Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 25-12-2023] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Cảnh Tuấn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm.

Thông tin thủ phạm

Tên đầy đủ của thủ phạm: Cảnh (họ) Tuấn Hải (tên) (景俊海)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 12 năm 1960
Nơi sinh: Bạch Thủy, Thiểm Tây

66573fd32edc423ed699be88a1990444.jpg

Cảnh Tuấn Hải

Chức danh, chức vụ

Tháng 1 năm 2021 – đến nay: Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ban Thường vụ Đại Hội đồng Nhân dân tỉnh Cát Lâm, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19

Tháng 11 năm 2020: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm

Tháng 1 năm 2018: Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng, Quyền Tỉnh trưởng kiêm Bí thư Ban lãnh đạo Đảng Chính quyền tỉnh Cát Lâm

Tháng 12 năm 2017 – tháng 1 năm 2018: Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cát Lâm

Các tội ác chính

Ngay từ khi giữ chức phó tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây từ năm 2008 đến năm 2015, Cảnh Tuấn Hải đã công khai vu khống Pháp Luân Công tại hội nghị qua truyền hình về du lịch Olympic của tỉnh.

Trong cả sự nghiệp chính trị của mình, Cảnh vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc bức hại, đặc biệt là sau khi nhậm chức ở tỉnh Cát Lâm vào năm 2017. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tỉnh Cát Lâm, nơi Pháp Luân Công lần đầu được truyền xuất ra công chúng, đã trở thành một trong những nơi bị bức hại nghiêm trọng nhất. Toàn bộ lãnh đạo của tỉnh đã tích cực triển khai chính sách bức hại, và coi những hoạt động này là “thành tựu chính trị” để thăng tiến trên nấc thang chính trị.

Trong thời gian Cảnh làm tỉnh trưởng và bí thư tỉnh Cát Lâm, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610, và các cơ quan công an trên toàn tỉnh đã vận động mọi thành phần xã hội và xúi giục cộng đồng cấp địa phương tham gia vào cuộc bức hại.

Các đặc vụ mặc thường phục và những người được trả lương được cử đi theo dõi và giám sát các học viên Pháp Luân Công, đồng thời quấy nhiễu, đe dọa, và lăng mạ các học viên, cũng như người nhà của họ. Không chỉ bị bắt giữ, sách nhiễu, giam giữ và tra tấn, các học viên còn bị bức hại tài chính dưới hình thức phạt tiền và đình chỉ lương hoặc lương hưu.

Ngày 21 tháng 1 năm 2020, tại một hội nghị công tác chính trị và pháp lý ở tỉnh Cát Lâm, Cảnh đã ra lệnh cho Ủy ban Chính trị và Pháp luật của tỉnh, các công tố viên và hệ thống chấp pháp “Kiên quyết chống tà giáo trong năm mới”.

Trong thời gian Cảnh nắm quyền ở tỉnh Cát Lâm, ít nhất 41 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết. Nhiều người khác bị tàn tật, gia đình tan vỡ và/hoặc buộc phải sống xa nhà để trốn tránh cảnh sát.

Các trường hợp bức hại năm 2018

Năm 2018, tại tỉnh Cát Lâm, tổng cộng có 777 lượt học viên Pháp Luân Công ở 9 địa khu bị bức hại ở các mức độ khác nhau, trong đó 1 học viên đã bị bức hại đến chết, 65 học viên bị kết án, 26 học viên bị xét xử tại tòa, 15 người bị truy tố, 463 người bị bắt, 134 người bị sách nhiễu, 31 người bị bức hại tài chính, 2 người bị mất tích, và 3 người bị buộc phải sống xa nhà.

Ông Dương Bảo Sâm ở thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm, bị kết án 10 năm tù. Sau gần 9 năm bị tra tấn ở Nhà tù Công Chủ Lĩnh, ông được đưa đến bệnh viện để cấp cứu vào ngày 27 tháng 2 năm 2018.

Kết quả chụp CT ngực ngày 3 tháng 3 cho thấy ông bị nhiễm trùng phổi nặng, phổi bị ứ dịch, khiến ông không ăn uống gì được, mà phải truyền dinh dưỡng dạng lỏng qua tĩnh mạch.

Ban đầu, chính quyền định thả ông Dương để ông chữa bệnh vào ngày 5 tháng 3, nhưng mãi đến ngày 7 tháng 3 ông mới được đón về nhà. Khi được thả, ông không đi lại được, nói năng khó khăn. Dù vậy, chính quyền vẫn tiếp tục đến nhà sách nhiễu ông. Ông qua đời lúc 3 giờ sáng ngày 7 tháng 4, ở tuổi 61.

