Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-08-2024] Tôi năm nay ngoài 70 tuổi và đã tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) từ năm 1996. Sức khỏe của tôi từng rất kém nhưng không lâu sau khi bước vào tu luyện, tôi đã trở thành một người mới khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công, gây ra biết bao thống khổ cho hàng triệu người dân lương thiện vô tội.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bất ngờ phát động việc bắt bớ các thành viên của hội nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp và các học viên phụ trách các trạm phụ đạo ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Chiều ngày 22 tháng 7, CCTV, loa truyền tin của trung ương Đảng, công bố rằng Pháp Luân Công bị cấm, điều này đã ngay lập tức gây ra cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc. Kể từ đó tôi đã phải chịu đựng rất nhiều. Giờ đây hồi tưởng lại, tâm tôi ngập tràn những cảm xúc khác nhau.
Một tuổi thơ bất hạnh
Từ khi còn nhỏ, tôi đã gặp nhiều điều bất hạnh. Mẹ tôi sinh ra tôi khi bà ở độ tuổi 40. Bà gần như không có sữa để cho tôi bú, gia đình tôi lại nghèo đến mức không có tiền để mua thực phẩm bổ sung. Hồi đó cậu tôi có một quán ăn nhỏ, mẹ tôi thường đến quán của cậu để xin nước cơm thừa về cho tôi ăn. Tôi vốn đã suy dinh dưỡng, lại còn bị tiêu chảy kinh niên nên tôi vô cùng còi cọc, cánh tay của tôi chỉ to như ngón cái của người lớn và tôi gầy đét như một bộ xương khô. Tiếng khóc của tôi cũng yếu ớt. Mọi người nghĩ tôi là một đứa trẻ quái dị và xa lánh tôi.
Vì tôi quá gầy yếu không thể cõng trên lưng nên mẹ tôi đặt tôi vào một cái giỏ và xách tôi đi với bà khắp nơi vì bà nghĩ tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Tất cả người thân và hàng xóm nhà tôi đều nghĩ tôi không thể nuôi được và khuyên mẹ tôi vứt tôi đi, nhưng bà không đành lòng vì tôi vẫn là một sinh mệnh. Tôi cứ dở sống dở chết như thế và mãi đến bốn tuổi tôi mới bắt đầu mọc răng và học đi, học nói.
Khi bắt đầu đi học, tôi vẫn gầy còm ốm yếu. Tôi luôn cảm thấy chóng mặt, đau đầu và thường bị điểm kém. Tôi đã thi trượt vào trường trung học cơ sở. Sau một năm ở nhà đi chăn trâu, tôi được đi học cấp hai vì gia đình tôi được Đảng Cộng sản Trung Quốc liệt vào diện bần nông.
Không lâu sau khi tôi bắt đầu học trung học phổ thông, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch khét tiếng Cách mạng Văn hóa, thời kỳ mà chế độ này ra sức kích động người dân đấu đá và thù ghét lẫn nhau. Điều này đã dẫn đến đấu tranh vũ trang.
Tôi đến Bắc Kinh làm Hồng Vệ binh, là một phần tử của “mạng lưới lớn” và tham gia vào một nhóm nổi dậy địa phương đánh nhau bằng binh khí với một nhóm nổi dậy khác. Cả hai nhóm đều có khẩu hiệu là “Bảo vệ trung ương Đảng, bảo vệ chủ tịch Mao”, nhưng hai bên đều không đội trời chung, giết nhau không thương tiếc bằng gươm và súng.
Trong số đó, có một cô gái mà tôi biết một hôm đã bị trúng đạn và ngã trên đường. Không ai giúp cô cả, người qua đường thậm chí còn đá cô chỉ vì cô thuộc nhóm đối lập. Cuối cùng cô đã chết.
Sau khi sự việc này xảy ra, tôi bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về Trung Cộng và phong trào Đại cách mạng Văn hóa. Nhưng mãi đến khi đọc Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản tôi mới thực sự hiểu rõ về bản chất tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Do sức khỏe ốm yếu từ bé nên tôi rất quan tâm đến y học. Sau khi việc học của tôi bị gián đoạn bởi phong trào Đại Cách mạng Văn hóa, tôi đã dành phần lớn thời gian và nỗ lực vào việc tự tìm hiểu kiến thức về y khoa. Tôi trở thành thầy lang ở địa phương. Sau đó, tôi phụ trách trạm y tế của thôn.
