Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Úc
[MINH HUỆ 29-06-2024] 26 tổ chức phi chính phủ (NGO), bao gồm cả Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, đã cùng ký chung một bức thư gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Úc vào hôm trước ngày 20 tháng 7 năm 2024, ngày ghi dấu 25 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Họ kêu gọi Chính phủ Úc hành động để giúp ngăn chặn hành vi vi phạm nhân quyền bạo lực của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những thủ phạm.
26 tổ chức phi chính phủ tại Úc và quốc tế, trong đó có Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, Tổ chức Theo dõi Diệt chủng, Tổ chức Vận động Cơ đốc giáo Úc, Liên đoàn Nhân quyền Ý, và Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, đã ủng hộ lời kêu gọi này.
Bức thư chung được Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới công bố trên trang web chính thức của mình vào ngày 19 tháng 6, trong đó nêu rõ: “Chúng tôi, những tổ chức ký tên dưới đây, quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vốn vi phạm các hiệp ước nhân quyền quốc tế.” và “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc hành động ngay lập tức để giải quyết những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này”.
Trang nhất bức thư chung của 26 tổ chức phi chính phủ kêu gọi Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Úc giúp chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ, trước ngày 20 tháng 7 năm 2024
Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới công bố bức thư chung trên trang web chính thức của mình vào ngày 19 tháng 6.
Úc có nghĩa vụ hành động về cả đạo đức và pháp lý
Bức thư chung kêu gọi Chính phủ Úc thông qua một kiến nghị kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác, đặc biệt là người nhà của các công dân và cư dân Úc.
Bức thư cũng kêu gọi Chính phủ Úc thực hiện các biện pháp trừng phạt ‘theo kiểu Magnitsky’ đối với các cá nhân và tổ chức tham gia vào cuộc bức hại, đồng thời nêu vấn đề này tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky vào năm 2016, Quốc hội Úc đã thông qua Đạo luật Magnitsky phiên bản Úc vào năm 2021. Ngoài ra, Vương quốc Anh, Pháp, Canada và các quốc gia khác cũng đã thông qua đạo luật Magnitsky của riêng họ, nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc cấm nhập cảnh đối với những người vi phạm nhân quyền.
Không giống như các biện pháp trừng phạt chung, các đạo luật theo kiểu Magnitsky nhắm đến các cá nhân vi phạm nhân quyền và người nhà của họ, đồng thời có thể phong tỏa tài sản tại nước ngoài của những cá nhân đó. Mục tiêu của dự luật có thể bao gồm tin tặc mạng, lãnh đạo tham nhũng, hoặc quan chức gây ra các hành vi tàn bạo nghiêm trọng về nhân quyền và những người bị kết án sẽ bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này.
Bức thư chung nêu rõ: “Kể từ tháng 7 năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt giữ và tống giam một cách tùy tiện mà không hề theo thủ tục tố tụng hợp pháp, và nhiều người đã bị tra tấn và giết hại. Bằng chứng cho thấy những người tu luyện Pháp Luân Công đang bị giết theo yêu cầu vì đây là nguồn nội tạng chính cho ngành cấy ghép nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.”
Các tổ chức phi chính phủ tuyên bố rằng với tư cách là bên đã ký kết các hiệp ước nhân quyền quốc tế, Úc có nghĩa vụ hành động về cả đạo đức và pháp lý để ngăn chặn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quy mô của nạn thu hoạch nội tạng sống
Bức thư chung nêu rõ sự bức hại có hệ thống đối với Pháp Luân Công, môn tu luyện dựa trên Chân-Thiện-Nhẫn. Bức thư cũng đề cập đến các bằng chứng và báo cáo từ các tổ chức nhân quyền, chính phủ và các cơ quan tư pháp quốc tế về những tội ác kinh hoàng này của ĐCSTQ.
Bức thư nêu rõ rằng nhiều tổ chức đã ghi chép rõ ràng rằng các học viên Pháp Luân Công đang bị giết hại để trở thành nguồn cung cấp nội tạng chính cho ngành cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ do nhà nước hậu thuẫn.
Tòa án Luận tội Trung Quốc đưa ra kết luận vào năm 2019 rằng “nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện suốt nhiều năm với quy mô đáng kể trên khắp Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công là một trong số – và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính”.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, người đã làm việc để vạch trần tội ác thu hoạch nội tạng có hệ thống của ĐCSTQ trong 18 năm qua, ước tính rằng tội ác này mang lại cho ĐCSTQ doanh thu khoảng 8,9 tỷ USD mỗi năm.
“Tổng số tiền mà chúng tôi đưa ra là 8,9 tỷ USD mỗi năm.” Ông Matas cho biết: Chúng tôi tính toán ra con số này bằng cách truy cập vào các trang web của bệnh viện và cộng dữ liệu của họ lại. Đó là những con số rất lớn và gây sốc.”
Thượng nghị sỹ Đảng Tự do Úc, Paul Scarr, cũng kêu gọi Chính phủ Úc hành động. Ông nói: “Vấn đề cốt lõi ở chỗ là: khi ai đó bị bức hại không vì lý do gì khác ngoài tín ngưỡng, vấn đề lương tâm của họ, thì tôi tin rằng những người yêu tự do trên toàn thế giới có nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng.” “Nếu có nhiều người lên tiếng hơn, có nhiều người bước ra lên án hơn, thì cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc.”
Giáo sư Đại học Sydney: Cần có luật để ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ
Giáo sư Maria Fiatarone Singh của Đại học Sydney lên án nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ trong một cuộc mít-tinh.
