Bài viết của Vương Anh và Lý Tĩnh Phi, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 27-06-2024] Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023 mới được công bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Báo cáo đề cập từ Pháp Luân Công đến 58 lần.

Báo cáo, trích dẫn thông tin từ Minh Huệ, cho biết, năm 2023 có 188 học viên đã thiệt mạng vì bị bức hại. Trong cuộc họp báo công bố báo cáo ngày 26 tháng 6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken cho biết cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để chấm dứt sự tàn bạo ở Trung Quốc.

Bảo vệ điều tối cơ bản của nhân loại

038a5f8625c629d9f1d47748233f68f0.jpg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken tại cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Blinken cho biết mọi người lẽ ra phải có quyền lựa chọn và thực hành tín ngưỡng của mình, nhưng hiện nay, đối với một bộ phận lớn người dân trên thế giới, quyền tự do tôn giáo vẫn chưa được tôn trọng. Ông nói: “Chúng tôi nỗ lực không ngừng nghỉ để bảo đảm trả tự do cho những người đang bị cầm tù vì thực thi quyền tự do tôn giáo của họ trên toàn cầu. Rốt cuộc, việc này là nhằm bảo vệ ý nghĩa thiết yếu của việc làm người: Khả năng khám phá điều gì đó lớn lao hơn bản thân chúng ta, để chúng ta tự quyết định tin hay không tin điều gì mà không phải e sợ bị bức hại.”

8797ba7f20deb049b510efe36b0ea56f.jpg

Ông Rashad Hussain, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tại cuộc họp báo

Ông Rashad Hussain, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, cho biết ĐCSTQ đã bức hại nhiều nhóm hàng thập kỷ qua, gồm cả các Phật tử Tây Tạng, các tín đồ Cơ Đốc giáo, và các học viên Pháp Luân Công. Ông nói: “Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.”

Đặc biệt, ông Hussain đã đề cập đến bà Trương Ngọc Hoa (Yuhua Zhang), một học viên Pháp Luân Công đã tham dự buổi họp báo, từng phải chịu nhiều án tù và bị tra tấn vì đức tin của mình. Ông Hussain cũng khen ngợi bà Trương vì nỗ lực giải cứu chồng bà vẫn đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Ông nói thêm: “Chúng tôi còn thấy CHND Trung Hoa toan vượt qua biên giới nước này để đàn áp các cá nhân và bịt miệng những người chỉ trích, như các báo cáo về việc chính quyền Trung Quốc ra tay đàn áp xuyên quốc gia, chủ yếu nhắm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, Pháp Luân Công, và nhiều người khác.”

Gần cuối bài phát biểu, ông Hussain nói: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc chống lại tình trạng mất nhân tính và thúc đẩy sự tôn trọng, bắt đầu ngay với bản thân và bắt đầu với gia đình mình. Đó là mục tiêu trọng yếu sẽ đưa chúng ta đến tương lai mà chúng ta tìm kiếm về lâu dài. Đó là tầm nhìn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng khi chúng ta nỗ lực không biết mệt mỏi để giúp đỡ những người đang sống trong áp bức trên khắp thế giới.”

Các học viên được mời tham dự cuộc họp báo

d2c61651b79e35b7bd8c448c1af0ba0e.jpg

Ông Rashad Hussain, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (trái), và học viên Pháp Luân Công Trương Ngọc Hoa.

Tiến sỹ Trương Ngọc Hoa và một đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C., cùng đại diện của hơn 10 tôn giáo hoặc nhóm tín ngưỡng bị bức hại, đã được mời tham dự cuộc họp báo.

Sau buổi họp báo, Ngoại trưởng Blinken và Đại sứ Hussain lần lượt trò chuyện với đại diện của các nhóm tôn giáo. Trong một bản tóm tắt trình lên Ngoại trưởng Blinken, một đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C. cho biết ĐCSTQ ngày càng mạnh tay hơn trong cuộc bức hại xuyên quốc gia nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, trong đó có một số vụ việc liên quan đến Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chẳng hạn, đầu năm nay có rất nhiều vụ đe dọa đánh bom tại trụ sở Shen Yun và các nhà hát tổ chức biểu diễn Shen Yun. Gần đây, chính quyền này đã xúi giục một số người xấu lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội nhằm phỉ báng Shen Yun; đồng thời phát tán thông tin sai lệch đó đến các hãng truyền thông lớn trong xã hội phương Tây hòng bôi nhọ Shen Yun trên diện rộng. Đây là kiểu đàn áp xuyên quốc gia điển hình mà ĐCSTQ dùng để xuất khẩu cuộc bức hại ở Trung Quốc ra nước ngoài.

