Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 26-06-2024] Ngày 25 tháng 6 năm 2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Dự luật H.R.4132 có tên “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (Falun Gong Protection Act), trong đó lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gồm cả nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ngoài việc kêu gọi trừng phạt những người liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng, dự luật còn kêu gọi ĐCSTQ lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Dự luật H.R.4132 do Dân biểu Scott Perry của bang Pennsylvania đề xuất và đã được Hạ viện thông qua, tiếp đến sẽ được trình lên Thượng viện thông qua và trình Tổng thống ký thành luật.

eb65cb8fb7955798b025c8191cd58859.jpg

Dân biểu Hạ viện Scott Perry phát biểu ngày 25 tháng 6 năm 2024, trước cuộc bỏ phiếu.

Trước khi bỏ phiếu, Dân biểu Hạ viện Perry cho biết ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công từ năm 1999. Pháp Luân Công là công pháp tính mệnh song tu, học viên Pháp Luân Công tuân theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Năm 1999, ĐCSTQ ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công.

Ông Perry tiếp tục, mặc dù Pháp Luân Công được thực hành phổ biến ở Trung Quốc, nhưng lại bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo. Các học viên bị giam giữ bất hợp pháp, bị tra tấn và bị cưỡng bức lao động. Một số thậm chí còn bị giết hại dưới hình thức thu hoạch nội tạng. “Ở Trung Quốc, nếu bạn có tiền thì không cần phải đăng ký chờ ghép tạng. … Nguồn cung cấp nội tạng đã sẵn có”, ông nói.

Ông Perry gọi dự luật này là “cam kết mang tính ràng buộc đầu tiên của Quốc hội nhằm tiến hành hành động pháp lý mạnh mẽ đối với cuộc bức hại và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức nhắm vào Pháp Luân Công, biến Pháp Luân Công thành trọng tâm của luật này—mà hành động này vốn đã chậm trễ mất 25 năm.” Đạo luật cũng đặt ra chế tài xử phạt các quan chức Trung Quốc và những người “cố ý gây ra, hoặc đồng lõa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng phi tự nguyện” ở Trung Quốc.

Dự luật có đoạn: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công trên diện rộng, có hệ thống, được nhà nước bảo trợ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại CHND Trung Hoa rõ ràng đã vi phạm các quyền con người cơ bản của các học viên Pháp Luân Công và có thể cấu thành tội diệt chủng.”

Dự luật trích dẫn một lượng lớn dữ liệu của Quốc hội Hoa Kỳ, các luật sư nhân quyền, chuyên gia nhân quyền và các tổ chức độc lập khác trên toàn cầu liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Dự luật nêu rõ: “Các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các học viên Pháp Luân Công là đối tượng của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên diện rộng và là mục tiêu cụ thể của hoạt động man rợ này.”

Theo dự luật, giết người bằng cách mổ lấy nội tạng phi tự nguyện là vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn y đức phổ quát và trực tiếp mâu thuẫn với các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của con người.

https://package.minghui.org/mh/2024/6/25/uscongress-bill118hr4132.pdf
Dự luật H.R.4132 – Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công (tệp PDF).

Dưới đây là toàn văn dự luật:

MỘT DỰ LUẬT

Nhằm quy định việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các mục đích khác.

MỤC 1. TÊN TẮT.

Đạo luật này có thể được gọi là “Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công.”

MỤC 2. CÁC PHÁT HIỆN CỦA QUỐC HỘI HOA KỲ.

Quốc hội nhận thấy như sau:

(1) Pháp Luân Công là môn tu luyện Phật gia truyền thống theo nguyên tắc Chân, Thiện, Nhẫn. Môn tu luyện này được Ngài Lý Hồng Chí truyền xuất ra ở Trung Quốc vào năm 1992, nhằm mục đích cải thiện sức khỏe thể chất, tâm lý, và tinh thần thông qua các bài công pháp, thiền định, và đề cao đạo đức.

(2) Ngày 20 tháng 7 năm 1999, sau nhiều năm bị chính phủ Trung Quốc leo thang sách nhiễu, Tổng Bí thư bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc bức hại trên toàn quốc nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công. Kể từ đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đã giam giữ hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công.

(3) Trong Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 công bố ngày 12 tháng 5 năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố trong mục về Trung Quốc: “Trước lệnh cấm Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc vào năm 1999, chính phủ nước này ước tính có 70 triệu học viên. Các nguồn tin của Pháp Luân Công ước tính có hàng chục triệu người vẫn tiếp tục tu luyện riêng, còn Freedom House ước tính số học viên là từ 7 đến 20 triệu.”

