Bài viết của Tâm Vũ, đệ tử Đại pháp tại Hà Bắc

[MINH HUỆ 29-03-2024] Tôi là một giáo viên tiểu học, bắt đầu tu luyện từ năm 1997. Hồi đó tôi chưa đầy 30 tuổi mà đã bị cao huyết áp nên phải uống thuốc hạ huyết áp, lại còn bị tăng sản tuyến vú. Sau khi đắc Pháp, tôi đã vứt toàn bộ thuốc đang dùng, toàn thân trở nên nhẹ nhàng, vô bệnh.

Trưởng phòng duy nhất thông qua bình bầu

Một lần, khi đang trò chuyện với một đồng nghiệp, cô ấy nói với tôi bằng ánh mắt nể trọng: “Chị là trưởng phòng duy nhất đi lên từ bầu chọn ở trường chúng ta đấy”.

Năm 1999, tập đoàn tà ác Giang Trạch Dân bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, tôi ngạc nhiên và nghĩ: “Tại sao một môn tu luyện tốt như vậy lại không được phép luyện tập chứ?” Vào ngày 22 tháng 7, tôi cùng các đồng tu đã đến Bắc Kinh để chứng thực Đại Pháp. Khi về, tôi đã bị hiệu trưởng chỉ trích trong cuộc họp của toàn thể giáo viên. Những năm sau đó, mỗi khi cái gọi là “ngày nhạy cảm” đến, tôi lại bị quản thúc ở trường, không được về nhà, và còn bị cắt lương và thưởng.

Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2002, tôi bị đưa đến lớp tẩy não của trại cưỡng bức lao động trong hai tháng. Cho dù đơn vị công tác của tôi có tham gia vào cuộc bức hại như thế nào, tôi vẫn luôn nhớ rằng mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và nghiêm khắc chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn tại nơi làm việc. Bởi vì làm việc chăm chỉ và tận tâm với công việc, cứ đến cuối năm là tôi lại nhận được rất nhiều phiếu bầu cho danh hiệu “lao động tiên tiến”. Nhưng lãnh đạo nhà trường không bao giờ dám đề cử tôi với Sở Giáo dục vì sợ bị khiển trách khi có nhân viên là tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Do chăm chỉ và cần mẫn trong công việc, tháng 9 năm 2002 tôi được đề bạt làm trưởng khối. Trong khi nỗ lực tự nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của bản thân, tôi cũng trợ giúp các giáo viên trẻ nắm được cách quản lý lớp học và cách giảng dạy hiệu quả. Tôi cũng luôn trao đổi trên tinh thần xây dựng và bình hòa cùng các thầy cô giáo, cân đối tốt mọi mặt công việc trong khối chúng tôi. Khối của chúng tôi từng nhiều lần được lãnh đạo biểu dương khen ngợi.

Năm 2008, khu vực của chúng tôi có sự điều chỉnh đáng kể đối với lãnh đạo các trường học. Theo đó, một hiệu trưởng mới đã được điều động đến trường chúng tôi. Không lâu sau khi hiệu trưởng mới nhậm chức, vị hiệu trưởng cũ và trưởng phòng giáo vụ đều được thăng chức và lần lượt chuyển đi nơi khác. Phòng giáo vụ chỉ còn lại hai cán bộ trẻ mới nhậm chức được hai, ba tháng. Hiệu trưởng thăm dò dư luận muốn tìm một giáo viên có đủ năng lực quản lý toàn diện làm trưởng phòng giáo vụ và phụ trách công tác giảng dạy chung. Một giáo viên cũ đã đề cử tôi. Sau khi trưởng các tổ bộ môn, đại diện tổ giáo viên chủ chốt cùng ban lãnh đạo bỏ phiếu, tất cả phiếu bầu đều tán thành cho tôi. Hiệu trưởng còn nói sẽ báo lên Sở Giáo dục trong thời gian sớm nhất để đề bạt tôi lên làm phó hiệu trưởng. Tôi trở thành trưởng phòng duy nhất được bầu trong trường và giữ chức vụ đó tới khi nghỉ hưu vào năm 2021.

