Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-12-2023] Ba học viên ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên bị quản thúc tại gia chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã bị lừa tới cơ quan cảnh sát địa phương vào ngày 4 tháng 12 năm 2023 với lý do “ký giấy tờ chấm dứt vụ án của mình”. Ngay khi đến nơi, họ bị bắt giữ phi pháp và giam giữ hình sự. Hiện giờ họ phải đối mặt với bản cáo trạng chì vì đức tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm và thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Đây không phải lần đầu bà Vệ Đăng Huệ 59 tuổi, bà Đổng Cẩm Chi 62 tuổi và bà Đặng Tố Bích 72 tuổi bị nhắm đến vì đức tin của mình. Cả ba nữ học viên này đều bị bắt nhiều lần trong quá khứ. Trước đây bà Vệ từng bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức và 4 năm tù. Bà Đổng cũng bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức và 5 năm tù. Bà Đặng bị kết án 8 năm tù vào tháng 6 năm 2005.
Ba nữ học viên bị bắt giữ ngày 24 tháng 5 năm 2022
Ngày 23 tháng 5 năm 2022, bà Vệ, bà Đổng và bà Đặng tới huyện Kim Đường (trực thuộc thành phố Thành Đô) để phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Họ đặt tài liệu lên cả xe cảnh sát của Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường.
Ngay khi thấy tài liệu chân tướng trên xe cảnh sát, đội trưởng Trần Phúc Cương của Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường đã lệnh bắt giữ ba học viên. Trong cuộc thẩm vấn bà Vệ vào tháng 8 năm 2022, ông Trần nói với bà rằng cảnh sát đã theo dõi bà, cùng bà Đổng và bà Đặng trong suốt hành trình di chuyển của họ. Cảnh sát biết thời điểm ba học viên tới Kim Đường, những nơi họ tới phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và chuyến xe buýt mà họ trở lại Thành Đô.
Ông Trần khoe khoang rằng không có học viên Pháp Luân Công nào ở huyện Kim Đường còn dám phát tặng tài liệu chân tướng và ông ta thấy bực tức khi bà Vệ, bà Đổng và bà Đặng dám cả gan tới Kim Đường để giảng chân tướng về cuộc bức hại. Ông ta thề sẽ thúc đẩy triển khai vụ án.
Ngày ba học viên bị bắt, ngày 24 tháng 5 năm 2022, ông Trần cho sản xuất một video, nội dung chỉ hiển thị hình ảnh một bàn tay đặt tài liệu lên xe cảnh sát. Ba bà nói rằng bàn tay đó có thể là của người khác, nên video đó không thể là bằng chứng buộc tội họ được. Sau khi bà Vệ bị thẩm vấn vào tháng 8 năm 2022, họ nhận ra rằng chắc hẳn ông Trần đã bố trí người đi bộ hoặc trong ô tô để theo dõi khi họ tới Kim Đường.
Sau đó, ông Trần cũng tiếp cận em gái bà Đổng và cho bà ấy xem bức ảnh chụp sau lưng một người phụ nữ. Ông ta ép em gái bà Đổng thừa nhận người phụ nữ trong ảnh chính là bà Đổng. Không rõ bối cảnh xung quanh người phụ nữ trong bức ảnh là như thế nào, nhưng rõ ràng là ông Trần đang cố chứng minh bà Đổng đã phát tặng tài liệu chân tướng Pháp Luân Công tại một số nơi ở Kim Đường
Không lâu sau khi bị bắt, bà Đổng, bà Đặng và bà Vệ đều được tại ngoại.
Bị bắt giam trở lại vào ngày 1 tháng 6 năm 2022 và bị quản thúc tại gia 6 tháng sau khi được thả
Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường và Đồn Công an Thủy Thành đã bắt giữ ba học viên này vào đêm ngày 1 tháng 6 năm 2022. Sau vài giờ thẩm vấn tại đồn công an, ba học viên bị đưa tới Bệnh viện huyện Kim Đường để kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm COVID-19. Sau đó, họ bị đưa trở lại đồn công an.