(4) Freedom House cho biết trong mục Trung Quốc của báo cáo về Tự do trên Thế giới 2021 (Freedom in the World 2021) rằng “chiến dịch tiêu diệt nhóm người tu luyện Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp diễn vào năm 2020. Trong những năm gần đây, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã phải nhận án tù dài hạn, và nhiều người khác đang bị giam giữ tùy tiện tại các cơ sở ‘giáo dục pháp luật’. Người bị giam giữ thường bị tra tấn nhằm ép họ phải từ bỏ đức tin của mình, đôi khi dẫn đến tử vong trong thời gian bị giam giữ.”

(5) Trong báo cáo năm 2021, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã nêu trong những phát hiện quan trọng về Trung Quốc, “Theo các báo cáo, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu và bắt giữ trong năm 2020 vì thực hành đức tin của họ, một số có thể đã chết vì bị ngược đãi và tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Các báo cáo quốc tế đáng tin cậy cũng cho thấy nạn thu hoạch nội tạng, trong đó có nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công, có thể vẫn tiếp diễn.”

(6) Cuộc bức hại Pháp Luân Công trên diện rộng, có hệ thống, được nhà nước bảo trợ bởi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại CHND Trung Hoa rõ ràng là sự vi phạm các quyền con người cơ bản của các học viên Pháp Luân Công và có thể cấu thành tội diệt chủng.

(7) Chiến dịch bức hại Pháp Luân Công diễn ra dưới sự giám sát của các chi bộ trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có cái gọi là “Nhóm Lãnh đạo Trung ương Phòng chống và Xử lý Tà giáo.” Ngày 12 tháng 5 năm 2021, Dư Huy (Yu Hui), cựu Giám đốc Văn phòng của nhóm này, đã bị Chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt.

(8) Các báo cáo, như những báo cáo được đề cập trong luật này, cho thấy hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc không tuân thủ đại đa số Nguyên tắc Chỉ đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Cấy ghép Tế bào, Mô và Nội tạng Người, vì nội tạng được cho là chủ yếu có nguồn gốc từ tù nhân trong khi không có sự đồng thuận tự nguyện, có tin rằng nội tạng được mua bán, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong quy trình thu mua nội tạng thấp, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngăn cản việc thanh tra, giám sát, và xác minh độc lập hoặc khách quan đối với hệ thống cấy ghép của họ.

(9) Ngày 14 tháng 6 năm 2021, một tuyên bố chung của các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự cảnh giác tột độ về “các báo cáo về cáo buộc ‘thu hoạch nội tạng’ nhắm vào các nhóm thiểu số, trong đó có các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo, và người theo đạo Cơ đốc đang bị giam giữ ở Trung Quốc.”

(10) Dựa trên nghiên cứu độc lập và số liệu thống kê chính thức, rõ ràng là nhiều ca cấy ghép nội tạng được thực hiện ở Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức mà thế giới thừa nhận.

(11) Freedom House, trong mục Trung Quốc của báo cáo Tự do trên Thế giới 2021, đã nêu rõ rằng “Chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã chấm dứt việc cấy ghép nội tạng từ tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, quy mô của ngành cấy ghép và tốc độ thu mua một số nội tạng lại vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống hiến tặng tự nguyện non trẻ của nước này, và quốc tế ngày càng chú ý đến những tội ác chống lại loài người có thể liên quan đến hoạt động này.”

(12) Một phân tích thống kê pháp y năm 2019 về dữ liệu hiến tạng ở CHND Trung Hoa, được công bố trên tạp chí Đạo đức Y khoa BMC (BMC Medical Ethics journal), đã kết luận như sau: “Việc Trung Quốc làm giả lộ liễu dữ liệu hiến tạng quốc gia một cách có hệ thống đã làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực thiện chí đang được thực hiện để đưa Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng cấy ghép quốc tế.”

(13) Năm 2019, Hoa Kỳ có khoảng 145 triệu người đăng ký hiến tạng, trong đó 19.257 người đã hiến tạng, cho phép tiến hành 39.719 ca cấy ghép; tỷ lệ người hiến tạng thực tế so với số người đăng ký hiến tạng là khoảng 0,00013. Quan sát cho thấy ở Vương quốc Anh, Canada và các quốc gia khác cũng có tỷ lệ tương tự. Ngược lại, đầu năm 2019, CHND Trung Hoa tuyên bố có hơn 900.000 người đăng ký hiến tạng; dữ liệu của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng năm 2019 có 5.818 người hiến tạng và 19.454 ca cấy ghép, như vậy tỷ lệ người hiến thực tế so với người đăng ký hiến tạng là 0,0057. Mặc dù sự so sánh này không tính đến các biến số có thể xảy ra khác, nhưng thực tế là chương trình hiến tạng non trẻ của Trung Quốc đã cho ra tỷ lệ người hiến tạng từ nguồn đăng ký hiến tạng cao gấp 44 lần so với Hoa Kỳ vào năm 2019, nên rất đáng để quốc tế điều tra kỹ lưỡng.