Thông thường, khi trường học bổ nhiệm một giáo viên phù hợp làm trưởng phòng, nếu lãnh đạo thấy người nào đó phù hợp sẽ trực tiếp công bố việc bổ nhiệm tại cuộc họp giáo viên. Từ khi thành lập trường năm 1997 cho đến khi tôi nghỉ hưu vào năm 2021, tôi là người duy nhất trở thành trưởng phòng thông qua bầu chọn.

“Thưa hiệu trưởng, tôi không thể nhận chứng chỉ này”

Không lâu sau khi tôi chuyển sang Phòng Giáo vụ, hiệu trưởng tìm tôi nói rằng có người gọi điện thoại đến Sở Giáo dục báo cáo việc nhà trường đã đề bạt một giáo viên tu luyện Pháp Luân Công làm trưởng phòng. Lúc đó, tôi không muốn gia tăng áp lực cho hiệu trưởng nên đã chủ động nộp đơn từ chức. Hiệu trưởng lại nói: “Tôi còn không sợ, chị sợ điều gì chứ?” Vì thế, tôi đã tiếp tục ở lại làm việc, nhưng từ đó hiệu trưởng không còn nhắc đến việc đề bạt tôi làm hiệu phó nữa. Tôi giữ cương vị trưởng phòng trong 13 năm đến lúc về hưu.

Nhờ tu Đại Pháp nên tôi luôn làm việc chăm chỉ, Sư phụ cũng ban cho tôi rất nhiều trí huệ và tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Hiệu trưởng đánh giá cao nhân cách và năng lực làm việc của tôi. Tôi đã bồi dưỡng rất nhiều cho cán bộ lãnh đạo trẻ, sau đó họ lại được đề bạt lên phó hiệu trưởng, trở thành lãnh đạo của tôi. Hiệu trưởng trong lòng luôn cảm thấy áy náy, do đó muốn giúp tôi nâng cao chức danh.

Một hôm, sau khi tôi thông báo đã hoàn thành xong công việc, hiệu trưởng gọi điện cho một nghiên cứu viên của thành phố ngay trước mặt tôi, nói rằng thật không phải với tôi khi không thể đề bạt tôi lên làm hiệu phó. Ông ấy muốn nhờ vị này giúp tôi có được chứng chỉ khóa học cấp thành phố. Bởi vì muốn đề bạt chức vụ thì bắt buộc phải có chứng chỉ này, nếu không sẽ không đáp ứng điều kiện về tư cách chức danh.

Quả thực là nếu không tu luyện thì đây là chuyện cầu cũng không được. Được thăng chức có nghĩa là sẽ có thêm vài trăm tệ tiền lương. Hơn nữa, hiệu trưởng còn chủ động hỗ trợ tôi. Nhưng tôi là một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ bảo chúng ta thời thời khắc khắc, mọi sự đều chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn mà yêu cầu chính mình. Vì vậy, tôi quyết định viết thư gửi cho hiệu trưởng, nói rõ lý do từ chối sự trợ giúp của ông ấy, cũng thông qua cách này để hiệu trưởng liễu giải được chân tướng Đại Pháp.

Trong thư, trước tiên tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình với hiệu trưởng, sau đó nêu lý do từ chối của tôi từ hai khía cạnh: 1. Pháp Luân Công giảng Chân-Thiện-Nhẫn. Sư phụ Pháp Luân Công dạy chúng tôi nghĩ đến người khác khi gặp vấn đề. Để tôi có được danh hiệu chuyên môn, hiệu trưởng đã yêu cầu nhà nghiên cứu giảng dạy làm giả chứng chỉ, điều này tương đương với hành vi lừa đảo. Tôi không thể để hiệu trưởng và nhà nghiên cứu giảng dạy chịu trách nhiệm vì lý do ích kỷ của tôi. 2. Đối với tôi, chứng chỉ này thực sự quan trọng, nhưng nó không phải do nỗ lực của chính tôi mà có được, và đi ngược lại với “Chân“ trong Chân-Thiện-Nhẫn.

Như vậy, dưới sự chỉ dẫn của Pháp lý của Đại Pháp, tôi đã lịch sự từ chối sự giúp đỡ của hiệu trưởng. Chính Đại Pháp đã tịnh hóa tâm hồn tôi và chính Sư phụ đã dạy tôi trở thành một sinh mệnh biết vì người khác.