Pháp Luân Công ban cho các học viên một cuộc đời mới
Trong những năm 1980, khí công trở nên phổ biến khắp Trung Quốc. Tôi cũng rất hứng thú, tôi thường dành rất nhiều thời gian và tiền bạc đi khắp nơi để học khí công. Cuối cùng, tôi đã học ít nhất 10 môn khí công, nhưng tôi không hài lòng với môn nào cả. Sức khỏe của tôi cũng không được cải thiện nhiều. Phải đến tận năm 1996, khi gặp được Pháp Luân Công, tôi mới cảm nhận được đây chính là điều mà tôi hằng tìm kiếm trong những năm qua.
Không lâu sau khi tôi bước vào tu luyện, tất cả những bệnh mãn tính của tôi đã biến mất. Tôi cảm thấy khỏe mạnh và thư thái hơn bao giờ hết. Kể từ đó, tôi không còn bị ốm hoặc cần phải uống thuốc nữa. Tôi ước thúc bản thân hành xử theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Ngôn hành của tôi luôn Chân, và tôi tu Thiện, tôi giúp mọi người làm điều tốt, và nghĩ cho người khác trước trong mọi tình huống mà tôi làm. Tôi cũng tu Nhẫn, tôi nhẫn nại, ân cần với tất cả các bệnh nhân và luôn chọn những loại thuốc vừa tiền và có tác dụng nhanh để giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Nhiều bệnh nhân trước kia đã tiêu tốn rất nhiều tiền, đi rất nhiều nơi mà không trị hết bệnh. Tuy nhiên, khi đến với tôi, họ chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ và bệnh đã khỏi. Ngoài ra, không kể bệnh nhân giàu hay nghèo, tôi đều đối xử bình đẳng với họ. Nếu một bệnh nhân không có tiền để trả, tôi sẽ ghi phiếu nợ, nhưng tôi không bao giờ đi đòi. Nếu sau khi quá hạn họ vẫn không trả, tôi sẽ đốt tờ phiếu nợ đó đi. Đối với những bệnh nhân hộ nghèo, tôi luôn chữa bệnh miễn phí trường kỳ cho họ.
Nhờ có tay nghề và đạo đức tốt nên khi mọi người mắc bệnh, họ nghĩ đến chỗ tôi đầu tiên, mặc dù trung tâm y tế của thị trấn có nhiều thiết bị tốt hơn phòng khám nhỏ của tôi. Tôi bận rộn cả ngày chữa trị cho bệnh nhân, còn trung tâm y tế kia lại thường yên ắng và gần như không có bệnh nhân nào.
Tôi trở nên nổi tiếng và được người dân địa phương kính trọng. Họ bầu tôi làm Đại biểu Quốc hội. Chính quyền địa phương cũng khen ngợi và trao tặng danh hiệu cao quý cho tôi nhiều lần.
Ngày nay ở Trung Quốc, bác sỹ thường mong có càng nhiều bệnh nhân càng tốt để họ có thể kiếm thêm thu nhập. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã thay đổi quan điểm của mình. Tiền không còn là trọng yếu nữa mà tôi cố gắng giúp mọi người được khỏe mạnh. Tôi giới thiệu Pháp Luân Công cho tất cả các bệnh nhân, và nhiều người trong số họ đã lấy lại sức khỏe tốt nhờ pháp môn này và không còn cần tìm đến tôi để trị bệnh nữa. Mặc dù thu nhập ít đi, nhưng tôi không hề hối hận mà trái lại tôi còn cảm thấy rất hạnh phúc.
Bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều cùng các đồng tu đến các thị trấn và thôn làng khác để hồng Pháp. Pháp Luân Công trở nên rất phổ biến, một số đội sản xuất chỉ có một hai trăm người, nhưng có tới vài chục người tập Pháp Luân Công. Nhìn chung, mọi người không chỉ có sức khỏe tốt, trừ bỏ được những căn bệnh kinh niên, mà tiêu chuẩn đạo đức cũng được nâng cao. Nhiều người đã bỏ được những thói hư tật xấu như cờ bạc, uống rượu, hút thuốc.v.v Có một số người trước kia tính tình ngỗ ngược, động một tý là mắng chửi đánh người, sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, họ không còn những hành vi đó nữa.
