Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-10-2024] Những học viên đắc Pháp trước khi cuộc bức hại bắt đầu ở độ tuổi 40, 50 thì hiện giờ đã ngoài 70, 80 tuổi rồi. Nhìn lại gần 30 năm tu luyện, có lẽ mỗi học viên đều có thể viết ra một cuốn sách về hành trình tu luyện của mình.

Người Trung Quốc xưa có câu: “Nhật cửu kiến nhân tâm” (Ngày dài mới tỏ lòng người). Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Đại Pháp, một số lượng lớn học viên vì sợ hãi mà không dám tu luyện nữa. Các học viên có thể kiên trì tới ngày hôm nay thì đa số đều đã trải qua nhiều khảo nghiệm sinh tử — đi đến thành phố thủ phủ của tỉnh thỉnh nguyện hoặc đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, hoặc nhiều lần đối diện với sự sách nhiễu, bắt giữ, tẩy não, giam giữ và bức hại phi pháp của ĐCSTQ. Những ai hoàn toàn tín Sư tín Pháp và kiên định không lay động với đức tin của mình thì quả thật là xuất sắc vô cùng. Đa số chúng ta ai cũng đều từng vấp ngã và trải qua ma luyện, nhưng vẫn tiếp tục bước đi dưới sự dẫn dắt từ bi của Sư phụ, Ngài không ngừng khích lệ và cảnh tỉnh chúng ta.

Vài ngày trước, tôi nghe một số học viên bàn luận về việc một số học viên khác đã ngừng tu luyện. Mặc dù không hiểu rõ tình hình ở các khu vực khác, nhưng tôi nhận ra rằng tình huống xung quanh tôi cũng không mấy lạc quan. Đành rằng không phải ai cũng có thể leo lên đến đỉnh núi, nhưng điều đó vẫn khiến tôi cảm thấy thương cảm.

Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của Sư phụ, tôi đã dốc sức để tạo ra nhiều cơ hội cho các đồng tu khác truy cập vào trang web Minh Huệ, giúp họ có thể đọc bài chia sẻ của các học viên trên khắp thế giới, từ đó được khích lệ và tu luyện bản thân. Những đồng tu này thật sự tinh tấn thực tu và làm ba việc cứu người. Hằng năm họ còn gửi bài chia sẻ kinh nghiệm của mình đến trang Minh Huệ. Trong thời gian đó, tôi cũng rất bận rộn giúp họ chỉnh sửa bài chia sẻ, đánh máy, lưu thành tệp điện tử và gửi đến trang Minghui.org. Những lúc ấy tuy bận rộn nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.

Do sự can nhiễu và phá hoại của thế lực tà ác, khu vực chúng tôi bị mất môi trường học Pháp tập thể và điểm sản xuất tài liệu chỉ còn rất lèo tèo. Một số học viên đã qua đời sau nhiều lần bị bức hại liên tục. Bởi tà ác gia tăng kiểm duyệt Internet kể từ năm ngoái, những học viên vốn có tâm sợ hãi khá nặng đã dần không cố đột phá sự phong tỏa Internet nữa và cũng không còn truy cập vào trang Minh Huệ nữa, càng không nói đến việc viết bài chia sẻ! Nhìn thấy điều này, tôi chợt nhận ra bản thân cũng đang xuất hiện trạng thái giải đãi. Tôi đang đối đãi với việc học Pháp, luyện công và làm ba việc như là nhiệm vụ cần phải hoàn thành.

Tháng 6 năm nay, Sư phụ đã liên tục công bố hai bài kinh văn mới. Trên bề mặt, thì dường như không liên quan đến đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc. Nhưng nếu suy xét kỹ hơn, hai bài kinh văn đó không lẽ Sư phụ chỉ viết dành riêng cho các đệ tử Đại Pháp ở hải ngoại sao?

Trong kinh văn “Pháp nạn” Sư phụ giảng:

“Kỳ thực Pháp nạn sẽ không vì địa khu khác nhau mà kết thúc, chỉ là biểu hiện khác nhau. Trong Pháp nạn cũng đang tuyển trạch những sinh mệnh cuối cùng được lưu lại và những sinh mệnh bị đào thải, cũng bao gồm cả những người được và không được trong đệ tử Đại Pháp.”

Rõ ràng là các đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc cũng đang được tuyển trạch xem liệu chúng ta là “…những người được hay không được…“ Chỉ có vàng ròng mới được lưu lại. Sư phụ thật sự đang rất lo lắng về trạng thái hỗn độn hiện tại của các đệ tử. Là một đệ tử Đại Pháp lâu năm, bản thân tôi cần phải thức tỉnh và tinh tấn.