Ngày 2 tháng 6 năm 2022, Đội An ninh Nội địa Kim Đường ra quyết định quản thúc tại gia ba học viên sáu tháng và chuyển họ cho Đồn Công an Đại Loan ở Quận Thanh Bạch Giang, cơ quan công an này phụ trách quản lý khu dân cư nơi ba học viên này cư trú. Tại thời điểm đó, họ bị giam giữ ở Đồn Công an Đại Loan gần 20 giờ.
Đồn Công an Đại Loan tiếp tục giao nhiệm vụ cho Ủy ban Đường Đại Loan, Khu dân cư Đại Loan, Khu dân cư Thạch Gia Niễn và Khu dân cư Di Hồ giám sát ba học viên khi họ bị quản thúc tại gia.
Ngày 2 tháng 6 năm 2022, nhà bà Đặng và bà Đổng bị đột kích phi pháp. Không rõ Đồn Công an Đại Loan, Đồn Công an Thủy Thành hay Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường đã tiến hành vụ đột kích. Các kinh sách Pháp Luân Công, một chiếc máy tính xách tay và hai chiếc máy tính để bàn của hai bà đã bị tịch thu. Bà Đổng còn bị tịch thu 3.600 Nhân dân tệ tiền mặt.
Một học viên địa phương khác, bà Đại Tuyết Phân, đến thăm bà Đổng ngày 1 tháng 6 năm 2022, cũng bị giam giữ một đêm tại Đồn Công an Thủy Thành và ví của bà cũng bị tịch thu.
Bị thẩm vấn vào tháng 8 năm 2022
Bà Vệ nhận được một cuộc gọi vào 1 giờ chiều ngày 19 tháng 8 năm 2022. Người gọi là người của Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường và Đồn Công an Thủy Thành. Họ lệnh cho bà phải tới báo cáo cho họ ngay lập tức. Bà tới và phải ngồi đợi. Khoảng 2 giờ chiều, một nhân viên mang số hiệu 74596 nói với bà rằng “chuyên gia” của họ sẽ tới thẩm vấn bà.
“Chuyên gia” đó nhanh chóng tới và người đó không ai khác chính là đội trưởng Trần của Đội An ninh Nội địa huyện Kim Đường. Ông ta mặc áo phông thay vì mặc cảnh phục. Ông ta cũng ngậm điếu thuốc trong miệng.
Ông Trần chỉ thị cho một nữ cảnh sát tên Mã Lan lục soát người bà Vệ trước khi lệnh cho bà ngồi xuống một chiếc ghế, phía trước có rào chắn thủy tinh.
Ông Trần thể hiện với bà Vệ rằng họ biết mọi thứ về chuyến đi ngày 24 tháng 5 năm 2022 tới Kim Đường của bà, bà Đổng và bà Đặng. Sau đó, ông ta hỏi bà có thường xuyên đọc kinh sách Pháp Luân Công cùng bà Đổng và bà Đặng không. Bà từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào và nói rằng ông ta đang cố ép bà “nhận tội”. Bà kêu gọi ông ta ngừng bức hại các học viên tuân thủ pháp luật như bà. Ông ta hét vào mặt bà nhiều lần: “Đáng lẽ bà phải chết từ lâu rồi!”
Bà Vệ vẫn bình tĩnh và cảnh tỉnh ông Trần rằng bà sẽ vạch trần tội ác của ông ta trên trang Minh Huệ. Ông ta đe dọa bà và yêu cầu bà không được làm như thế.
Cuối buổi thẩm vấn, ông Trần lệnh cho bà Vệ ký vào biên bản thẩm vấn. Khi bà yêu cầu được đọc biên bản trước, ông ta đã từ chối. Vì thế bà Vệ từ chối ký tên. Ông ta bớt gay gắt và chuyển biên bản cho bà.
Bà Vệ ký biên bản và cũng viết, cảnh sát đang phạm pháp khi cố buộc tội bà “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quen thuộc được sử dụng để kết tội các học viên Pháp Luân Công.
Ông Trần viết gì đó vào biên bản thẩm vấn sau khi bà Vệ ký tên, nhưng không cho bà đọc những gì ông ta viết. Sau đó, ông ta lệnh cho một viên cảnh sát lấy giấy triệu tập để bà Vệ ký.