Trong một cuộc mít-tinh gần đây, Giáo sư Maria Fiatarone Singh từ Đại học Sydney, người từ lâu đã cam kết vạch trần nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, phát biểu: “Tôi nghĩ rằng trong một số trường hợp, thực sự có sự đồng lõa của người Úc. Ví như trường hợp Hoàng Khiết Phu, người được đào tạo ghép gan tại Đại học Sydney. Thế nhưng, Đại học Sydney, ngay cả sau khi biết rằng ông ta đang thực hiện các ca ghép gan trên các tù nhân bị hành quyết, vẫn duy trì chức danh giáo sư danh dự cho ông ta thêm sáu năm nữa, kể cả sau khi vụ việc bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông ở Úc. Hơn nữa, Đại học Sydney chưa bao giờ công khai thừa nhận sai lầm rằng chúng tôi đã đào tạo và trao chức danh cho ông ta, điều mà ông ta đã tự hào tuyên bố trong CV của mình và ở Trung Quốc. Vậy nên, tôi nghĩ điều đó không đơn thuần chỉ là sự thiếu hiểu biết hay nhắm mắt làm ngơ. Tôi nghĩ đó thực sự là đồng lõa.”
Bà cho biết luật pháp là cần thiết để chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.
Học viên Pháp Luân Công: Giữ im lặng trước tội ác của ĐCSTQ là đồng lõa
Gần đây, các học viên Pháp Luân Công trên khắp nước Úc đã thu thập chữ ký kiến nghị của người dân từ mọi tầng lớp xã hội Úc. Bản kiến nghị kêu gọi chính phủ giúp chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ trong suốt 25 năm qua và kêu gọi chính phủ Úc thực hiện các hành động lập pháp cũng như các hành động khác để chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.
Ông John Deller, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, phát biểu tại buổi mít-tinh.
Ông phát biểu: “Đối với những nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và người thân của họ đang phải chịu đau khổ mà nói, điều cấp thiết là phải giúp ngăn chặn hành vi giết hại dã man những người vô tội ở Trung Quốc để lấy nội tạng của họ bán kiếm lời trên quy mô công nghiệp, vốn đã diễn ra hơn 20 năm qua.”
“Úc không thể kiểm soát những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc làm ở Trung Quốc. Song, chính phủ Úc có thể quyết định Úc sẽ phản ứng ra sao.” Ông nói: “Sự công khai giữ im lặng của Úc về vấn đề nghiêm trọng này là một hình thức đồng lõa với tội ác tàn bạo về nhân quyền trên diện rộng. Đó là không tuân theo các hiệp ước nhân quyền quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, cũng như không bảo vệ các giá trị và đạo đức mà người Úc yêu quý.”
Ông cũng nói rằng Úc chưa thông qua đạo luật này: “Điều này có lẽ là họ chưa thực sự hiểu được tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra ở Trung Quốc. Một khi các nghị sỹ Úc hiểu được hành vi tàn bạo này, tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy cấp bách trong việc đưa ra phản ứng của Úc.”
Cô Nina (ở giữa) cùng một học viên Pháp Luân Công khác trao bản kiến nghị với 24.000 chữ ký cho Thượng nghị sỹ liên bang Scurr.
Cô Nina đến từ Queensland đã tu luyện Pháp Luân Công được hơn 20 năm. Cô cho biết: “Trong số tất cả những tội ác nhân quyền tàn bạo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, có lẽ không có tội ác nào nghiêm trọng bằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Anh và Canada đã ban hành luật nhằm giúp chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, điều đó cho thấy chính phủ của các quốc gia này coi nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một tội ác nghiêm trọng cần phải giải quyết. Đáng tiếc là Chính phủ Úc vẫn chưa thông qua đạo luật liên quan, và chưa đưa ra lập trường mạnh mẽ và rõ ràng chống lại tội ác nhân quyền tàn bạo này.”
“Trong các cuộc tranh luận và thảo luận về lập pháp, một số quan chức chính phủ thường đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án ĐCSTQ là thủ phạm của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc và kêu gọi công lý cho vô số nạn nhân vô tội. Tác động của những hành động này là không thể xem nhẹ. Họ đã lên tiếng cho những nạn nhân không còn sống để kể về nỗi kinh hoàng đã gây ra cho họ, và gửi một thông điệp mạnh mẽ tới ĐCSTQ rằng tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ sẽ không thể dung thứ. Họ cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các tổ chức về những rủi ro khi hợp tác với ĐCSTQ trong các lĩnh vực liên quan đến y học cấy ghép, và họ cảnh báo mọi người về những rủi ro khi tìm kiếm cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.”
Úc đã cam kết bảo vệ nhân quyền theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Công ước chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc (CAT) và Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng. Vậy nên, Úc có nghĩa vụ phải hành động để chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ.
Cô Nina nói: “Úc vốn là quốc gia tự hào về các giá trị, như tình bằng hữu – luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt là trong những lúc cần thiết, sự bình đẳng – đối xử với mọi người một cách công bằng, tôn trọng, và tự do – trong đó có tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt. Đã đến lúc chính phủ Úc thể hiện những giá trị đáng tự hào này của Úc trong việc ứng phó trước cuộc khủng hoảng nhân quyền này và lấy lại đúng vị trí của mình cùng các đồng minh đã có hành động mạnh mẽ để chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Pháp luật chắc chắn là một cách tiếp cận hiệu quả nhưng cũng là quá trình cần thời gian. Trong khi chờ đợi, các chế tài khác của chính phủ có thể đưa ra một biện pháp tức thời nhưng hiệu quả hơn để công khai lên án những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn của ĐCSTQ và ủng hộ mạnh mẽ cho các nạn nhân của tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức cực kỳ tàn ác này.”
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/29/479161.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/30/218824.html
Đăng ngày 03-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.