Tôi hướng nội tìm và tự hỏi: Tại sao lại các đồng tu xung quanh tôi lại xuất hiện nhiều trạng thái tiêu cực? Việc này có liên gì đến sự tu luyện của tôi và tôi nên làm thế nào để tu luyện tiếp tục đây?

Tâm lý hiển thị

Trong sách Chuyển Pháp Luân, Sư phụ đã viết riêng một tiểu mục về tâm lý hiển thị. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tu bỏ tâm hiển thị và tính phổ biến của cái tâm này.

Trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, một học viên lâu năm đã có lần nhắc nhở tôi: “…động tác trông đẹp mắt hơn; cũng có hiển thị trong đó.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân) Lúc ấy, khi đang luyện bài công pháp thứ ba, một đồng tu không thể phối hợp hai tay của mình để thực hiện động tác xung quán: một tay đưa lên trong khi tay kia bắt đầu đưa xuống. Tôi liên tục thị phạm, chỉ cho bà ấy cách xung quán và còn nói: “Nếu chị không làm đúng động tác ngay từ đầu, thì khí cơ sẽ hỏng mất đó”. Khi chúng tôi học Pháp tập thể, lúc đọc đến dòng Pháp kia ở trong sách Chuyển Pháp Luân, một số đồng tu đã đưa mắt nhìn sang phía tôi, ý tứ nhắc nhở tôi chuyện này. Thời điểm đó, tôi không hướng nội mà nghĩ: “Mình làm thế chỉ vì muốn tốt cho bà ấy thôi!”, đại loại kiểu vậy.

Qua nhiều năm giúp đỡ các học viên khác, tôi nhận được những lời ngưỡng mộ, tán dương, thậm chí là tâng bốc thường xuyên của họ, tâm hiển thị của tôi cứ bành trướng dần lên. Ban đầu, tôi cảm thấy tự hào về bản thân. Đi đến đâu tôi cũng nghĩ là “tôi đang đến để giúp các bạn đây”. Các đồng tu khác nói rằng tôi thông minh, có năng lực và tu luyện tốt. Họ thậm chí còn nói rằng với một người ở độ tuổi như tôi, thị lực của tôi vẫn còn rất tốt. Nghe vậy tôi cảm thấy tự hào về bản thân vì đã ngày đêm học mọi thứ liên quan đến mảng kỹ thuật trong nhiều năm. Từ một người dốt đặc về máy tính cho đến có thể giúp đỡ các đồng tu khác truy cập vào Minghui.org một cách an toàn. Tôi cảm thấy mình xứng đáng với lời khen của họ. Thậm chí, tôi còn bắt đầu khoe khoang về việc trước đây mình đã học những kỹ năng này tốt ra sao, v.v thế nên hiện tại mới có khả năng dùng những kỹ thuật tự học đó để giúp đỡ mọi người.

Sư phụ khai trí huệ để tôi học được một chút kỹ năng này nhằm dùng nó giúp đỡ các học viên khác, thế nhưng tôi lại tham chiếm công trời mà bắt đầu tự cao tự đại, cho rằng là bản thân có bản sự. Làm sao mà tôi có thể không rớt xuống cho được? Tu vô ích rồi! Hơn nữa, những năng lực mà tôi đang có hiện nay, mặc dù là do nỗ lực học tập mà có, nhưng cũng lại chính là kết quả của sự phó xuất chung của các đồng tu kỹ thuật và những đồng tu khác trong khu vực. Vậy mà, tôi lại tự kiêu và nhận hết công trạng, đặt Đại Pháp ở vị trí thứ yếu.

Gần đây, tôi đã đọc một bài chia sẻ ở trên Minghui.org có tiêu đề “Chữ ‘tự đại’ thêm một dấu chấm là chữ ‘bốc mùi’”, nói về sự nguy hiểm của tự cao tự đại. Tác giả viết rằng: “Vì sao tôi lại bận rộn như vậy trước khi bị bắt cóc? Giống như bị mắc vào một sợi dây và không dừng lại được, có phải đơn thuần do tâm ham làm việc gây ra không? Vì sao đôi khi có tâm hoan hỷ, có tâm hiển thị? Hiển thị gì đây? Hiển thị bản thân có thể làm việc ư, hiển thị làm được nhiều và làm nhanh chóng ư, ngoại trừ công việc kỹ thuật cài đặt máy tính và sửa máy móc không biết làm, thì những việc khác (như) cứu người và chứng thực Pháp đều có thể làm; điều phối giữa các đồng tu, bao gồm việc người thường của đồng tu cũng nhiệt tình giúp đỡ, bận rộn kinh khủng, đôi khi đồng tu khen vài câu, trong tâm không khỏi dương dương tự đắc, sau đó càng sẵn lòng giúp đỡ đồng tu làm việc này việc nọ, càng có khả năng làm – càng thích làm, trong quá trình làm, tâm ham làm việc và tâm hư vinh cũng được thỏa mãn, đồng thời tâm hoan hỷ và tâm hiển thị đan xen chồng chéo, củng cố lẫn nhau, cuối cùng sinh ra tâm tự ngã tự đại.