Người ta nhận thấy những gia đình có học viên Pháp Luân Công trở nên hòa thuận, họ kính già yêu trẻ, kính trên nhường dưới. Vô tình nhặt được tiền hay vật, họ luôn cố gắng trả lại cho người đánh mất. Họ công bằng trong kinh doanh và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Với số người tu luyện Pháp Luân Công tăng lên ở thị trấn của tôi, ổn định xã hội và chuẩn mực xã hội cũng được nâng cao. Kết quả là, việc quản lý chính phủ cũng trở nên dễ hơn trước đây rất nhiều. Các lãnh đạo địa phương rất hài lòng và ủng hộ Pháp Luân Công. Họ chủ động cho các học viên Pháp Luân Công mượn phòng họp và lớp học để các học viên luyện công cùng nhau. Một số nhân viên trong chính quyền thị trấn, gồm cả các bí thư và chủ tịch cũng tu luyện Pháp Luân Công. Vào thời điểm đó, riêng thị trấn chúng tôi có hơn 1000 người, còn cả huyện có khoảng 3000 người tu luyện Pháp Luân Công. Bất cứ khi nào có lễ hội hoặc phiên chợ địa phương, chúng tôi sẽ luyện công cùng nhau để hồng dương Đại Pháp. Những hoạt động như vậy luôn thu hút được rất nhiều người.
Trong dịp mừng Tết cổ truyền năm 1999, chính quyền huyện đã tổ chức hội diễn văn hóa nghệ thuật trong vòng 10 ngày ở quảng trường. Các học viên Pháp Luân Công đã được mời tham gia. Mặc dù huyện tài trợ cho các nhóm tham gia nhưng Pháp Luân Công là nhóm duy nhất không nhận tài trợ của chính quyền địa phương.
Hôm đó, hơn 500 học viên Pháp Luân Công đã tham gia biểu diễn các bài công pháp, không diễn tập trước nhưng rất đồng đều. Do có quá đông người đến xem nên ban tổ chức phải điều thêm công an đến để duy trì trật tự cho màn biểu diễn của các học viên, và cấm mọi người đi qua trong lúc các học viên biểu diễn. Chính quyền huyện rất ca ngợi màn trình diễn của các học viên Pháp Luân Công, đài truyền hình địa phương huyện còn phát sóng một chương trình về các bài công pháp Pháp Luân Công.
Nếu Pháp Luân Công không bị bức hại, chắc chắn khu vực chúng tôi sẽ dần tiến tới đạo đức hồi thăng, mọi người sống hòa thuận với nhau, trọng đức hành thiện, văn minh chính trị, từ đó đạt đến quốc thái dân an. Đáng buồn thay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc trấn áp chưa từng có đối với Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Sự thống khổ mà tôi đã trải qua
Sau khi CCTV phát sóng công bố lệnh cấm Pháp Luân Công vào ngày 22 tháng 7, bí thư và chủ tịch huyện đã đến nhà tôi và yêu cầu tôi thông báo với các học viên địa phương rằng họ không thể đến chỗ tôi luyện công tập thể nữa. Khoảng 8 giờ tối hôm đó, mấy xe cảnh sát và rất nhiều công an vây quanh nhà tôi. Họ đưa tôi đến đồn công an để thẩm vấn.
Họ muốn tôi nói xấu Pháp Luân Công. Tôi từ chối và kể cho họ nghe Pháp Luân Công đã đem lại thọ ích cho tôi và các học viên khác như thế nào. Cảnh sát tống tôi vào một ngục tối ngập trong nước bẩn cao 30 cm. Ba ngày sau, tôi bị chuyển sang trại tạm giam. Cảnh sát nói với tôi: “Mày nghĩ mày là ai chứ? Không ai có thể sống sót khỏi sự tra tấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả những lãnh đạo cấp cao như Bành Đức Hoài (cựu bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc) và Lưu Thiếu Kỳ (cựu chủ tịch nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa). Mày chỉ như con kiến thôi và chỉ có đường chết nếu mày cứ tiếp tục cứng đầu như vậy”.
Cái ngày tôi bị đưa vào trại tạm giam, một cảnh sát từ đội an ninh nội địa nói với toán tù nhân: “Học viên Pháp Luân Công này rất cứng đầu. Chúng mày có thể đánh nó thế nào cũng được, đánh chết cũng không sao”. Ngay lập tức các tù nhân xông vào tôi và hô lên: “Đánh chết thằng Pháp Luân Công này đi!” Họ lôi tôi vào một xà lim và bắt đầu đấm đá tôi vô cùng bạo lực, bởi họ biết họ sẽ không phải lãnh trách nhiệm nào hết.
