Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-12-2023] Ngày 22 tháng 12 năm 2022, một cư dân ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã bị kết án 5 năm tù giam cùng 10.000 Nhân dân tệ tiền phạt vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Ngày 30 tháng 11 năm 2021, ông Tăng Phàm Phượng, nhân viên của một công ty điện lực, đã bị bắt cóc tại nhà và bị đưa tới Trại tạm giam Thành phố Bành Châu. Trong suốt phiên tòa xét xử tại Tòa án Thành phố Bành Châu (không rõ ngày tháng), luật sư biện hộ của ông, người tham dự phiên tòa để biện hộ vô tội cho ông, đã không được phép lên tiếng. Ông Tăng đã ba lần yêu cầu được gặp người thân tại cuối phiên tòa nhưng Vương Lệ (+86-18081150948), chủ tọa phiên tòa, đều phớt lờ đề nghị của ông.
10 tháng sau, vào ngày 30 tháng 10 năm 2023, cũng tại Tòa án Thành phố Bành Châu, ba học viên Pháp Luân Công địa phương là: ông Lưu Gia, ông Niếp Tông Quốc và bà Cung Úc Bân cũng phải nhận bản án tương tự.
Trang web Minh Huệ trước đây đã có bài về các vụ bắt bớ và xét xử tập thế đối với ông Lưu, ông Niếp và bà Cung. Phía dưới của bài viết này sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về các vụ việc của họ.
Theo thông tin từ những người trong cuộc, từ tháng 11 năm 2021 tới tháng 1 năm 2022, Sở Cảnh sát Thành phố Bành Châu và Ủy ban Chính trị và Pháp lý Thành phố Bành Châu, cơ quan ngoài pháp luật được giao nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã dàn dựng các vụ bắt giữ bốn học viên nói trên và ít nhất sáu học viên khác. Trong số họ có bà Hoàng Tố Lan, đã qua đời vào ngày 20 tháng 1 năm 2022, sáu ngày sau khi bị bắt.
Sau đó, hai cơ quan chính quyền này đã thành lập một tổ công tác đặc biệt để truy tố các học viên bị bắt, dẫn đến kết án oan sai đối với ông Tăng, ông Lưu, ông Niếp và bà Cung.
Chị gái của ông Lưu bị cấm bào chữa cho em trai
Chị gái và mẹ của ông Lưu đã đi một quãng đường dài tới thành phố Bành Châu vào ngày 26 tháng 10 năm 2023, bốn ngày trước khi diễn ra phiên xét xử. Họ đã tới Tòa án Thành bố Bành Châu để nộp tài liệu bào chữa và tài liệu pháp lý từ người thân và bạn bè. Nhân viên lễ tân đã từ chối tiếp nhận những tài liệu này bởi anh ta không thể tìm được vụ án của ông Lưu trên hệ thống.
Chị gái của ông Lưu liền đưa ra một số thắc mắc và được chuyển đến gặp Lý Ngân (+86-18086822432), chủ tọa phiên tòa phụ trách vụ án của em trai bà nhưng yêu cầu đã bị Lý bác bỏ. Sau đó, gia đình vẫn nộp đơn cho lễ tân và lần này đã được chấp nhận.`
Chị gái ông Lưu đã tham dự cuộc họp trước phiên tòa vào ngày hôm sau. Sau cuộc họp, bà đã đến gặp thẩm phán Trương Hoa Văn (+86-18980576849), người được phân công cùng với thẩm phán Cao Liễu (+86-13408652668) trợ giúp chủ tọa Lý trong vụ án, để yêu cầu được làm người bào chữa với tư cách người thân cho em trai bà nhưng Trương đã viện nhiều lý do khác nhau để không chấp thuận đề nghị đó.
Ngày 30 tháng 10 năm 2023, khoảng nửa giờ trước khi phiên tòa bắt đầu, Trương đã tới nói chuyện với chị gái của ông Lưu và một lần nữa cảnh báo rằng bà không được phép bào chữa cho em trai mình trước tòa. Thay vào đó, Trương yêu cầu bà nói cho anh ta biết bà định nói những gì để bào chữa cho em trai mình và nhờ một thư ký ghi lại. Trước tòa, bà đã yêu cầu Trương đọc to những lời bào chữa của mình nhưng anh ta đã không làm như vậy.
Người ủng hộ bị bắt ở bên ngoài trụ sở tòa án
Vào ngày xét xử, bên ngoài tòa án có hai xe cảnh sát đỗ và được nhiều cảnh sát canh gác. Cô Bạch Đại Ngọc, một học viên địa phương, đã bị hơn 20 cảnh sát mặc thường phục bắt giữ khi cô cố gắng vào bên trong để tham dự phiên tòa. Nhiều giờ sau cô mới được thả.