(14) Bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các học viên Pháp Luân Công là đối tượng của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên diện rộng và là mục tiêu cụ thể của hoạt động man rợ này.

(15) Tháng 1 năm 2007, luật sư nhân quyền người Canada David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương David Kilgour đã công bố những phát hiện xác nhận khả năng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc. Họ cũng kết luận rằng không có bằng chứng nào về hệ thống hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc vào thời điểm đó, tuy vậy, Chính phủ Trung Quốc vẫn báo cáo cơ sở hạ tầng cấy ghép nội tạng gia tăng mạnh (tăng gấp ba lần) từ năm 1999 đến năm 2004, song song với thời điểm bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công.

(16) Vào năm 2016, ông Matas, ông Kilgour và nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã công bố một báo cáo toàn diện kết luận rằng có khả năng khoảng 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép nội tạng đã được tiến hành mỗi năm kể từ năm 2000, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc.

(17) Trong báo cáo thường niên năm 2020, Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc đã tham chiếu các báo cáo gây lo ngại về việc CHND Trung Hoa làm giả dữ liệu hiến tạng, khiến người ta càng nghi ngờ tuyên bố của ĐCSTQ rằng họ đã chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

(18) Ngày 1 tháng 3 năm 2020, Tòa án Độc lập về Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ Tù nhân Lương tâm ở Trung Quốc, một cơ quan điều tra được gọi là tòa án nhân dân do Liên minh Quốc tế Chấm dứt Nạn Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc ủy quyền, gồm các chuyên gia pháp lý, văn hóa, và y khoa liên quan, do Ngài Geoffrey Nice làm chủ tọa, đã đưa ra phán quyết cuối cùng, bao gồm—

(A) Một số lượng rất lớn các hoạt động cấy ghép đã được thực hiện ở Trung Quốc. Tòa án đánh giá rằng số ca cấy ghép từ 60.000 đến 90.000 mỗi năm trong thời gian từ năm 2000 đến 2014 là đáng tin cậy. Số người đủ điều kiện đăng ký hiến tạng được báo cáo là 5.146 vào năm 2017, vậy nên sự chênh lệch này là rất khó hiểu;

(B) “Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện nhiều năm qua trên khắp Trung Quốc với quy mô không nhỏ và các học viên Pháp Luân Công là một—và có lẽ là nguồn cung nội tạng chính”;

(C) “Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã bị xét nghiệm máu và thăm khám nội tạng một cách có hệ thống” trong khi các tù nhân khác không được xét nghiệm, điều này cho thấy các học viên Pháp Luân Công đã được lựa chọn hoặc nhắm mục tiêu cụ thể cho các cuộc kiểm tra y tế này; và

(D) “… CHND Trung Hoa và các lãnh đạo nước này đã tích cực kích động bức hại, bỏ tù, giết hại, tra tấn, và phỉ báng các học viên Pháp Luân Công với mục đích duy nhất là tiêu diệt môn tu luyện này cũng như niềm tin vào giá trị của Pháp Luân Công.”

(19) Tổ chức phi chính phủ quốc tế Các Bác sỹ Chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã trình một bản kiến ​​nghị với hơn ba triệu chữ ký thu thập trên toàn thế giới từ năm 2012 đến năm 2018 lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi một cuộc điều tra về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ học viên Pháp Luân Công nhưng không được quan tâm.

(20) Tháng 6 năm 2016, Hạ viện đã thông qua nghị quyết thứ năm nhằm lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc bằng Dự luật H. Res. 343 114, trong đó “Bày tỏ mối quan ngại về các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống, được nhà nước hậu thuẫn nhắm vào tù nhân lương tâm mà không có sự đồng thuận ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm số lượng lớn học viên Pháp Luân Công và thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác” đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến dịch “tiêu diệt” Pháp Luân Công và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

MỤC 3. QUAN ĐIỂM CỦA QUỐC HỘI.