Ngoài việc đấm đá, họ còn dùng đủ hình thức khác nhau để tra tấn tôi, gồm cả việc ép tôi uống nước tiểu, dội nước lên người tôi, ép tôi gập người 90 độ rồi dùng cùi trỏ ra sức giáng vào lưng tôi, thụi mạnh vào ngực tôi nơi gần tim, đập đầu tôi vào tường, ép tôi đứng im hàng giờ, xoa dầu gây ngứa vào mắt tôi, dẫm lên lưng tôi và còn nhiều nữa. Họ huênh hoang rằng họ có 108 kiểu tra trấn đối với các học viên Pháp Luân Công như tôi.
Ngày nào tôi cũng bị đủ loại tra tấn đến xa xẩm mặt mày, khi tù nhân đánh gãy bốn chiếc xương sườn bên trái của tôi, họ nói: “Mày quá cứng đầu khi trung thành với Pháp Luân Công, mày đáng bị đánh đến chết”. Hàng ngày tôi bị đánh đập dã man và luôn cảm thấy choáng váng. Một ngày cảm giác như thể một năm. Quãng thời gian đó đau đớn đến mức sau này mỗi lần nghĩ đến tôi lại không cầm được mà rơi lệ. Thực sự vô cùng tàn khốc, kinh hoàng và đau đớn.
Trung Cộng dùng những cái chết ngụy tạo để phỉ báng Pháp Luân Công
Bởi vì tôi nghiêm khắc chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp, bước đi rất chính nên cảnh sát không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy tôi đã phạm tội. Tất cả những gì họ có được chỉ là những lời khen ngợi những việc làm tốt của tôi. Phòng 610 (một tổ chức được lập ra chỉ để bức hại Pháp Luân Công) ở huyện tôi đã nghĩ ra một kế hoạch vô cùng độc ác. Họ buộc tội tôi với tội danh “dùng mê tín để gây chết người” rồi thu thập bằng chứng giả. Họ cử cảnh sát và nhân viên của chính quyền địa phương đến các thôn để thu thập thông tin về những người đã chết. Họ cho mỗi gia đình có người chết 200 Tệ (hồi đó 200 Tệ giá trị hơn nhiều so với bây giờ) nếu những gia đình đó sẵn sàng ký và làm chứng rằng tôi đã gây ra cái chết cho người nhà họ.
Hầu hết những người có lương tri đều không sẵn sàng ký lời khai giả đó, nhưng có hai gia đình đã đồng ý ký. Phòng 610 ở huyện đã làm lớn chuyện này và đồn thổi rằng bà Vương, ở một đội sản xuất ở một ngôi làng nọ, và ông Hoàng ở một làng khác, đã chết sau khi tôi không cho họ uống thuốc. Thực ra tôi còn không biết họ là ai, và họ chưa bao giờ tập Pháp Luân Công. Cái chết của họ không liên quan gì đến tôi cả.
Mặc dù vậy, Phòng 610 vẫn cố tình đăng các tin đồn giả phỉ báng lên báo chí để đầu độc tư tưởng của người dân. Điều tồi tệ hơn là, họ còn báo cáo hai trường hợp tử vong này lên cấp cao để cho vào cái gọi là báo cáo “1400 trường hợp tử vong” do Đảng Cộng sản Trung Quốc thêu dệt để phỉ báng Pháp Luân Công và để biện hộ cho cuộc bức hại.
Sau này, tôi đến tận nơi để tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của họ. Bà Vương vốn bị bệnh tim nặng, nhưng vì con trai của bà bị phòng kế hoạch hóa gia đình phạt nặng do sinh nhiều con hơn cho phép, gia đình họ trở nên nghèo đói và không có tiền chữa trị cho bà. Một hôm, nhà cháu gái của bà Vương mổ lợn và mang biếu bà một miếng thịt. Bà ấy rất vui vì gia đình bà lâu lắm rồi không được ăn thịt. Bà liền chạy vội ra đồng nhổ ít củ cải để nấu với thịt, nhưng bà đã bị ngất ngoài đồng và đã sớm qua đời sau khi được đưa về nhà. Còn ông Hoàng bị chết do bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, và ông ấy chưa bao giờ tập Pháp Luân Công.