Dưới sự thúc đẩy của tâm tự ngã tự đại, tôi ngày càng bận rộn với mọi việc và không thể thoát ra được, thời gian học Pháp cũng giảm thiểu, khi phát chính niệm trong não toàn là công việc, căn bản không tĩnh lại được, cũng không nhớ phải hướng nội tìm và tu sửa bản thân mọi lúc mọi nơi”.

Những gì mà đồng tu mô tả trong bài chia sẻ cũng vừa hay giống với trạng thái không đúng đắn kia của tôi.

Được thôi! Bạn thông minh và có bản sự, vậy thì bạn làm cả đi! Vì điều này mà một số đồng tu từng giúp các đồng tu khác đã bắt đầu ỷ lại tôi, thậm chí còn phàn nàn rằng không có người nào chỉ cho họ. Cũng có một số vấn đề là tôi cần phải can thiệp và phối hợp xử lý. Tôi cứ chạy đi giải quyết hết mà không phàn nàn, khiến bản thân mệt mỏi về cả về tinh thần lẫn thể chất. Kết quả là, việc học Pháp luyện công của tôi bị đình trệ, càng chưa nói đến việc hướng nội tìm hay tu bản thân.

Kết quả là, một số đồng tu có khả năng truy cập vào trang Minghui.org vẫn bị can nhiễu bởi sự phong toả Internet của tà ác và không thể đột phá phong toả. Lại thêm máy tính của họ không thể kết nối với mạng Internet để cập nhật hệ thống và họ thậm chí còn cất máy tính lên giá sách. Bên cạnh họ có sẵn máy tính có thể lên mạng, nhưng vẫn có đủ lý do và danh chính ngôn thuận tiếp tục yêu cầu tôi cung cấp tài liệu cho họ. Ví dụ, khi tôi nói với họ rằng Sư phụ vừa công bố kinh văn mới, họ ngay lập tức đưa tay ra và nói: “Cho tôi một bản!” Họ muốn tôi đưa cho họ bản kinh văn mới đã in ra, trong khi họ có thể tự mình làm được.

Tôi tiếp tục cung cấp cho họ kinh văn mới của Sư phụ và những tài liệu khác. Tôi còn dành rất nhiều thời gian ghi sẵn các tệp âm thanh vào USB cho họ. Sau khi đối chiếu bản thân với Pháp và hướng nội tìm, tôi nhận ra sự không ngừng đáp ứng một cách mù quáng thay đồng tu làm mọi thứ chính là đang cản trở họ có thêm cơ hội để tự bước đi trên con đường tu luyện của mình.

Ai cũng có xu hướng muốn được thoải mái một chút, an dật một chút và chọn con đường dễ dàng một chút. Nhưng là người tu luyện, nếu như chúng ta cứ mãi dựa vào người khác thì chúng ta làm sao có thể cải biến bản thân và đề cao lên được?

Sư phụ muốn tất cả chúng ta đều tu luyện thành những sinh mệnh vị tha biết suy nghĩ cho người khác trước. Nếu như ai ai cũng ỷ lại chờ người khác phục vụ mình, vậy thì ai sẽ đi phục vụ người khác đây. Chấp trước này là điều mà mỗi người tu luyện phải tu bỏ và đó cũng là lý do vì sao Minghui.org đã sớm nhấn mạnh việc “trăm hoa đua nở khắp nơi” và khích lệ các học viên mở điểm sản xuất tài liệu ở khắp nơi.

Tôi không thể để tâm hiển thị mạnh mẽ của mình cản trở các đồng tu khác bước đi trên con đường tu luyện của họ được. Sau khi nhận thức được hậu quả nghiêm trọng mà tâm hiển thị này mang lại, tôi bắt đầu giải quyết tình trạng này. Tôi vừa hỗ trợ các đồng tu khác vừa nhiều lần trao đổi với họ về việc này và chúng tôi cùng nhau chia sẻ dựa trên Pháp lý. Sau khi họ nhận ra vấn đề, tôi giúp họ truy cập Minghui.org và giúp họ tự làm tài liệu.