Quốc hội có quan điểm như sau—

(1) giết người bằng cách mổ lấy nội tạng phi tự nguyện là vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn y đức phổ quát và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của con người;

(2) nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức vi phạm điều 3 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó nêu rõ “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân”, và điều 4 rằng “Không ai có thể bị bị bắt làm nô lệ hoặc khổ sai.”;

(3) Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cần phải có hình thức chính thức lên án Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) về cuộc bức hại Pháp Luân Công của nước này;

(4) bất kỳ sự hợp tác hoặc tham gia nào Chính phủ Hoa Kỳ hoặc một cá nhân hoặc tổ chức Hoa Kỳ vào hệ thống ghép tạng của Trung Quốc đều đặt ra những thách thức lớn về đạo đức có thể gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của hệ thống ghép tạng Hoa Kỳ; và

(5) cuộc bức hại Pháp Luân Công do nhà nước Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn phải chấm dứt ngay lập tức.

MỤC 4. TUYÊN BỐ CHÍNH SÁCH.

Hoa Kỳ có chính sách như sau—

(1) tránh mọi sự hợp tác với CHND Trung Hoa trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn cầm quyền;

(2) thực hiện các biện pháp thích hợp, bao gồm sử dụng các cơ quan trừng phạt hữu quan, để ép buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt mọi chiến dịch thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn; và

(3) hợp tác với các đồng minh, đối tác và các tổ chức đa phương để phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để đưa ra các biện pháp trừng phạt trực tiếp và hạn chế thị thực.

MỤC 5. ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT VỀ thu hoạch nội tạng cưỡng bức TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA.

(a) Áp dụng các biện pháp trừng phạt.—Tổng thống sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt được nêu trong tiểu mục (c) đối với từng người nước ngoài có tên trong danh sách được đệ trình gần đây nhất như trong tiểu mục (b).

(b) Danh sách những người bị trừng phạt.—

(1) QUY TẮC CHUNG.—Không muộn hơn 180 ngày sau ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ trình lên các ủy ban quốc hội thích hợp danh sách người nước ngoài, gồm các quan chức cấp cao trong chính phủ, lãnh đạo quân sự, và những người mà Tổng thống xác định là cố ý gây ra, hoặc đồng lõa, hoặc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động thu hoạch nội tạng phi tự nguyện tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(2) CẬP NHẬT DANH SÁCH.—Tổng thống sẽ trình lên các ủy ban quốc hội hữu quan danh sách cập nhật tại điểm (1)—

(A) khi có thông tin mới;

(B) không muộn hơn một năm kể từ ngày ban hành Đạo luật này; và

(C) hàng năm trong 5 năm sau ngày ban hành Đạo luật này.

(3) BIỂU MẪU.—Danh sách theo yêu cầu của điểm (1) phải được đệ trình dạng chưa phân loại, nhưng có thể bao gồm một phụ lục đã phân loại.

(c) Các biện pháp trừng phạt.—Các biện pháp trừng phạt trong tiểu mục này được mô tả như sau:

(1) PHONG TỎA TÀI SẢN.—Tổng thống sẽ thực thi mọi quyền hạn được trao cho Tổng thống theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (50 U.S.C. 1701 và các luật liên quan) (ngoại trừ các yêu cầu trong mục 202 của Đạo luật đó (50 U.S.C. 1701 và các luật liên quan) (ngoài trừ yêu cầu của mục 202 về việc không áp dụng Đạo luật (50 U.S.C. 1701) này) trong phạm vi cần thiết nhằm phong tỏa và cấm mọi giao dịch về tài sản và lợi tức từ tài sản của người đó nếu tài sản đó và lợi tức từ tài sản đều ở Hoa Kỳ, đến từ Hoa Kỳ, hoặc là hoặc thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người ở Hoa Kỳ.

(2) KHÔNG NHẬP CẢNH CHO NHỮNG CÁ NHÂN CỤ THỂ.—

(A) KHÔNG ĐỦ TƯ CÁCH XIN THỊ THỰC, NHẬP CẢNH, HOẶC TẠM THA.—Một người nước ngoài có tên trong danh sách gần đây nhất được nộp theo tiểu mục (b) thì—

(i) không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ;

(ii) không đủ tư cách nhận thị thực hay giấy tờ khác để nhập cảnh vào Hoa Kỳ; và

(iii) không đủ tư cách nhập cảnh hoặc nhập cảnh có điều kiện vào Hoa Kỳ hoặc nhận bất kỳ lợi ích nào khác theo Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (8 U.S.C. 1101 và các luật liên quan).