Các trường hợp bức hại năm 2019

Năm 2019, tổng cộng có 1.015 lượt học viên Pháp Luân Công ở 9 địa khu bị bức hại ở các mức độ khác nhau, trong đó, 8 học viên bị bức hại đến chết, 72 người bị kết án, 19 người bị xét xử, 582 người bị bắt giữ, và 236 người bị quấy nhiễu; ngoài ra, 8 người bị giam trong các trung tâm tẩy não, 9 người bị truy tố và 27 người đã được chấp thuận bắt giữ, 6 học viên bị mất tích, và 10 học viên bị buộc phải sống xa nhà, 38 học viên khác bị tống tiền dưới nhiều hình thức khác nhau, với tổng số tiền là 286.605 nhân dân tệ.

Một số học viên cao tuổi đã bị kết án nặng. Bà Lý Tinh, 64 tuổi, bị kết án 10 năm; ông Quách Dư Niên, 85 tuổi, bị kết án 6 năm; ông Ô Hồng Phúc và vợ ông, bà Sơ Ngọc Trân, 70 tuổi lần lượt bị kết án 8,5 và 9,5 năm.

Tháng 4 năm 2019, bà Trương Viện Viện nhiều lần bị đồn công an bắt và lục soát nhà. Vì bị huyết áp cao, bà đã bị các trại tạm giam từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, cảnh sát địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu bà và đưa vụ việc của bà lên viện kiểm sát. Sáng ngày 24 tháng 6 năm 2019, công an lại bắt giữ bà và đưa bà đến viện kiểm sát địa phương. Họ đe dọa và ra lệnh cho bà không được rời khỏi nhà trong 15 ngày, và trong thời gian này, bà phải liên tục túc trực điện thoại. Họ nói rằng nếu bà không tuân thủ, bà sẽ bị bắt lại.

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, bà Trương bị đưa đến tòa án địa phương để xét xử trong khi gia đình bà không hề hay biết. Lúc 4 giờ chiều, vừa về đến nhà, bà đã bị ngã xuống đất và bất tỉnh, rồi qua đời hai ngày sau đó.

Ngày 15 tháng 8 năm 2019, cảnh sát thành phố Tứ Bình và huyện Lê Thụ đã huy động hàng trăm cảnh sát. Cùng với cảnh sát thành phố Trường Xuân, họ đã bắt giữ hơn 30 học viên cùng người nhà của họ ở Trường Xuân.

Trong số những học viên bị bắt, có 14 học viên, trong đó 7 người cùng thuộc một đại gia đình, đã bị Tòa án quận Lê Thụ xét xử vào ngày 28 tháng 9 năm 2020. Thẩm phán đã cấm luật sư cũng như người nhà học viên biện hộ cho họ, và thường xuyên ngắt lời các học viên khi họ làm chứng để biện hộ cho chính mình. Ngày 26 tháng 2 năm 2021, thẩm phán đã kết án tù các học viên.

Anh Mạnh Tường Kỳ, 37 tuổi và mẹ vợ ông, bà Phó Quý Hoa, 55 tuổi, đều bị kết án 7,5 năm tù. Cha của anh Mạnh – ông Mạnh Phàm Quân, 59 tuổi; em dâu của anh – cô Ô Kiện Lỵ, 30 tuổi, chồng của cô Ô – anh Vương Đông Cát, 40 tuổi; và cha mẹ của anh Vương – ông Vương Khắc Dân, 69 tuổi, và bà Vương Phượng Chi, 69 tuổi, mỗi người bị kết án 7 năm.

Bà Phó bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm vào ngày 27 tháng 5 năm 2021. Bà bị tước quyền thăm thân, bị bắt ngồi bất động trên chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ mỗi ngày, và bị tra tấn dưới các hình thức khác. Bà qua đời tại nhà tù vào ngày 25 tháng 7 năm 2021.

Các trường hợp bức hại năm 2020

Năm 2020, mặc cho tình hình dịch bệnh COVID-19, cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn không hề suy giảm. Theo thống kê chưa hoàn chỉnh của Minh Huệ, năm 2020, tỉnh Cát Lâm có 1.498 lượt học viên bị bức hại, trong đó 6 học viên bị bức hại đến chết, 68 người bị kết án, 21 người bị xét xử tại tòa, 10 người bị truy tố, 486 người bị bắt, 471 người bị sách nhiễu, 337 người bị giam vào các trung tâm tẩy não, và 58 người bị phạt tiền với tổng số tiền là 810.550 nhân dân tệ.