Trong cuộc trò chuyện, bà Trương cũng đã gửi một thông điệp từ chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C., đồng thời mô tả chi tiết về những sự việc này. Học viên này cho biết bà hy vọng Ngoại trưởng Blinken sẽ lưu tâm và giúp đỡ trong vấn đề này. Ông Blinken cho hay, chính phủ Hoa Kỳ hiểu rõ về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ và đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này. Ông đồng cảm với những gì bà Trương và chồng bà đã trải qua, đồng thời cảm ơn họ vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.

Gần 200 trường hợp tử vong được xác nhận vào năm ngoái

Báo cáo trích dẫn thông tin từ Minh Huệ, cho biết: “Trong năm này [2023], đã có 188 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại. Minh Huệ cũng báo cáo rằng trong năm qua, chính quyền Trung Quốc đã cầm tù 755 học viên Pháp Luân Công, bắt giữ 3.457 người và quấy nhiễu 2.749 người khác, xung quanh các sự kiện nhạy cảm về chính trị, tình trạng quấy rối và bắt giữ càng gia tăng hơn nữa.”

Báo cáo nêu rằng một đánh giá của Minh Huệ đã xác nhận có 188 trường hợp tử vong trong năm do cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và thêm 66 trường hợp tử vong xảy ra từ những năm trước nhưng chưa được báo cáo. Báo cáo viết: “Minh Huệ cho biết nhiều trường hợp tử vong là do tổn thương do bị tra tấn trong thời gian tạm giam hoặc cầm tù, những trường hợp tử vong khác là do không được điều trị y tế đầy đủ.” Ví dụ, bà Tông Minh, một cư dân Vũ Hán, qua đời vào tháng 1, sáu ngày sau tám tháng được thả ra khỏi trại cải tạo. Bà Tông qua đời sau khi bị bệnh viện từ chối điều trị. Một học viên khác là bà Hồ Vĩnh Tú, đã chết sau sáu ngày bị giam giữ từ khi bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 30 tháng 3 chỉ vì bà trò chuyện với mọi người về Pháp Luân Công bên ngoài một bệnh viện ở Vũ Hán.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay, theo các tổ chức phi chính phủ, chính quyền Trung Quốc tiếp tục bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công. “Theo Minh Huệ, năm 2023, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ 755 học viên Pháp Luân Công (so với 446 vào năm 2022), bắt giữ 3.457 cá nhân ở 30 tỉnh và thành phố, đồng thời sách nhiễu 2.749 người khác thông qua các cuộc khám xét nhà, ra lệnh tham gia các lớp tẩy não bắt buộc, tước đoạt việc làm, và các hình thức phân biệt đối xử khác.”

Báo cáo cũng cho thấy hành vi quấy nhiễu và bắt giữ gia tăng xung quanh các sự kiện nhạy cảm về chính trị, chẳng hạn như các cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tổ chức vào tháng 3, và “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” 13/5. “Các nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ quan ngại trước tình trạng giam giữ vẫn tiếp diễn, trong một số trường hợp có báo cáo về các vụ tra tấn học viên Pháp Luân Công, thường là do các hoạt động bị cáo buộc là liên quan đến việc tu luyện Pháp Luân Công. Những người bị giam giữ là Trần Dương, Tào Chí Dân, Lưu Ái Hoa, Chu Đức Dũng, Mạnh Chiêu Hồng, Khổng Khánh Bình, Hầu Lệ Quân, và Hứa Na. Cũng theo báo này, học viên Pháp Luân Công Vương Chí Văn, bị cầm tù từ năm 1999 đến 2014, được cho là vẫn bị cấm xuất cảnh, tức là bị cấm ra khỏi Trung Quốc.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn trích dẫn thông tin từ Minh Huệ, trong đó nêu: “Trong các vụ bắt giữ, các học viên thường bị cảnh sát ra tay bạo lực quá mức. Một khi bị giam giữ, họ có thể bị tra tấn khi cảnh sát tìm cách ép họ từ bỏ Pháp Luân Công, hoặc khai ra những việc đã làm trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại hoặc những học viên đã tiếp xúc.” Ví dụ, ngày 20 tháng 2, cảnh sát đã bắt giữ bà Trương Giác ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô vì bà nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công trên đường phố. Cảnh sát đã trói bà vào ghế cọp, rọi ánh sáng chói vào mắt bà, thẩm vấn bà suốt đêm mà không cho bà ngủ.

