Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-05-2023] Trong hai năm qua, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (PLAC) điều tra các tội danh trong vòng 30 năm gần đây của nhiều viên chức chính phủ ở các cấp. Mục tiêu là quy trách nhiệm cho những người vi phạm, thậm chí cả khi đã về hưu hoặc không còn tại chức.
Kể từ đó, một lượng lớn những nhân viên của PLAC, cục công an, viện kiểm sát, tòa án, và các cơ quan chính phủ khác bị kỷ luật hoặc kết án.
Thông tin gần đây cho biết sáu quan chức cấp cao của PLAC Tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ, kết án, sa thải hoặc điều tra. Những quan chức này từng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ năm 1999, Pháp Luân Công trở thành mục tiêu bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều người tin rằng những vận xui của các quan chức này là quả báo của việc bức hại Pháp Luân Công, giống như câu tục ngữ “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Cựu Bí thư Đảng ủy PLAC bị kết án vì nhận hối lộ
Lưu Mậu Đức
Ngày 22 tháng 3 năm 2022, Lưu Mậu Đức, cựu bí thư đảng ủy và phó ủy viên trưởng thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Thành phố Uy Hải, bị kết án 12 năm tù vì nhận hối lộ và phạt 2 triệu nhân dân tệ.
Lưu sinh năm 1958 tại thành phố Uy Hải. Ông ta là phó ủy viên trưởng thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Thành phố Uy Hải và bí thư PLAC của Đảng ủy Thành phố. Từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 3 năm 2017, khi còn là bí thư, ông ta tích cực tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Theo Minh Huệ, trong năm 2012, có hơn 20 học viên bị bắt giữ không lâu sau khi Lưu nhậm chức. Các học viên này bao gồm bà Vu Thục Vân, bà Mã Lệ Na, ông Trầm Tùng Khôn, bà Cốc Khánh Ái, bà Vương Mỹ Quyên, bà Lương Thải Linh, bà Trâu Hoa Hương, bà Thích Thục Ni, bà Lý Hải Anh, bà Vương, bà Lý Khiết, bà Hà Anh, bà Vương Tú Hoa, bà Khương Thúy, bà Tôn Xảo Ngọc, vợ chồng ông bà Lâm, ông Liễu Thắng Trúc, và bà Tề Tú Xuân. Tài sản cá nhân của họ bị tịch thu và một số thành viên trong gia đình họ cũng bị giam giữ.
Trong số các học viên, bà Vu Thục Vân, bà Mã Lệ Na, ông Liễu Thắng Trúc, bà Lý Hải Anh và bà Vương bị chuyển đến các trại cưỡng bức lao động. Bà Cốc Khánh Ái bị giam trong một trại tạm giam và bà Tề Tú Xuân bị đưa đến một trung tâm tẩy não.
Các trường hợp tử vong
Hai học viên, bà Vương Điện Tùng và bà Vu Tú Hương bị bức hại đến chết trong nhiệm kỳ của Lưu.
Bà Vương bị bắt giữ vào năm 2012. Ngày 12 tháng 5 năm 2012, trong khi bà cùng với một học viên khác dán áp phích Pháp Luân Công gần một trường học thì bị cảnh sát phát hiện và truy đuổi. Ba cảnh sát bao vây họ. Sau khi qua đời, bà Vương được phát hiện bị rạn xương, có nhiều thương tích ở sau đầu và trên mặt, môi sưng, và chảy máu khoang mũi. Bác sỹ pháp y khẳng định cái chết của bà là do chấn thương lực cùn.
Bà Vu Tú Hương, người cũng bị bắt giữ và đe dọa vào ngày 12 tháng 5 năm 2012, được phát hiện qua đời một mình tại nhà vào một tháng sau. Lúc ấy bà đã ngoài 70 tuổi.
Cựu phó Chánh án Tòa án Trung cấp Thành phố Tân Châu bị điều tra
Lưu Chí Đào, cựu đảng viên và phó chánh án của Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành phố Tân Châu, bị điều tra vào tháng 3 năm 2021 vì vi phạm pháp luật.
Lưu sinh tháng 8 năm 1960 ở huyện Vô Lệ. Ông ta bắt đầu đi làm vào tháng 12 năm 1976, và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12 năm 1981. Tháng 10 năm 2003, ông ta được chỉ định làm phó chánh án và thành viên ủy ban xét xử Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành phố Tân Châu. Trong nhiệm kỳ của mình, ông ta tích cực tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 28 tháng 2 năm 2004, ông Lý Hải Thanh và vợ bị cảnh sát thuộc Sở Công an Thành phố Tân Châu bắt giữ. Họ bị giam giữ và bị tòa án xét xử sau 7 tháng. Sau đó ông Lý bị kết án 4 năm tù.
