Bài viết của một học viên Đại Pháp tại Canada

[MINH HUỆ 09-07-2024] Sau khi Nghị sỹ Canada Pierre Paul-Hus đọc bản kiến ​​nghị tại Quốc hội do các học viên Pháp Luân Công ở Canada khởi xướng nhằm kêu gọi chính phủ Canada giải cứu học viên Pháp Luân Công Tùng Lan Anh, mới đây, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly đã có hồi đáp bằng văn bản.

Cụ bà Tùng Lan Anh, gần 80 tuổi, là mẹ của bà Tùng Tân Miêu, một công dân Canada. Năm 2022, bà bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ với lý do tu luyện Pháp Luân Công và bị kết án bốn năm tù.

Ngoại trưởng viết trong thư: “Cảm ơn sự quan tâm của các bạn đến trường hợp của bà Tùng Lan Anh. Canada đã công khai bày tỏ mối quan ngại của mình trước hành động đe dọa và đàn áp các nhóm thiểu số và tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có các học viên Pháp Luân Công. Canada sẽ tiếp tục làm vậy trong mọi cơ hội thích hợp.”

Bức thư nhấn mạnh rằng vấn đề nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ của Canada với Trung Quốc. Chính phủ Canada luôn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập nhóm hội, và tín ngưỡng tôn giáo.

Bức thư đề cập rằng, vào ngày 23 tháng 1 năm nay, trong đợt Đánh giá định kỳ toàn cầu về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Canada đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức mất tích, và đặc biệt đề cập cụ thể đến các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Quốc hội Canada đã nhất trí thông qua Dự luật S-223, đề cập đến vấn đề chống thu hoạch và buôn bán nội tạng. Dự luật này được coi là có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Bức thư của Ngoại trưởng cũng nêu rõ rằng chính phủ Canada thường xuyên liên lạc với các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người hải ngoại, và các nhóm tín ngưỡng để thông báo cho họ về hành động bảo vệ nhân quyền của Canada, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Sau đây là toàn văn bức thư:

“Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Canada và là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ của Canada với Trung Quốc. Chính phủ Canada liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng, bảo vệ, và thúc đẩy các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập nhóm hội, và tín ngưỡng tôn giáo.”

“Cảm ơn quý vị đã quan tâm đến trường hợp của bà Tùng Lan Anh. Canada đã công khai bày tỏ quan ngại về tình trạng đe dọa và đàn áp đối với các nhóm dân tộc và tôn giáo, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, phải đối mặt. Canada sẽ tiếp tục làm như vậy trong mọi cơ hội thích hợp. Ngày 23 tháng 1 năm 2024, trong Đánh giá định kỳ phổ quát về Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Canada đã đặc biệt kêu gọi Trung Quốc chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức mất tích, trong đó đặc biệt đề cập đến các học viên Pháp Luân Công.”

“Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Dự luật S-223 về chống cưỡng bức thu hoạch và buôn bán nội tạng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã được nhất trí thông qua tại Hạ viện (324 phiếu ủng hộ, 0 phiếu chống). Dự luật đã nhận được sự đồng thuận của Hoàng gia vào ngày hôm sau. Dự luật S-223 quy định rằng việc công dân hoặc thường trú nhân Canada ra nước ngoài nhận nội tạng không có sự đồng thuận là phạm tội hình sự. Canada cùng với các quốc gia như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ý, Israel, Bỉ, Na Uy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Đài Loan đã ban hành luật chống buôn bán nội tạng, du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.”

“Chính phủ Canada cam kết chống lại mọi hình thức buôn người, kể cả với mục đích thu hoạch nội tạng. Chúng tôi tích cực hợp tác với các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, để vận động và thúc đẩy việc thực thi các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về phòng ngừa, cấm, và trừng phạt hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhằm chiến đấu với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cuộc chiến chống buôn bán nội tạng bất hợp pháp rất phức tạp và cần có sự hợp tác quốc tế. Canada tích cực tham gia vào việc sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới về cấy ghép mô và nội tạng người, mà các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, đã thông qua vào năm 2010.”

“Hơn nữa, Canada tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy quyền tự do của các nhóm tôn giáo bị đàn áp trên toàn thế giới. Năm 2015, Canada thành lập Nhóm Liên lạc Quốc tế về Tự do Tôn giáo, Tín ngưỡng, do Canada và Hoa Kỳ đồng chủ trì. Đây là một diễn đàn quan trọng quy tụ hơn 30 quốc gia cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, giúp điều phối hành động về các vấn đề về các nhóm tôn giáo thiểu số trên toàn thế giới.”

“Canada tham gia vào các vấn đề nhân quyền qua các chuyến thăm cấp cao, các tuyên bố công khai, các tuyên bố về các vấn đề cụ thể và các trường hợp đáng quan ngại tại các diễn đàn song phương và đa phương, các can thiệp và vận động ngoại giao, cũng như các hoạt động nâng cao nhận thức trong xã hội dân sự. Chính phủ Canada còn tổ chức các cuộc họp thường kỳ với nhiều tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người hải ngoại, và các nhóm tín ngưỡng, cũng như cộng đồng quốc tế để báo cáo về các hành động bảo vệ nhân quyền của mình, gồm cả quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Hành động này bao gồm các cuộc họp thường xuyên với các tổ chức xã hội dân sự Canada quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.”

“Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính phủ cũng trực tiếp vạch ra chính sách của Canada đối với Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một chủ thể toàn cầu đang thay đổi tầm nhìn chiến lược của mọi quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Canada. Trụ cột thứ ba của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đề cập cụ thể đến các cam kết về nguồn nhân lực, phát triển, và bảo vệ nhân quyền dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Canada sẽ không bao giờ trốn tránh trách nhiệm trong các vấn đề lợi ích quốc gia, gồm cả việc tôn trọng các quy tắc quản lý nhân quyền quốc tế.”

Lưu ý: Bức thư này được ký bởi Rob Oliphant, Thư ký Nghị viện của Ngoại trưởng Mélanie Joly.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/9/479510.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/12/218997.html

Đăng ngày 13-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share