thông qua việc tương tác với công chúng và phối hợp với người khác. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó thì những thứ khác sẽ thuận theo tự nhiên.

Một buổi chiều, chúng tôi định tổ chức một sự kiện ngoài trời tại một thành phố khác. Trời mưa vào buổi sáng, vì vậy học viên A đã gọi cho tôi đề xuất hủy bỏ hoạt động. Tôi không thấy có lý do gì cần phải hủy bỏ, nên chúng tôi vẫn tiếp tục như kế hoạch.

Mưa không ngừng và chúng tôi đã phải mất ba tiếng lái xe để đến đó. Học viên A không vui với quyết định của tôi, nhưng tôi vẫn cho rằng nếu mục đích của chúng tôi là đề cao tâm tính, thì chúng tôi đã không lãng phí thời gian dù trời có mưa hay không.

Khi đến đó, chúng tôi dừng xe và bắt đầu cài đặt các thiết bị. Quảng trường ẩm do mưa và bầu không khí u ám. Nhưng ngay khi nhạc Đại Pháp bắt đầu, môi trường thay đổi ngay lập tức. Mưa ngừng và từ mọi hướng mọi người bắt đầu vào quảng trường, như thể họ đang chờ ở các ngả đường gần đó. Cũng giống như một bộ phim, khi hô “Diễn!”, mọi thứ đột nhiên trở nên sống động.

Học viên A đã bị sốc. Cô nói: “Thì ra tất cả điều này là để tôi ngộ.” Cuối cùng, cô ấy đã nhận ra tại sao chúng tôi lại đến đó.

Đề cao tâm tính trong khi quảng bá Thần Vận

Gần đây, tôi đã lái 900 km để quảng bá Thần Vận, đây hóa ra cũng là một cơ hội để đề cao tâm tính. Đối với việc quảng bá Thần Vận, các tiêu chuẩn có thể thực sự rất cao và các khảo nghiệm khá khắc nghiệt. Tuy nhiên, đề cao cũng bao gồm cả chia sẻ, vì thông qua chia sẻ chúng ta có thể nhận ra những khảo nghiệm mà chúng ta gặp và đồng thời giúp những người khác có những thể ngộ của riêng họ. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ chia sẻ thường xuyên là rất quan trọng.

Ví dụ, một ngày tôi được một điều phối viên sắp xếp đến thăm một số công ty. Tôi phối hợp với một học viên địa phương trẻ và không có kinh nghiệm, vì vậy tự nhiên tôi thấy mình nên giữ vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, anh ấy không cảm thấy như vậy nên tôi đã để anh ấy làm.

Anh ấy lên kế hoạch, đề xuất ý tưởng và thậm chí còn phê bình tôi. Tôi đã khoanh tay trong khi đang nói chuyện với người đại diện của một công ty; học viên kia đã chỉ ra rằng làm như vậy nhìn không được lịch sự. Một lần khác, tôi nói đùa với một số người và anh cho rằng điều đó không phù hợp với người tu luyện.

Vào buổi tối, khi chia sẻ kinh nghiệm hàng ngày của mình, tôi thấy tình huống diễn ra thật nực cười: Tôi đã tu luyện chín năm và anh ấy mới chỉ tu luyện có chín tháng, nhưng anh ấy đang chỉ dạy cho tôi – Tôi hoàn toàn không để tâm đến chuyện đó. Trong khi chia sẻ với những học viên khác về chuyện của mình, tôi ngộ ra rằng thực tế anh ấy ở đó để giúp tôi buông bỏ cái tôi của mình, trong khi tôi giúp anh ấy đặt định một cơ sở vững chắc cho tu luyện.

Lời khuyên của tôi đối với tất cả các điều phối viên là: giúp các học viên cởi mở chia sẻ cùng nhau, hỏi họ những câu hỏi nếu cần. Một vài học viên nhút nhát, số khác lại nghĩ rằng kinh nghiệm của họ không đáng để chia sẻ. Nhưng chúng ta tu luyện chủ ý thức của mình, nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội chia sẻ một cách lý trí những gì đang xảy ra với chúng ta – liệu đó có phải là chân tu không?

Pháp hội cũng giúp tôi đề cao tâm tính

Tôi đã đến Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp New York ba lần. Lần đầu tiên vào năm 2010, đó là dịp rất đặc biệt đối với tôi – lần đầu tiên, tôi tận mắt nhìn thấy Sư phụ Lý Hồng Chí. Tôi cảm thấy Sư phụ rất rạng rỡ, trang nghiêm và vui vẻ, một thời gian dài sau Pháp hội, tôi vẫn tiếp tục cảm nhận được sự rạng rỡ của Sư phụ.