Tháng 3 năm 2016, bà Đổng Vĩnh Tuệ (79 tuổi) bị bắt giữ tại nhà và bị đưa đến tòa án. Bà bị kết án 1,5 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Tế Nam vào tháng 9 năm 2016. Bà qua đời vào ngày 11 tháng 8 năm 2017.
Ngày 22 tháng 10 năm 2017, bà Ngô Bảo Ngọc ở thành phố Tân Châu bị bắt giữ. Sự tra tấn trong thời gian bị giam khiến sức khỏe của bà suy sụp, và bà xuất hiện triệu chứng ung thư dạ dày. Ngày 12 tháng 7 năm 2018, bà bị kết án 3 năm tù và 4 năm quản chế. Ngày 29 tháng 4, bà qua đời ở tuổi 63.
Ngày 21 tháng 4 năm 2019, bà Trương Ngọc Trinh ở huyện Bác Hưng bị bắt giữ vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Bà bị giam trong trại tạm giam Thành phố Tân Châu và sau đó bị kết án 4,5 năm tù.
Phó Chủ tịch quận tại thành phố Nhật Chiếu bị điều tra
Lý Đình Vĩ
Ngày 25 tháng 4 năm 2021, Lý Đình Vĩ, phó chủ tịch quận Lam Sơn, thành phố Nhật Chiếu, bị điều tra.
Lý sinh vào tháng 8 năm 1965 ở huyện Cử. Ông ta bắt đầu đi làm từ tháng 7 năm 1985, và gia nhập Đảng từ tháng 1 năm 1986. Sau này, ông ta được chỉ định làm phó chủ tịch quận Lam Sơn, và trưởng phòng kiêm chánh thanh tra Cục Công an Chi nhánh Lam Sơn. Từ tháng 8 năm 2000 đến tháng 8 năm 2007, ông ta là phó trưởng Phòng Công an Huyện Cử, kiêm chính ủy viên và phó bí thư Đảng.
Ngày 29 tháng 12 năm 2007, hơn 10 cảnh sát thuộc Phòng Công an Huyện Cử xông vào nhà ông Hồ Tăng Tường và lục soát. Họ tịch thu hơn 2.000 Nhân dân tệ, một vài đĩa VCD, và một số tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.
Cảnh sát kiểm duyệt thông tin về vụ án của ông Hồ và phát tán các tin đồn, như “chúng tôi không bắt giữ ông ấy” và “ông ấy đã trốn thoát”. Không rõ ông Hồ bị giam giữ ở đâu. Trước năm mới, ông Hồ xuất hiện tại thôn Tiền Toa Trang, và bị gãy một xương quai xanh, hai bàn tay sưng nghiêm trọng, mất các ngón chân vì bỏng lạnh và không thể đi lại được. Ông Hồ được phát hiện qua đời tại nhà riêng vào ngày 12 tháng 2 năm 2008, ba tuần sau vụ bắt giữ.
Tháng 5 năm 2007, cô Đoạn Hồng Lệ, nhân viên của một nhà máy phân bón hóa học ở huyện Cử, bị bắt giữ trong khi phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công ở một khu chợ. Sau đó, cô bị kết án 4 năm tù. Một học viên khác trong nhà máy, cô Trương Quế Hoa, cũng bị kết án vào cùng thời điểm.
Tháng 5 năm 2013, cảnh sát huyện Cử bắt giữ bà Thịnh vì phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Sau đó, chồng bà là ông Trương Tây Cần cũng bị bắt giữ. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Trương sau khi thả ông. Sau đó, cảnh sát bắt giữ ông ngay trước Tết Trung thu. Tháng 11 năm 2013, ông Trương bị kết án 4 năm tù.
Cựu Giám đốc Sở Công an Thành phố Trâu Thành bị khởi tố
Lưu Thư Dần
Lưu Thư Dần, cựu Đảng viên chính quyền Trâu Thành, phó chủ tịch, cựu bí thư Đảng ủy, và giám đốc sở công an thành phố, bị khởi tố vào tháng 9 năm 2021 vì nhận hối lộ.
Lưu sinh vào tháng 9 năm 1963 ở huyện Vi Sơn. Ông ta bắt đầu đi làm vào tháng 10 năm 1981, và gia nhập Đảng vào tháng 5 năm 1984.
Tháng 6 năm 2007, Lưu được chỉ định làm phó chủ tịch huyện Gia Tường, bí thư Đảng ủy, và trưởng phòng công an huyện. Tháng 11 năm 2013, ông ta là phó chủ tịch thành phố Trâu Thành, Đảng viên của chính quyền trung ương, bí thư Đảng ủy, và giám đốc sở công an. Tháng 1 năm 2017, ông ta trở thành thành viên của ban Lãnh đạo Đảng và phó chủ tịch thành phố Trâu Thành, bí thư Đảng ủy, và giám đốc sở công an.