Tôi rất vui mừng khi thấy sau khi chia sẻ, một số đồng tu đã thay đổi. Họ phát từ nội tâm thực sự cảm thấy vui và biết ơn Sư phụ!

Tôi phải chiểu theo các Pháp lý mà Sư phụ giảng. Trong mọi hoàn cảnh, tôi phải luôn tự nhắc nhở rằng bản thân vẫn còn là một người tu luyện ở tầng thứ thấp và còn nhiều tâm chấp trước, tôi cần phải liên tục bài xích và tu bỏ tâm hiển thị.

Chấp trước vào tình đồng tu

Tôi làm việc chậm rãi và thậm chí có lúc còn trì hoãn. Khi giúp đỡ các đồng tu khác những thứ liên quan đến kỹ thuật, tôi mất rất nhiều thời gian và công sức vì không rành công nghệ nên vừa tìm hiểu vừa vừa làm, mất rất nhiều thời gian. Tôi thường ra khỏi nhà vào sáng sớm và mãi đến 9, 10 giờ đêm mới về. Ban đầu, để tránh làm phiền các đồng tu khác, tôi mang theo đồ ăn trưa, đôi khi còn mang đồ ăn trưa cho đồng tu và người nhà của họ. Tôi mang theo những món như bánh bao và há cảo đông lạnh. Sau đó, khi có điều kiện kinh tế hơn, tôi mang theo những món ăn cầu kỳ hơn, như là những món ăn đã nấu sẵn hoặc qua sơ chế và trái cây, v.v Vốn dĩ mục đích tôi mang đồ ăn đi là để tiết kiệm thời gian nấu nướng và chúng tôi có thể cùng nhau làm nhiều việc Đại Pháp hơn. Tuy nhiên dần dần, tình huống bắt đầu thay đổi. Một số đồng tu sống cùng với gia đình không phải là người tu luyện và họ nghĩ rằng đồ ăn mà tôi mang đến là quà chọ, nên họ không muốn mang nó ra ăn luôn mà cất để dành và bỏ thời gian đi nấu cơm cho chúng tôi ăn. Điều này tốn kém và lãng phí nhiều thời gian hơn: thay vì tiết kiệm được thời gian ăn uống, việc tôi đến còn làm họ thêm việc cho người nhà đồng tu. Khi ngồi ăn, các đồng tu và người nhà không tu luyện của họ còn bắt đầu bình luận xem món nào ngon hơn và món nào không ngon bằng.

Có lúc tôi không có thời gian để chuẩn bị đồ ăn từ trước, hoặc các cửa hàng mà tôi thường mua đồ ăn sẵn vẫn chưa mở cửa vào sáng sớm, tôi thường sẽ đến tay không. Điều này lại khiến các đồng tu có đề tài để nói, như đồ nào ngon hay tại sao tôi không mang theo đồ ăn gì…Dường như tôi đã “nuôi dưỡng” cảm giác thèm ăn của các đồng tu khác! Tôi nhận ra việc giải quyết bữa ăn của tôi như vậy là sai và con đường tu luyện của tôi đang lệch hướng.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện ấy, thế nào gọi là ‘vô lậu’? Không có chuyện nhỏ đâu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc [2015])

Hơn nữa, ngay cả những thứ như bữa ăn đó cũng không phải chuyện nhỏ. Đây chính là cái tâm chấp trước vào tình đồng tu mà tôi chưa buông bỏ được. Tôi thấy một số đồng tu có điều kiện sống khó khăn, một số còn nhiều lần bị bức hại và chịu thống khổ rất lớn trong tù, mọi người đều bận rộn chứng thực Pháp, không còn thời gian để tự nấu ăn cho bản thân, nên tôi cho rằng việc ăn uống cải thiện một chút mỗi khi chúng tôi có cơ hội gặp mặt một chút thì cũng được.