Bất kể họ đã tra tấn và phỉ báng tôi thế nào, tôi kiên quyết không phối hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chiến dịch phỉ báng Pháp Luân Công và từ chối thừa nhận bất cứ hành vi sai trái nào trong những ca tử vong mà họ thêu dệt. Không còn cách nào khác, họ đành phải thả tôi sau khi lấy được 5.000 Tệ (khoảng 17 triệu rưỡi VNĐ) tiền bảo lãnh từ gia đình tôi. Trước khi thả tôi, Phòng 610 đã cho một phóng viên đài truyền hình phỏng vấn tôi ở trại tạm giam. Tôi nói với vị phóng viên đó rằng Pháp Luân Công rất tốt và rằng tôi được thọ ích từ pháp môn này. Nhưng khi xem đoạn phỏng vấn đó trên tivi, tôi đã bị sốc. Họ đã xuyên tạc thành tôi đã bị lừa để tu luyện Pháp Luân Công. Đây là một cách phổ biến mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dàn dựng, đổi trắng thay đen, để lừa gạt công chúng.
Chịu thêm nhiều thống khổ trong trại lao động cưỡng bức
Tôi đã bị đưa đến trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não nhiều lần và chịu đủ loại hình thức tra tấn vô nhân đạo. Khi lần đầu tiên bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, tôi đã phải “làm các thủ tục” (tức là bị đánh đập và tra tấn hội đồng), gồm có bị đánh bằng gậy gỗ, đập đầu xuống sàn trong ba ngày, đứng yên trong bảy ngày v.v… Để tạo ra bầu không khí khủng bố, trại lao động còn thường xuyên tổ chức ‘đại hội mổ lợn’ (những người bị giam giữ bị tra tấn bằng cách trói, treo cổ và đánh đập cho đến khi họ la hét như con lợn bị giết thịt). Tôi đã phải chịu đựng đủ kiểu tra tấn gồm cả treo lơ lửng trong không trung, còng vặn tay ra sau, đấm đá dã man, nhốt trong ngục tối, ép ngủ trên giường bê tông hoặc bị buộc vào “giường chết” (một kiểu tra tấn dã man mà nạn nhân bị buộc vào giường tứ chi căng ra trong hàng giờ hoặc thậm chí hàng ngày, khiến nạn nhân đau khủng khiếp như thể cơ thể của họ đang bị xé toạc ra vậy). Buổi tối tôi không được ngủ, bị ép đứng trong nhiều giờ, ngồi trên ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài hoặc ngồi xổm hàng giờ và bị đánh đập tàn bạo nếu tôi chỉ nhúc nhích dù chỉ một chút.
Hình thức tra tấn tàn ác nhất là “trói dây thừng”. Mấy người đẩy tôi xuống sàn nhà và ghì tôi ở đó. Họ lột quần áo tôi ra và hai cảnh sát bắt đầu trói tôi bằng dây thừng, bắt đầu từ cánh tay tôi, mỗi cảnh sát trói một bên tay. Họ đã dùng lực rất mạnh để trói cánh tay tôi cuộn lại, sợi dây thừng cứa sâu vào da thịt tôi. Cảnh sát khi làm việc đó phải đeo găng tay để tránh khỏi bị dây thừng cứa. Sau khi buộc xong tay của tôi, họ dùng một thanh sắt để xoắn dây thừng lại cho chặt hơn. Chẳng bao lâu toàn bộ ngón tay và cánh tay của tôi chuyển sang màu tím đen. Cái đau lúc đó không cách nào hình dung nổi, đau đến xé ruột xé gan.
Đến khi họ tháo ra, dây thừng dính đầy da và thịt tôi và cánh tay tôi chảy đầy máu. Các vết thương đầy máu và mủ trong vòng hơn 10 ngày. Phải mất ba đến bốn tháng thì cánh tay tôi mới lành lại. Tám năm sau, các vết dây thừng vẫn còn rất rõ, đến giờ các ngón tay và cánh tay của tôi thi thoảng vẫn bị tê. Bất kể họ tra tấn tôi độc ác thế nào, tôi không bao giờ làm theo yêu cầu của tà ác là phỉ báng Pháp Luân Công.
Sau khi được thả ra khỏi trại lao động, Phòng 610 đã cử ba người đàn ông đến sống ở nhà tôi và quản thúc tôi sát sao, họ hoàn toàn lờ đi sự thật rằng mẹ tôi, vợ tôi và con gái tôi cũng sống cùng nhà. Họ sống ở nhà tôi trong hơn một năm ròng, các nhân viên Phòng 610 và đội an ninh nội địa cũng thường đến nhà tôi để làm cái gọi là kiểm tra. Nhà tôi đã trở thành một hình thức khác của nhà tù.