Đối xử với chúng sinh bằng chính niệm và từ ái

Năm 2009, bởi vì Sở Giáo dục kiểm tra nghiêm ngặt, việc sắp xếp học sinh là không dễ dàng, cho nên sáu học sinh đã tạm thời được phân vào một phân hiệu của trường chúng tôi (một trường làng ở nội đô). Cha mẹ các em yêu cầu nhà trường phân công những giáo viên giỏi nhất giảng dạy các em. Để trấn an phụ huynh, hiệu trưởng đã giao cho tôi đảm nhận việc này. Đồng thời, nhà trường còn cho treo các tấm biểu ngữ lớn ở khu dân cư và cổng trường: “Giáo viên ưu tú của tỉnh đến dạy lớp một của trường”.

Trong lớp này, ngoài sáu em thành phố kia, còn có hơn 20 em khác xuất thân từ những gia đình làm các công việc vặt và buôn bán nhỏ như bán hoa quả, bán khoai lang nướng, bán rau, bán bánh xèo v.v..Phụ huynh chủ yếu là người thất học, không biết bảo ban con cái. Hơn nữa, họ làm việc từ sáng sớm đến tối muộn vì kế sinh nhai, cũng không có thời gian trông coi chúng. Những đứa trẻ này giao tiếp kém, ít hiểu biết, bởi vì chúng không được học mẫu giáo. Mùa hè chân đen đúa, mùa đông chảy nước mũi, chúng khác hoàn toàn với những đứa trẻ tôi dạy trước đây.

Vậy là, tôi đã dạy những đứa trẻ này bắt đầu từ những điều sơ đẳng nhất, từ việc mặc quần áo thế nào, gọt bút chì ra sao, sắp xếp cặp sách rồi tự giác làm bài tập, v.v… Tôi cũng dạy các em hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày và trong học tập, cũng dưỡng thành thói quen đọc sách. Những đứa trẻ này rất chất phác, biết nghe lời và nỗ lực làm theo yêu cầu của tôi.

Việc học tập của trẻ và việc giáo dục chúng không thể nào trông cậy vào phụ huynh, nên cần nhiều hơn lòng yêu thương và sự kiên nhẫn. Tôi cùng các em đọc sách, cùng làm bài tập, cùng các em đợi cha mẹ đến đón. Các em cũng rất nỗ lực, trong kỳ thi cuối năm do trụ sở chính nhà trường tổ chức, lớp tôi đứng đầu trong tổng số 9 lớp tham dự.

Có một việc khiến tôi nhớ mãi. Một ngày trước Lễ Giáng sinh, có 16 học sinh nhà bán hoa quả, mỗi em mang một quả táo, loại quả mang lại bình an trong văn hóa Trung Hoa, làm quà Giáng sinh tặng cho tôi. Tôi xé lớp giấy bọc tuyệt đẹp bên ngoài và lấy ra 16 quả táo, đem rửa sạch sẽ, bổ đôi mỗi quả, tổng cộng được 32 miếng rồi phát cho các em. Trong suốt quá trình đó, cả lớp học im lặng. Các em ăn táo, lặng lẽ tận hưởng tình yêu thương chân thành của cô giáo dành cho mình, tình yêu thương được hình thành tự nhiên trong tu luyện Đại Pháp. Tu luyện Đại Pháp có thể mang lại niềm vui cho người khác, thật tuyệt vời biết bao!

Sự thay đổi của một lớp học và một học sinh kém

Năm 2010, giáo viên chủ nhiệm một lớp 6 nghỉ thai sản, hiệu trưởng phân công tôi tiếp quản lớp này, dạy môn ngữ văn kiêm chủ nhiệm lớp. Khi đó, thành tích của lớp này kém nhất trong số bốn lớp. Qua trao đổi và giao tiếp trên lớp có thể thấy các em học sinh lớp này thiếu hụt về kiến thức ngữ văn, năng lực về môn ngữ văn khá yếu.