Sau đó bà Vệ được thả về. Khi bà đang đợi xe buýt, một chiếc xe tải nhỏ chạy tới và bà thấy hai người của Đồn Công an Thủy Thành ở bên trong. Họ yêu cầu bà vào trong xe và lục soát túi xách của bà để xem có chiếc máy ghi âm nào có thể được dùng để ghi lại cuộc thẩm vấn trái phép của ông Trần với bà hay không. Họ không tìm thấy gì cả, và tiếp tục kiểm tra điện thoại của bà. Họ lại không thấy bất kỳ bản ghi âm nào. Họ trả lại điện thoại và túi xách của bà trước khi để bà ra khỏi xe.
Bà Đặng và bà Đổng cũng bị ông Trần triệu tập và thẩm vấn riêng trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến ngày 27 tháng 8 năm 2022. Chi tiết về cuộc thẩm vấn của họ vẫn đang được điều tra.
Bị lừa đến đồn cảnh sát vào vào 4 tháng 12 năm 2023 và bị bắt giữ
Ông Trần và nhân viên của ông ta đã sách nhiễu ba nữ học viên này nhiều lần kể từ tháng 11 năm 2023. Vào ngày 29 tháng 11 năm 2023, cảnh sát quay trở lại nhà các học viên và lệnh cho họ phải ra trình diện Văn phòng An ninh Nội địa Quận Kim Đường vào ngày 4 tháng 12 để “ký một số giấy chấm dứt vụ án của mình”. Cảnh sát cam kết sẽ xóa bỏ vụ truy tố sau khi họ hoàn tất việc ký giấy tờ.
Bà Vệ, bà Đổng và bà Đặng tin cảnh sát và đến Văn phòng An ninh Nội địa huyện Kim Đường vào khoảng 9 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 2023 theo yêu cầu. Ngay khi họ đến nơi, cảnh sát thông báo rằng họ đang thuộc diện bị giam giữ hình sự, bị buộc phải thay đồng phục tù nhân và khám sức khỏe ngay tại đó. Cả ba nữ học viên đều phát hiện bị huyết áp cao (chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn 200 mmHg), nhưng họ vẫn bị đưa vào Trại giam quận Bì Đô lúc 5 giờ chiều ngày hôm đó (quận Bì Đô nguyên là huyện Bì).
Thân nhân của ba học viên đi cùng họ đến Văn phòng An ninh Nội địa đã chất vấn cảnh sát tại sao không thông báo trước về việc giam giữ hình sự. Ông Trần cho hay, quyết định giam giữ hình sự là tuyệt mật. Ông ta tuyên bố sẽ sớm đệ trình vụ án của ba học viên lên viện kiểm sát địa phương.
Gia đình của ba học viên rất buồn khi những người thân yêu của họ vốn đã liên tục bị bức hại chỉ vì đức tin của mình, nay lại phải đối mặt với cáo trạng mới.
Bà Vệ từng bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức và 4 năm tù
Bà Vệ tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1995, hai tháng sau khi chồng bà qua đời trong một tai nạn lao động. Con gái của họ khi đó chỉ mới bốn tuổi. Pháp Luân Công đã giúp bà Vệ hiểu rằng mọi chuyện đều có nguyên nhân đằng sau, từ đó bà đã vượt qua nỗi đau và tìm lại được hy vọng trong cuộc sống. Từ một người sống cực kỳ nội tâm, bà đã chuyển sang hướng ngoại và lạc quan hơn. Sức khỏe của bà cũng được cải thiện và bà không còn phải liên tục đi khám bệnh nữa. Là giáo viên tại Trường Kỹ thuật trực thuộc Công ty TNHH Hóa chất Tứ Xuyên, bà còn trở nên kiên nhẫn và quan tâm đến học sinh hơn. Bà tình nguyện đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn và nhận được sự tôn trọng của ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và học sinh.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, các đồng nghiệp của bà Vệ tránh xa bà vì sợ bị liên lụy.