Thiện ác hữu báo
Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ gây ra những thống khổ to lớn cho các học viên Pháp Luân Công và người thân của họ mà còn đem đến những bất hạnh cho những người đã tham gia vào việc bức hại, vì không ai có thể thoát khỏi thiên lý: Thiện ác hữu báo. Lấy thị trấn của chúng tôi làm ví dụ. Trong những năm qua có vài chục trường hợp phải chịu quả báo nặng nề vì bức hại Pháp Luân Công. Những ví dụ dưới đây chỉ là một vài trường hợp như thế.
Trường hợp 1
Ông Trương, một bí thư thị trấn, đã từng rất ủng hộ Pháp Luân Công, và ông ấy thậm chí còn luyện các bài công pháp vài lần. Tuy nhiên, sau tháng 7 năm 1999, thấy chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi, ông ấy đã chủ động tham gia vào cuộc bức hại. Không lâu sau, ông ấy bị mắc bệnh viêm mạch máu. Đầu tiên ông ấy phải cắt cụt bàn tay, sau đó, trong quá trình cắt cụt bàn chân, ông ấy đã chết ngay trên bàn mổ.
Trường hợp 2
Ông Lý, một bí thư thôn, ban đầu cũng rất ủng hộ Pháp Luân Công, nhưng sau tháng 7 năm 1999, thái độ của ông ấy đã thay đổi hoàn toàn. Ông ấy tịch thu các sách Pháp Luân Công của các học viên và phát biểu trong một hội nghị rằng: “Các anh nói rằng Pháp Luân Công không thể bị chuyển hóa. Tôi không nghĩ thế, và tôi sẽ chuyển hóa được thứ không thể bị chuyển hóa này”. Một tháng sau, ông ấy qua đời. Trước khi chết, cháu trai đã hỏi ông ấy: “Pháp Luân Công không làm gì tổn hại đến ông cả. Sao ông lại đối xử tệ với các học viên như thế?” Ông ấy không nói lên lời và chỉ rơi những giọt nước mắt hối hận.
Trường hợp 3
Anh Tô là cảnh sát ở đồn công an, gia đình không có điều kiện nên anh ấy cố gắng được thăng chức qua việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Mặc dù anh ấy thực sự được thăng chức nhờ việc này, nhưng chỉ trong vài năm, Tô đã bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư dù sức khỏe tốt. Các bác sỹ nói rằng việc điều trị thêm chỉ vô ích và khuyên anh ta về nhà. Mặc dù Tô đã từng bức hại tôi nhưng tôi vẫn đến nhà giảng chân tướng cho anh ấy. Khi tôi bước vào phòng khách, tôi thấy một toán cảnh sát đang đến thăm anh. Tô dẫn tôi vào một phòng khác, ở đó tôi đã cố gắng thuyết phục anh ấy làm tam thoái và sám hối cho những hành vi sai trái trước đây, nhưng anh ấy không chịu nghe. Khoảng hai tuần sau, Tô qua đời. Trong khi đó, một phó đồn công an cũng bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư cùng thời điểm với Tô đã sớm hồi phục sau khi tiếp nhận chân tướng về Pháp Luân Công từ các học viên. Quả là một sự đối lập rõ rệt.
Trường hợp 4
Ở thị trấn chúng tôi có một người đàn ông sống cạnh nhà một học viên Pháp Luân Công. Ông ấy đã phối hợp với Phòng 610 để giám sát người học viên đó. Phòng 610 tặng cho ông ấy một chiếc điện thoại vì đã giúp họ. Ông ấy theo dõi vị học viên rất sát sao và báo cáo nhất cử nhất động của học viên đó. Đáng buồn thay, vài năm sau ông ấy qua đời và gia đình ông ấy cũng tan nát.
Trường hợp 5
Có lần, một chủ quán trà ở thị trấn chúng tôi đã báo cáo hơn 20 học viên Pháp Luân Công với công an và đã nhận tiền thưởng là 500 Tệ (khoảng 1 triệu 700 VNĐ) cho mỗi người. Mấy ngày sau, ông ấy bị đột quỵ và chết khi đang phục vụ trà cho khách hàng.
Có rất nhiều trường hợp tương tự, nhưng vì độ dài có hạn nên tôi sẽ không kể chi tiết ở đây. Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã diễn ra hơn 25 năm rồi, trong hơn 25 năm qua, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn tàn khốc để bức hại học viên chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn bất động và không bị hủy diệt. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đi đến bước đường cùng và ngày càng nhiều người minh bạch chân tướng. Một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/1/480360.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/23/219632.html
Đăng ngày 03-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.