Có một tình huống càng nghiêm trọng hơn, đó là một lần tôi ghé qua nhà của một đồng tu sống một mình. Tôi mang đủ loại đồ ăn – gà, vịt, cá, và thịt – không chỉ mang đồ ăn nấu sẵn mà thậm chí còn nấu thêm đồ ăn khác ở nhà đồng tu, nấu cả một mâm đầy. Ai nhìn thấy đều sẽ nghĩ rằng đây là mâm cơm dành cho một nhóm người. Thấy chúng tôi cùng nhau thưởng thức mâm cơm, được nghe những lời khen và cảm ơn không ngớt, cái tâm hư vinh kia của tôi thoả mãn vô cùng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã hành xử như người tu luyện. Hơn nữa, mọi thứ mà đệ tử Đại Pháp làm trong quá trình chứng thực Pháp là lưu lại cho tương lai, thế nhưng những hành vi này sao có thể để cho con người tương lai dùng để tham chiếu được đây? Chấp trước vào tình đồng tu là cái tâm mà tôi phải tu bỏ. Nó không thể lưu lại làm tham chiếu cho tương lai được.

Tôi phát hiện mình vẫn chấp vào đồ ăn. Sư phụ đã điểm hoá cho tôi về phương diện này rồi. Ví dụ, tôi thích ăn củ ấu và hạt dẻ, chúng đều là đồ rất khó tiêu hoá, nên mỗi lần tôi chỉ ăn một chút thôi. Nhưng sau khi tu luyện vài năm, nhất là mấy năm gần đây, chỉ ăn một tí xíu là dạ dày và bụng dưới của tôi sẽ bị trướng lên, đau quặn lại và cảm giác nặng bụng không chịu nổi. Dạo gần đây, việc này nghiêm trọng đến mức tôi phải liên tục chạy vào nhà vệ sinh. Sau đó, tôi không còn dám ăn mấy món này nữa. Bây giờ thì nhà tôi có gì thì ăn nấy, kể cả đồ ăn mà người nhà không thích ăn hoặc đồ ăn thừa để không quá lâu. Khi đến giúp đỡ các đồng tu khác, tôi chỉ mang theo đồ ăn khô và đơn giản.

Ngẫm lại, chúng tôi đã trong cuộc bức hại tà ác này mà vượt qua biết bao mưa gió bước đi đến hôm nay, tất cả đều là nhờ mọi người đã giúp đỡ lẫn nhau và thực sự đã buông bỏ được mọi thứ của bản thân, giống như Sư phụ đã giảng là “…cứu trợ lẫn nhau…” (Viễn ly hiểm ác)

Trong những năm tôi bị cầm tù, không có đồng tu nào trong khu dân cư của tôi đến thăm tôi dẫu chỉ một lần. Vậy mà, các đồng tu ở các địa phương khác lại bất chấp cuộc bức hại tàn khốc lúc đó, mạo hiểm sự an toàn của bản thân mà đến thăm tôi. Một số thậm chí còn mang cho tôi các bài kinh văn mới của Sư phụ. Không có Đại Pháp của Sư phụ, tôi không thể nào vượt qua được! Tôi cảm thấy rằng không được đọc các bài giảng của Sư phụ là điều thống khổ nhất… Đó là lý do vì sao tôi chắc chắn sẽ không bao giờ ngừng học tập kỹ thuật!

Vì gần đây, việc tu luyện của tôi có chút lơ là và thân thể đang trải qua một thời gian dài tiêu nghiệp, nên tôi cần phải nỗ lực hết sức có thể. Tôi không thừa nhận giả tướng kiệt quệ về thể chất và tinh thần do sự tiêu nghiệp lặp lại trong vài năm qua gây ra. Tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ các đồng tu từng không màng sinh tử giúp đỡ tôi và các đồng tu khác, để họ có thể truy cập vào trang web Minh Huệ như bình thường.

“Học viên lâu năm” chúng ta đều biết rằng Sư phụ đã đẩy chúng ta đến vị trí trước khi cuộc bức hại bắt đầu ngày 20 tháng 7. Sư phụ trân quý chúng ta, những sinh mệnh không thể hạ thế để đắc Pháp ở trên thiên thượng đều ngưỡng mộ chúng ta, những chúng sinh trong thiên quốc của chúng ta đều đang trông ngóng vương của họ tu luyện viên mãn trở về. Chúng ta nhất định không được dừng bước trong giai đoạn cuối cùng của tiến trình trợ Sư chính Pháp này.

Sư phụ giảng:

“[Phần] đường khó khăn gian nan nhất đã qua rồi, đừng bị vấp ngã lúc cuối.” (Hãy tỉnh)

Tất cả chúng ta phải kiên trì tu bỏ mọi tâm chấp trước cản trở bản thân quay về thiên đình, hoàn thành thệ ước lớn lao mà chúng ta đã phát nguyện từ tiền kiếp để Sư phụ có thể an tâm!

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/2/483490.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/20/221730.html

Đăng ngày 31-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share