Bà Vệ đã tới Bắc Kinh vào tháng 11 năm 1999 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, cùng với cô con gái tám tuổi của mình. Cả hai mẹ con đều bị bắt. Một viên công an của Đồn Cảnh sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã tát vào mặt bà. Đồn công an Đại Loan địa phương đã tiếp nhận bà Vệ cùng con gái bà, sau khi hai mẹ con bà bị đưa về từ Bắc Kinh. Họ giam giữ bà trong 15 ngày và tống tiền bà một khoản 225 Nhân dân tệ. Con gái bà còn bị thẩm vấn riêng.
Sang ngày thứ 16, bảo vệ trường học mà bà Vệ giảng dạy đã đưa bà đến một trung tâm tẩy não và buộc bà phải trả 2.000 Nhân dân tệ. Bà cũng bị ban giám hiệu nhà trường kỷ luật. Họ quản chế bà hai năm, trong thời gian đó họ cắt lương hàng tháng của bà từ 700 Nhân dân tệ xuống còn 200 Nhân dân tệ trong một khoảng thời gian, sau đó hoàn toàn đình chỉ tiền lương của bà.
Ngày 28 tháng 9 năm 2001, bà Vệ một lần bị bắt, lần này là tại quê nhà của bà ở huyện Hán Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Bà bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại giam quận Thanh Bạch Giang ở thành phố Thành Đô. Đã ba lần, giám đốc trại giam Quách Học Cường đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra thận, được cho là liên quan đến vấn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản. Lần nào bà cũng bị phát hiện mắc bệnh sỏi thận nên đã tránh được việc trở thành nạn nhân của tội ác tàn ác này.
Sau đó bà bị chuyển đến Trại lao động nữ Nam Mộc Tư ở huyện Tư Trung. Tại đây bà bị ngược đãi đến mức tổn thương thị lực nghiêm trọng. Bà bị chứng song thị và lúc nào mắt cũng bị chói khi nhìn ánh sáng. Bà cũng cảm thấy chóng mặt.
Ngày 13 tháng 5 năm 2007, bà Vệ và ba học viên khác bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở thị trấn Tường Phúc, quận Thanh Bạch Giang. Bà bị kết án bốn năm tại Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên (nằm ở thành phố Thành Đô). Con gái của bà khi đó 15 tuổi và là học sinh cấp 3 (vốn luôn là học sinh tiêu biểu) đã phải nghỉ học vì không có tiền trang trải chi phí học tập.
Sau khi bà Vệ được trả tự do, trường học của bà không cho phép bà quay lại dạy học, ép bà nghỉ hưu sớm, và cuối cùng lương hưu của bà chỉ bằng một nửa so với những người có cùng thâm niên công tác.
Bà Đổng từng bị phạt 1,5 năm lao động cưỡng bức và bị kết án 5 năm tù
Bà Đổng, cựu nhân viên kho hàng ở quận Thanh Bạch Giang, cũng chia sẻ rằng Pháp Luân Công đã giúp bà phục hồi sức khỏe và khơi dậy hy vọng cuộc sống.
Vài ngày sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, người chủ lao động của bà đã ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, còn bắt bà đứng dưới cái nắng như thiêu đốt trong ba ngày.
Phân cục Công an quận Thanh Bạch Giang từng bắt cóc bà Đổng tại nhà và giam giữ bà tại Trại giam Lão Đại Loan trong hơn mười ngày.
Bà bị bắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2000 khi đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong một công viên. Một tháng sau, bà được trả tự do, nhưng lại bị bắt thêm ba lần nữa trong cùng năm 2000, từ tháng Tư đến tháng Bảy, cũng chỉ vì luyện Pháp Luân Công ở nơi công cộng. Đồn cảnh sát Hồng Dương chịu trách nhiệm về vụ bắt giữ bà Đổng. Họ đưa bà đến một trung tâm tẩy não sau khi bắt giữ bà vào ngày 27 tháng 7 năm 2000. Bà bị giữ ở đó một ngày và bị tống tiền 300 Nhân dân tệ.