(B) THU HỒI THỊ THỰC HIỆN TẠI.—Người nước ngoài được mô tả tại điểm (A) cũng phải tuân theo những điều sau:

(i) Thu hồi bất kỳ thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh nào khác bất kể thị thực hoặc giấy tờ nhập cảnh khác được cấp vào thời điểm nào.

(ii) Việc thu hồi theo khoản (i) sẽ có hiệu lực ngay lập tức và tự động hủy bỏ mọi thị thực hay giấy tờ nhập cảnh hợp lệ khác mà người nước ngoài này sở hữu.

(3) NGOẠI LỆ.—Các biện pháp trừng phạt theo điểm (2) sẽ không áp dụng với người nước ngoài nếu việc nhập cảnh hoặc nhập cảnh có điều kiện cho người nước ngoài vào Hoa Kỳ là cần thiết để Hoa Kỳ tuân thủ Thỏa thuận về Trụ sở Liên Hợp Quốc ký kết giữa Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ tại Lake Success ngày 26 tháng 6 năm 1947 và có hiệu lực vào ngày 21 tháng 11 năm 1947 hoặc các nghĩa vụ quốc tế hiện hành khác của Hoa Kỳ.

(d) Hình phạt.—Các hình phạt quy định tại tiểu mục (b) và (c) mục 206 của Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (50 U.S.C. 1705) sẽ áp dụng với người vi phạm, cố ý vi phạm, âm mưu vi phạm, hoặc đã vi phạm các quy định được ban hành để thực thi tiểu mục (a) ở mức độ tương tự như các hình phạt đó áp dụng với người có hành vi phạm pháp được mô tả trong mục 206(a) của Đạo luật đó.

(e) Ngoại lệ để tuân thủ an ninh quốc gia.—Các hoạt động sau đây sẽ được miễn trừng phạt theo mục này:

(1) Các hoạt động phải tuân theo yêu cầu báo cáo theo tiêu đề V của Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 (50 U.S.C. 3091 và các luật liên quan).

(2) Bất kỳ hoạt động tình báo hay hành pháp nào được ủy quyền của Hoa Kỳ.

MỤC 6. BÁO CÁO.

(a) Quy tắc chung.—Không muộn hơn một năm sau ngày ban hành Đạo luật này, Bộ trưởng Ngoại giao, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, sẽ đệ trình lên các ủy ban quốc hội hữu quan một báo cáo về các chính sách và thông lệ cấy ghép nội tạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(b) Các vấn đề cần báo cáo.—Báo cáo được yêu cầu theo tiểu mục (a) sẽ bao gồm—

(1) bản tóm tắt các chính sách trên thực tế và về pháp lý về hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, bao gồm tù nhân lương tâm (gồm cả Pháp Luân Công) và các tù nhân khác;

(2) (A) số ca cấy ghép nội tạng được biết là đã xảy ra hoặc ước tính xảy ra hàng năm ở CHND Trung Hoa;

(B) số người hiến tạng tự nguyện đã biết đến hoặc ước tính ở CHND Trung Hoa;

(C) bản đánh giá các nguồn nội tạng để cấy ghép ở CHND Trung Hoa; và

(D) bản đánh giá về thời gian, tính bằng ngày, cần thiết để mua nội tạng để cấy ghép trong hệ thống y tế Trung Quốc và đánh giá xem thời gian đó có khả thi hay không dựa trên số người hiến tạng đã biết hoặc ước tính ở CHND Trung Hoa;

(3) danh sách tất cả các khoản tài trợ của Hoa Kỳ trong mười năm qua cho việc hỗ trợ nghiên cứu cấy ghép nội tạng ở CHND Trung Hoa hoặc cho việc hợp tác giữa một tổ chức Trung Quốc và Hoa Kỳ; và

(4) xác định xem liệu cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có cấu thành một “tội ác tàn bạo” hay không (vì thuật ngữ này được định nghĩa trong phần 6 của Đạo luật Chống Tội ác Diệt chủng và Tàn bạo Elie Wiesel năm 2018 (Luật công 115– 441; 22 U.S.C. 2656)).

(c) Biểu mẫu.—Báo cáo theo yêu cầu của tiểu mục (a) phải được đệ trình ở dạng chưa được phân loại, nhưng có thể bao gồm một phụ lục đã được phân loại.

MỤC 7. ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC ỦY BAN QUỐC HỘI HỮU QUAN.

Trong Đạo luật này, thuật ngữ “ủy ban quốc hội hữu quan” có nghĩa là—

(1) Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện; và

(2) Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/26/479072.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/27/218782.html

Đăng ngày 28-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share