Báo cáo cho biết, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, ngày 12 tháng 6, chính quyền đã kết án các học viên Pháp Luân Công Hà Băng Cương và hôn thê Trương Dật Bác với mức án lần lượt là sáu và năm năm tù vì tham gia phát triển và bảo trì phần mềm vượt tường lửa. “Minh Huệ đưa tin các học viên Pháp Luân Công đã phát triển phần mềm oGate để vượt qua sự kiểm duyệt internet của chính quyền Trung Quốc. Năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ anh Hà và cô Trương tại Thượng Hải, cùng các học viên Pháp Luân Công khác được cho là có liên quan đến oGate từ nhiều nơi trên cả nước. Có tin cho hay các nhà chức trách đã từ chối cho anh Hà gặp luật sư của mình trong thời gian bị giam giữ”, báo cáo tiếp tục.

Tờ Bitter Winter (Mùa Đông Lạnh) cũng cho thấy ​​sự bức hại đối với nhóm dân tộc thiểu số Ha-ni và Di ở Châu tự trị Hồng Hà, tỉnh Vân Nam. “Tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã kết án bà Mâu Tú Quỳnh, một học viên Pháp Luân Công 75 tuổi, bốn năm tù. Năm 2021, chính quyền đã giam giữ bà Mâu và biệt giam bà. Báo cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Trước đây, các nhà chức trách đã giam giữ bà từ năm 2016 đến 2020 vì bà làm những việc có liên quan đến Pháp Luân Công.”

Hiệp hội Luật sư Thành phố New York vạch trần nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Các tổ chức xã hội dân sự cũng bày tỏ quan ngại trước các báo cáo cho biết chính quyền ép buộc thành viên của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công và người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, làm người hiến tạng.

“Tháng 3, Hiệp hội Luật sư Thành phố New York đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Nguồn cung nội tạng người: Báo cáo về những vấn đề đạo đức cần xem xét và các vi phạm trong hoạt động thu hoạch nội tạng” (Human Organ Supply: Report on Ethical Considerations and Breaches in Organ Harvesting Practices) chỉ ra rằng có “quá nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc vẫn tiến hành thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm.”

Báo cáo còn liệt kê ra nhiều ví dụ tương tự. Trong báo cáo “Tiếng nói trong đạo đức sinh học” (Voices in Bioethics) xuất bản vào tháng 3, một trong những tác giả của báo cáo của Hiệp hội Luật sư Thành phố New York cho hay, ở Trung Quốc, “có bằng chứng cho thấy những người bị giam giữ vì tín ngưỡng và tu luyện (Pháp Luân Công) cũng như dân tộc thiểu số (Duy Ngô Nhĩ) đã trở thành đối tượng thu hoạch nội tạng cưỡng bức”, trong đó các nhân chứng đã làm chứng về tình trạng “người còn sống bị mổ lấy nội tạng mà không được gây mê toàn thân, bị đưa đến nơi hành quyết để lấy nội tạng, và các phương pháp gây tử vong để mổ lấy nội tạng, mắt của tù nhân còn sống, và tù nhân còn sống bị cưỡng bức đưa vào phòng phẫu thuật.”

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào tháng 8, Cơ quan Điều phối các Hiệp hội và Cá nhân vì Tự do Lương tâm (Coordination of Associations and Individuals for Freedom of Conscience) có trụ sở tại Châu Âu và Hiệp hội Nhân quyền Độc lập (Independent Society of Human Rights) Rumani, cùng Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng có Đạo đức (Association for Ethical Organ Transplants)và 12 tổ chức phi chính phủ khác, đã gửi một tuyên bố bằng văn bản tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khởi xướng một phái đoàn tìm hiểu sự thật về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. “Tuyên bố cũng kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa nhiệm vụ xác minh việc chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc vào chương trình nghị sự Một Sức khỏe (One Health) của tổ chức này.”