Tất cả những người tới tham dự phiên tòa đều phải kiểm tra an ninh hai lần và bị cấm mang điện thoại di động vào phòng xử án. Thay vào đó, họ phải cất điện thoại trong tủ khóa trước khi được cấp thẻ vào bên trong. Chỉ có hai hàng ghế được dành cho người nhà của bị cáo, số ghế còn lại (hơn 50) dành cho những người từ ủy ban khu phố, đồn công an, Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương.
Các học viên tự làm chứng chống lại sự tàn bạo của cảnh sát
Ngày 30 tháng 10 năm 2023, ông Lưu, ông Niếp và bà Cung đều bị cùm và còng tay, mỗi người được hai chấp hành viên tòa án dẫn vào phòng xử án của Tòa án Thành phố Bành Châu.
Các luật sư đại diên tương ứng của mỗi học viên đều đưa ra lời bào chữa vô tội cho họ và nhấn mạnh rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hay coi đó là một tà giáo. Vì vậy, họ không nên bị truy tố vì đã thực hành quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của hiến pháp.
Ông Lưu đã làm chứng chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Trong vụ bắt bớ vào ngày 2 tháng 1 năm 2022, ông bị giam tại một khách sạn trong 18 ngày. Trong 18 ngày này, hàng ngày ông đều bị sáu cảnh sát đánh đập ba lần. Các cảnh sát Đồng Đái Khôn, Lý Hòa Bình, Quan Thế Hải, Vương Cương, Vu Cương, Lưu Thanh, Lưu Kỳ Vũ, Dương Lưu, Dương Thành và Hồ Đức Du, tham gia đánh gập ông khiến ông Lưu bị viêm túi mật và gãy chân trái. Ông đã phải cắt bỏ túi mật tại bệnh viện.
Với sự can thiệp của luật sư, cảnh sát đã chuyển ông Lưu đến trại tạm giam Thành phố Bành Châu vào ngày 24 tháng 1 năm 2022. Khi ông nhập trại, cả hai chân của ông đều bị sưng phù nghiêm trọng khiến ông không thể tự đứng hoặc đi lại. Ngoài ra ông còn bị sưng ở đầu gối phải. Lính canh không yêu cầu khám sức khỏe nhưng họ đã cởi hết quần áo của ông ở sảnh và chụp ảnh chân của ông.
Công tố viên Hà Nham Bách (+86-13518123298) đưa ra biên bản thẩm vấn của cảnh sát, trong đó nêu rõ rằng không có cảnh sát nào đánh ông Lưu và vết thương của ông là do tự ông gây ra khi ông “véo vào đùi trong và dùng còng tay tự đánh vào chân mình.”
Các thẩm phán Lý, Trương và Cao đã đứng về phía công tố viên này và tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy có sự ngược đãi của cảnh sát đối với ông Lưu.
Ông Lưu bác bỏ tuyên bố này bằng cách giơ tay lên để lộ ra vết bầm tím vẫn còn hiện rõ trên cổ tay ông. Ông cho biết một cảnh sát đã bắt ông đặt tay lên chân rồi giẫm mạnh lên còng tay, khiến còng tay cứa vào cổ tay và ấn mạnh xuống đùi gây ra những vết bầm tím lớn ở chân. Ông cũng cho biết, khi bị giam ở khách sạn, ông đã bị đánh trong một căn phòng không có camera giám sát. Vì vậy, không có video nào cho thấy ông bị cảnh sát đánh đập.
Ông Niếp cũng làm chứng chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Sau khi bị bắt vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, ông bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân. Cảnh sát đánh đập ông rất tàn bạo và buộc ông phải từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của ông. Trong phiên tòa, ông tuyên bố bác bỏ những tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công mà ông đã viết tại trung tâm tẩy não.
Bà Cung, không rõ ngày bị bắt, cho biết rằng bà bị ngược đãi đến mức gặp vấn đề khó ăn uống trong vài tháng. Bà cũng xuất hiện một khối u ở bụng.
Trong một giờ giải lao của phiên xét xử, một người tham dự phiên tòa đã hỏi người nhà của học viên: “Pháp Luân Công có tốt không?” Người nhà nói: “Tất nhiên rồi! Nếu không thì giải thích thế nào về việc những học viên này đã mạo hiểm tính mạng để giữ vững đức tin của họ?”
Cuối phiên xét xử, ba thẩm phán tuyên án ba học viên đều bị 5 năm tù giam và 10.000 Nhân dân tệ tiền phạt.
Bài viết liên quan bằng tiếng Việt:
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi qua đời sau ba ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công
Thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên: Tóm tắt các vụ bức hại Pháp Luân Công từ trước đến nay
Bài viết liên quan bằng tiếng Anh:
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/1/468820.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/4/213198.html
Đăng ngày 19-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.