Cuối tháng 9 năm 2000, bà Đổng cùng một học viên khác bà bà Trần Quế Quân đến huyện Tư Trung để phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Sở công an tỉnh Tứ Xuyên coi đây là một vụ việc nghiêm trọng và ra lệnh cho cảnh sát địa phương bắt giữ họ. Bà Đổng buộc phải sống tha hương để trốn tránh. Bà Trần cũng trốn thoát nhưng lại bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 9 năm tù. Bà đã bị tra tấn đến chết vào ngày 21 tháng 12 năm 2003. Khi ấy bà 59 tuổi.
Bà Đổng lại bị bắt giữ một lần nữa vào ngày 23 tháng 1 năm 2001 khi đang phát tặng tài liệu Pháp Luân Công tại huyện Tân Đô. Những người tham gia bắt giữ bà Đổng là nhân viên Cục Công an huyện Tân Đô. Họ tịch thu điện thoại di động, túi xách và 700 Nhân dân tệ tiền mặt của bà. Sau đó họ đưa bà đến Trại tạm giam huyện Tân Đô. Tại đây, bà bị cưỡng bức lao động nặng nhọc nhưng không được trả thù lao. Bà đã tuyệt thực để phản đối và sau đó bị bức thực. Lính canh thậm chí còn đổ nước bẩn hoặc nước lạnh lên người bà.
Sau 11 tháng ở trại giam, bà Đổng bị kết án một năm rưỡi lao động cưỡng bức và bị chuyển đến Trại Lao động nữ Nam Mộc Tư ở huyện Tư Trung. Bà bị cấm ngủ, theo đó mà sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Lính canh đã đưa bà đến bệnh viện và gia đình bà đã tận dụng mọi mối quan hệ để đưa bà đến một bệnh viện tốt hơn ở thành phố Thành Đô. Sau đó, phía trại giam đã phóng thích bà vì lý do tạm tha y tế.
Bà Đổng lại bị bắt vào ngày 14 tháng 4 năm 2003. Đêm đó, trong đồn cảnh sát, bà cố gắng trốn thoát ra ngoài bằng cách nhảy xuống từ cửa sổ tầng hai, kết quả là bà bị gãy xương hông và đốt sống thắt lưng. Bà được đến bệnh viện của cảnh sát và tiến hành phẫu thuật. Một tuần sau, bà tuyệt thực và yêu cầu được trả tự do ngay lập tức. Bệnh viện nhét ống truyền thức ăn vào mũi bà mỗi ngày một lần. Mũi bà bị chảy máu nhưng bác sĩ vẫn cố đặt ống truyền thức ăn vào.
Chưa đầy hai tháng sau cuộc phẫu thuật, bà Đổng bị chuyển đến Trại giam quận Thanh Bạch Giang. Khi đó, bà vẫn chưa thể đứng dậy hoặc đi lại được. Hai chân bà đau nhức đến mức không chịu nổi, như có vô số thứ gì đó đang khoan vào người. Bà không thể kiềm chế được bản thân và liên tục la hét trong đau đớn. Bà còn phải uống thuốc ngủ vào ban đêm để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác.
Khoảng tháng 3 năm 2004, bà Đổng bị đưa ra xét xử. Bà bị kết án 5 năm tù. Gia đình bà đã tìm cách giúp bà được thả về để chữa bệnh.
Khi bà còn ở bệnh viện cảnh sát, cứ ba ngày một lần, nhân viên từ Phân cục Công an quận Thanh Bạch Giang lại đến nhà bà Đổng (bà ở cùng với cha mẹ già) để gây áp lực buộc hai cụ già phải trả chi phí y tế cho con gái (khoảng 20.000 Nhân dân tệ). Cha mẹ bà Đổng không thể chịu nổi sự quấy rối và cuối cùng phải trả 5.000 Nhân dân tệ.
Cảnh sát cũng ép chồng bà Đổng phải ly hôn với bà. Mẹ của bà phải gồng gánh chăm sóc người chồng già yếu vốn không thể tự lo cho bản thân, còn phải lo lắng cho con gái. Bà Đổng sau đó đã bình phục vết thương nhờ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/9/谎称结案-成都金堂县警察绑架构陷三名法轮功学员-469101.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/12/213305.html
Đăng ngày 16-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.