Hơn nữa, nhiều học viên Pháp Luân Công đã báo cáo với Minh Huệ rằng chính quyền cưỡng chế họ kiểm tra y tế và cung cấp mẫu máu trong thời gian bị giam giữ, trái với ý nguyện của họ.

Lạm dụng Điều 300 Bộ luật Hình sự

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc cũng thường xuyên lạm dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự Trung Quốc để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Tổ chức phi chính phủ vận động Cơ đốc giáo CSW (trước đây là Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc giáo toàn cầu) có báo cáo một trường hợp học viên Pháp Luân Công, bà Phùng Uẩn Thanh, vẫn ở Nhà tù Nữ Vũ Hán vào cuối năm, bà phải thụ án 7,5 năm vì tội “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.” Nhà chức trách đã bắt giữ bà Phùng vào năm 2017 sau khi bà đăng lên Internet các video về cuộc bức hại Pháp Luân Công, các nhà thờ Thiên Chúa giáo tại gia và các nhà hoạt động nhân quyền. CSW phát hiện chính quyền Trung Quốc đã giám sát chặt chẽ chồng bà, ông Phương Bân, một học viên Pháp Luân Công, cũng là người tố giác về dịch Covid-19 sau khi ra tù vào tháng 4.

Bản đệ trình của Dui Hua (Đối thoại) lên CEDAW cũng cho biết phụ nữ tiếp tục bị kết án nặng vì vi phạm Điều 300. Ví dụ, một nữ học viên Pháp Luân Công phải nhận bản án 15 năm tù vào cuối năm 2022, mãn hạn vào năm 2036, rồi còn bị “tước bỏ các quyền chính trị” bốn năm nữa, trong thời gian đó bà sẽ bị tước quyền bầu cử và quyền tự do, quyền ngôn luận và phải chịu “sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát, bị hạn chế đi lại vì thuộc ‘đối tượng mục tiêu’.” Dui Hua cho biết đây là một trong những bản án tù dài nhất áp dụng cho học viên Pháp Luân Công bị kết án vi phạm Điều 300, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay.

Phân biệt đối xử trong xã hội

Vì chính phủ và các cá nhân đều có mối quan hệ nào đó với tôn giáo, văn hóa, và sắc tộc, nên nhiều vụ phân biệt đối xử trong xã hội rất khó mà liệt vào diện phân biệt đối xử hoàn toàn dựa vào tôn giáo cụ thể nào. Người theo đạo Cơ đốc, người Hồi giáo, Phật tử Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công đều báo cáo tình trạng phân biệt đối xử của xã hội trong vấn đề việc làm, nhà ở và cơ hội kinh doanh. Cũng có báo cáo cho hay người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, và thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số khác vẫn gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở khi đi lại. “Tình trạng phân biệt đối xử đối với người muốn thuê nhà hoặc đang thuê nhà vì tín ngưỡng tôn giáo vẫn tiếp tục diễn ra. Vẫn có những báo cáo từ các học viên Pháp Luân Công về khó khăn trong việc tìm chủ nhà cho thuê chỗ ở”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.

Hơn nữa, có những trường hợp ĐCSTQ từ chối phúc lợi xã hội đối với những cá nhân từ chối từ bỏ các tín ngưỡng dân gian. Báo cáo cho thấy chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch đàn áp các nhóm tôn giáo mà họ coi là “tà giáo”, trong đó có Pháp Luân Công, đồng thời tiến hành các chiến dịch tuyên truyền chống tà giáo đối với trẻ em trong độ tuổi đi học.