Trước tình trạng của học sinh lớp này, tôi bắt tay vào hướng dẫn các em cách chuẩn bị bài học, nắm bắt các kỹ năng cơ bản. Cho con cá không bằng cho cần câu cá, tôi tập trung dạy các em phương pháp học tập, bồi dưỡng năng lực tự học, đề cao nhận thức của học sinh, năng lực biểu đạt, giao tiếp, sử dụng hợp lý chu trình buổi sáng học đọc và buổi trưa học viết để không chỉ bồi dưỡng tài năng mà còn bù đắp những thiếu sót, khích lệ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, làm bạn với các em khiến các em tự tin và có động lực hơn.

Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, tôi đã dành hai giờ đồng hồ cùng các phụ huynh trao đổi cách nuôi dạy trẻ và cách phối hợp với giáo viên để quản lý con trẻ một cách hiệu quả. Các em thay đổi rất nhanh, cuộc thi giữa kỳ toàn lớp có 60 học sinh thì có 42 em đạt 9 trở lên. Khi các phụ huynh chứng kiến thành tích của con em mình tiến bộ nhanh như vậy, họ thực sự cảm kích sự tận tâm và vất vả của giáo viên. Trong vòng chưa đầy một học kỳ, thành tích môn ngữ văn của lớp từ chỗ đứng đội sổ trở thành đứng đầu.

Trong lớp có một học sinh học kém tất cả các môn, môn ngữ văn chỉ được 20/100 điểm. Giờ viết chính tả thường chỉ khoanh tròn trên giấy. Đứa trẻ này rất tự ti, và cha mẹ của em cho rằng con mình không học hành nổi nữa.

Đứa trẻ này mới học lớp 6, đối với một sinh mệnh mà nói, nhân sinh của đứa trẻ giờ mới bắt đầu, cũng chưa có ước muốn. Vậy con đường nhân sinh của em sẽ ra sao? Tôi đã nhiều lần nói chuyện với phụ huynh của học sinh này, giới thiệu một số sách về cách giáo dục trẻ nhỏ, khiến phụ huynh có trách nhiệm trong giáo dục gia đình đối với trẻ. Tại trường, tôi kiên trì hướng dẫn tỉ mỉ, không phân biệt đối xử, không khiển trách, chỉ cần trẻ có một chút xíu tiến bộ, tôi sẽ biểu dương em. Dần dần trẻ đã có sự tự tin, có động lực học tập, trên lớp ánh mắt đã ngời sáng, nhiệt tình học tập lên cao, thành tích học tập từng chút từng chút tăng lên. Cuối cùng, kết quả môn ngữ văn của em đạt hơn 70/100.

Điều bất ngờ lớn mà tôi không nghĩ tới là vài năm sau, có một ngày cậu học trò này đột nhiên tìm đến văn phòng gặp tôi. Cậu kể rằng đã tốt nghiệp trung học và chọn theo học trường trung cấp kỹ thuật dạy nghề, trở thành quản lý ký túc xá. Cậu rất hài lòng với chuyên ngành mà mình đã chọn, việc phát triển nghề nghiệp tương lai cũng rất có triển vọng, v.v…Chúng tôi đã trò chuyện rất lâu. Tôi thấy được tương lai sáng lạn và sự tự tin toát ra từ cậu học trò cũ, cảm thấy làm một giáo viên thật là đáng giá!

Bình thường sau khi tốt nghiệp, những học sinh học kém sẽ vì tự ti mà không đến trường gặp lại thầy cô giáo. Vậy mà cậu học trò này có thể trở lại trường, vào văn phòng gặp mặt thầy cô, điều này chứng tỏ cậu đã phá tan được sự tự ti. Mục đích của cậu trong cuộc sống không phải là vào được một trường đại học danh tiếng hay có được một việc làm tốt. Cuộc đời của cậu sẽ tốt đẹp khi cậu có thể dùng tâm thái tích cực đối diện với cuộc sống, đối diện với tương lai.

Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp đã dạy tôi làm một người tốt, làm một người biết nghĩ cho người khác, làm một giáo viên được tín nhiệm trong lòng học trò.

Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi là tôi đã đắc được Đại Pháp, ngày ngày được tắm mình trong Đại Pháp, được trở về với tâm hồn của chính mình. Con xin cảm tạ Sư tôn đã vì đệ tử mà phó xuất vô hạn. Đệ tử sẽ tinh tấn thực tu, cứu nhiều người hơn, cùng Sư phụ trở về gia viên.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/29/474178.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/30/216803.html

Đăng ngày 28-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share