Tuy nhiên, tôi đã phát sinh một niệm nhân tâm: “Đến gần Sư phụ thật quá dễ dàng – Bạn chỉ phải mua vé máy bay, lại không quá đắt. Mình sẽ không bỏ lỡ Pháp hội New York nào nữa.”

Năm sau, vào năm 2011, tôi đến New York trên chuyến bay cuối cùng trước khi tất cả các chuyến bay bị hủy bỏ do bão. Các phương tiện di chuyển công cộng cũng ngừng hoạt động và không có cách nào để sang bờ bên kia sông Manhattan. Tôi ở lại cùng bạn bè, những người thường và tôi cảm thấy mình mất kết nối với các học viên Đại Pháp ở bờ bên kia. Vào ngày diễn ra Pháp hội, tàu vẫn không hoạt động và việc đợi buýt thì ngày càng lâu.

Trước đây, bất cứ khi nào đến tham dự các hoạt động Đại Pháp, tôi thường tình cờ gặp các học viên – nhưng lần này không có học viên nào quanh tôi. Cuối cùng, tôi cùng với một số người thường đi chung một chiếc taxi. Tôi biết đã muộn, nhưng sau tất cả, ai mà biết được những người khác bằng cách nào sẽ đến địa điểm tổ chức Pháp hội ở một vùng ngoại ô xa xôi của New York.

Khi đến nơi, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người đã đến đúng giờ. Tất cả mọi người trừ tôi. Hơn thế nữa, Sư phụ đã ở trên sân khấu và đang giảng Pháp rồi.

Tôi cảm thấy mình như một cậu bé đi học trễ vì ngủ muộn. Tôi cảm thấy bối rối và hối lỗi rằng mình đã không thể hiểu thấu được lời của Sư phụ. Tôi cảm thấy Sư phụ đã buồn vì tôi.

Sau đó, tôi hỏi các học viên khác xem họ thấy Sư phụ như thế nào. Mọi người nói rằng Sư phụ rất vui vẻ. Vì vậy mà tôi đã hiểu được rằng Sư phụ chỉ buồn vì tôi: Người học viên nghĩ rằng gặp mặt trực tiếp Sư phụ đơn giản chỉ là mua một vé máy bay và bay qua đại dương là sai.

Bạn bè cũng cho tôi cơ hội đề cao tâm tính

Chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, vì vậy chúng ta sẽ không cắt đứt mọi quan hệ với người thường. Tất cả chúng ta đều có bạn bè không phải là học viên và chúng ta không nên để họ xem chúng ta là “kỳ quặc”, nếu không chúng ta sẽ không thể cứu họ. Hơn nữa, các hoạt động xã hội không hoàn toàn là lãng phí thời gian – theo nhận thức của tôi thì đó là do Sư phụ an bài để giúp chúng ta đề cao tâm tính.

Có một đoạn thời gian khi tôi cùng vợ đi leo núi cùng bạn bè. Một lần, chúng tôi đi dọc một con sông đóng băng trên núi mà có lẽ ngón tay của bạn sẽ bị bỏng nếu bạn nhúng xuống đó. Tuy nhiên, một người bạn của tôi đã cởi giày và bắt đầu đi bộ qua nước băng. Vốn biết anh ấy không phải là người “cứng cỏi”, tôi đã rất sốc. Anh nói với tôi: “Nhanh lên. Ngay khi vượt qua cơn đau lúc đầu. Bạn sẽ ổn thôi.” Tôi lúc đó cảm thấy miễn cưỡng. Anh nói thêm: “Nếu bạn không thể đi qua nước băng, thì sao có thể mong những người của bạn theo bạn được?”

Những lời này đã làm tôi bị chấn động. Tôi cởi giày và đứng trong nước lạnh. Tôi rất đau đớn, nhưng cố gắng không để tâm. Và sau một phút hay ít hơn, phép màu đã xảy ra: cơn đau biến mất và tôi hoàn toàn không còn cảm thấy chân mình đâu nữa. Và tôi có thể bước đi một cách bình thường.

Chuyện này đã cho tôi một bài học rằng trong tu luyện, đôi lúc chúng ta phải dám “bước vào nước lạnh” và chịu đau một chút. Nhưng vì chúng ta ở đây không phải để chịu đau mà là để vứt bỏ chấp trước, ngay khi chấp trước được vứt bỏ (giống như tâm sợ đau trong ví dụ này), cơn đau không còn tác dụng gì nữa và nó cũng biến mất. Tất cả là để chúng ta đề cao tâm tính.

Đó là nhận thức tại tầng thứ hiện tại của tôi. Xin các đồng tu hãy chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/18/146921.html

Đăng ngày 29-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share