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, cảnh sát huyện Nông An đã bắt giữ 22 học viên, trong đó, 13 người đã bị kết án. Trong số những học viên đã bị kết án, bà Trương Tú Chi bị kết án 10 năm, bà Cao Hiểu Kỳ, bà Thái Ngọc Anh, và ông Phùng Lập Tề – mỗi người bị kết án 9 năm, bà Ngô Đông Mai bị kết án 7 năm; và bà Ô Giảo Như, ông Đan Vi Hòa, và ông Lữ Tương Phú – mỗi người bị kết án 6 năm.

Bà Tôn Tú Anh và chồng bà – ông Khương Toàn Đức, bị bắt tại nhà. Ông Khương lúc đó đang bị bệnh, gầy đến mức chỉ còn da bọc xương, nhưng công an vẫn bắt giữ ông. Sau khi được thả khoảng hai tuần sau đó, ông vẫn tiếp tục truyền tĩnh mạch hàng ngày để duy trì sự sống. Công an từ chối thả bà Tôn để bà chăm sóc chồng mình. Ông Khương qua đời ở tuổi 66 tuổi vào ngày 26 tháng 8 năm 2020.

Ông Trương Tử Hữu ở thành phố Trường Xuân bị bắt vào ngày 14 tháng 4 năm 2017. Ông bị Tòa án Khu Phát triển Công nghiệp Công nghệ cao kết án sáu năm vào ngày 1 tháng 11 năm 2017 và bị đưa đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh vào ngày 22 tháng 11. Tại đây, ông bị đột quỵ và được phát hiện mắc bệnh tiểu đường. Ông không thể tự chăm sóc bản thân hay tự đi lại được. Gia đình ông đã nộp đơn xin tạm tha để chữa bệnh cho ông. Tuy nhiên, nhà tù liên tục từ chối đơn của họ, và công khai tuyên bố lý do đơn giản là vì ông không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Sau 3 năm 10 ngày bị giam, ông Trương đã qua đời trong nhà tù vào ngày 13 tháng 12 năm 2020, ở tuổi 68.

Các trường hợp bức hại năm 2021

Năm 2021, tỉnh Cát Lâm có tổng cộng 1.293 lượt học viên bị bức hại ở các cấp độ khác nhau, trong đó, 10 học viên bị tra tấn đến chết, 96 người bị kết án, 6 người bị xét xử tại tòa, 14 người bị truy tố, 287 người bị bắt, 732 người bị sách nhiễu, 79 người bị giam vào các trung tâm tẩy não, và 43 người bị tống tiền với tổng số tiền là 115.160 nhân dân tệ. ĐCSTQ phát động phong trào “xóa sổ” nhắm tới gần như toàn bộ các học viên Pháp Luân Công; chỉ cần họ tìm được học viên nào thì sẽ không để tuột mất người đó, ngay người già hơn 90 tuổi cũng không được tha. Nếu không tìm ra học viên, họ sẽ không ngừng sách nhiễu người nhà, họ hàng học viên, có người thậm chí bị sách nhiễu hơn chục lần.

Ông Lưu Vĩnh Tồn, ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào mùa đông năm 2020. Cảnh sát đã lục soát nhà ông và ép ông ký “tam thư” (ba loại biên bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công), khiến ông bị kinh sợ và chấn thương tinh thần nặng nề, rồi bị đột quỵ và phải nằm liệt giường. Tháng 5 năm 2021, công an lại lục soát nhà ông. Ông Lưu qua đời vào ngày 10 tháng 9 năm 2021, ở tuổi 89.

Ngày 15 tháng 7 năm 2020, bà Tôn Phượng Tiên, một cư dân 65 tuổi ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm, đã bị bắt cùng với 21 học viên Pháp Luân Công khác. Ngày 26 tháng 7, bà bị Viện Kiểm sát và Tòa án Thành phố Đức Huệ kết án 2 năm. Vào lúc 4 giờ 30 chiều, ngày 3 tháng 12 năm 2021, bà bị đột quỵ trong Trại giam Huyện Nông An. Sau khi bà được đưa đến bệnh viện, bác sỹ đã phẫu thuật cho bà với sự đồng ý của gia đình. Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và bác sỹ cho biết đã thành công, nhưng sau đó, bà Tôn vẫn hôn mê. Ngày 13 tháng 12 bà được chuyển đến Bệnh viện Đông y huyện Nông An. Vào lúc 12 giờ 40 sáng ngày 15 tháng 12, gia đình bà được thông báo rằng bà đang được cấp cứu. Khoảng 1giờ 30 sáng, bà đã qua đời.