Đàn áp xuyên quốc gia

Đàn áp xuyên quốc gia nhằm vào các thành viên của các nhóm tôn giáo tín ngưỡng bị cấm vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là đối với các học viên Pháp Luân Công. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay, “Trong một báo cáo tháng 5, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã chỉ ra rằng chính quyền CHND Trung Hoa đã tiến hành giám sát trực tiếp và thông qua kỹ thuật số đối với các học viên Pháp Luân Công đang học đại học ở Hoa Kỳ. Một sinh viên đang học ở Illinois cho biết các nhà ngoại giao của CHND Trung Hoa tại Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc tại trường đại học của anh trục xuất anh khỏi hiệp hội vì đã đăng thông tin về Pháp Luân Công trên trang web cá nhân của anh. Nhiều sinh viên nêu trong báo cáo rằng chính quyền ĐCSTQ đã sách nhiễu, giam giữ, hoặc bức hại người nhà của họ ở Trung Quốc hòng cản trở họ tiến hành các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ hoặc hòng ép buộc các sinh viên quay về Trung Quốc.”

Vào tháng 4, một công tố viên liên bang Hoa Kỳ ở Quận Đông New York đã buộc tội hai bị cáo dính lứu vào việc mở và điều hành một “đồn cảnh sát” nước ngoài chìm thuộc Bộ Công an Trung Quốc ở vùng hạ Manhattan. “Khiếu nại cho biết một bị cáo, một cư dân Thành phố New York, đã hỗ trợ chính phủ CHND Trung Hoa bằng cách tham gia các cuộc biểu tình phản đối các học viên Pháp Luân Công ở Washington, D.C. và giúp tìm ra người mà chính phủ Trung Quốc quan tâm”, báo cáo viết.

Một công tố viên liên bang Hoa Kỳ ở Quận Nam New York hồi tháng 5 đã buộc tội hai cá nhân vì đã hành động và âm mưu hoạt động tại Hoa Kỳ với tư cách là gián điệp Trung Quốc chưa đăng ký. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết các cá nhân này bị cáo buộc là đã mở rộng chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của chính phủ CHND Trung Hoa nhắm vào các học viên Pháp Luân Công khi cố gắng hối lộ một quan chức Sở Thuế vụ, mà thực ra vị quan chức này là một cán bộ hành pháp chìm.

Vào tháng 10, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada cũng báo cáo rằng ĐCSTQ đã dùng thủ đoạn thâm nhập chính trị, đưa tin sai lệch, thao túng, hăm dọa, hành hung, giám sát, và quấy nhiễu hòng bịt miệng các học viên Pháp Luân Công và đàn áp sự ủng hộ của công chúng Canada đối với Pháp Luân Công.

Can nhiễu Shen Yun

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp cũng báo cáo rằng chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực ép các nhà hát nước ngoài ở nhiều quốc gia từ chối tổ chức hoặc hủy bỏ các buổi biểu diễn đã được lên lịch của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại Hoa Kỳ của Pháp Luân Công. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Nhiều nghệ sỹ biểu diễn là các học viên Pháp Luân Công, và bên cạnh các điệu múa truyền thống Trung Hoa, một số điệu múa còn miêu tả cuộc bức hại đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”

Ngoại trưởng Blinken cho biết chính phủ Hoa Kỳ hiểu rõ về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ và đang nỗ lực giải quyết nó.

Sự hỗ trợ không ngừng

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, và các quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao, cũng như các đại diện đại sứ quán và tổng lãnh sự quán của Hoa Kỳ đã nhiều lần và công khai bày tỏ quan ngại về tình trạng lạm dụng quyền tự do tôn giáo ở nước này, kể cả ở Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông.

Ngày 15 tháng 5, Đại sứ lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo cho biết, năm 2022, khi công bố Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã bắt giữ, bỏ tù và tống chủ yếu những người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi vào các trại cải tạo. Họ vẫn tiếp tục đàn áp các Phật tử Tây Tạng, tín đồ Cơ đốc giáo người Trung Quốc, và các học viên Pháp Luân Công – trong đó, nhiều người đang trốn chạy khỏi sự ngược đãi của CHND Trung Hoa.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Trong một tuyên bố trên mạng xã hội ngày 20 tháng 7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã ghi nhận rằng, từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công và các học viên, những người ủng hộ, cũng như các nhà bảo vệ nhân quyền, đến nay đã là 24 năm, đồng thời bày tỏ sẽ kề vai sát cánh với cộng đồng này [Pháp Luân Công].”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/27/479108.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/28/218798.html

Đăng ngày 29-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share