Ngày 25 tháng 10 năm 2007, học viên Ngô Khai Minh ở huyện Gia Tường bị bắt giữ vì phát tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị giam 1,5 năm trong một trại lao động cưỡng bức. Ngày 31 tháng 12 năm 2007, 4 học viên khác ở cùng huyện bị bắt giữ và bị lục soát nhà.
Ngày 16 tháng 7 năm 2011, bà Lưu Tĩnh ở thành phố Tế Ninh bị bắt giữ vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. 2 học viên khác, ông Tống Phúc Vinh và bà Lưu Đại Lệ, cũng bị bắt giữ sau khi bị cảnh sát truy đuổi. Sau đó, một học viên bị thương nặng vì ngã trong cuộc truy đuổi đã trốn thoát khỏi bệnh viện.
Ngày 19 tháng 9 năm 2017, trong khi nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công ở Công viên Thiết Sơn, thành phố Trâu Thành, thì bà Vương Quế Hương bị tố giác. Bà bị bắt giữ và đưa đến trại tạm giam Thành phố Trâu Thành vào tối hôm đó và bị giam 15 ngày. Giữa tháng 10 năm 2017, bà Hồ Giai Mẫn bị bắt giữ vì gửi tin nhắn chứa thông tin về Pháp Luân Công.
Cựu Phó Bí thư Thường trực bị sa thải và khai trừ khỏi Đảng
Tháng 6 năm 2021, Ngụy Hội Tác, cựu phó bí thư điều hành của PLAC thuộc Đảng ủy Huyện Hoàn Thai, bị sa thải và khai trừ khỏi Đảng.
Ngụy sinh vào tháng 5 năm 1965 ở huyện Hoàn Thai, thành phố Tri Bác. Ông ta bắt đầu đi làm vào tháng 7 năm 1988 và gia nhập Đảng vào tháng 6 năm 1993. Từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 2 năm 2021, với tư cách là phó bí thư, ông ta tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 26 tháng 4 năm 2017, trong khi ông Từ Phương Tân và vợ, bà Lý Anh, cư dân huyện Trâu Bình nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công thì bị bắt giữ và lục soát nhà. Các sách Pháp Luân Công và tài liệu chân tướng của họ bị tịch thu. Họ bị tạm giam 17 ngày.
Ngày 5 tháng 7 năm 2017, trong khi nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công thì bà Bành Ngọc Hương ở quận Trương Điếm, thành phố Tri Bác, bị tố giác và bắt giữ.
Theo thông tin thu thập được từ trang web Minh Huệ, có ít nhất 7 học viên ở quận Trương Điếm bị bắt giữ và kết án trong những năm gần đây.
Phó Giám đốc Sở Công an Thành phố Thanh Đảo bị điều tra
Ngày 25 tháng 4 năm 2021, Mã Liên Kiệt, phó giám đốc Sở Công an Thành phố Thanh Đảo, bị điều tra vì vi phạm pháp luật.
Mã sinh vào tháng 1 năm 1982 ở thành phố An Cục. Ông ta bắt đầu đi làm vào tháng 6 năm 2004 và gia nhập Đảng vào tháng 6 năm 2006. Kể từ khi đảm nhận chức vụ phó giám đốc sở công an vào tháng 11 năm 2010, ông ta tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Tháng 10 năm 2017, có hơn 20 học viên bị Phòng Công an Quận Thị Bắc, thành phố Thanh Đảo bắt giữ. Trong đó, bà Túc Quế Hoa, ông Vương Minh Đức, ông Doãn Đức Lan và vợ, và bà Khương Tiểu Lỵ bị bắt giữ tại nhà, trong khi các học viên còn lại bị bắt giữ khi đến nhà các học viên này.
Hầu hết các học viên đều thuộc độ tuổi ngoài 60, ngoài 70 và không đủ điều kiện để trại tạm giam tiếp nhận vì tình trạng sức khỏe của họ. Ban đầu, trại tạm giam không dám tiếp nhận bà Túc vì đã ngoài 70 tuổi và bị bệnh cao huyết áp nặng. Tuy nhiên, cuối cùng họ tiếp nhận bà sau khi bị cảnh sát gây sức ép.
Vụ bắt giữ 9 học viên, bao gồm ông Vương Minh Đức, ông Doãn Đức Lan, bà Túc Quế Hoa, ông Vu Hiến Vinh, bà Tàng Vịnh Mai, ông Lữ Vĩnh Hoa, ông Công Phi Khải, bà Khương Tiểu Lỵ, và bà Tống Quế Hương, được phê chuẩn sau 30 ngày. Hồ sơ vụ án của họ được trình lên Viện Kiểm sát Quận Thị Bắc. Ông Công, thượng tá quân đội và trung đoàn trưởng đã về hưu, bị kết án 7,5 năm tù vào ngày 20 tháng 7 năm 2018. Ông qua đời trong tù vào ngày 12 tháng 4 năm 2021.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/5/4/459210.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/30/209634.html
Đăng ngày 26-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.