Bà Vương Khánh Văn từng đã bị kết án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù chính quyền cho phép bà tại ngoại, nhưng năm 2021, cảnh sát lại bắt bà vào Trại giam Thành phố Liệu Nguyên. Sau đó, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm, rồi sinh các triệu chứng bệnh nặng. Gần cuối tháng 10 năm 2021, bà được đưa đến bệnh viện cảnh sát, và qua đời tại đó ở tuổi 78 vào ngày 26 tháng 10 năm 2021. Chính quyền đã hỏa táng thi thể của bà ngay ngày hôm sau và gửi tro cốt của bà về quê ở thành phố Liệu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. Nhà tù từ chối cung cấp cho gia đình bà Vương thêm thông tin về cái chết của bà. Một số cán bộ cho biết bà chết vì ung thư trực tràng, trong khi những người khác nói bà chết vì ung thư phổi.

Các trường hợp bức hại năm 2022

Theo thống kê chưa hoàn chỉnh của Minh Huệ, năm 2022, tỉnh Cát Lâm có 1.011 lượt học viên ở 9 địa khu bị bức hại ở các mức độ khác nhau, trong đó 4 học viên bị bức hại đến chết, 40 người bị kết án, 338 người bị bắt, 384 người bị sách nhiễu, 41 người bị đình chỉ lương hưu, 34 người bị giam vào trung tâm tẩy não, và 7 người bị buộc phải sống xa nhà.

Bà Vương Quế Cần bị bắt vào ngày 18 tháng 6 năm 2020, và cùng tháng, bị Tòa án quận Triều Dương kết án 2 năm 2 tháng. Trong thời gian bị giam giữ, sức khỏe của bà bắt đầu xấu đi và sinh một khối u ở ngực phải, rồi rỉ máu mủ. Ngày 19 tháng 6 năm 2022, bà được đưa đến bệnh viện để kiểm tra và được xác nhận mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Bà gặp khó khăn khi nhấc cánh tay phải lên và thường xuyên trằn trọc suốt đêm vì đau dữ dội.

Gia đình bà Vương liên tục đến đồn công an và tòa án để yêu cầu trả tự do cho bà ngay nhưng vô ích. Đến ngày 18 tháng 10 năm 2022, bà mới được thả ra khi mãn hạn tù. Khi trở về nhà, tình trạng của bà Vương tiếp tục xấu đi. Ngực phải của bà bị mưng mủ. Bà trở nên tiều tụy và liên tục hôn mê. Gia đình đã đưa bà đến bệnh viện, nhưng bác sỹ cho biết tình trạng của bà đã không còn khả năng điều trị. Bà qua đời bảy tháng sau đó vào ngày 8 tháng 5 năm 2023, ở tuổi 53.

Các trường hợp bức hại năm 2023

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023, 776 lượt học viên Pháp Luân Công ở 30 thành phố và quận huyện trên khắp tỉnh Cát Lâm đã bị bức hại ở các mức độ khác nhau, trong đó, 11 người bị bức hại đến chết, 56 người bị kết án, 239 người bị bắt, 283 người bị sách nhiễu (trong đó có 70 học viên bị lấy mẫu nước bọt), 149 người bị lục soát nhà, và 38 người bị tống tiền với tổng số tiền là 184.728 nhân dân tệ.

Anh Khương Dũng, cư dân Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2021 và bị kết án 8,5 năm tù tại Nhà tù Công Chủ Lĩnh với tội danh ngụy tạo là “lật đổ chính quyền nhà nước”. Mặc dù anh đang trong tình trạng nguy kịch do tuyệt thực kéo dài để phản đối cuộc bức hại, nhưng chính quyền vẫn từ chối cho anh tại ngoại để điều trị, với lý do anh không chịu từ bỏ đức tin của mình. Anh đã qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, ngày Mồng 2 Tết Cổ truyền, ở tuổi 31.

Ngày 4 tháng 6 năm 2023, cảnh sát từ Phòng 610, Đội An ninh Nội địa, và Đồn Cảnh sát các khu vực ở Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã phái một lượng lớn đặc vụ và bắt giữ hơn 30 học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát đã theo dõi các học viên trong một thời gian dài và thu thập cảnh quay từ camera giám sát trước khi thực hiện các vụ bắt giữ. Nếu học viên hay người nhà họ từ chối mở cửa, cảnh sát sẽ phá cửa xông vào, có trường hợp còn phá cửa sổ, để bắt giữ các học viên và lục soát nhà họ.

Có 25 học viên bị sách nhiễu và bắt giữ gần dịp ngày 4 tháng 6, trong đó có học viên Mã Phương, Vương Nhân, Lý Thế Cương, Lưu Anh Hoa. Bà Tôn Á Trân, 63 tuổi, đã phải rời nhà sống lưu lạc.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/25/469607.html

Bản tiếng ông: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/25/214437.html

Đăng ngày 05-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share